Bài viết của học viên Vương Xuân Anh
[MINH HUỆ 09-05-2013] Một báo cáo toàn diện về Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia đã được đăng trên Tạp chí Lens (Thấu kính) ở Trung Quốc vào tháng 04 năm 2013, với tựa đề “Bước ra khỏi Mã Tam Gia”. Bài viết đã vạch trần những tra tấn tàn bạo và ngược đãi lên những người bị giam cầm ở trại lao động nằm tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh. Ngay sau đó, chính quyền tỉnh Liêu Ninh đã tổ chức một nhóm điều tra, và chỉ trong một thời gian ngắn đã kết luận (có thể đoán trước được), rằng bài viết “trái ngược nghiêm trọng với thực tế”.
Tôi đã bị giam ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia hai lần và chịu bức hại tàn bạo tại đây. Bốn người trong bài viết “Bước ra khỏi Mã Tam Gia”, được tác giả phỏng vấn, là ở cùng đội với tôi. Thực tế là những tra tấn tàn khốc đối với các học viên Pháp Luân Công ở đó còn kinh khủng hơn những gì được xuất bản trên Tạp chí Lens, và những tội ác đẫm máu của Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia là không thể bàn cãi.
Tôi tên là Vương Xuân Anh, 59 tuổi, tôi là học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Liên. Trước khi nghỉ hưu, tôi là một y tá trưởng ở bệnh viện. Tôi từng bị nhiều bệnh khác nhau trước khi tập luyện Pháp Luân Công. Tôi bị viêm dạ dày mãn tính, viêm ruột kết, viêm khớp và viêm tuyến giáp mãn tính, căn bệnh cần phải điều trị suốt đời để kiểm soát chứng năng tuyến giáp. Tôi đã sống trong đau đớn triền miên.
Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998, chỉ trong vài ngày, tất cả các chứng bệnh của tôi đều biến mất, và tôi trở nên vui vẻ và khỏe mạnh hơn. Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, tôi bị giam cầm phi pháp hai lần tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Lần đầu tiên là vào từ tháng 01 năm 2002 đến tháng 01 năm 2005, và lần thứ hai là từ tháng 08 năm 2007 đến tháng 11 năm 2009, tổng cộng là năm năm ba tháng. Tôi đã bị bức hại tàn bạo, bao gồm cấm ngủ, đánh đập, kéo căng, bị treo lên bằng còng tay, buộc phải lao động nặng nhọc.
Màn tra tấn đầu tiên mà tôi phải chịu đựng – Treo chéo
Sáng ngày 29 tháng 12 năm 2007, tháng thứ ba tôi bị giam tại Mã Tam Gia, tôi đã từ chối ký vào một biên bản do các tù nhân yêu cầu, vì ngay điều đầu tiên trong biên bản là một lời thú tội. Tôi tu luyện Pháp Luân Công theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của pháp môn, để trở thành một người tốt. Việc tu luyện của tôi là không sai. Tôi không phạm tội gì, và tôi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng được Hiến Pháp Trung Quốc công nhận, vì thế tôi đã từ chối ký. Đội trưởng Trương Xuân Quang và chính trị viên Lý Minh Ngọc, trợ lý Địch Diễm Huy, cùng tổng cộng sáu lính canh đã dùng hình thức treo chéo (treo lên theo đường chéo) để tra tấn tôi. Điều này được thực hiện bằng cách còng cả hai tay, một tay bị còng vào thành giường trên của giường sắt, và tay kia còng vào thành giường dưới của giường sắt. Bằng cách này, một người không thể đứng hay ngồi xổm. Còng tay thì chặt đến mức cắt vào cổ tay của nạn nhân.
Mô phỏng tra tấn: Treo chéo, một phương pháp tra tấn được các lính canh tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia áp dụng cho các học viên Pháp Luân Công
Thời tiết ở thành phố Thẩm Dương là -17 hay -18 C (khoảng 0 F) vào mùa đông, nhưng tôi đã đổ mồ hôi đầm đìa trong đau đớn tột cùng, và hai bàn tay của tôi lập tức sưng lên và bầm đen.
Trong lúc tôi bị trói chặt vào giường, các lính canh dùng chân đá mạnh vào giường để cánh tay của tôi bị kéo căng hơn nữa. Tôi cảm thấy cơ thể mình như bị xé toạc ra. Mỗi hai hoặc ba giờ, các lính canh rung lắc các còng tay để gia tăng đau đớn. Tôi cảm thấy như có người xát muối lên các vết thương hở của mình.
Trong thời gian tôi bị tra tấn theo cách này, các lính canh liên tục thúc giục tôi ký vào biên bản. Tôi từ chối, và màn tra tấn lại tiếp tục. Lúc đó họ cũng không cho tôi thức ăn hay nước uống, và cũng không cho tôi dùng nhà vệ sinh.
Tôi được tháo ra khỏi màn tra tấn này vào lúc 1 giờ 30 sáng. Sáng hôm sau, tôi lại bị treo lên theo cách này trong 16 giờ. Tay của tôi bị sưng phồng lên, và da trên cổ tay của tôi đã bị còng tay cắt ở nhiều nơi, và bê bết máu khô.
Lần thứ hai tôi bị treo lên bằng còng tay để tra tấn
Tại Mã Tam Gia, mỗi tháng tôi đều bị bức hại khi từ chối ký vào bản đánh giá. Đôi khi, các lính canh còn xúi giục các tù nhân bắt tôi điền vào biên bản, hai bàn tay của tôi bị chảy máu do bị đâm sâu bằng ngòi bút.
Lần thứ hai tôi bị tra tấn vào ngày 07 tháng 10 năm 2008, vì tôi tiếp tục từ chối “thừa nhận tội” và ký tên vào bản đánh giá. Thời gian này Dương Kiện, là giám đốc Trại lao động Mã Tam Gia lúc đó, cùng với đội trưởng lúc đó là Vương Duyên Bình, và là người chịu trách nhiệm về hoạt động chung ở Mã Tam Gia, cựu đội trưởng Trương Xuân Quang và Lý Minh Ngọc, và hai lính canh nam, Bành Đào và Trương Lượng ở khu giáo dục, đã tra tấn tôi theo một hình thức khác là treo lên.
Bành Đào và Trương Lượng còng tay tôi rất chặt, rồi dùng hai mảnh vải dài để buộc hai cổ tay, và cột hai tay về phía đầu giường. Sau đó họ đứng ở chân giường, mỗi người một bên, và kéo hai bàn chân tôi. Toàn thân tôi bị kéo căng từ đầu giường đến cuối giường. Họ còng hai bàn tay tôi vào dát giường phía trên. Toàn bộ trọng lượng cơ thể của tôi đè lên trên cổ tay.
Lúc đó, họ dùng miếng vải rộng khoảng 15 cm bó xung quanh hai đầu gối và bàn chân tôi, khiến tôi không thể cử động. Tôi cảm giác như người mình đang bị xé thành từng mảnh. Mồ hôi tôi chảy đầm đìa, khiến quần áo ướt đẫm. Tôi gần như đã bất tỉnh. Hai bàn tay và cổ tay của tôi nhanh chóng chuyển sang màu tím. Màn tra tấn này kéo dài trong 23 tiếng. Hình thức này còn tồi tệ hơn lần trước. Sự đau đớn thấu xương này không thể miêu tả bằng tất cả các từ ngữ của con người.
Các vết sẹo do tra tấn
Một y tá xuất hiện và cố gắng bắt tôi nuốt vài viên thuốc trị đau tim, nhưng tôi không chịu mở miệng. Người y tá này bóp mũi tôi và đánh vào miệng tôi đến khi tôi không thể nín thở lâu hơn, và phải há miệng để thở. Khi tôi mở miệng, người y tá nhanh chóng nhét chín viên thuốc vào miệng tôi.
Đội trưởng Vương Duyên Bình và kẻ bất lương Bành Đào còn giật tóc và liên tục tát vào mặt tôi. Trong lúc đánh tôi, Vương Duyên Bình nói: “Vậy bà sẽ tố cáo tôi lên website Minh Huệ chứ?” Tóc của tôi bị giật gần hết. Ngay sau đó, một viên chức khác đã đến và mang theo thuốc chữa đau tim. Ông ta bóp mũi tôi để cố gắng đổ thuốc vào miệng tôi. Ai đó đã hét lên: “Đừng làm như thế. Bà ấy đã bị bức thực chín viên rồi.” Viên chức này nói: “Chính xác! Tôi có thêm chín viên nữa đây.”
Khoảng 8 giờ tối hôm đó, khoảng 100 người từ hai đội đã đến căn phòng phía trước để lấy giường và chuẩn bị đi ngủ. Tôi đã hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” “Pháp Luân Đại Pháp là con đường chân chính!” Cựu đội trưởng Trương Xuân Quang và Lý Minh Ngọc đã chạy đến với cuốn băng keo và hét lên: “Bà vẫn dám hô Pháp Luân Đại Pháp hảo và còn dám hét như vậy hả?” Cùng lúc đó, họ dùng băng keo màu vàng, rộng 13-15 cm để dán miệng tôi lại, rồi còn vòng mấy lần quanh đầu tôi. Mũi của tôi bị ép dẹt lại. Điều đó khiến tôi khó thở. Tôi bị dán băng keo như vậy đến tận 10 giờ sáng hôm sau. Khi họ tháo dây băng keo, nó còn dính tóc của tôi trong đó. Cả mũi và miệng của tôi đều chảy máu.
Cứ một khoảng thời gian thì các lính canh lại lắc còng tay để nó cắt vào cổ tay tôi. Vùng da quanh cổ tay của tôi bị rách toàn bộ. Điều này diễn ra đến tận 02 giờ 30 chiều ngày 08 tháng 10, tổng cộng 23 tiếng. Trong 23 tiếng này, các lính canh không đưa thức ăn hay nước uống, hoặc cho tôi dùng nhà vệ sinh. Khi còng tay được tháo ra, tôi mất cảm giác ở cánh tay và bàn tay. Khi dùng nhà vệ sinh, tôi thậm chí còn không dùng được tay để kéo quần lên. Còng tay đã khiến vùng da cổ tay của tôi bị rách và bao phủ toàn máu khô. Có rất nhiều vết phồng với nhiều kích cỡ khác nhau.
Các cơ ở bắp tay tôi sau đó bị teo và co lại, giống như cánh tay của một đứa trẻ. Cả hai bàn tay của tôi cũng bị teo, đầu móng tay của tôi cũng mỏng lại và nhọn, và những vết đen trên ngón tay của tôi vẫn còn có thể nhìn thấy rất rõ.
Các học viên khác cũng chịu cùng cách tra tấn này lúc đó, gồm có học viên Tề Chấn Hồng, Trương Anh Lâm, Lô Lâm, Chung Thục Quyên, và Diêm Tuấn Hoa. Việc tra tấn đã khiến tinh thần của bà Tề Chấn Hồng suy sụp sau đó. Như trường hợp của học viên Trương Anh Lâm, sau vài ngày, hai cánh tay của cô đã bị gãy trong lúc các lính canh dùng sức bắt cô ký tên lên một mảnh giấy.
Mô phỏng tra tấn: Treo lên bằng còng tay – Bà Vương Xuân Anh đã bị tra tấn theo cách này tại Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia
Cưỡng ép xét nghiệm máu – Chuẩn bị cho việc mổ cướp nội tạng
Vào ngày 12 tháng 05 năm 2008, khoảng 200 người, bao gồm các học viên Pháp Luân Công và bị những người bị giam cầm ở Đội số 1 và Đội số 2, bị đưa đi xét nghiệm máu. Truyền thông ở nước ngoài trước đó đã vạch trần tội ác mổ cướp nội tạng có hệ thống từ các học viên Pháp Luân Công còn sống vào ngày 08 tháng 03 năm 2006, vì vậy tôi biết việc xét nghiệm máu được tiến hành để chuẩn bị cho việc cấy ghép nội tạng. Bởi vì tôi không chịu đi xét nghiệm máu, một vài lính canh đã bước đến kéo tôi đi. Tôi nắm chặt tay nắm cửa, vật lộn bằng tất cả sức lực của mình, nhưng cuối cùng đã bị chín lính canh đưa đi, trong đó có hai nam bảo vệ của Bệnh viện Mã Tam Gia đến đó để lấy máu. Tôi bị ép nằm trên giường. Tôi không thể cử động, vì vậy tôi hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Bức hại đệ tử Đại Pháp là tội ác!”
Vương Duyên Bình nắm lấy một cái gối và đè nó trên mặt tôi. Đột nhiên, mọi thứ trở nên tối đen, và tôi không thể thở được. Tôi tuyệt vọng lắc đầu từ bên này sang bên kia và đầu tôi bị đập vào tường. Bằng cách nào đó tôi đã tìm được một khoảng nhỏ giữa cái gối và bức tường để thở, và suýt chết ngạt.
Đó là cách mà các lính canh đã lấy thành công 5 ml máu của tôi. Tôi đã có 30 năm kinh nghiệm làm y tá, và tôi biết họ chỉ cần 2 ml máu để kiểm tra chức năng của gan và thận. Rõ ràng họ còn muốn xét nghiệm cho các mục đích khác.
Tôi đã trải qua 30 năm trong nghề y tá. Tôi đã làm nhiều xét nghiệm sinh hóa, và tôi biết rằng đối với việc kiểm tra chức năng gan và thận, chỉ cần 2 ml máu là đủ. Nhưng họ đã lấy 5 ml.
Tín Thục Hoa, một học viên ở Bản Khê, bị giam cùng với tôi tại Mã Tam Gia. Cô cũng bị tra tấn liên tục từ năm 2002 đến năm 2004 vì kiên định vào niềm tin của mình. Chính trị viên Vương Nãi Dân ở Mã Tam Gia đã nói với cô: “Không phải cô đang tu luyện để trở nên từ bi hơn sao? Vậy, hãy từ bi và tặng trái tim của cô đi.” Cô Tín đã trả lời: “Tôi cần phải sống để tu luyện.” Vương trả lời: “Điều đó không phụ thuộc vào cô. Tôi sẽ gửi cô đến Tô Gia Đồn.” Tô Gia Đồn là tên của một bệnh viện được cho là nơi có số lượng lớn nội tạng của học viên Pháp Luân Công bị lấy đi.
Vương Nãi Dân sau đó lập tức gọi điện đến bệnh viện Tô Gia Đồn. Bệnh viện thông báo sẽ cử xe đến vào lúc 9 giờ tối hôm đó. Nhưng không có xe nào xuất hiện. Ngày hôm sau, Vương Nãi Dân lại gọi điện đến bệnh viện một lần nữa. Họ lại dự kiến cử xe đến vào buổi chiều, và lại không có xe xuất hiện. Điều tương tự lại xảy ra vào ngày thứ ba. Cuối cùng, Vương Nãi Dân không thể làm gì được và bỏ cuộc.
Cùng với tôi còn có học viên Ngụy Diễm Hoa ở Thiết Lĩnh, người biết rất nhiều về hậu trường đằng sau cuộc bức hại. Vương Nãi Dân nói với cô ấy: “Với người như cô, chúng tôi sẽ gửi cô đến Tô Gia Đồn.” Một buổi tối năm 2005, nhiều lính canh nam đã đưa cô Ngụy đi và từ đó không còn tin gì về cô ấy nữa.
Các hình thức tra tấn khác nhau mà tôi phải chịu tại Mã Tam Gia chỉ là phần nổi của tảng băng trôi trong cuộc đàn áp mà các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải chịu đựng.
Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy bắt đầu một cuộc điều tra độc lập về những tội ác được cáo buộc xảy ra tại Trại Mã Tam Gia dựa trên các bằng chứng, và công bố các kết luận, để tất cả những kẻ tham gia bức hại sẽ bị truy xét và đưa ra công lý, để cho tất cả những bất công mà các học viên Pháp Luân Công đã và đang chịu đựng tại Mã Tam Gia có thể được bù đắp.
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2013/5/9/主管护师-马三家血腥的罪恶抹煞不掉-273260.html
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2013/5/28/140157.html
Đăng ngày 16-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.