Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 04-05-2025] Tháng 4 năm 2025 ghi nhận thêm 16 học viên Pháp Luân Công qua đời do bị bức hại vì đức tin.
1 trường hợp tử vong xảy ra vào năm 2013, 1 trường hợp vào năm 2016, 1 trường hợp vào năm 2023; 4 trường hợp vào năm 2024; và 9 trường hợp khác được ghi nhận từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2025. Do sự kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), việc bức hại các học viên Pháp Luân Công vẫn luôn không thể được báo cáo kịp thời, cũng như không phải mọi thông tin đều có sẵn.
16 học viên, trong đó có 11 phụ nữ, có độ tuổi từ 53 đến 87 khi qua đời. 2 người ở độ tuổi 50, 4 người ở độ tuổi 60, 7 người ở độ tuổi 70 và 3 người ở độ tuổi 80.
Các học viên qua đời đến từ 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc khu tự trị, trong đó tỉnh Hà Bắc ghi nhận nhiều trường hợp nhất với 5 trường hợp. Hắc Long Giang đứng thứ hai với 4 trường hợp. Cát Lâm và Ninh Hạ mỗi nơi 2 trường hợp. Ba khu vực còn lại, bao gồm Bắc Kinh, Giang Tô và Tứ Xuyên, mỗi nơi báo cáo 1 trường hợp.
Một người đàn ông 76 tuổi qua đời trong bệnh viện nhà tù trong khi thụ án không rõ thời hạn. Vợ/chồng của hai học viên đã qua đời trước họ nhiều năm, cũng do bị bức hại. Một người mẹ 75 tuổi qua đời chỉ 2 tháng sau cái chết của con gái bà, người đã mất không lâu sau vụ sách nhiễu mới nhất của cảnh sát. Hầu hết các học viên khác qua đời do bị giam cầm dài hạn, tra tấn, sách nhiễu và/hoặc bức hại tài chính.
Dưới đây là một số trường hợp tử vong tiêu biểu. Danh sách đầy đủ các học viên qua đời có thể được tải xuống tại đây (PDF).
Tử vong trong khi bị giam giữ
Cặp vợ chồng bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công, người chồng mất trong tùÔng Vương Lập Công ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời vào khoảng tháng 11 năm 2024 khi đang thụ một bản án tù không rõ thời hạn vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Không rõ ông Vương, người từng làm việc tại một Viện nghiên cứu, bị đưa vào nhà tù Công Chủ Lĩnh khi nào. Một người trong cuộc tiết lộ rằng vào tháng 11 năm 2024, ông bị táo bón nặng và phải thụt rửa nhiều lần tại bệnh viện nhà tù. Sau đó, ông được chuyển đến khu dành cho người già yếu, tại đây ông bị xuất huyết não và chết trong bệnh viện nhà tù.
Ngày 18 tháng 5 năm 2023, khổ nạn của ông Vương bắt đầu khi ông bị các cảnh sát mặc thường phục bắt giữ lúc rời khỏi tòa nhà chung cư của mình. Họ giật lấy chìa khóa của ông và lục soát nhà ông. Họ tịch thu hàng chục cuốn sách Pháp Luân Công, 3 chiếc máy tính, 3 chiếc máy in và các tài liệu chân tướng Pháp Luân Công.
Trong lúc lục soát, cảnh sát không xuất trình lệnh khám xét và họ giữ ông Vương cùng người vợ 74 tuổi của ông, bà Cung Thục Anh, ở hai phòng riêng biệt. Họ hỏi những đồ vật nào thuộc về mỗi người. Cặp vợ chồng từ chối trả lời, cuối cùng cảnh sát tính những thứ bị tịch thu từ phòng bà Cung là của bà và từ phòng ông Vương là của ông.
Hai vợ chồng bị đưa đến Đồn Công an Nam Hồ và bị giam giữ trong hai ngày, trong thời gian đó, họ bị đưa đến Bệnh viện Số 1 tỉnh Cát Lâm và bệnh viện thành phố Trường Xuân để kiểm tra sức khỏe. Cả hai bệnh viện đều kết luận rằng cặp vợ chồng có sức khỏe kém và không đủ điều kiện để giam giữ.
Ngày 20 tháng 5 năm 2023, cảnh sát dự định đưa họ đến bệnh viện thứ ba nhưng đã thay đổi ý định. Ngày hôm sau, họ thả ông Vương cho tại ngoại sau khi buộc ông phải trả trước 3.000 Nhân dân tệ và sau đó là 2.000 Nhân dân tệ nữa (mà không cấp biên lai) để trang trải chi phí kiểm tra y tế và giam giữ của hai vợ chồng. Trong khi đó, họ đưa bà Cung vào trại tạm giam thành phố Trường Xuân.
Sau đó, ông Vương đến đồn cảnh sát Nam Hồ để hỏi về tình hình của vợ mình. Ông phải đi lại vài lần mới gặp được viên cảnh sát phụ trách, người này thông báo cho ông rằng cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án của vợ ông đến Viện kiểm sát quận Triều Dương vào ngày 26 tháng 5 năm 2023. Trong khi bản thân ông được tại ngoại, ông không nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào về việc đó.
Ông Vương đã thuê một luật sư để đại diện cho vợ mình. Ngày 3 tháng 7 năm 2023, khi luật sư đến trại tạm giam để thăm bà, lính canh yêu cầu xem giấy thông báo của sở tư pháp địa phương và đồn cảnh sát Nam Hồ chấp thuận cho luật sư đại diện cho một học viên Pháp Luân Công.
Luật sư lập luận rằng không có luật nào yêu cầu các thông báo như vậy. Lính canh trả lời rằng đó là chính sách của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Trường Xuân, một cơ quan ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ giám sát cuộc bức hại Pháp Luân Công. Tuy nhiên, họ không thể đưa ra văn bản nào chứng thực điều đó.
Luật sư đã đến Viện kiểm sát thành phố Trường Xuân để nộp đơn khiếu nại trại tạm giam. Viện kiểm sát đứng về phía trại tạm giam. Ngày 4 và 5 tháng 7 năm 2023, ông Vương gọi đến đường dây nóng của thị trưởng và được biết rằng luật sư phải đáp ứng các yêu cầu của trại tạm giam trước khi được phép gặp thân chủ của mình.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 26 tháng 8 năm 2023, bốn người đàn ông bắt giữ ông Vương tại nhà riêng. Sau đó, cả hai vợ chồng ông đều bị kết án tù. Chi tiết về cáo trạng, phiên tòa và thời hạn tù của họ không được biết rõ. Ông Vương bị đưa vào Nhà tù Công Chủ Lĩnh, nơi ông qua đời vào khoảng tháng 11 năm 2024. Không rõ vợ ông bị đưa đi đâu để thụ án.
Bi kịch gia đình
Ngày 27 tháng 3 năm 2025, bà Trương Phượng Linh, 75 tuổi, ở thành phố Đại An, tỉnh Cát Lâm, đã qua đời sau khi con gái bà mất chưa đầy hai tháng, cả hai vụ việc đều là kết quả của cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Bà Trương Phượng Linh
Bà Trương bị bắt giữ lần gần nhất vào ngày 15 tháng 7 năm 2022 và bị kết án 10 tháng tù vào khoảng ngày 15 tháng 1 năm 2023. Gia đình bà không được phép đến thăm bà hay nhận được bất kỳ thông tin cập nhật nào về tình trạng vụ án của bà. Đến ngày 18 tháng 1 năm 2023, họ mới tự mình tìm hiểu được thông tin rằng người thân của họ đã bị đưa vào tù. Đến nay, họ vẫn không biết bà Trương đã thụ án ở nhà tù nào.
Thời điểm bà Trương được trả tự do vào tháng 5 năm 2023, bà đã trở nên vô cùng yếu do sự ngược đãi trong nhà giam. Bà thường xuyên bị ngất xỉu ở nhà. Phòng an sinh xã hội địa phương đã đình chỉ lương hưu của bà trong suốt 10 tháng bà bị cầm tù (tổng cộng gần 28.000 nhân dân tệ). Là một góa phụ, bà phải chật vật để kiếm sống. Cảnh sát của Đồn Công an Huệ Dương ở địa phương liên tục sách nhiễu bà tại nhà riêng và chụp hình bà trái với mong muốn của bà. Họ còn yêu cầu bà ký nhiều biên bản khác nhau, tuyên bố rằng tất cả các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì kiên định đức tin đều phải bị giám sát nghiêm ngặt trong ba năm sau khi được trả tự do.
Ngoài sự chịu đựng của bà Trương, con gái bà là cô Vương Hồng Ngạn, cũng bị nhắm đến vì kiên định đức tin. Cô Vương phải chật vật với sức khỏe yếu và tình trạng bệnh gan nghiêm trọng sau khi mãn hạn án tù 4 năm vì tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2021. Sau vài tuần bị sách nhiễu lần nữa, cô đã qua đời vào ngày 9 tháng 2 năm 2025, hưởng dương 52 tuổi.
Sự ra đi của cô Vương đã giáng đòn nặng lên bà Trương. Ngày 27 tháng 3 năm 2025, bà rơi vào tình trạng hôn mê và qua đời vào cuối ngày hôm đó.
Hai vợ chồng lần lượt qua đời năm 2009 và 2025 do bị bức hại vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công
Sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, một đôi vợ chồng ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã phải chịu đựng cuộc bức hại tàn bạo kéo dài hàng thập kỷ. Người chồng, ông Quan Triệu Khởi, qua đời vào ngày 26 tháng 7 năm 2009, chỉ mười tháng sau khi mãn hạn tù sáu năm. Trong khi còn đang đau buồn trước sự ra đi của chồng, bà Úc Quế Hương, vợ ông, vẫn tiếp tục đối mặt với việc bị bắt giữ và sách nhiễu liên tục, cũng vì cùng đức tin. Bà qua đời vào ngày 19 tháng 2 năm 2025.
Trong khi ông Quan đang thụ án, cha ông, ở độ tuổi 80, lo lắng cho ông và rất đau khổ. Cha ông qua đời vào tháng 9 năm 2005 mà không được gặp ông lần cuối. Sau khi ông Quan cũng qua đời nhiều năm sau đó, mẹ ông bị suy nhược thần kinh và thường xuyên bỏ nhà đi lang thang. Vài năm sau, bà cũng qua đời.
Chính cuộc bức hại này đã khiến cho hai vợ chồng họ không thể chăm sóc cha mẹ và gia đình, nhưng chính quyền Cộng sản lại rêu rao rằng đó là vì họ tu luyện Pháp Luân Công nên họ đã không chăm sóc cho bố mẹ mình.
Tử vong sau khi bị tra tấn trong tù, giam giữ dài hạn và sách nhiễu
Cụ bà 74 tuổi đã qua đời sau 13 năm bị giam cầm và tra tấn vì tu luyện Pháp Luân Công
Bà Trần Kim Phượng ở thành phố Mẫu Đơn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, qua đời vào ngày 27 tháng 3 năm 2025, sau khi thụ án lao động cưỡng bức một lần và hai lần thụ án tù với tổng thời gian là 13 năm. Bà hưởng thọ 74 tuổi.
Bà Trần Kim Phượng
Ngoài việc bị giam cầm và tra tấn trong nhiều năm, Trường Đại học Phát thanh và Truyền hình Lâm nghiệp Mẫu Đơn Giang đã sa thải bà và giữ lại lương hưu của bà kể từ tháng 8 năm 2000, điều này phù hợp với chính sách bức hại “vắt kiệt tài chính của các học viên Pháp Luân Công” do cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân đề ra.
Trong thời gian bà Trần bị cầm tù, con trai bà khi đó đang học đại học đã phải chật vật để trang trải học phí và bị suy dinh dưỡng. Mặc dù trường đề nghị anh nghỉ học vì lý do sức khỏe, anh vẫn tiếp tục đi học và làm các công việc vặt để tự nuôi sống bản thân. Nhưng do thiếu tài chính, cuối cùng anh đã phải bỏ học và không thể tốt nghiệp đại học.
Sau vụ bắt giữ vào ngày 29 tháng 4 năm 2003, bà Trần bị trói vào một chiếc ghế sắt và bị bức thực bằng dầu mù tạt. Cảnh sát cũng trùm một túi nhựa lên đầu bà, khiến bà suýt bị ngạt thở. Họ thực hiện việc tra tấn này nhiều lần. Sau đó, bà bị đau dữ dội.
Khi bà từ chối cung cấp thông tin về các học viên Pháp Luân Công khác, giám đốc cảnh sát hét lên: “Đánh chết bà ta đi! Không ai phải chịu trách nhiệm gì nếu bà ta chết.”
Một số cảnh sát trói bà vào ghế và kéo căng chân tay bà theo các hướng khác nhau. Đồng thời, một cảnh sát dùng dùi cui điện sốc điện vào tay bà. Bà đã bị ngất xỉu. Sau khi bà tỉnh lại, sự tra tấn vẫn tiếp diễn. Một cảnh sát đánh vào tay bà, khiến tay bà bầm tím và bà không thể giơ lên được. Họ còn trùm đầu bà và ấn cẳng chân bà vào cạnh bàn.
Sau đó, bà bị kết án 5 năm tù, và được thả vào ngày 29 tháng 4 năm 2008 trong tình trạng nghiêm trọng.
Sau một vụ bắt giữ khác vào ngày 29 tháng 4 năm 2009, các cai ngục ở trại tạm giam còng tay bà, đá vào đầu bà cho đến khi bà bất tỉnh, dùng kim đâm vào ngón tay bà và thúc cùi chỏ vào ngực bà. Bà bị đau ngực dữ dội trong nhiều ngày, khó thở và đi lại khó khăn. Bà bị kết án 6 năm tù và được thả khỏi Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang vào ngày 29 tháng 4 năm 2015.
Sau khi bà Trần trở về nhà, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà và con trai. Sau nhiều năm giam cầm và tra tấn, bà Trần không thể tự đứng hoặc đi lại được. Bà có nhiều đờm vì tổn thương nội tạng. Bà liên tục cảm thấy yếu và đổ mồ hôi không ngừng. Răng bà rụng dần từng chiếc một. Bà còn bị loét miệng mãn tính. Trong những năm cuối đời, trí nhớ của bà bắt đầu suy giảm và bà thường bị nôn sau khi ăn. Cuối cùng, bà đã qua đời vào ngày 27 tháng 3 năm 2025, hưởng dương 74 tuổi.
Người phụ nữ Hắc Long Giang qua đời một năm sau khi mãn hạn án tù 12 năm
Bà Trương Tuệ Quyên, 63 tuổi, ở huyện Y Lan, tỉnh Hắc Long Giang, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trong khi thụ án 12 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, nhưng chính quyền nhà tù vẫn từ chối cho bà được tại ngoại chữa bệnh. Sau khi mãn hạn tù, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà. Sức khỏe của bà tiếp tục xấu đi, và bà qua đời 1 năm sau đó, vào ngày 5 tháng 2 năm 2025. Bà hưởng thọ 63 tuổi.
Bà Trương Tuệ Quyên
Tối ngày 29 tháng 3 năm 2013, bà Trương bị bắt sau khi cảnh sát nghi ngờ bà treo các biểu ngữ thông tin về Pháp Luân Công dọc đường cao tốc. Sau đó, bà bị Tòa án huyện Y Lan kết án 12 năm tù.
Trong thời gian thụ án tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang, bà Trương bị tra tấn và buộc phải lao động không công nhiều giờ. Bà không được phép ngủ hay ăn nếu không hoàn thành chỉ tiêu trong ngày. Do khối lượng công việc quá lớn, và không được cấp đủ thức ăn, bà bị ngất xỉu khi mang một bao hàng nặng. Các tù nhân khác đã giẫm lên người bà để nhanh chóng làm xong phần việc của mình.
Một sản phẩm mà bà Trương phải làm là các hộp đựng hoặc túi giấy. Không được trang bị bảo hộ cá nhân, nên mỗi khi tiếp xúc với keo dán hoặc các chất độc hại khác, cơ thể bà luôn bị sưng phù, thậm chí mắt của bà cũng bị sưng.
Những sản phẩm khác mà bà Trương phải làm bao gồm: lông mi giả, tăm xỉa răng và que khuấy cà phê. Nhiều học viên bị suy giảm thị lực nghiêm trọng khi làm lông mi giả. Một học viên đã bị mù mắt phải.
Sau đó, bà Trương phát triển một khối u trên cánh tay, thường xuyên rỉ mủ và dịch. Mặc dù khối u được xác định là ung thư, nhà tù vẫn từ chối yêu cầu bảo lãnh tại ngoại của gia đình bà. Sau khi bà được thả ra vào năm 2024, sức khỏe bà nhanh chóng xấu đi. Tuy nhiên, cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà. Ngày 5 tháng 2 năm 2025, bà qua đời.
Bức hại tài chính
Một cụ ông 74 tuổi ở thành phố Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc, bị đột quỵ vào ngày 12 tháng 9 năm 2024, một ngày trước phiên tòa về việc sở an sinh xã hội đình chỉ lương hưu của ông một cách phi pháp. Ông qua đời vào ngày 23 tháng 2 năm 2025, và vào ngày 4 tháng 3, tức là 9 ngày sau, tòa phúc thẩm ban hành phán quyết bác bỏ đơn kháng cáo của ông.
Ngày 31 tháng 8 năm 2003, ông Phùng bị bắt vì sản xuất tài liệu phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công và bị kết án 14 năm tù sau một phiên xét xử vào ngày 11 tháng 6 năm 2004. Không rõ liệu ông có được thả trước thời hạn mãn hạn tù, tháng 8 năm 2017, hay không.
Ông Phùng đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2012, và bắt đầu nhận lương hưu từ tháng 9 năm đó. Tháng 8 năm 2020, Sở An sinh Xã hội Thành phố Thừa Đức đình chỉ lương hưu của ông, và yêu cầu ông hoàn trả toàn bộ khoản lương hưu đã nhận từ tháng 9 năm 2012 đến tháng 7 năm 2020 (tổng cộng 95 tháng).
Theo Luật An sinh Xã hội của Trung Quốc, ông Phùng đáp ứng các điều kiện về đóng lương hưu từ năm 2007, và đủ điều kiện nhận lương hưu khi ông đến tuổi nghỉ hưu vào năm 2012. Sở An sinh Xã hội viện dẫn án tù của ông làm lý do đình chỉ lương hưu, nhưng theo luật, không có cơ quan chính phủ nào được phép tước đoạt các quyền lợi hưu trí của người về hưu. Do đó, ông đã nộp đơn yêu cầu khôi phục lương hưu của mình, nhưng sở an sinh xã hội không phản hồi. Sau đó, ông đệ đơn kiện lên Tòa án Quận Song Kiều.
Tòa án ra phán quyết có lợi cho cơ quan an sinh xã hội. Ông Phùng tiếp tục nộp đơn xin xem xét hành chính lên Tòa án Trung cấp Thành phố Thành Đức. Trong thời gian vụ án chờ xử lý, sở an sinh xã hội đe dọa tịch thu nhà của ông để đòi khoản “nợ” 95 tháng lương hưu.
Tòa án trung cấp lên lịch ngày xét xử vào ngày 13 tháng 9 năm 2024, nhưng ông Phùng bị đột quỵ vào đêm trước đó. Ông rơi vào trạng thái hôn mê và được đưa đến bệnh viện, và ở đó hơn 1 tháng. Sau khi trở về nhà, ông vẫn không thể hồi phục, và đã qua đời vào ngày 23 tháng 2 năm 2025. Ngày 4 tháng 3 năm 2025, tòa án trung cấp ban hành phán quyết giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc ông Phùng phải hoàn trả cho sở an sinh xã hội khoản lương hưu của 95 tháng đã được chi trả từ năm 2012 đến năm 2020. Hiện chưa rõ liệu sở an sinh xã hội có tịch thu ngôi nhà của ông để thu hồi khoản “nợ” này hay không.
Báo cáo liên quan:
Báo cáo tháng 3 năm 2025: 13 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại
Báo cáo tháng 2 năm 2025: 8 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại
Báo cáo tháng 1 năm 2025: 13 học viên Pháp Luân Công tử vong do bị bức hại
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/5/4/493400.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/5/6/226542.html
Đăng ngày 22-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.