Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-04-2025]

Họ và Tên: Quan Triệu Khởi
Tên tiếng Trung: 关兆起
Giới tính: Nam
Tuổi: 56
Thành phố: Đại Khánh
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Giám đốc nhà máy
Ngày mất: Ngày 26 tháng 7 năm 2009
Ngày bị bắt gần nhất: Ngày 06 tháng 9 năm 2002
Nơi giam giữ gần đây nhất: Nhà tù Đại Khánh

Tên: Úc Quế Hương
Tên tiếng Trung: 郁桂香
Giới tính: Nữ
Tuổi: 70
Thành phố: Đại Khánh
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Trưởng phòng kiểm toán
Ngày mất: Ngày 19 tháng 2 năm 2025
Ngày bị bắt gần nhất: Ngày 28 tháng 6 năm 2012
Nơi giam giữ gần đây nhất: Không có

Sau khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch đàn áp nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, một đôi vợ chồng ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã phải chịu đựng cuộc bức hại tàn bạo kéo dài hàng thập kỷ. Người chồng, ông Quan Triệu Khởi, qua đời vào ngày 26 tháng 7 năm 2009, chỉ mười tháng sau khi mãn hạn tù sáu năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong khi còn đang đau buồn trước sự ra đi của chồng, bà Úc Quế Hương, vợ ông, vẫn tiếp tục đối mặt với việc bị bắt giữ và sách nhiễu liên tục, cũng vì cùng đức tin. Bà qua đời vào ngày 19 tháng 2 năm 2025.

Trong khi ông Quan đang thụ án, cha ông, ở độ tuổi 80, lo lắng cho ông và rất đau khổ. Bố ông qua đời vào tháng 9 năm 2005 mà không được gặp ông lần cuối. Sau khi ông Quan cũng qua đời nhiều năm sau đó, mẹ ông bị suy nhược thần kinh và thường xuyên bỏ nhà đi lang thang. Vài năm sau, bà cũng qua đời.

Chính cuộc bức hại này đã khiến cho hai vợ chồng họ không thể chăm sóc cha mẹ và gia đình, nhưng chính quyền Cộng sản lại rêu rao rằng đó là vì họ tu luyện Pháp Luân Công nên họ đã không chăm sóc cho bố mẹ mình.

Hai vợ chồng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công như thế nào

Ông Quan từng là phó giám đốc của nhà máy đường ống chống ăn mòn công ty vật liệu xây dựng thuộc Cục quản lý dầu khí Đại Khánh. Tháng 5 năm 1996, ông Quan bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và chẳng bao lâu đã khỏi nhiều bệnh, bao gồm bệnh tim nặng, viêm phổi và căng cơ thắt lưng. Ông từ bỏ nhiều thói quen xấu như uống rượu và chơi mạt chược. Sống chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, ông trở nên chu đáo và lạc quan hơn.

Bà Úc là trưởng phòng kiểm toán của phòng xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Cục quản lý dầu khi Đại Khánh. Bà cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1996, và tin tưởng rằng môn tu luyện đã chữa khỏi cho bà bệnh tim, viêm bàng quang và u nang buồng trứng.

Cuộc bức hại kéo dài hàng thập kỷ đã cướp đi sinh mệnh của hai vợ chồng

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, hai vợ chồng họ liên tục bị bắt, bị giam giữ và bị tra tấn. Ông Quan bị sa thải vào năm 2000 và bà Úc bị mất việc vào năm 2001.

Bị bắt vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công tại Bắc Kinh

Hai vợ chồng ông Quan đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 1 tháng 1 năm 2001. Họ giương biểu ngữ ghi “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Ba cảnh sát mặc thường phục đã xô họ ngã xuống đất và đá họ. Sau khi lôi họ vào xe cảnh sát, một cảnh sát đã dùng dùi cui điện để sốc điện vào cổ ông Quan, cướp hết tiền ông có. Họ từ chối khai báo tên của mình tại đồn cảnh sát Tiền Môn và bị đưa đến trại tạm giam quận Phòng Sơn.

Ông Quan bị giam giữ tại trại tạm giam trong hai tuần. Đùi phải của ông bị đánh đến bầm tím và ông không thể tự đi lại trong hơn hai tháng. Khi ông bị áp giải về Đại Khánh, gia đình ông buộc phải trả 7.000 Nhân dân tệ để trang trải chi phí đi lại của cảnh sát.

Trong thời gian giam giữ, bà Úc bị đưa đến đồn cảnh sát Diêm Thôn. Cảnh sát còng một tay của bà vào cửa sổ còn tay kia vào ống sưởi. Cái còng chặt đến mức tay bà nhanh chóng bị mất cảm giác. Họ cũng mở cửa sổ khiến bà bị rét cóng. Vì bà vẫn từ chối khai tên, cảnh sát đã đánh bà trong hơn bảy giờ đồng hồ, cho đến khi bà không thể đứng dậy nổi mới thôi. Họ tiếp tục còng bà vào ống sưởi thêm một ngày nữa trước khi đưa bà trở lại trại tạm giam.

Để phản đối cuộc bức hại, bà Úc bắt đầu tuyệt thực. Lính canh trại tạm giam còng tay và cùm chân bà trong chín ngày. Còng tay và cùm chân được xích lại với nhau nên bà không thể nằm ngồi dậy hay nằm xuống. Hàng ngày, lính canh và tù nhân lôi bà ra ngoài bức thực và đánh bà tàn bạo, đôi khi túm tóc đập đầu bà vào tường. Bà vẫn tuyệt thực trong 17 ngày và được thả trong tình trạng rất nghiêm trọng.

Sau khi bà trở lại làm việc, quản lý của bà ép bà tham gia lớp tẩy não kéo dài sáu tuần và ép bà viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối tuân thủ và bị giáng chức quản lý xuống nhân viên. Bà bị đình chỉ số tiền lương 2.000 Nhân dân tệ và tiền thưởng cuối năm 3.000 Nhân dân tệ. Bà bị sa thải vào cuối năm đó.

Vụ bắt giữ khác của hai vợ chồng

Ngày 6 tháng 9 năm 2002, hơn chục cảnh sát dùng bạo lực bắt cóc hai vợ chồng ông Quan. Một cảnh sát đánh vào đầu ông bằng tay cầm bằng sắt của chiếc dao xén giấy lớn. Ông ngất xỉu, đầu chảy rất nhiều máu. Cảnh sát còng tay ông, trùm một tấm ga trải giường lên đầu ông rồi khiêng ông xuống lầu. Tấm ga trải giường nhanh chóng thấm đẫm máu.

Bà Úc cũng bị đánh vào đầu và bị đẩy ngã. Một số cảnh sát còng tay bà, trùm đầu bà và xách còng tay kéo lê bà từ tầng bốn uống tầng một. Còng tay cứa sâu vào cổ tay bà nhưng cảnh sát vẫn tiếp tục kéo lê bà thêm 60 mét cho đến khi họ đến xe cảnh sát. Bà hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối và cánh sát đã bịt miệng bà.

Hai vợ chồng ông Quan bị đưa đến một nhà khách của đội an ninh nội địa thành phố Đại Khánh. Ông Quan bị còng tay sau lựng trong khi bị trói trên ghế. Năm ngày sau, khi cảnh sát thông báo cho gia đình ông mang quần áo đến thay cho ông, gia đình choáng váng vì quần áo ông đưa cho họ để đổi lại nhuốm đầy máu. Sau hai tuần nữa bị tra tấn, ông Quan bị đưa đến trại tạm giam thành phố Đại Khánh.

Bà Úc cũng bị trói vào ghế trong năm ngày. Cảnh sát buộc tội bà “thông đồng với các thế lực chống Trung Quốc ở nước ngoài”. Họ thường xuyên thẩm vấn bà, đe dọa và lăng mạ bà, tát bà và cấm bà ngủ. Chân bà sưng tấy nghiêm trọng vì bị tra tấn. Cảnh sát cũng đốt ảnh của nhà sáng lập Pháp Luân Công trước mặt bà. Bà vẫn kiên định với đức tin của mình và bị đưa đến trại tạm giam thành phố Đại Khánh mười ngày sau đó.

Tại trại tạm giam, bà Úc kiên quyết yêu cầu được thả ngay lập tức. Một lính canh họ Hàn đá vào ngực bà khiến bà ho liên tục sau đó. Bà Úc hô tô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” để phản đối, và bị các tù nhân bịt miệng bà bằng một tấm giẻ lau nhà vệ sinh. Họ cũng còng tay bà ra sau lưng và không cho bà sử dụng nhà vệ sinh. Bà tuyệt thực để phản đối và các lính canh đã bắt tù nhân cùng phòng bà ngồi bất động trong nhiều giờ để kích động lòng căm thù của họ với bà. Các tù nhân giày vò bà, giật tóc bà và dẫm lên mạng sườn bà. Toàn thân bà bị sưng tấy nghiêm trọng và bà không thể ngồi dậy sau khi nằm xuống.

Một buổi sáng, bà Úc hô “Pháp Luân Đại Pháp là tốt” trong giờ điểm danh. Giám đốc trại giam họ Bạch ra lệnh cho lính canh đánh bà và trói bà vào ghế tra tấn trong một ngày. Chân và ngực của bà bị trói chặt vào ghế, bà không thể cử động được.

Ngày 24 tháng 11 năm 2002, bà Úc bị chuyển đến trại tạm giữ quận Tát. Lính canh đánh bà bằng thắt lưng da và đá vào chân bà. Toàn thân bà đầy thương tích do bị đánh đập.

Ngày 21 tháng 1 năm 2003, bà Úc bị kết án ba năm lao động cưỡng bức vào và bị đưa đến trung tâm cai nghiện ma túy Nữ tỉnh Hắc Long Giang. Do sức khỏe yếu, bà bị trung tâm này từ chối và được thả bốn ngày sau đó vào ngày 25 tháng 1.

Người chồng bị kết án sáu năm, qua đời mười tháng sau khi được thả

Tháng 5 năm 2003, ông Quan bị tòa án quận Nhượng Hồ Lộ kết án sáu năm tù và bị chuyển từ trại tạm giam thành phố Đại Khánh đến nhà tù Đại Khánh vào ngày 2 tháng 6 năm 2003. Ông bị biệt giam, bị đánh đập, bị bức thực và bị sốc điện bằng dùi cui điện trong tù.

Ngày 11 tháng 11 năm 2003, linh canh tìm thấy các bài giảng Pháp Luân Công khi khám xét ông Quan. Họ đưa ông vào biệt giam trong 15 ngày, không cho ông dùng đũa khi ăn và bắt ông ngủ trên sàn sắt lãnh lẽo không có chăn ga gối đệm.

Cuối tháng 3 năm 2004, khu giam giữ số 7 ép buộc các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở đó phải chuyển hóa trong ba ngày. Vì ông Quan từ chối chuyển hóa, ông bị ép đứng liên tục trong hai ngày. Vì tù nhân cùng phòng không muốn tra tấn ông, lính canh đã chuyển ông sang Khu giam giữ số 14 và xúi giục tù nhân ở đó đánh ông.

Tù nhân Phạm Triệu Nghiêu và những người khác lôi ông Quan đến một nhà kho vào ngày 24 tháng 3 năm 2004. Họ trói ông vào một cây thánh giá gỗ cao 2m rộng 20 cm và tra hỏi ông liệu ông có tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công hay không. Ông nói rằng ông sẽ tiếp tục và tù nhân họ Phạm đã tát ông hơn 20 cái.

Sau khi tù nhân họ Phạm quá mệt vì đánh ông, anh ta ra lệnh cho các tù nhân Chung Hải Tân, Lý Lai Quyền và Lý Đại Uy kéo ông Quan ra hành lang. Lý Đại Uy đã làm vỡ xương bánh chè của ông bằng một tấm ván gỗ. Anh ta cùng Lý Lai Quyền cũng đốt mười móng tay của ông Quan bằng thuốc lá đang cháy. Vì ông Quan vẫn kiên định tu luyện Pháp Luân Công, họ đánh ông bằng gậy gỗ và dùi cui điện.

Ông Quan bị đánh ngất xỉu ba lần. Mỗi lần như vậy, các tù nhân lại dội nước lạnh vào người ông để ông tỉnh lại rồi lại tiếp tục đánh. Lưng của ông bị thâm tím, mặt biến dạng, và tất cả răng đều lung lay. Chúng đánh ông đến giờ ăn tối, rồi treo ông Quan đang bị thương nặng lên thang giường tầng khiến ông ngất xỉu vì đau đớn.

Khi ông Quan tỉnh lại, ông thấy mình đang nằm trên ghế trong “phòng học”. Tù nhân họ Phạm nói với ông: “Lính canh Lý Phượng Giang nói với chúng tôi rằng đối với Pháp Luân Công, tra tấn thế nào cũng không quá đáng”. Ông Quan yêu cầu gặp cai ngục để nói lý lẽ, nhưng bị các tù nhân chặn lại không cho gặp. Lính canh cũng trốn tránh không gặp ông.

Các tù nhân tiếp tục tra tấn ông Quan. Khi ông quá yếu không thể đứng được, hai tù nhân liền đứng kèm hai bên để giữ ông và buộc ông phải tiếp tục đứng. Tù nhân họ Phạm cũng giả chữ ký của ông để viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công và nộp cho lính canh.

Sau đó, lính canh ra lệnh cho ông Quan trả lời các câu hỏi để bôi nhọ Pháp Luân Công. Ông từ chối tuân thủ và xé tờ giấy. Lính canh bắt ông phải đứng trong tám ngày mà không được ngủ. Chân và bàn chân của ông sưng đến mức không thể đi vừa giày; sau đó chân ông cũng trở nên thâm tím.

Ông Quan bắt đầu tuyệt thực vào ngày 26 tháng 1 năm 2006 để phản đối việc cai ngục Vương Vĩnh Tường đánh đập một học viên khác. Ông bị bức thực hai lần một ngày trong suốt một tháng tuyệt thực. Cai ngục Lý Phượng Giang ra lệnh cho các tù nhân Phạm Triệu Nghiêu, Chung Hải Tân, Lý Lai Quyền và Lý Đại Uy liên tục đánh vào đầu ông, khiến ông thường xuyên bị chảy máu mũi và nôn ra máu.

Khi ông Quan cuối cùng được thả vào ngày 18 tháng 9 năm 2008, sức khỏe thể chất và tinh thần của ông đã suy giảm nghiêm trọng. Ông bị sưng to ở lưng; trí nhớ suy giảm; phản ứng chậm; mắt đờ đẫn; và bước đi không vững. Ông qua đời vào ngày 26 tháng 7 năm 2009, chỉ mười tháng sau khi được ra tù. Ông hưởng thọ 56 tuổi.

Người vợ bị bắt thêm vài lần nữa và cuối cùng đã qua đời

Khi ông Quan vẫn đang thụ án, bà Úc bị sách nhiễu tại nhà vào khoảng 6 giờ chiều ngày 23 tháng 10 năm 2003. Cảnh sát đã tịch thu bức chân dung của người sáng lập Pháp Luân Công và cố gắng đưa bà đến đồn cảnh sát. Bà kháng cự, và cảnh sát suýt đẩy ngã bà.

Bà Úc lại bị bắt tại nhà một người bạn vào tối ngày 18 tháng 9 năm 2004. Cơ thể bà liên tục co giật trên đường đến trại tạm giam thành phố Đại Khánh. Lo sợ bà có thể chết trên xe cảnh sát, các cảnh sát đưa bà đến Bệnh viện Long Nam và tống tiền gia đình bà 10.000 Nhân dân tệ trước khi cho bà tại ngoại. Sau khi bà trở về nhà, một cảnh sát khác đã tống tiền gia đình bà thêm 3.000 Nhân dân tệ. Hơn mười ngày sau, cảnh sát định bắt bà lần nữa, bà buộc phải sống lưu lạc tha hương.

Tại nơi tạm trú, bà Úc đã bị Khang Vân Phượng thuộc đội an ninh nội địa Quận Nhượng Hồ Lộ bắt giữ vào ngày 11 tháng 12 năm 2004. Bà vẫn tiếp tục co giật và bị trại tạm giam từ chối tiếp nhận. Khang đưa bà đến Bệnh viện Nhân dân Đại Khánh; tại đó bốn cảnh sát giữ bà để một bác sĩ tiêm thuốc cho bà. Bà đã bất tỉnh và sau đó được đưa vào trại tạm giam.

Bà Úc tuyệt thực để phản đối và hằng ngày các tù nhân lại khiêng bà ra ngoài để bức thực trong suốt 37 ngày bà bị giam giữ tại đó. Bà suýt chết ngạt khi họ bịt miệng bà trong một lần bức thực. Miệng bà bị thương rất nặng. Lỗ mũi của bà cũng bị tổn thương do bác sĩ họ Vu rất bất cẩn khi đưa ống thông vào. Bác sỹ họ Vu này đã từng nói với bà: “Chúng tôi không cần phải nhân đạo với người tu luyện Pháp Luân Công; bà chết cũng không liên quan gì đến chúng tôi”.

Bà Úc thường nôn ra hết tất cả đồ ăn mà bà bị ép ăn. Và bà đã bị sốc ba lần vì bị ép ăn.

Một buổi sáng, trong lúc điểm danh, bà Úc hô to: “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và yêu cầu lính canh thả bà. Giám đốc trại giam họ Đỗ đã ra lệnh cho ba tù nhân đánh bà và đập đầu bà vào tường. Tra tấn kéo dài vài ngày và có lần bà đã bất tỉnh. Bà yếu đến mức không thể tự đi lại được và phải được các tù nhân khiêng vào nhà vệ sinh.

Mặc dù sức khỏe bà yếu, cảnh sát vẫn tuyên án bà thêm ba năm tù giam ở trại lao động. Bà bị đưa đến trung tâm cai nghiện ma túy Nữ Cáp Nhĩ Tân vào ngày 12 tháng 1 năm 2005. Vì bà bị từ chối tiếp nhận, cảnh sát đã đưa bà trở lại trại tạm giam thành phố Đại Khánh và thả bà vào ngày 18 tháng 1.

Ngày 23 tháng 9 năm 2005, một nhóm cảnh sát từ đồn cảnh sát Long Nam đã đột nhập vào nhà bà Úc với sự giúp đỡ của một thợ khóa chuyên nghiệp. Họ xông vào và đè bà xuống đất. Khi một thành viên gia đình (không rõ giới tính) cố gắng ngăn cản cảnh sát, cảnh sát đã đánh vào ngực và đầu của thành viên gia đình đó và siết cổ người đó. Bà Úc lại lên cơn co giật và cuối cùng cảnh sát đã để bà yên.

Ngày 3 tháng 3 năm 2006, một học viên địa phương, ông Trình Bội Minh, đã trốn thoát khỏi Nhà tù Đại Khánh. Vì ông Trình đã gọi điện cho bà Úc, hơn 30 cảnh sát đã xông vào nhà bà Úc vào sáng ngày 4 tháng 3. Một cảnh sát đã dùng dùi cui đánh vào đầu con của bà Úc. Để tránh bị bắt, bà Úc buộc phải sống phiêu bạt xa nhà.

Cảnh sát đã đưa bà Úc vào danh sách truy nã và dán ảnh bà khắp khu phố. Cảnh sát mặc thường phục cũng đi xung quanh và hỏi mọi người xem họ có nhìn thấy bà không. Các thành viên trong gia đình bà, bao gồm cả mẹ chồng bà hiện đã ngoài 80 tuổi, đều bị theo dõi và giám sát các cuộc gọi điện thoại. Cảnh sát thậm chí còn sống tại nhà chị dâu của bà trong ba ngày. Các học viên Pháp Luân Công địa phương sống gần đó hoặc gần mẹ chồng của bà Úc cũng bị sách nhiễu. Cảnh sát thậm chí còn đến tận nhà tù và cố gắng ép ông Quan để tìm ra tung tích của bà Úc, nhưng ông đã từ chối hợp tác.

Ông Trình, người sống sót sau ca phẫu thuật cắt bỏ một phần gan và phổi trái, đã phải sống dưới cái tên giả trong vài năm tiếp theo. Cuối cùng, ông đã trốn thoát khỏi Trung Quốc và đến Hoa Kỳ vào năm 2020. Ông đã làm chứng tại một cuộc họp báo ở Washington, D.C. vào ngày 9 tháng 8 năm 2024, với tư cách là người đầu tiên sống sót sau tội ác thu hoạch nội tạng của chính quyền Cộng sản.

Tháng 4 năm 2012, Phòng 610 của công ty dầu khí Đại Khánh đã ra lệnh cho bà Úc ký vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối tuân thủ và bị đưa đến trung tâm tẩy não Ngũ Thường vào ngày 28 tháng 6 năm 2012. Bà bắt đầu co giật trên đường đến trung tâm tẩy não. Chỉ khi các chuyên gia y tế xác nhận họ không thể chữa khỏi tình trạng này thì trưởng phòng Phòng 610 Lưu Hy Bình mới ngừng thúc đẩy việc đưa bà vào trung tâm tẩy não. Tháng 8 năm 2012, trưởng phòng Lưu lại tiếp tục cố gắng để đưa bà Úc đến trung tâm tẩy não, nhưng vẫn không thành công do bà Úc phản đối mạnh mẽ.

Cuộc bức hại trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bà Úc. Bà dần mất cảm giác thèm ăn. Bà thường xuyên ho, nôn ra máu và thường rơi vào tình trạng hôn mê trong những ngày cuối đời. Bà qua đời ngày 19 tháng 2 năm 2025, thọ 70 tuổi.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/8/492423.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/16/226251.html

Đăng ngày 02-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share