Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh An Huy, Trung Quốc
[MINH HUỆ 22-03-2025] Tòa án Quận Thục Sơn, thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy kết án tù ít nhất 43 học viên Pháp Luân Công kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc đàn áp đối với môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa này vào tháng 7 năm 1999.
Đã có 43 học viên bị kết án (tuổi từ 29 đến 83 tại thời điểm bị tuyên án), bao gồm 9 người ngoài 70 tuổi và 2 người ngoài 80 tuổi. Các bản án dao động từ 7 tháng đến 6 năm, trung bình là 2 năm 4 tháng. Một nữ học viên 73 tuổi bị kết án 3 năm 10 tháng đã qua đời ba tháng sau khi bị kết án. Một nam học viên 53 tuổi bị kết án một năm rưỡi vào năm 2020 đã bị tiêm thuốc độc khi bị giam giữ và qua đời vào giữa tháng 8 năm 2022.
Trong tổng số 46 vụ kết án (ba học viên bị kết án hai lần bởi cùng một tòa), có 5 trường hợp diễn ra trong năm 1999 và 2010, trong khi 41 vụ còn lại xảy ra sau năm 2019. Số trường hợp bị kết án tăng đột biến trong những năm gần đây là do Tòa án Quận Thục Sơn được chỉ định xử lý tất cả các hồ sơ về Pháp Luân Công trong khu vực thành phố Hợp Phì mở rộng từ tháng 2 năm 2018.
Các thẩm phán chính tham gia kết án học viên bao gồm Ngô Tiểu Thủy, Nghê Na, Chu Truyện Niên và Bì Đông Phong. Ông Ngô tham gia 15 trường hợp, bà Nghê xử lý 10 trường hợp, ông Chu kết án 4 người, và ông Bì kết án ít nhất 3 người. Nhờ tích cực tham gia vào cuộc bức hại, họ đã được thăng chức: ông Ngô trở thành chánh án hình sự, bà Nghê và ông Bì được bổ nhiệm làm phó chánh án hình sự, ông Chu trở thành bí thư ở tòa án.
Trong khi đó, các kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Quận Thục Sơn truy tố học viên cũng được thăng chức: Đái Văn Quân làm phó viện trưởng, Lý Vệ Hoa và Thôi Đông Hải được bổ nhiệm làm ủy viên Ủy ban công tố, và Lý Quân trở thành trưởng phòng công tố số 2.
Dưới đây là một số vụ việc tiêu biểu do Tòa án Quận Thục Sơn tuyên án. Danh sách đầy đủ các trường hợp, có thể được tải xuống tại đây (PDF).
Trường hợp 1: Bà lão 73 tuổi bị kết án tù, qua đời sau ba tháng
Bà Lý Thúy Bình, cư dân thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, bị bắt vào đầu tháng 9 năm 2021 khi đang rút tiền ở ngân hàng. Bà bị giam trong trại tẩy não hai tuần và được thả ra trong tình trạng sức khỏe rất yếu. Không lâu sau, bà ra tòa tại Tòa án Quận Thục Sơn vào ngày 24 tháng 9. Vì quá yếu để tự đi, bà được vài lính tư pháp khiêng lên xe đưa đến tòa.
Bà bị kết án 3 năm 10 tháng tù. Nhà tù từ chối tiếp nhận do tình trạng sức khỏe của bà. Bà trở về nhà và qua đời ba tháng sau, vào giữa tháng 12 năm 2021. Bà hưởng thọ 73 tuổi.
Trường hợp 2: Tỉnh An Huy: Người đàn ông bị tiêm chất độc trong khi bị giam giữ, qua đời sau 10 tháng được trả tự do
Ông Bành Ngọc Tín, một cựu nhân viên Cục Thống kê tỉnh An Huy, bị bắt tại khu dân cư vào ngày 24 tháng 4 năm 2020. Công an không trình giấy tờ tùy thân, lệnh khám xét, hay cho biết tên, đã xông vào nhà ông và tịch thu máy tính, hai máy in, 50 cuốn sách Pháp Luân Công và 500 Nhân dân tệ. Ông được thả lúc 11 giờ đêm cùng ngày.
Ông Bành đã đến đồn công an vào tháng 5 năm 2020 để yêu cầu trả lại các vật dụng cá nhân của mình, nhưng sau đó bị bắt giam tại Trại tạm giam Thành phố Hợp Phì. Sau đó, ông bị kết án bí mật một năm rưỡi tù và bị buộc phải thi hành án tại chính trại tạm giam này.
Một tháng trước khi được thả, ông Bành bị đưa ra khỏi trại tạm giam sáu lần và mỗi lần đều bị tiêm một chất lỏng màu hồng. Khi được thả vào ngày 23 tháng 10 năm 2021, ông gần như mất hoàn toàn khả năng nói hoặc sắp xếp ngôn từ một cách mạch lạc.
Ông chỉ có thể thỉnh thoảng thốt ra được vài từ. Khi được hỏi có bị tiêm chất độc không, ông gật đầu. Nhận thức tổng thể của ông cũng suy giảm rõ rệt. Ông không thể viết địa chỉ nhà mình, nhưng khi người khác viết ra vài địa chỉ, ông có thể nhận ra địa chỉ của mình. Do tình trạng tổng thể như vậy, không rõ liệu ông Bành có bị tra tấn dưới các hình thức khác khi bị giam giữ hay không.
Sau khi được thả, ông Bành phải vật lộn với tình trạng sức khỏe kém, đặc biệt là khi ông sống một mình. Vào giữa tháng 8 năm 2022, các học viên Pháp Luân Công địa phương bất ngờ nhận được tin ông qua đời. Theo lời chị gái ông, hàng xóm của ông đã báo công an về cái chết của ông, và báo cáo khám nghiệm tử thi do Sở Cảnh sát Quận Thục Sơn công bố cho biết ông qua đời do đột quỵ. Ông hưởng thọ 55 tuổi.
Trường hợp 3: Hợp Phì, tỉnh An Huy: Cụ bà trăm tuổi kháng nghị yêu cầu trả tự do cho con gái 80 tuổi bị kết án phi pháp
Bà Cao Tông Hoa, 78 tuổi, bị kết án 1 năm tù và phạt 2.000 Nhân dân tệ vào ngày 24 tháng 1 năm 2019 vì nói với người dân về Pháp Luân Công. Bản án đến chỉ hai năm sau khi bà mãn hạn 7 năm tù trước đó, cũng chỉ bởi đức tin của mình.
Ngày 21 tháng 1 năm 2019, mẹ bà – cụ bà gần 100 tuổi – cùng cháu gái đến tòa kêu oan nhưng bị thẩm phán Nghê Na bác bỏ. Ba ngày sau, bà Cao bị thẩm phán này kết án. Mẹ bà đau buồn vì không được đoàn tụ con gái trong dịp Tết Nguyên đán.
Trường hợp 4: Một người đàn ông ở tỉnh An Huy từng bị cầm tù 14,5 năm lại bị bỏ tù lần thứ 3 chỉ vì tín ngưỡng của mình
Ông Trương Tân Hồng, 64 tuổi, bị kết án lần ba vào tháng 7 năm 2019 vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Hai lần trước ông đã bị kết án tổng cộng 14,5 năm.
Ông bị bắt ngày 8 tháng 5 năm 2018 vì nói chuyện với người khác về Pháp Luân Công. Ông bị xét xử vào ngày 30 tháng 5 năm 2019. Hai luật sư bào chữa vô tội. Cuối tháng 7, ông bị kết án ba năm bốn tháng.
Trước đó, ông từng bị bắt vào cuối tháng 11 năm 2000 khi đang sống tại thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang và bị kết án 10 năm tù vào cuối năm 2001 bởi toà án địa phương và thụ án trong Nhà tù Số 4 Chiết Giang.
Ông Trương lại bị bắt tại nhà vào tháng 5 năm 2010. Lúc đó, ông đã chuyển đến thành phố Hợp Phì. Công an lục soát nhà ông và giam giữ ông tại Trại tạm giam Số 1 Thành phố Hợp Phì, sau đó đưa ông đến một trại tẩy não trong hơn một tháng.
Ông Trương ra tòa ở Tòa án Quận Thục Sơn vào tháng 12 năm 2010. Ông không có luật sư bào chữa. Thẩm phán chỉ hỏi ông vài câu rồi kết thúc phiên tòa. Sau đó, ông bị kết án bốn năm rưỡi tù giam.
Trường hợp 5: Tin muộn: Ba cư dân An Huy bị kết án tù vì tu luyện Pháp Luân Công
Ba cư dân Hợp Phì đã bị kết án vào tháng 11 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà Lý Thái Hiệp, 29 tuổi, bị tuyên 4 năm; ông Tôn Thạch Vĩ bị 3 năm; bà Trương Linh nhận án treo.
Bà Lý và bà Trương bị bắt tối 2 tháng 11 năm 2021 khi phát tài liệu Pháp Luân Công. Ngày hôm sau công an khám nhà bà Lý và bắt ông Tôn.
Trong khi bà Trương và ông Tôn đều sớm được tại ngoại, thì bà Lý lại bị giam tại Trại giam nữ thành phố Hợp Phì. Công an cũng nộp hồ sơ của ba học viên lên Viện Kiểm sát Quận Thục Sơn vào khoảng ngày 10 tháng 2 năm 2022, công tố viên Lý Quân phụ trách thụ lý hồ sơ của họ.
Ba học viên đã ra tòa tại Tòa án Quận Thục Sơn vào ngày 2 tháng 6 năm 2023. Các thẩm phán Ngô Tiểu Thủy và Bì Đông Phong đã tuyên án họ vào tháng 11 năm 2023.
Báo cáo liên quan:
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/3/22/491907.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/2/226071.html
Đăng ngày 09-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.