Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 13-08-2024] Nhân kỷ niệm 25 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, các học viên Pháp Luân Công từ 44 quốc gia đã đệ trình danh sách mới về những kẻ đàn áp lên chính phủ của họ, yêu cầu cấm những người này và gia đình của họ nhập cảnh, cũng như đóng băng tài sản của họ ở nước ngoài theo quy định của luật pháp.

Trong số những kẻ đàn áp được liệt kê có Ứng Dũng, Bí thư kiêm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Thông tin về kẻ đàn áp

Tên đầy đủ: Ứng (họ) Dũng (tên)
Tên tiếng Trung: 应 勇
Giới tính: Nam
Ngày/năm sinh: Tháng 11 năm 1957
Nơi sinh: Tiên Cư, tỉnh Chiết Giang

0d31e27c24ebaa3871f2d5eab9a89f66.jpg

Chức vụ hoặc vị trí

Tháng 4 năm 1999 – tháng 7 năm 2003: Phó giám đốc và Phó bí thư đảng ủy công an tỉnh Chiết Giang

Tháng 1 năm 2006 – tháng 11 năm 2007: Bí thư Đảng ủy và Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Chiết Giang

Tháng 7 năm 2007 – tháng 4 năm 2013: Bí thư Đảng ủy và Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao Thượng Hải

Tháng 8 năm 2014 – tháng 9 năm 2016: Phó Bí thư Ủy ban thành ủy Thượng Hải

Tháng 9 năm 2016 – tháng 1 năm 2017: Phó Bí thư Ủy ban thành ủy Thượng Hải, Phó thị trưởng thường trực Chính quyền thành phố Thượng Hải

Tháng 1 năm 2017 – tháng 2 năm 2020: Phó Bí thư Ủy ban thành ủy Thượng Hải, Thị trưởng và Bí thư Đảng ủy Chính quyền thành phố Thượng Hải

Tháng 2 năm 2020 – tháng 3 năm 2022: Bí thư Ủy ban tỉnh ủy Hồ Bắc

Tháng 9 năm 2022 – tháng 3 năm 2023: Phó Bí thư Đảng ủy Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, Phó Viện trưởng, Ủy viên Ủy ban Kiểm sát, Kiểm sát viên cấp một

Tháng 3 năm 2023 – Hiện tại: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 20, Viện trưởng và Bí thư Đảng ủy Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương, Kiểm sát trưởng tối cao

Những tội ác nổi cộm

1. Phạm tội trong thời gian giữ chức Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (tháng 9 năm 2022 đến nay)

Ứng Dũng đã giữ các chức vụ Phó bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng, và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao từ tháng 9 năm 2022, là một trong những lãnh đạo cao nhất trong hệ thống kiểm sát. Dưới sự lãnh đạo của ông ta, nhiều học viên Pháp Luân Công bị buộc tội oan và bị kết án. Một số người trở nên tàn phế và một số bị tra tấn đến chết khi đang thụ án trong tù.

Từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2022, có 154 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án. Bà Ngưu Tiểu Na, cư dân thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt vào ngày 19 tháng 4 năm 2021. Tòa án Giao thông Đường sắt Cáp Nhĩ Tân kết án bà vào cuối tháng 9 năm 2022, qua đó yêu cầu bà thụ án 15 năm tù, bao gồm bản án 14 năm tù trước đó vào năm 2004, nhưng bà đã thi hành án bên ngoài nhà tù theo lệnh của tòa án vì tình trạng khuyết tật của bà. Để tránh bị giam cầm, bà đã đi trốn nhưng bị bắt vào ngày 19 tháng 3 năm 2024 và bị đưa đến trại tạm giam Số 2 thành phố Cáp Nhĩ Tân sau khi bị bắt. Bà bị tàn tật nặng trong nhiều thập kỷ, không thể tự rời khỏi giường, đi lại, tắm rửa hoặc dùng nhà vệ sinh.

Ít nhất 1.188 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án tù trong năm 2023. Trong số đó, 383 học viên từ 60 tuổi trở lên, bao gồm 182 người ở độ tuổi ngoài 60, 159 người ở độ tuổi ngoài 70 và 42 người ở độ tuổi ngoài 80. Học viên lớn tuổi nhất bị kết án là 89 tuổi. Tổng cộng có 381 học viên bị phạt tiền với tổng số tiền là 4,88 triệu nhân dân tệ.

Bà Từ Hải Hồng, cư dân thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vào ngày 10 tháng 9 năm 2023 và bị giam tại trại tạm giam Phổ Đông. Bà bị kết án 16 tháng tù vào tháng 10 năm 2023 và chuyển đến Nhà tù nữ tỉnh Sơn Đông ngày 6 tháng 12 năm 2023. Bà qua đời ba ngày sau đó ở tuổi 56.

Bà Lý Phượng Lan, cư dân thành phố Bạch Âm, tỉnh Cam Túc, bị chuyển đến Nhà tù nữ tỉnh Cam Túc ngày 17 tháng 2 năm 2023 để thụ án 20 tháng. Khi bị đưa vào tù, bà mắc bệnh ung thư nhưng các lính canh vẫn tiếp tục tra tấn bà, bao gồm việc buộc bà đứng lâu và cấm bà ngủ. Bệnh ung thư vú của bà nhanh chóng di căn. Nhà tù đã không thả bà cho đến đầu tháng 1 năm 2024. Bà qua đời vào sáng ngày 10 tháng 1 năm 2024, hưởng thọ 69 tuổi.

Ông Mã Trưởng Thanh ở thành phố Du Thụ, tỉnh Cát Lâm, bị bắt vào khoảng ngày 10 tháng 8 năm 2022 và bị Toà án thành phố Đức Huệ kết án bốn năm tù vào năm 2023. Ông đã bị tra tấn đến chết ở tuổi 70 vào ngày 18 tháng 9 năm 2023 ở Nhà tù thành phố Cát Lâm.

Bà Lý Tuyết Tùng, một cư dân 75 tuổi của thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, bị kết án ba năm và một tháng tù với khoản phạt 10.000 nhân dân tệ vào ngày 11 tháng 9 năm 2023 bởi Tòa án quận Liên Hồ.

Bà Mã Vân, cư dân thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang, bị bắt tại nhà vào ngày 22 tháng 4 năm 2023 và lệnh bắt giữ bà đã được phê chuẩn vào ngày 29 tháng 5. Bà bị Tòa án huyện Kê Đông kết án tám năm tù với khoản phạt 20.000 nhân dân tệ vào tháng 11 năm 2023.

Mười cư dân thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, từ 42 đến 85 tuổi, bị kết án tù vào ngày 27 tháng 9 năm 2023. Trong số đó, bà Triệu Thư Nữu, 57 tuổi, và bà Tô Cẩm Linh, 74 tuổi, mỗi người bị kết án tám năm tù và phạt 80.000 nhân dân tệ; bà Lý Hồng Vệ, 63 tuổi, và ông Lý Nhất Tinh, 42 tuổi, mỗi người bị kết án năm năm sáu tháng và bị phạt 50.000 nhân dân tệ; bà Quách Ngọc Lan, 76 tuổi, bị kết án năm năm tù và bị phạt 50.000 nhân dân tệ; ông Cao Như Hồng, 85 tuổi, bị kết án bốn năm tù và bị phạt 40.000 nhân dân tệ; bà Hồ Ái Mẫn, 55 tuổi, bị kết án ba năm sáu tháng và bị phạt 30.000 nhân dân tệ; bà Tăng Vĩnh Triệu, 70 tuổi, bị kết án ba năm tù và bị phạt 30.000 nhân dân tệ; bà Kinh Thôi Hoa, 58 tuổi, bị kết án hai năm tù và bị phạt 20.000 nhân dân tệ; và bà Lưu Tâm Chi, 65 tuổi, bị kết án một năm tù và bị phạt 10.000 nhân dân tệ.

Ứng đã xuất bản một bài báo vào tháng 4 năm 2024, chỉ đạo viện kiểm sát các cấp “tăng cường công tác chống tổ chức dị giáo” và tiếp tục truy tố các học viên Pháp Luân Công. Theo Minh Huệ, ít nhất 334 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2024.

Bà Triệu Quốc Khôn, cư dân 45 tuổi thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, bị kết án ba năm rưỡi vào ngày 15 tháng 4 năm 2024. Tuy nhiên, gia đình bà không được thông báo về bản án sai trái của bà cho đến khi họ đưa bà vào Nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm. Bà Triệu không phải là người duy nhất trong gia đình bị nhắm tới vì tu luyện Pháp Luân Công. Anh trai bà, ông Triệu Quốc Hưng, khoảng 52 tuổi, trước đây bị giam trong trại lao động cưỡng bức ba năm và cầm tù mười năm. Mẹ họ, bà Lý Diễm, qua đời ở tuổi 61 vào ngày 5 tháng 2 năm 2012, sau khi trải qua những sợ hãi và căng thẳng tinh thần do cuộc đàn áp. Cha họ, ông Triệu Húc Đông, qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm 2023, mười ngày sau khi bị công an quấy rối tại nhà. Ông hưởng thọ 77 tuổi.

2) Tội ác trong thời gian giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hồ Bắc (tháng 2 năm 2020 đến tháng 3 năm 2022)

Ứng được bổ nhiệm làm Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc vào tháng 2 năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Mặc dù có các biện pháp phong tỏa địa phương, các nhà chức trách Hồ Bắc vẫn bí mật kết án các học viên mà không thông báo cho gia đình hoặc luật sư của họ. Nhiều học viên cũng bị bắt và thẩm vấn. Tại thành phố Tiên Đào, công an đưa ra phần thưởng 1.000 nhân dân tệ cho bất kỳ ai báo cáo về một học viên Pháp Luân Công.

Hoàng Cương là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Hồ Bắc trong đại dịch, và cũng báo cáo cuộc đàn áp học viên nghiêm trọng nhất. Theo lệnh của Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Hoàng Cương, công an ở các thành phố như Ma Thành, huyện Hồng An, huyện Hoàng Mai, huyện Hy Thủy, huyện Kỳ Xuân và thành phố Ngô Huyện, đều thuộc quyền quản lý của Hoàng Cương, đã quấy rối các học viên tại nhà họ và ra lệnh cho họ viết các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Họ cũng đăng các tuyên truyền nói xấu Pháp Luân Công trên màn hình điện tử công cộng.

Riêng ở thành phố Ma Thành, 56 học viên Pháp Luân Công đã bị nhắm đến vì đức tin của họ, chiếm một nửa số người bị đàn áp trong khu vực Hoàng Cương rộng lớn. Ngày 20 và 21 tháng 5 năm 2020, hơn mười học viên, bao gồm Hùng Tông Tuệ, Trần Vận Cúc, Chu Lệ, Trần Ngọc Anh và Khâu Bỉnh Nhạc, đã bị các viên chức Phòng 610, công an địa phương và người ở ủy ban khu dân cư quấy rối. Các sĩ quan đã tịch thu sách và tài liệu Pháp Luân Công của các học viên, cưỡng bức chụp ảnh và buộc họ ký vào các tài liệu từ bỏ đức tin của họ.

Tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và là tâm điểm của đại dịch COVID-19, các nhà chức trách đã mở hầu hết các trại tẩy não trong cả nước để giam giữ và chuyển hoá các học viên. Vào giữa tháng 9 năm 2020, Chu Tân Cương, cục trưởng Cục An ninh Nội địa khu Tân Châu, đã hợp tác với Phòng 610 quận Tân Châu để ban hành lệnh cho toàn quận, yêu cầu mỗi thị trấn đưa một học viên Pháp Luân Công đến Trại tẩy não Lưu Tập. Một số học viên, bao gồm Chu Mộc Hương và Hiệp Phúc, đã bị bắt và đưa đến trại tẩy não.

Tổng cộng, trong năm 2020, ba học viên đã bị bức hại đến chết ở tỉnh Hồ Bắc, một số người bị thương hoặc tàn tật, 38 người bị kết án, và 20 người bị xét xử. Ít nhất 573 học viên đã bị bắt, quấy rối, giam giữ và bị lục soát nhà.

Cuộc đàn áp trở nên tồi tệ hơn vào năm 2021, với ít nhất 1.179 học viên ở tỉnh Hồ Bắc bị nhắm mục tiêu dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm 11 người chết do bị bức hại; 38 người bị kết án; 123 người bị giam giữ trong 27 trung tâm tẩy não (con số cao nhất trong cả nước); 132 người bị giam giữ trong các trung tâm giam giữ; 321 người bị bắt và bị lục soát nhà; 485 người bị quấy rối và bị lục soát nhà; và 21 người bị bức hại kinh tế.

Bà Hồ Hán Giảo, một cư dân thành phố Hán Xuyên, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt vào ngày 15 tháng 3 năm 2021 sau khi bị báo cáo vì đã nói với mọi người về Pháp Luân Công. Bà bị kết án bốn năm tù vào cuối tháng 6 năm 2021. Trong bảy tháng bà bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố Hán Xuyên, bà tuyệt thực để phản đối sự đàn áp và bị bức thực. Lúc 8 giờ tối ngày 9 tháng 11 năm 2021, 13 ngày sau khi bị chuyển đến Nhà tù nữ tỉnh Hồ Bắc, một lính canh đã gọi điện cho chồng bà Hồ và nói rằng bà qua đời tại bệnh viện vì bệnh tật.

Bà Lý Ngọc Chân, một cư dân 72 tuổi thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, bị bắt tại nhà vào ngày 6 tháng 6 năm 2021. Bà bị đưa đến Trại tẩy não Vương Gia Hà và bị giam trong một phòng tối trên tầng hai. Các cai ngục buộc bà phải xem các video nói xấu Pháp Luân Công và yêu cầu bà viết các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối tuân thủ và tuyệt thực để phản đối. Cai ngục thay phiên nhau canh giữ và không để bà ngủ trong bốn ngày. Bà cũng bị buộc phải đứng nhiều lần. Vào ngày thứ năm, các cai ngục đã bức thực bà. Bà rất đau đớn, mắt đảo quanh và suýt chết.

Theo dữ liệu có sẵn, ít nhất 14 học viên đã qua đời do bị bức hại trong thời gian ông Ứng giữ chức Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc.

3) Tội ác trong thời gian giữ chức Phó Thị trưởng và Thị trưởng thường trực Thượng Hải (tháng 9 năm 2016 đến tháng 2 năm 2020)

Khi ở Thượng Hải, Ứng đã chỉ đạo Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Phòng 610, công an, viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan khác thực hiện chính sách đàn áp các học viên Pháp Luân Công, dẫn đến cái chết của một số học viên, bao gồm ông Giang Dũng, bà Lục Ái Vinh và bà Ông Bình.

Ít nhất 15 học viên tại Thượng Hải bị kết án tù vào năm 2019. 16 người bị xét xử, 56 người bị giam giữ và 105 người bị bắt và bị lục soát nhà cửa.

Ông Giang Dũng bị bắt tại nhà vào ngày 24 tháng 4 năm 2019. Ông bị đột quỵ ngay hôm đó và được thả tại ngoại hai ngày sau đó khi trại tạm giam địa phương từ chối tiếp nhận ông. Các nhà chức trách tiếp tục quấy rối ông sau khi ông trở về nhà. Vào thời gian kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 70 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 năm 2019, công an giám sát ông 24/24 và theo dõi ông đi đâu từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 10. Tinh thần ông căng thẳng do bị giám sát nghiêm ngặt. Ông bị xuất huyết não nghiêm trọng vào ngày 19 tháng 11 và qua đời sau ngày 26 tháng 11, hưởng thọ 51 tuổi.

Hơn mười học viên tại Thượng Hải bị quấy rối vào năm 2018, ít nhất 70 người bị bắt, và 20 người bị kết án.

Ông Đặng Thành Liên bị bắt không có lệnh bắt vào ngày 23 tháng 3 năm 2018. Công an tịch thu tài sản cá nhân của ông và đưa ông đến đồn công an, nơi ông bị thẩm vấn suốt cả ngày không có thức ăn hoặc nước uống. Khi bị giam tại trại tạm giam Minh Hàng, các lính canh còng tay ông, xích chân và tra tấn ông. Khi ông tuyệt thực để phản đối tra tấn, ông bị đưa đến Bệnh viện Tổng hợp nhà tù Thượng Hải và bị trói vào giường trong 11 ngày, không thể cử động hoặc đi vệ sinh.

Một lính canh trại tạm giam đã ra lệnh cho sáu tù nhân tra tấn ông Đặng vào tháng 6 năm 2018. Họ cạo đầu ông để làm nhục ông. Hai ngày sau, lính canh còng tay và xích chân ông. Khi ông Đặng tuyệt thực lần thứ hai vào cuối tháng 6, các lính canh đã ép đặt ống thông tiểu vào cơ thể ông, dẫn đến sưng tấy vùng kín và đường tiết niệu. Sau đó, họ trói ông vào giường gần một tháng.

Ông Đặng được đưa đến bệnh viện nhà tù vào ngày 3 tháng 7 năm 2018 và bị trói trên giường trong 17 ngày. Tất cả chân tay ông đều bị trói, và có một dây cuốn ngang ngực giữ ông không thể cử động. Ông bị bức thực qua đường mũi, gây sưng tấy cổ họng và mũi. Tiếp đó, ông bị các cơn đau ngực và lở loét lưng.

Ông Đặng bị kết án bốn năm tù vào ngày 16 tháng 4 năm 2019. Trong thời gian giam hai năm, ông phải nhập viện nhiều lần.

Bà Thang Vi Dân, một nghệ sĩ làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật Sân khấu Thượng Hải, bị bắt vào ngày 14 tháng 5 năm 2016 và bị giam giữ tại một trại tạm giam trong 30 ngày, sau đó bị giam trong bệnh viện tâm thần trong 20 tháng. Do bị ép uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bà Đường bị ảo giác thính giác và tóc bà chuyển sang bạc.

Chưa đầy sáu tháng sau khi bà Thang được thả, công an đã đột nhập vào căn hộ của bà ngày 7 tháng 8 năm 2018 và đưa bà đến trại tạm giam Hứa Hội. Hai ngày sau, bà bị đưa đến một trung tâm tẩy não.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/13/480794.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/19/219584.html

Đăng ngày 01-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share