[MINH HUỆ12-04-2013] Bà Chương Mỹ Địch là một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Bà từng làm việc tại Sở giáo dục Thẩm Dương, và sau đó tự mở trường tư thục. Ngày 04 tháng 07 năm 2008, công an đã theo dõi và bắt bà tại thôn Bắc Hậu, quận Vọng Hoa, Phủ Thuận. Bà đã bị giam tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia với thời hạn hai năm lao động cưỡng bức.
Vào tháng 10 năm 2009, bà bị lính canh Quản Lâm và Cận Tiểu Nhuế đánh trong một nhà kho vì không chịu ký vào “bản đánh giá” (1). Lính canh Lâm đã túm lấy cổ bà, trong khi lính canh Quản bịt miệng và tát vào mặt bà.
Trong một lần khác, khi tiếp tục không chịu ký vào “bản đánh giá”, bà lại bị lính canh Quản đánh đến mức tinh thần bất ổn và mờ mắt. Phải mất hai ngày bà mới có thể hồi phục lại.
Sau đó, bà bị ngã xuống sàn và bị gãy một cánh tay trong lúc lao động cưỡng bức. Bà được đắp thạch cao lên cánh tay gãy. Nhiều tháng trôi qua, dù khám nghiệm cho thấy tay của bà chưa hồi phục, nhưng lính canh vẫn bắt bác sĩ tháo thạch cao và bắt bà làm việc. Kết quả là cánh tay của bà bị sưng rất nặng.
Dưới đây là những sự tàn bạo mà bà Chương ghi lại tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia hồi tháng 03 năm 2009:
“Vào tháng 10 năm 2008, vì việc đánh giá mà toàn bộ các học viên, không ngoại trừ ai, đều bị đánh và sốc điện. Học viên Tề Chấn Hồng bị đánh, bị sốc bằng dùi cui điện và bị treo lên trong nhiều ngày đêm. Điều này khiến tinh thần của bà trở nên bất ổn. Bà Trương Anh Lâm cũng bị đánh và sốc điện. Kết quả là, một cánh tay của bà Trương đã bị tàn phế.
Mô phỏng tra tấn: Thượng đại quải (treo trên dây thòng lọng)
Vào tháng 12 năm 2008, đội trưởng Trương đã đánh bà Trương Anh Lâm khiến bà bị gãy tay. Bà Lô Lâm bị treo lên hai lần trong nhiều ngày đêm. Bà Tông Thục Quyên cũng bị treo lên hai lần.
Các học viên Tín Thục Hoa, Vương Xuân Anh, và Trương Quốc Trân đều bị treo lên hai lần. Bà Vương Tuấn Diễm bị treo lên nhiều lần. Các học viên Nhuận Tuấn Hoa, Vương Hải Anh, và Vương Lệ Quân cũng bị treo lên. Tôi sẽ không liệt kê tên của tất cả những người bị treo.
Dù là bị treo lên, sốc điện hay đánh đập, mục đích đều là tạo ra sự khiếp sợ. Mục tiêu cũng là khiến các học viên từ bỏ niềm tin của họ vào Chân – Thiện – Nhẫn và buộc họ “chuyển hóa”. Vậy họ có đạt được mục tiêu không? Không. Vì sao? Bởi áp bức không thể thay đổi nhân tâm con người.
Hỏa hoạn đã xảy ra tại một xưởng sản xuất đồ may mặc nữ vào ngày 04 tháng 12, và điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Không một cơ quan chính phủ nào sẵn sàng chứng nhận cho môi trường làm việc hay các thiết bị được sử dụng ở đây. Cái xưởng nhỏ này còn không có thiết bị lọc không khí để lọc bụi cotton trong không khí. Tôi phải tuốt hạt tiêu ở đây vào mùa thu. Bụi cotton bay đầy trong không khí giống như bông tuyết. Nơi này có rất ít thiết bị cứu hỏa hoặc nếu có thì rất đơn giản. Khi ngọn lửa bùng phát, các học viên bị nhốt ở trong phòng vì ngọn lửa đã lan đến cửa ra vào. Các học viên đã dùng chậu lấy nước để dập lửa. Tôi nghĩ họ sống sót là nhờ Thần Phật phù hộ những người tu Phật.
Trại lao động đã chặn mọi thông tin về việc này. Thiết bị sử dụng tại xưởng đã tồn tại 69 năm và không an toàn theo tiêu chuẩn yêu cầu hiện nay. Kết quả là, một chiếc máy đã cắt ngón tay của một học viên và bà phải khâu 19 mũi. Bà còn phải tự chi trả chi phí chữa trị. Sau đó bà buộc phải làm việc hàng ngày, thời hạn giam của bà còn bị kéo dài, và bà bị công khai chỉ trích trong một cuộc họp. Thiết bị bảo hộ duy nhất được cung cấp cho công nhân là chiếc khẩu trang. Các công nhân không được tắm sau khi lao động nặng nhọc. Trại lao động đối xử với các phạm nhân như máy móc, và kết quả là nhiều phạm nhân đã bị kiệt sức.
Việc áp bức được dùng để “chuyển hóa” các học viên và khủng bố tinh thần được dùng để tiêu diệt ý chí của người tu luyện. Những cách thức này được dùng khi một học viên không nhận tội hoặc không ký vào bản đánh giá. Nhiều học viên bị thương tích khắp người và chảy đầy máu sau khi bị đánh. Những tiếng la hét được nghe thấy hết lần này đến lần khác và lúc nào chúng tôi cũng bị khủng bố. Chúng tôi đã chứng kiến những cảnh khủng khiếp như vậy và chúng tôi thấy rất đau đớn ngay cả khi người khác bị đánh. Chúng tôi cảm thấy như chính mình là nạn nhân bị đánh và chúng tôi cảm thấy rất đau xót.
Ngoài những thống khổ và hành hạ mà các tù nhân thông thường phải chịu, thì các học viên còn bị treo lên, bị sốc bằng dùi cui điện, và bị đánh. Thật không thể chịu nổi khi nhớ lại những ngày đó.
Trại lao động thu được lợi nhuận cao thông qua lao động giá rẻ và không phải trả bất kỳ khoản thuế hay lệ phí nào. Họ tuyên bố rằng họ đã đào tạo kỹ thuật để tù nhân có thể kiếm sống. Trong dịp Tết Nguyên đán, đội trưởng Chu đã đến nhà ăn và hỏi chúng tôi có đủ ăn không. Các phạm nhân trả lời có, dù họ vẫn còn đói. Chúng tôi chỉ được cấp cho hai bữa ăn thay vì ba bữa trong năm mới. Thực đơn buổi sáng giống như thường lệ, bắp cải được nấu không có dầu ăn, và cơm trắng. Bà Lô Lâm đã nói “Không” khi trả lời câu hỏi của đội trưởng Chu. Ông ta vờ như không nghe thấy điều bà nói.
Đây là một số những điều đã xảy ra với những phụ nữ bị giam giữ trong khu nữ thuộc Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Ngoài ra còn có sự chứng thực từ các tù nhân thuộc nhóm nghiêm quản tại Khu số 3, đội quản lý đặc biệt, Khu số 2, và các trường hợp từ năm 2005, 2006, 2007. Những câu chuyện này đều rất khủng khiếp và đẫm máu.”
(1) Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia cung cấp cho mỗi tù nhân một “bản đánh giá” sau một giai đoạn thời gian, liệt kê họ đã thay đổi như thế nào sau các phiên “cải tạo” (tẩy não). Các học viên từ chối ký tên bởi vì họ bị cầm tù một cách bất công.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/4/12/沈阳法轮功学员章伟迪在马三家遭受的迫害-271969.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/5/31/140212.html
Đăng ngày 16-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.