Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 03-09-2024] Nhân dịp 25 năm từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình một danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại nhằm yêu cầu chính phủ cấm thủ phạm cùng người thân của họ nhập cảnh, đồng thời đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ theo luật định.
Trong số những thủ phạm bị nêu tên có Lư Tiên Ngọc, cựu bí thư Đảng ủy kiêm quản giáo Nhà tù Võng Lĩnh, tỉnh Hồ Nam.
Lý lịch thủ phạm
Họ và tên: Lư Tiên Ngọc (卢先钰)
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: Tháng 4 năm 1974
Nơi sinh: Không rõ
Vị trí, chức vụ
Tháng 10 năm 2017 – Tháng 3 năm 2024: Ủy viên Đảng ủy, Bí thư kiêm quản giáo Nhà tù Võng Lĩnh, tỉnh Hồ Nam.
Tháng 3 năm 2024 – nay: Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Vạn An Đạt (doanh nghiệp do Sở Quản lý Trại giam Hồ Nam thành lập để kinh doanh các sản phẩm do tù nhân làm ra); nghiên cứu viên của Sở Quản lý Trại giam tỉnh Hồ Nam.
Những tội ác chính
Nhà tù Võng Lĩnh là nhà tù chính ở tỉnh Hồ Nam, nơi giam giữ các nam học viên Pháp Luân Công. Sau khi Lư Tiên Ngọc nhậm chức quản giáo nhà tù vào tháng 10 năm 2017, ông ta đã thành lập “khu chuyển hóa”, chuyên nhắm vào các học viên Pháp Luân Công nhằm buộc họ từ bỏ đức tin. Nhiều thủ đoạn tra tấn khác nhau được áp dụng ở đây, bao gồm bắt đứng nhiều giờ, cấm ngủ và ngược đãi thân thể, như tra tấn “ép chân”. Một số lính canh tự hào tuyên bố: “Chúng tôi rất có kinh nghiệm trong việc ‘chuyển hóa’ các học viên Pháp Luân Công”.
“Khu chuyển hóa” thuộc Khu 10, nằm ở tầng 2 của tòa nhà chính, có các phòng giam rộng khoảng 12 mét vuông với 4 giường tầng cho 8 người. Có một hệ thống giám sát trong khu vực, trong đó mỗi học viên bị 3 tù nhân theo dõi 24 giờ một ngày trong phòng giam. Mọi hành động và lời nói của họ đều bị giám sát. Các tù nhân này lấy bất kỳ lý do nào để đánh đập, lăng mạ và hành hạ thân thể các học viên. Họ cũng đe dọa các học viên để “thừa nhận” cái gọi là tội của mình.
Với mục đích ép buộc các học viên từ bỏ đức tin, thủ đoạn “chuyển hóa” bao gồm các hoạt động tẩy não cũng như tra tấn thân thể. Các học viên bị ép phải xem và nghe các chương trình tuyên truyền, đọc các bài viết phỉ báng Pháp Luân Công, sau đó viết báo cáo tư tưởng. Các khẩu hiệu phỉ báng Pháp Luân Công được dán khắp nơi. Gần đây, các học viên bị ép phải hô to các khẩu hiệu lăng mạ Pháp Luân Công trước mỗi bữa ăn, nếu không thì không ai được ăn. Họ thường phải hát những bài hát ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các học viên không có quyền tự do cá nhân. Họ phải xin phép trước khi làm bất cứ việc gì. Nếu tù nhân không cho sử dụng phòng vệ sinh, họ phải đi ra quần. Các học viên thường bị cấm ngủ. Tự do tư tưởng cũng bị cấm. Các học viên thường phải báo cáo tư tưởng, và nếu vẫn nói Pháp Luân Công là tốt thì tiếp tục bị tra tấn.
Để phản đối việc bức hại, một số học viên tuyệt thực. Lính canh chỉ đơn giản là đợi một vài ngày, sau đó đưa các học viên đến bệnh viện để tiêm thuốc độc. Ông Đàm Mỹ Lâm đã tuyệt thực trong 23 ngày, và bị tiêm thuốc độc vài lần.
“Ép chân” là một trong những thủ đoạn tra tấn tàn bạo nhất. Hai chân của học viên bị kéo ngang ra trên một đường thẳng. Việc này rất đau đớn, và thường gây đứt dây chằng, đôi khi khiến nạn nhân tàn tật vĩnh viễn. Cơn đau dữ dội khiến các học viên hét lên trong đau đớn. Lính canh cũng gọi thủ đoạn tra tấn này là “giết lợn”. Anh Hồ Văn Khuê, ngoài 30 tuổi, đến từ thành phố Trường Đức, đã bị mất kiểm soát tiểu tiện sau khi bị tra tấn như vậy, cuối cùng dẫn đến rối loạn tâm thần.
“Ép chân” đã trở thành một thủ đoạn được ưa chuộng, vì nó không để lại dấu vết mà lại gây ra sự sợ hãi cho các học viên. Nhà tù đã điều chỉnh thủ đoạn này cho phù hợp với từng cá nhân. Một số người đã bị đau rất lâu trước khi chân của họ bị kéo thẳng. Những người mà lúc đầu không đau nhiều, thì lính canh ép chân họ thẳng, sau đó kéo chân cho đến khi họ đau. Lính canh dừng lại ở một vị trí gây đau cực độ, sau đó từ từ tăng áp lực.
Ngoài việc tra tấn, Nhà tù Võng Lĩnh còn là một nhà xưởng ngầm. Trong suốt đại dịch COVID năm 2020, tù nhân bị bắt sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ cá nhân và áo choàng phẫu thuật xuất khẩu ra nước ngoài. Bao bì của một số mặt hàng được in hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nếu tù nhân không hoàn thành chỉ tiêu hàng ngày, họ bị sốc điện bằng dùi cui điện hoặc bị tra tấn vào ban đêm. Lính canh gọi sự ngược đãi này là “giáo dục về đêm”.
Các trường hợp tử vong
Trường hợp 1: Người đàn ông bị bệnh nặng bị từ chối bảo lãnh y tế, qua đời sau nhiều tháng bị giam giữ
Ông Vương Nhạc Lai, cư dân thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, rơi vào tình trạng nguy kịch sau 3 tháng bị giam tại Nhà tù Võng Lĩnh. Mặc dù gia đình nhiều lần yêu cầu bảo lãnh y tế cho ông, nhưng chính quyền từ chối thả ông, và ra lệnh lính gác và tù nhân giám sát ông cả ngày lẫn đêm. Tình trạng sức khỏe của ông ngày càng xấu đi, cho đến khi bác sỹ đưa ra cảnh báo nguy kịch lần thứ ba. Ông qua đời tại nhà tù vào ngày 31 tháng 8 năm 2018, khi mới 56 tuổi.
Ngày 24 tháng 1 năm 2018, ông Vương bị bắt trong khi đọc sách của Pháp Luân Công cùng với các học viên khác. Ngày 10 tháng 4 cùng năm, Tòa án Thành phố Nhạc Dương kết án ông 3 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ. Ngày 14 tháng 5, ông bị đưa đến Nhà tù Thành phố Tân Thị ở tỉnh Hồ Nam, và sau đó 1 tháng bị chuyển tới Nhà tù Võng Lĩnh, nơi ông qua đời.
Trường hợp 2: Người đàn ông Hồ Nam 70 tuổi qua đời 1 năm sau khi ra tù
Khi ông Đàm Khôi Đống được trả tự do vào năm 2019 sau 4 năm bị giam cầm vì tu luyện Pháp Luân Công, cư dân huyện Lễ, tỉnh Hồ Nam này không thể đứng, ngồi hay nói chuyện. Nhiều tuần sau, gia đình ông Đàm phát hiện lưỡi của ông bị teo lại. Họ cũng tìm thấy nhiều vết sẹo do bị tiêm phía sau đầu của ông. Mặc dù ông Đàm không thể kể cho người thân biết chuyện gì đã xảy ra với ông trong tù, nhưng gia đình ông nghi ngờ ông đã bị tiêm thuốc độc. Ông qua đời sau đó 1 năm, vào đầu tháng 10 năm 2020, hưởng thọ 76 tuổi.
Ông Đàm bị bắt vào năm 2013, sau khi một đội trưởng cảnh sát phát hiện ông đang phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Sau đó, ông bị kết án 3,5 năm tù, nhưng vì tình trạng sức khỏe nên đến năm 2016 ông mới bị đưa đến Nhà tù Võng Lĩnh để thụ án.
Vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, nên ông bị bắt phải đứng hoặc ngồi suốt 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Lính gác liên tục đánh đập và nhục mạ ông. Ông cũng từng bị biệt giam, cũng như bị nhốt trong một buồng giam hướng Tây với nhiều ánh nắng mặt trời mà không có điều hòa. Mặc dù ông gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do bị tra tấn, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục gia hạn bản án của ông thêm 6 tháng.
Trường hợp 3: Người đàn ông Hồ Nam qua đời trong khi thụ án 8 năm tù
Ông Lưu Triều Dương là cư dân của thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam. Ngày 12 tháng 5 năm 2015, ông bị bắt, sau đó bị kết án 8 năm tù vào tháng 6 năm 2018. Ngày 23 tháng 10 năm 2018, ông bị chuyển vào Khu 10 của Nhà tù Võng Lĩnh, nằm tại thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam. Ông đã chết trong tù vào tháng 3 năm 2021.
Theo các học viên khác bị giam trong cùng nhà tù, Khu 10 được sử dụng như một “trại tập trung”, nơi các học viên kiên định bị tra tấn trong nhiều năm. Lính canh thường không trực tiếp tra tấn các học viên, mà xúi giục các tù nhân tiến hành bức hại bằng các phần thưởng như giảm án tù hay các hình thức khuyến khích khác. Các tù nhân này được tùy ý tra tấn các học viên mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào. Họ cũng buộc các học viên tham gia các lớp tẩy não, trong đó đó họ bắt các học viên lăng mạ Pháp Luân Công và nhà sáng lập pháp môn, đồng thời hát những bài hát ca ngợi chế độ cộng sản.
Lính canh và tù nhân thường tổ chức các cuộc họp để chia sẻ kinh nghiệm bức hại, và đề xuất các chiến lược khác nhằm buộc các học viên từ bỏ Pháp Luân Công. Họ sử dụng các chiến thuật khác nhau đối với các học viên khác nhau, dựa trên nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình cùng các yếu tố khác. Trong khi bức hại các học viên, một số tù nhân cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo mệnh lệnh của lính canh. Một số lính canh sau đó chối bỏ trách nhiệm bằng cách tuyên bố họ chưa bao giờ động thủ đối với các học viên.
Trường hợp 4: Cụ ông 81 tuổi qua đời 1 năm sau khi thụ án tù thứ ba
Sau khi mãn hạn bản án 3 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 13 tháng 7 năm 2021, tình trạng sức khỏe của ông Liêu Tùng Lâm rất kém. Người đàn ông 81 tuổi ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam này đã qua đời vào ngày 14 tháng 10 năm 2022. Ngay cả sau khi đã qua đời, nhân viên cộng đồng địa phương vẫn đến sách nhiễu, thậm chí còn muốn xác minh rằng ông đã chết bằng cách kiểm tra nơi chôn cất.
Ông Liêu, một cựu quân nhân của Trung tâm Tiếp nhận Tân binh, bị bắt cóc tại nhà vào ngày 19 tháng 7 năm 2018. Sau nhiều ngày bị giam tại trại tạm giam địa phương, người đàn ông 77 tuổi (tại thời điểm đó) được chẩn đoán mắc bệnh huyết áp cao, bệnh tim, đột quỵ nhẹ và bệnh lao. Thay vì thả ông, chính quyền đưa ông đến một bệnh viện quân y. Vợ ông đã yêu cầu thả ông, nhưng vô ích.
Tòa án quận Bắc Hồ xét xử ông Liêu tại bệnh viện vào ngày 27 tháng 9. Ông bị cùm chân và còng tay, và không được phép tự bào chữa mình. Ngày 22 tháng 10 năm 2018, thẩm phán kết án ông 3 năm tù. Lương hưu của ông bị đình chỉ trong thời gian thụ án.
Những trường hợp tra tấn
Ông Dương Quân, ngoài 40 tuổi, đến từ thành phố Trường Sa và tốt nghiệp Đại học Hồ Nam. Ông bị chuyển vào Khu 10 vào ngày 25 tháng 9 năm 2020. Ông bị 3 tù nhân trẻ, cao, khỏe giám sát và tra tấn. Họ bắt ông đứng (hoặc ngồi xổm) hoàn toàn bất động trong thời gian dài, không cho ông đi vệ sinh và đánh ông rất dã man. Hai tháng trước khi mãn hạn tù, lính canh tăng cường tra tấn ông Dương.
Ông Tang Khả Nhân, 74 tuổi, cư dân huyện Ma Dương, bị lính canh Vương Phác Sâm tra tấn. Vương đổ nước đá lạnh lên đầu ông vào mùa đông. Lính canh Vương Cường tát vào mặt ông Tang. Lính canh cũng không cho ông Tang sử dụng nhà vệ sinh, ngoài ra còn bắt ông quỳ xuống đất và tát vào mặt ông bằng dép lê.
Ngày 8 tháng 8 năm 2019, ông Hứa Vận Viêm bị tra tấn dã man vì hô to “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Ông bị nhốt trong một lồng sắt rộng 1 mét vuông và bị yêu cầu ngồi bất động trên một quả bóng bơm hơi với hai tay đặt trên đầu gối. Nếu không làm vậy, ông sẽ bị tra tấn bằng thủ đoạn “ép chân”.
Vào giờ ăn và buổi tối, ông bị nhốt vào một căn phòng 4 mét vuông, trong đó có một bàn bê tông và một bồn tiểu lớn. Ông chỉ được ăn nửa bát cơm và uống một cốc nước mỗi ngày. Lúc đó là mùa hè, nhưng ông không được phép thay quần áo, khiến người ông bốc mùi hôi thối. Lính canh phải nín thở khi đi ngang qua buồng giam của ông.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/3/481506.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/8/219870.html
Đăng ngày 11-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.