Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-05-2013] Bà La Trường Vân, gần 60 tuổi, từng là giáo viên tiếng Anh tại Trường Trung học Vĩnh Hồng thuộc thành phố An Khang, tỉnh Thiểm Tây. Hơn 14 năm qua, bà đã bị cưỡng bức lao động ba lần, và bị kết án 5 năm tù giam; tất cả chỉ vì bà tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Vì bà bị bắt giữ bất hợp pháp nên đã khiến cho cha bà đau buồn mà qua đời. Mẹ của bà bị nằm liệt giường. Còn chồng của bà do không thể chịu được việc liên tục bị cảnh sát quấy nhiễu nên đã ly dị với bà. Hai người con gái của bà cũng bị liên luỵ. Hiện nay bà đã được trả tự do nhưng vẫn không ngừng bị quấy rối.

Bà La đã từng chịu đựng vô số vấn đề về sức khoẻ, bao gồm viêm khớp dạng thấp. Bà bị đau khắp cả thân người, và các ngón tay của bà đã bị biến dạng. Bà khó có thể tự chăm sóc cho bản thân mình. Những triệu chứng này đã biến mất ngay sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1997.

Thật không may, kể từ khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công vào tháng 07 năm 1999, bà La liên tục bị các nhân viên của phòng 610 ở địa phương và các viên chức từ Đội An ninh Nội địa quấy rối.

Các viên chức không ngừng quấy rối bà tại nhà và đã bảy lần lục soát nhà của bà một cách bất hợp pháp. Họ đã lấy đi 2 máy tính của bà, 3 đầu đĩa DVD, một máy đọc sách điện tử, vài chiếc điện thoại di động, nhiều máy nghe nhạc mp3 và mp4, văn phòng phẩm của mấy đứa con bà, và hàng chục băng cassette các bài giảng của bà, cũng như tiền mặt và thẻ ngân hàng. Toàn bộ giá trị tài sản bị đánh cắp lên đến hơn 100.000 nhân dân tệ.

Phòng 610 ở An Khang cũng gây áp lực với trường học nơi bà công tác. Các lãnh đạo trường đã cắt lương của bà khi bà bị giam giữ trong trại cưỡng bức lao động. Họ không để bà quay lại dạy học sau khi bà được thả ra.

Bị tra tấn trong tù

Bà La đã bị bắt giữ tám lần trong suốt 14 năm qua. Bà đã bị tra tấn trong tù. Bà đã bị cùm, bị trói và buộc, bị xỉ nhục bằng việc phải đi diễu hành vòng quanh xà lim, bị đánh dập tàn nhẫn, và bị bức thực một cách dã man.

Bà đã bị lao động cưỡng bức bất hợp pháp ba lần. Một trong những lần này là phải làm việc bên ngoài trại lao động. Hai lần khác bà bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức nữ ở tỉnh Thiểm Tây trong thành phố Tây An. Bà liên tục bị đánh đập, bị trói, và bị treo lên trong trại.

Ngay trước khi Thế vận hội Olympics Bắc Kinh năm 2008 diễn ra, Phòng 610 ở An Khang đã đưa bà La vào danh sách “truy nã”. Cảnh sát đã bắt bà tại Quảng Châu. Bà đã bị kết án 5 tù giam và bị giam giữ tại nhà tù nữ tỉnh Thiểm Tây. Ở trong tù, bà bị đánh đập hằng ngày, bị bức thực, bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc, bị treo lên, bị chửi rủa, không cho đi vệ sinh và ngủ, và bị buộc phải lao động khổ sai. Tù nhân Đặng Dĩnh đã dẫm lên đầu gối của bà và làm cho chúng bị tổn thương nghiêm trọng. Phải mất hơn một năm bà mới hồi phục.

Cha chết vì đau buồn, mẹ bị liệt và chồng đòi ly dị

Dịp Tết năm 2001 là lần đầu tiên bà bị giam giữ trong trại lao động cưỡng bức. Cha của bà đã rất đau buồn vì sự bất công mà bà phải gánh chịu và sau đó ông đã chết vì đau buồn.

Trong năm 2006, chồng của bà đã viết đơn ly dị sau khi ông liên tục bị cảnh sát tìm kiếm và quấy rối tại nhà.

Năm 2008, nhân viên an ninh Ngô Tinh Sinh đã thẩm vấn mẹ của bà tại nhà sau khi bà La bị bắt giữ. Người phụ nữ 80 tuổi đã rất sợ hãi và không thể chịu đựng được nữa. Bà đã bị liệt sau đó.

Người con gái lớn của bà tìm một công việc ở xa nhà để tránh bị liên lụy. Người con gái út của bà vẫn còn đi học. Cô ấy đã rất sợ hãi và không thể tập trung vào việc học hành của mình do bị quấy nhiễu.

Chịu sự kiểm soát của cảnh sát

Bà La đã được thả về nhà vào tháng 02 năm 2013. Bà không thể suy nghĩ mạch lạc, thị lực kém, các ngón tay bị biến dạng. Hiện nay gia đình của bà đã tan nát và bà vẫn nằm trong sự kiểm soát của cảnh sát. Các cảnh sát thậm chí còn không cho phép bà đến thăm con gái và cháu ngoại của bà, những người hiện đang sống ở một thị trấn khác.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/5/24/十四年迫害家破人亡-陕西女教师仍被监控-274419.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/11/140974.html

Đăng ngày 13-08-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share