Bài viết của một phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 15-08-2024] Nhân dịp 25 năm từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình một danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại nhằm yêu cầu chính phủ cấm thủ phạm cùng người thân của họ nhập cảnh, đồng thời đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ theo luật định.
Trong số những thủ phạm bị nêu tên có Vương Văn Đào, Bộ trưởng Bộ Thương mại.
Thông tin về thủ phạm
Họ và tên: Vương (họ) Văn Đào (tên)
Tên tiếng Trung: 王文涛
Giới tính: Nam
Ngày/năm sinh: Tháng 5 năm 1964
Nơi sinh: Thành phố Nam Thông, Tỉnh Giang Tô
Chức danh, chức vụ
Tháng 6 năm 2007 – Tháng 4 năm 2011: Bí thư Quận ủy Hoàng Phố, Thượng Hải
Tháng 4 năm 2011 – Tháng 3 năm 2015: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tây kiêm Bí thư Thành ủy Nam Xương
Tháng 3 năm 2015 – Tháng 3 năm 2017: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Đông kiêm Bí thư Thành ủy Tế Nam
Tháng 3 năm 2017 – Tháng 3 năm 2018: Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông kiêm Bí thư của Ủy ban Đảng thành phố Tế Nam
Tháng 3 năm 2018 – Tháng 5 năm 2018: Phó bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, quyền thống đốc kiêm bí thư Ban Lãnh đạo Đảng của Chính quyền tỉnh
Tháng 5 năm 2018 – Tháng 11 năm 2020: Phó bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, Thống đốc kiêm Bí thư Ban Lãnh đạo Đảng của Chính quyền tỉnh
Tháng 11 năm 2020 – Nay: Bí thư Ban Lãnh đạo Đảng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại, Ủy viên Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa 20
Những tội ác chính
Vương Văn Đào bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1998 tại Thượng Hải, sau đó đảm nhiệm một số chức vụ khác ở các tỉnh Giang Tây, Sơn Đông và Hắc Long Giang. Trong suốt sự nghiệp, ông ta đã ra sức thực hiện chính sách bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ.
Phần 1. Cuộc bức hại từ tháng 3 năm 2018 đến tháng 11 năm 2020 với tư cách là Phó Bí thư Tỉnh ủy Hắc Long Giang, Thống đốc và Bí thư Ban Lãnh đạo Đảng của chính quyền tỉnh
1.1) Cuộc bức hại năm 2018
Theo số liệu thống kê của Minghui.org, năm 2018, Hắc Long Giang có 61 học viên bị kết án, đứng thứ tư trong cả nước. Đặc biệt, riêng thành phố Cáp Nhĩ Tân đã có 29 vụ kết án, cao nhất cả nước. Ngoài ra, Hắc Long Giang cũng đứng thứ ba cả nước với 475 vụ bắt giữ và 169 vụ sách nhiễu trong năm 2018.
Ngày 19 tháng 4 năm 2018, thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã tiến hành vụ bắt giữ tập thể 17 học viên Pháp Luân Công, đồng thời tịch thu các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, và máy tính của các học viên. Sau khi đưa các học viên đến Đồn Công an Thành Giao, cảnh sát đã xé sách Pháp Luân Công của họ và ra lệnh cho họ lăng mạ nhà sáng lập Pháp Luân Công và ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Những người từ chối tuân thủ đã bị đánh đập và đưa vào trại giam.
Một cảnh sát nói với các học viên rằng họ bị bắt vì sắp đến ngày kỷ niệm “Cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4”, nên thống đốc mới được bổ nhiệm Vương Văn Đào đã ra lệnh bắt giữ họ để ngăn họ kháng cáo lên chính quyền.
Ngày 9 tháng 11 năm 2018, cảnh sát ở các quận huyện ở thành phố Cáp Nhĩ Tân và thành phố Đại Khánh đã bắt giữ 119 học viên có tên trong danh sách, theo lệnh của Ủy ban Chính trị Pháp luật, Phòng 610 và Sở An ninh Nội địa Tỉnh Hắc Long Giang. Dương Ba thuộc Sở An ninh Nội địa Hắc Long Giang và Phùng Hải Ba thuộc Sở An ninh Nội địa Đại Khánh đã tra tấn và thẩm vấn các học viên.
1.2) Cuộc bức hại năm 2019
Năm 2019, 118 học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hắc Long Giang đã bị kết án tù, đứng thứ hai cả nước. Cáp Nhĩ Tân một lần nữa là thành phố đứng đầu với nhiều vụ kết án nhất là 60 vụ.
Bắt đầu từ tháng 6 năm 2019, Sở An ninh Nội địa tỉnh Hắc Long Giang đã ra lệnh truy quét các học viên trên toàn tỉnh. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, thành phố Giai Mộc Tư đã bắt giữ hơn 40 học viên, sách nhiễu và lục soát nhà của hàng trăm học viên. Ông Dương Thịnh Quân bị bắt vào ngày 2 tháng 8, và đã qua đời chín ngày sau đó do bị tra tấn trong thời gian bị giam giữ.
1.3) Cuộc bức hại năm 2020
Năm 2020, ĐCSTQ đã tiến hành chiến dịch “xóa sổ”, yêu cầu các chính quyền địa phương gây sức ép buộc các học viên Pháp Luân Công ký vào tuyên bố từ bỏ tu luyện. Trong chiến dịch này, một số lượng lớn các học viên đã bị bắt hoặc bị sách nhiễu tại nhà riêng và nơi làm việc.
Ngày 17 tháng 7 năm 2020, Ủy ban Chính trị Pháp luật Hắc Long Giang đã tổ chức cuộc họp học tập lần thứ bảy, trong đó ra lệnh cho các ủy viên “phải có hành động đặc biệt để ngăn chặn và chống các tổ chức tà giáo”.
Ngày 22-23 tháng 9 năm 2020, trong một cuộc truy quét phối hợp của cảnh sát thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, 27 học viên và 3 người nhà của họ đã bị bắt. Ủy ban Chính trị Pháp luật Tỉnh và Ban An ninh Nội địa đã tham gia vào vụ bắt giữ hàng loạt này. Các học viên đã bị bắt theo tên trong danh sách đen và cảnh sát sẽ được thưởng khi bắt được mỗi học viên.
Năm 2020, Hắc Long Giang có ít nhất 27 học viên bị kết án.
1.4) Một số trường hợp tử vong điển hình trong nhiệm kỳ của Vương
Trong nhiệm kỳ của Vương ở Hắc Long Giang, 19 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết, trong đó có bà Vương Phương, bà Tôn Ninh, ông Vương Đức Kim, bà Lý Cảnh Hà, bà Ngô Quế Vinh, ông Vương Phụng Thần, bà Vương Thục Khôn, ông Vạn Vân Long, bà Tác Quân Ảnh, bà Lý Huệ Phong, bà Tôn Phượng Hoa, bà Lý Diễm Kiệt, bà Chiêm Tiệp, bà Thạch Chấn Hoa, ông Dương Thắng Quân, bà Hầu Lệ Phượng, ông Vương Tân Xuân, bà Lưu Cảnh Hoa, và ông Lưu Hồng Tín.
Dưới đây là một số trường hợp tử vong điển hình.
1.4.1) Bác sỹ Vương Thục Khôn qua đời sau vài ngày bị cảnh sát đánh đập
Bác sỹ Vương Thục Khôn, một bác sỹ 66 tuổi ở thành phố Hải Ninh, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị ra lệnh từ bỏ Pháp Luân Công vào cuối tháng 6 năm 2020. Vì bà từ chối, cảnh sát đã đánh bà hàng giờ đồng hồ. Bà bị đau nhói ở chân và cầu xin cảnh sát thả bà ra. Họ đã đồng ý, nhưng đe dọa rằng sẽ đến bắt bà sau vài ngày nữa.
Bác sỹ Vương phải bò lên cầu thang để lên đến căn hộ của mình. Chồng bà thấy bà bị bầm tím khắp người, gãy xương bánh chè và đầm đìa mồ hôi. Chiều ngày 1 tháng 7, bà bị đột quỵ, vô cùng chóng mặt và buồn nôn. Bà qua đời vào khoảng 4:25 sáng ngày 2 tháng 7.
1.4.2) Ông Lữ Quán Như qua đời vì bị ngược đãi tại Nhà tù Thái Lai
Ông Lữ Quán Như, cư dân thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt vào ngày 9 tháng 11 năm 2018, trong một cuộc truy quét của cảnh sát đối với hơn 60 học viên Pháp Luân Công ở thành phố Đại Khánh và thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang. Trong khi ông bị giam giữ tại Trại giam thành phố Đại Khánh, cảnh sát đã thẩm vấn ông, bắt ông đứng hàng giờ đồng hồ và đeo cùm. Việc bắt giữ ông đã được Viện kiểm sát quận Nhượng Hồ Lô phê chuẩn vào ngày 15 tháng 12 năm 2018.
Khi ông Lữ tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại, lính canh đã bức thực, khiến ông nôn ra máu và bị suy tim. Lúc hấp hối, ông đã được hồi sức tại bệnh viện nhiều lần.
Ông Lữ đã bị Viện kiểm sát quận Nhượng Hồ Lô truy tố vào ngày 30 tháng 3 năm 2019 và ông đã ra hầu tòa tại Tòa án quận Nhượng Hồ Lô vào ngày 6 tháng 6 năm 2019. Hai luật sư của ông đã biện hộ vô tội cho ông, bản thân ông cũng tự biện hộ cho mình. Thẩm phán đã tuyên án ông Lữ bảy năm tù với khoản tiền phạt 40.000 nhân dân tệ vào ngày 1 tháng 7 năm 2019. Ông đã kháng cáo bản án, nhưng ngày 23 tháng 7, Tòa án Trung cấp Thành phố Đại Khánh đã giữ nguyên bản án mà không qua xét xử.
Ông Lữ đã được đưa thẳng từ bệnh viện đến Nhà tù Hô Lan. Sau đó, ông được chuyển đến Nhà tù Thái Lai vào tháng 11 năm 2019. Mặc dù sức khỏe của ông không tốt, Nhà tù Thái Lai vẫn tiếp tục tra tấn ông và giam ông trong một phòng giam nhỏ trong hơn một tháng. Ông bị đột quỵ và qua đời trong tù vào ngày 4 tháng 4 năm 2021, ở tuổi 69.
1.4.3) Ông Dương Thắng Quân qua đời sau chín ngày bị bắt
Ông Dương Thắng Quân, 61 tuổi, đến từ thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang, và mẹ ông, 81 tuổi, đã bị bắt tại nhà vào ngày 2 tháng 8 năm 2019. Mẹ ông được thả vào đêm đó, nhưng ông Dương bị giam giữ tại một trại tạm giam. Sáng ngày 11 tháng 8, cảnh sát thông báo với mẹ ông rằng ông đã nôn ra máu trong trại tạm giam vào buổi sáng và đã được đưa đến bệnh viện điều trị. Ông Dương đã qua đời vào lúc 9 giờ tối cùng ngày. Bệnh viện đã yêu cầu gia đình ông trả 30.000 nhân dân tệ phi điều trị cho ông.
1.4.4) Bà Hầu Lệ Phượng ở Hắc Long Giang qua đời vì ung thư tử cung sau mười tháng bị bắt
Bà Hầu Lệ Phong, cư dân huyện Phương Chính, tỉnh Hắc Long Giang, và là mẹ của hai cư dân Nhật Bản, đã bị bắt vào ngày 12 tháng 6 năm 2018, khi đang phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.
Cảnh sát đã thẩm vấn và đánh đập bà Hầu trước khi đưa bà vào Trại giam Số 2 Cáp Nhĩ Tân, nơi bà bị ung thư tử cung. Bà đã ngất xỉu nhiều lần do đau dữ dội ở bụng dưới, nhưng không được chăm sóc y tế đầy đủ.
Bà Hầu đã ra tòa vào ngày 26 tháng 9 và bị kết án tù vào ngày 27 tháng 11 năm 2018. Thẩm phán tuyên bố bà không được phép kháng cáo phán quyết của mình.
Khi bị chuyển đến Nhà tù Nữ Cáp Nhĩ Tân vào tháng 12 năm 2018, bà Hầu đã rất yếu và không đi lại được. Bà bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tử cung giai đoạn cuối, nhưng các viên chức bệnh viện nhà tù cho biết họ không thể điều trị cho bà.
Vì sợ bà có thể chết trong tù, các nhà chức trách đã chấp thuận cho bà Hầu được tại ngoại để điều trị y tế. Ngày 1 tháng 3, khi được về nhà, bà đã hoàn toàn mất khả năng tự chăm sóc bản thân, nhưng cảnh sát vẫn dọa sẽ đưa bà trở lại nhà tù nếu bà tiếp tục tập Pháp Luân Công.
Cả trong những ngày cuối đời, bà Hầu vẫn bị cảnh sát và các ủy viên ủy ban dân cư sách nhiễu và theo dõi. Cuối tháng 3, cảnh sát lại quay lại và yêu cầu bà viết “báo cáo tư tưởng” tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Bà Hầu qua đời vào khoảng 1h00 sáng ngày 29 tháng 4 năm 2019, ở tuổi 67.
Một hôm, sau khi bà Hầu qua đời, chồng bà nhận được hóa đơn của tòa án địa phương yêu cầu ông nộp khoản tiền phạt 10.000 nhân dân tệ. Họ dọa sẽ bắt giữ và giam giữ ông nếu ông không chịu nộp.
1.4.5) Bà Vương Phương, giáo viên tỉnh Hắc Long Giang, qua đời sau hai tháng ra tù
Bà Vương Phương, một giáo viên tiểu học ở thành phố tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt vào ngày 3 tháng 10 năm 2018. Bà đã bị tra tấn tại Trại giam Tây Lan vì từ chối khai tên với cảnh sát. Sau khi bị chuyển đến Trại giam Thành phố An Đạt, bà đã bị bắt đeo xiềng xích nặng suốt ngày đêm trong hơn một tháng.
Sau đó, bà Vương bị kết án hai năm tù và bị đưa vào Nhà tù Nữ Hắc Long Giang. Tại đó, bà bị tra tấn cả về thể chất và tinh thần, khiến bà bị đau đầu, tê tay, mất trí nhớ, ngất xỉu và huyết áp cao do hậu quả của việc này.
Đầu tháng 10 năm 2020, bà Vương trở về nhà và phát hiện ra rằng bà đã bị trường tiểu học nơi bà công tác sa thải sau 30 năm dạy học. Chỉ hai tuần sau khi bắt đầu làm gia sư tại một công ty tư nhân để giải quyết khó khăn tài chính, bà đã bị ngất xỉu tại nhà vào ngày 30 tháng 12 và được đưa đến bệnh viện. Bà được chẩn đoán mắc bệnh xuất huyết thân não và qua đời ngay ngày hôm sau, ở tuổi 54.
Phần 2. Cuộc bức hại từ tháng 3 năm 2015 đến tháng 3 năm 2018 với tư cách là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Đông và Bí thư Thành ủy Tế Nam
2.1) Cuộc bức hại năm 2015
Trong nhiệm kỳ của Vương với tư cách là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn Đông kiêm Bí thư Thành ủy Tế Nam năm 2015, hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã đệ đơn kiện lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao để kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999.
Theo lệnh của Ủy ban Chính trị Pháp luật và Phòng 610 Thành phố Tế Nam, nhiều học viên đã bị bắt giữ, sách nhiễu, giam giữ và tra tấn.
Bà Trần Tú Mai đã bị bắt và nhà bà bị lục soát vào ngày 24 tháng 6 năm 2015. Cảnh sát đã tịch thu đồ đạc cá nhân của bà, bao gồm máy tính, máy in, sách Pháp Luân Công và điện thoại di động. Sau tám tháng bị giam giữ, bà đã qua đời do bị tra tấn vào ngày 28 tháng 2 năm 2016 ở tuổi 59.
Anh Tôn Minh Cường đã nói chuyện với các sinh viên bên ngoài Học viện Quân đội Tế Nam về cuộc bức hại Pháp Luân Công và bị bắt. Các nhân viên an ninh của trường đã đánh đập anh, để lại một lỗ trên đầu anh. Cùng tháng, anh đã qua đời ở tuổi 35.
2.2) Cuộc bức hại năm 2016
Chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2016, đã có ít nhất bảy học viên bị kết án tù tại Thành phố Tế Nam. 79 học viên khác đã bị bắt và 46 người bị sách nhiễu.
Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2016, theo chỉ đạo của Ủy ban Chính trị Pháp luật Tỉnh Sơn Đông và Phòng 610, cảnh sát đã lên kế hoạch truy quét các học viên tại Tế Nam. Mỗi học viên bị bắt đều bị ra lệnh phải ký bốn văn bản từ bỏ và tố cáo Pháp Luân Công. Từ ngày 22 tháng 3 đến ngày 30 tháng 6, có đến 112 học viên bị sách nhiễu và giam giữ tại Tế Nam, trong đó có ít nhất 82 học viên là nữ.
Tháng 8 năm 2016, bà Lý Kiện Mỹ từ Quận Hoài Ân, Thành phố Tế Nam đã bị kết án chín năm tù và ông Vương Bân bị kết án bảy năm tù.
2.3) Cuộc bức hại năm 2017
Năm 2017, có mười học viên bị kết án và mười một người bị xét xử tại Tế Nam.
Ông Lỗ Thủ Lộc, khi đó 66 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi đột nhập vào nhà ông vào chiều ngày 10 tháng 5 năm 2017. Đĩa vệ tinh, sách Pháp Luân Công, máy in, máy tính xách tay và các vật dụng cá nhân khác của ông đã bị tịch thu. Ông Lỗ đã bị đưa vào Trại giam Quận Trương Khâu lúc 10 giờ tối. Lệnh bắt giữ ông được phê chuẩn vào ngày 19 tháng 5. Tòa án quận Chương Khâu đã tuyên án ông 4 năm tù vào đầu tháng 1 năm 2018. Ông bị chuyển đến Nhà tù tỉnh Sơn Đông vào khoảng ngày 11 tháng 1.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/15/480873.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/16/219542.html
Đăng ngày 01-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.