Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-05-2013]  Sau khi Tạp chí Lens của Trung Quốc Đại lục đăng bài viết “Bước ra khỏi Mã Tam Gia”, bài viết đã thu hút được nhiều độc giả cả trong và ngoài Trung Quốc. Tạp chí New York Times và Deutsche Welle cũng đăng các bài viết tiếp theo về sự tàn bạo của Trại Mã Tam Gia. Sự tàn bạo đối với những người bị giam giữ được đưa tin, đặc biệt là phụ nữ, là rất khủng khiếp. Trong lúc dư luận đang chú ý đến các nữ học viên, thì việc bức hại trên diện rộng các nam học viên Pháp Luân Công ở Mã Tam Gia lại bị bỏ qua. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phủ nhận sự tồn tại của các tù nhân nam ở trại lao động. Tuy nhiên, những thông tin chi tiết dưới đây sẽ cho thấy điều đó là không chính xác.

Các nam học viên bị giam tại Khu số 6

Có 34 nam học viên bị giam tại “Khu cho người mới” ở Mã Tam Gia từ ngày 19 tháng 11 năm 1999, đến đầu tháng 08 năm 2000. Năm người trong đó bị chuyển đến Khu số 6 của trại lao động để tẩy não.

Hơn 10 nam học viên và 10 nữ học viên bị đưa đến Mã Tam Gia vào ngày 29 tháng 02 năm 2000. Đầu của họ bị cạo trọc và các nam học viên thì luôn phải giữ quần vì họ không được đeo thắt lưng, và bất kể là thời tiết lạnh thế nào, họ vẫn chỉ được phép mặc một quần lót mỏng. Các nam học viên bị đưa đến Khu số 6, là nơi không xa với khu nhà giam nữ. Hơn nữa, các học viên đều bị khám xét khi vào phòng giam. Túi xách của họ cũng bị khám và họ phải nộp lại tất cả tiền của mình.

Các học viên bị buộc phải đọc sách, xem băng hình, và nghe các băng ghi âm vu khống Pháp Luân Công. Họ còn phải đứng gập người trong thời gian dài, với hai tay chạm chân. Các học viên không được phép nhìn hay chào nhau.

Khi các quan chức ở chính quyền trung ương, chính quyền tỉnh, và phóng viên đến Mã Tam Gia trước Tết Âm lịch năm 2001, các lính canh đã tập hợp tất cả các học viên từ chối từ bỏ tín ngưỡng của họ và giấu họ đi. Sau đó, khi các phóng viên nước ngoài đến thăm trại, tất cả nam học viên đều bị chuyển về các trại tạm giam ở địa phương của họ, vì thế không tìm thấy nam học viên nào ở đó.

Từ chối tẩy não

Năm 2001, các lính canh đã tập hợp các nam học viên bị giam cầm, khoảng 30 học viên, đưa đến khu nữ để xem các chương trình phỉ báng Pháp Luân Công. Khi chương trình được chiếu nửa chừng, học viên Phùng Cương ở Đại Liên, người ngồi ở hàng ghế đầu, đã đứng dậy và hét lớn: “Các ông không được phỉ báng Sư phụ tôi!” Giọng ông giống như một tiếng sấm. Nó không chỉ khiến mọi người trong phòng bị sốc, mà còn làm chương trình dừng lại. Một học viên nam khác sau đó đã đứng dậy và bước ra khỏi phòng, ông nói: “Điều này thật quá độc ác”. Khi các học viên khác đứng dậy và ra ngoài, họ bị các viên chức chặn lại. Các lính canh đã đánh ông Phùng. Một nữ học viên trẻ đã hét to với lính canh để ngăn họ đánh ông Phùng. Toàn bộ các nam học viên bị đưa về lại khu nam.

Lao động cưỡng bức cường độ cao khiến các học viên bị bất tỉnh

Nằm ở quận Vu Hồng thuộc thành phố Thẩm Dương, Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia có một trang trại khoảng 330 mẫu Anh (hơn 1.335 km2), gồm nhiều cánh đồng lúa, đất khô, và ruộng rau. Trước cuộc đàn áp Pháp Luân Công, các quan chức trại lao động đã thuê người dân địa phương làm việc ở trang trại, và các tù nhân sẽ giúp họ. Vào tháng 10 năm 1999, sau khi nhiều học viên bị đưa tới trại từ các khu vực khác nhau ở tỉnh Liêu Ninh, chỉ có các học viên nam và các tù nhân làm việc ở trang trại. Khi làm việc ở ruộng lúa, họ phải ngâm mình trong nước ngập đến thắt lưng vài giờ mỗi ngày.

Do phải lao động nặng nhọc và bị các lính canh đánh đập, 29 nam học viên đã bị chấn thương ở các mức độ khác nhau, một số thậm chí còn bất tỉnh. Họ gồm các học viên: ông Bành Canh, ông Phùng Cương, ông Lưu Khánh Minh, và ông Dương Truyền Quân. Ông Dương Truyền Quân đã bị hôn mê hơn 10 tiếng, còn ông Phùng Cương bị thương trên mặt và ở các ngón tay.

Các lính canh còn ra lệnh cho các học viên phải quỳ trên sỏi với trọng lượng rất nặng trên vai. Ông Phùng Cương đã bị tra tấn như vậy nhiều lần, cho đến khi [cơ thể] ông bị biến dạng.

Các nữ học viên cũng bị ép phải làm việc trên ruộng kể từ tháng 06 năm 2000. Bà Diêm Thục Cần đã bị ngất xỉu trên ruộng lúa do tuổi tác và sức khỏe yếu.

Bị bỏ vào thúng mang ra ruộng để làm việc

Các nam học viên phải làm việc trên ruộng ngô. Các nữ học viên cũng làm việc trên cùng cánh đồng vào ngày hôm sau. Theo người dân địa phương, các viên chức trại trả 30 nhân dân tệ một ngày để thuê họ làm việc, nhưng không ai sẵn sàng làm việc đó.

Các viên chức trại lao động yêu cầu tất cả các học viên, không phân biệt tuổi tác hoặc thể chất, làm việc này. Họ phải làm việc ít nhất 14 giờ hàng ngày, đôi khi còn lâu hơn. Điều này thường kéo dài trong 15 ngày liên tiếp. Các học viên bị kiệt sức và có nhiều chấn thương, do bị đánh hoặc bởi công việc khắc nghiệt. Nhiều lính canh nói: “Nếu các ông không làm việc này, chúng tôi kiếm tiền kiểu gì?”

Học viên Lữ Khai Lợi ở Đại Liên bị đưa đến Mã Tam Gia vào năm 2000 trong thời hạn một năm. Có lần ông bị buộc phải đứng dưới ánh nắng gay gắt trong một thời gian dài và không được cử động. Các học viên khác bị giam với ông gồm có các học viên ở Đại Liên là ông Hàn Phi, ông Phùng Cương (người sau đó đã qua đời vì tra tấn) và ông Điền Quân. Lính canh đã lột đồng phục trại lao động của ông Điền, khiến ông phải đứng trần truồng dưới ánh nắng. Họ cũng không cho ông nước uống. Khi mẹ ông đến thăm, ông đã hỏi mẹ nước uống vì ông rất khát.

Ông Lữ Khai Lợi

Các nam học viên bị buộc phải lao động nặng nhọc mỗi ngày. Họ phải trồng ngô và lúa, nhưng chỉ được cung cấp thực phẩm tối thiểu để ăn mỗi ngày. Kết quả của việc thiếu dinh dưỡng kéo dài là sự mệt mỏi thể chất và căng thẳng tinh thần, đôi chân ông Lữ Khai Lợi bị sưng và không thể đi lại được. Tuy nhiên, các lính canh vẫn bắt ông làm việc ngoài đồng, và ra lệnh cho các tù nhân cho ông vào một cái thúng rồi mang ông đến ruộng ngô để làm việc. Để phản đối cách đối xử tàn nhẫn này, ông Lữ và nhiều học viên khác đã nhiều lần tuyệt thực trong một năm bị giam giữ của họ. Một trong những lần tuyệt thực kéo dài hơn một tháng là vào tháng 04 năm 2001. Lính canh đã bức thực họ bằng thức ăn, rượu, bột hạt tiêu nóng, và muối.

Các học viên thường bị đánh đến chảy máu. Sau đó họ bị đổ muối vào vết thương và buộc phải đứng dưới nắng gắt trong thời gian dài. Đôi khi, các tù nhân được lệnh đánh đập học viên 18 lần một ngày. Kết quả là, trên người các học viên có đầy những vết loét chảy máu. Các vết loét thường chảy máu khi họ làm việc ngoài đồng, và máu còn khiến cho quần áo dính chặt vào da thịt của các học viên.

Ông Lữ hiện đang bị giam tại Nhà tù Cẩm Châu. Đã hai năm tám tháng từ lúc ông bị tàn tật vì bức hại, và ông không thể tự chăm sóc bản thân. Gia đình cũng không được vào thăm, và ông cũng không được chữa trị y tế hay tư vấn pháp lý.

Vết thương mưng mủ và có giòi ở các vết loét

Khi một học viên phản đối tra tấn ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, các lính canh đã dùng gậy gỗ đánh mạnh vào lưng ông. Do không được điều trị, vết thương bị lở loét, và một thời gian sau, mủ và giòi bọ bắt đầu rỉ ra ngoài.

Khi ông Thôi Truyền Quân bị giam tại Mã Tam Gia, các lính canh đã treo ông lên tường trong hơn ba tuần. Họ còn cột dây trói tay chân ông rồi kéo căng ra.

“Ngồi trên một khúc gỗ”

Vào tháng 08 năm 2000, các học viên đã bị tra tấn bằng màn tra tấn gọi là “ngồi trên một khúc gỗ.” Mỗi khối được làm bằng gỗ cứng rộng khoảng 12,7 cm, dài gần 1 m và có các cạnh sắc. Ba học viên bị buộc ngồi trên một khúc, với chân ở hai bên. Nếu ngồi trên đó mà không mặc quần áo dày, thì mông của họ sẽ bị thương và chảy máu. Các vết loét chuyển thành ghẻ lở và sau đó bị chai lại.

Buộc phải quét dọn đường và rác ở trong trại

Một học viên trước đây bị giam trong Mã Tam Gia nói: “Tôi bị giam trong ba tháng tại Trại lao động Thanh niên Mã Tam Gia. Đó là tháng 08 năm 2000 và chúng tôi có 34 người. Không lâu sau, chúng tôi bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia. Trong khoảng một năm, các nam học viên phải chịu trách nhiệm quét dọn các con đường chính và dọn rác ở bên trong trại.”

Bị sốc bằng dùi cui điện

Khu số 03 ở Đội 01 của Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia là một nơi đặc biệt để tra tấn các học viên. Sau khi nó được mở vào ngày 29 tháng 09 năm 2008, tất cả nam học viên từ Đội 1 và Đội 2 của trại, cũng như các học viên từ các thành phố khác, đều bị chuyển đến Khu số 3. Hơn 100 học viên bị giam ở đó, và các lính canh dùng nhiều phương pháp khác nhau để tra tấn họ. Nhân viên Vương Ngạn Dân đã nhiều lần nói rằng ông ta được khoán làm chết hai người và sẽ giao khoán cho bất cứ ai cần. Tất cả các dùi cui điện dùng để tra tấn các học viên đều có điện áp 800.000 volt.

Khi ông La Thuần Quý, 55 tuổi, bị tra tấn, ông đã hô lên: “Pháp Luân Đại Pháp Hảo!” Các lính canh sau đó đã sốc điện vào miệng ông trong nửa giờ. Miệng ông bị sưng lên, còn răng của ông bị lung lay. Mặc dù những chấn thương rõ rệt của ông, các lính canh vẫn tiếp tục sốc điện vào mặt, cổ và nhiều bộ phận khác trên người ông trong hơn hai tiếng. Vì ông cự tuyệt từ bỏ tín ngưỡng của mình, các lính canh đã bắt ông đứng và còng tay ông vào thanh sắt phía trên của giường tầng trong ba ngày.

Ông Trịnh Húc Quân, tốt nghiệp tiến sĩ từ Học viện Khoa học Trung Quốc, đã bị năm lính canh sốc điện trong hơn một tiếng. Lính canh Lý Mãnh sau đó đã tra tấn ông Trịnh, và bắt ông đứng úp mặt vào tường ở hành lang. Ngoài ăn uống và dùng nhà vệ sinh, ông Trịnh phải đứng từ 05 giờ 20 phút sáng cho đến nửa đêm. Điều này lặp đi lặp lại trong một tuần. Một học viên khác, ông Tôn Thư Thầm bị suy sụp tinh thần là kết quả của những cú sốc điện cường độ mạnh.

Tra tấn tàn bạo kéo dài

Anh Thái Siêu, 22 tuổi, có lần bị trói hai bàn chân vào thanh đòn bên dưới của giường tầng và hai chân tỳ vào đầu giường. Hai bàn tay anh bị còng, và người anh bị gập xuống về phía trước với hai cánh tay bị kéo căng. Các lính canh đã dùng dây thừng để kéo căng hai tay anh. Nếu các lính canh thấy hai tay của anh đã bị tê liệt, họ sẽ thả ra trong 10 phút rồi sau đó tiếp tục lặp lại. Trong thời gian đó, các lính canh còn sốc điện vào cổ, hai bàn tay, bụng, và lưng anh. Họ đã tra tấn anh Thái theo cách này ba lần trong hơn năm tiếng. Khi họ bỏ anh xuống, anh không thể nhấc nổi tay hoặc đứng dậy, và phải mất một tháng rưỡi để hồi phục. Ông Lý Hải Long cũng bị kéo căng ba lần như vậy trong hơn ba tiếng rưỡi. Thậm chí hai tháng sau ông cũng không thể đi lại bình thường.

Ông Tôn Nghị bị đánh và bị sốc điện bằng dùi cui điện, sau đó họ bắt ông đứng trong hai tháng. Hai chân ông bị sưng và chảy máu từ nhiều vết thương hở. Người ông rất gầy yếu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/5/4/马三家教养院男队不为人知的罪恶-272849.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2013/5/20/140022.html

Đăng ngày 05-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share