Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 25-08-2024] Nhân dịp 25 năm từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình một danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại nhằm yêu cầu chính phủ cấm thủ phạm cùng người thân của họ nhập cảnh, đồng thời đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ theo luật định.
Trong số những thủ phạm bị nêu tên có Lưu Trường Căn, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Cam Túc.
Thông tin về thủ phạm
Họ và tên: Lưu (họ) Trường Căn (tên)
Tên tiếng Trung: 刘长根
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày/năm sinh: Tháng 7 năm 1966
Nơi sinh: Thành phố Nam Xương, Tỉnh Giang Tây
Chức danh, chức vụ
Tháng 11 năm 2020 – Tháng 12 năm 2020: Thành viên Ban Lãnh đạo Đảng ủy tỉnh Cam Túc.
Tháng 12 năm 2020 – Tháng 5 năm 2022: Thành viên kiêm Phó Chủ tịch Ban Lãnh đạo Đảng ủy tỉnh Cam Túc.
Tháng 5 năm 2022 – Tháng 6 năm 2022: Ủy viên Ủy ban thường vụ Ủy ban tỉnh Cam Túc, Thành viên kiêm Phó Chủ tịch Ban Lãnh đạo Đảng ủy tỉnh Cam Túc.
Tháng 6 năm 2022 – nay: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy Cam Túc kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh Cam Túc.
Những tội danh chính
Từ khi Lưu Trường Căn nhậm chức Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh Cam Túc (PLAC) vào tháng 6 năm 2022, ông ta đã ra lệnh cho các PLAC ở mọi cấp, Phòng 610, công an, cộng đồng, nhân viên làng xã và các sở ban ngành khác bắt giữ, sách nhiễu, giam giữ và kết án các học viên Pháp Luân Công. Sau khi các học viên bị giam giữ bị ép viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình, Lưu còn bố trí cho đặc vụ PLAC của tỉnh nói chuyện với họ và ra lệnh cho họ lặp lại tuyên truyền vu khống Pháp Luân Công, nhằm kiểm tra xem họ có thực sự từ bỏ môn tu luyện này hay không.
Tháng 9 năm 2022, ông ta đã xuất bản một bài báo yêu cầu tỉnh “tiếp tục tăng cường cuộc chiến chống tà giáo”.
Ngày 16 tháng 6 năm 2023, Lưu đã phát biểu tại lễ khai mạc Liên minh Chống Tà giáo của Cao đẳng tỉnh Cam Túc tại Đại học Nông nghiệp Cam Túc, tuyên bố rằng PLAC tỉnh Cam Túc, Sở Giáo dục tỉnh và Hiệp hội Khoa học và Công nghệ tỉnh đã bắt đầu thành lập các Hiệp hội Chống Tà giáo tại các trường cao đẳng và đại học trên toàn tỉnh kể từ năm 2022. Tính đến tháng 5 năm 2023, các Hiệp hội Chống Tà giáo đã được thành lập tại 26 trường cao đẳng và đại học.
Ngày 18 tháng 9 năm 2023, Hội thảo công tác chống tà giáo tỉnh Tây Trung Quốc năm 2023 do Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc, PLAC tỉnh Cam Túc và Hiệp hội Khoa học và Công nghệ tỉnh Cam Túc đồng tổ chức đã được tổ chức tại Trương Dịch. Lưu đã tham dự cuộc họp và có bài phát biểu, yêu cầu họ phải “nắm bắt việc giáo dục và chuyển hóa các thành viên tà giáo, và trấn áp các tội phạm phạm pháp của các tổ chức tà giáo”.
Lưu cũng nhấn mạnh rằng họ phải tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận; tích cực thực hiện tuyên truyền chống tà giáo, nghiên cứu lý thuyết và giáo dục cơ sở, cũng như thành lập các Hiệp hội Chống Tà giáo trong các trường cao đẳng và doanh nghiệp, đồng thời thành lập các Liên minh Chống Tà giáo trong trường cao đẳng.
Tháng 9 năm 2023, tại lễ phát động Chiến dịch tuyên truyền tập trung chống tà giáo tỉnh Cam Túc năm 2023 do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Cam Túc, Tòa án cấp cao tỉnh, Viện Kiểm sát tỉnh, Sở Công an tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh, Sở An ninh Nhà nước tỉnh và Hiệp hội Khoa học và Công nghệ tỉnh đồng tài trợ, Lưu đã đề xuất “xây dựng nền tảng tuyên truyền chống tà giáo trực tuyến trên mọi phương tiện truyền thông” để “kiên quyết đấu tranh và giành chiến thắng trong cuộc chiến chống tà giáo”.
Một số trường hợp tử vong điển hình
Người phụ nữ 69 tuổi ở Cam Túc qua đời sau khi được thả khỏi tù trong tình trạng cận kề cái chết
Bà Lý Phụng Lan, ở thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, đã bị đưa vào Nhà tù Nữ tỉnh Cam Túc vào ngày 17 tháng 2 năm 2023 để thụ án 20 tháng trong tình trạng đang bị ung thư, nhưng lính canh vẫn tiếp tục tra tấn bà, còn bắt bà phải đứng trong thời gian dài và không cho bà ngủ. Không lâu sau, bệnh ung thư vú của bà đã di căn. Đến đầu tháng 1 năm 2024, nhà tù mới thả bà. Bà qua đời vào sáng ngày 10 tháng 1 năm 2024 ở tuổi 69.
Mất vợ và con trai, lại phải ngồi tù 10 năm vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, ông lão 71 tuổi tàn tật qua đời trong tuyệt vọng
Mất vợ và con trai trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông Tô An Châu, một ông lão 71 tuổi ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc, liên tục bị sách nhiễu và bị đe dọa bị kết án tù, cho dù ông đã bị tàn tật. Ông qua đời vào ngày 10 tháng 1 năm 2024.
Cái chết của ông Tô, một cựu nhân viên đường sắt, đã kết thúc hơn hai thập kỷ đau khổ của ông. Ông bị bắt vào cuối tháng 12 năm 2000 khi cùng vợ là bà Cảnh Thúy Phương đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông bị kết án một năm lao động cưỡng bức, còn bà Cảnh bị giam giữ tại trại tạm giam cho đến tháng 10 năm 2001.
Khoảng 6 giờ sáng ngày 13 tháng 6 năm 2002, khi vừa ra khỏi nhà và đứng đợi bên ngoài, ông Tô đã bị cảnh sát bắt giữ. Sau khi đưa ông đi, cảnh sát đã đến nhà ông ở tầng sáu và gõ cửa. Bà Cảnh từ chối mở cửa. Vì cảnh sát không chịu rời đi, bà đã tìm cách thoát ra ngoài bằng một sợi dây thừng nhưng đã ngã xuống đất do sợi dây bị đứt. Thấy bà vẫn còn sống, những người hàng xóm đã cố gắng đưa bà đến bệnh viện, nhưng cảnh sát không cho. Thay vào đó, cảnh sát đã lấy chìa khóa của bà, đột nhập vào nhà bà, lấy đi những đồ vật có giá trị của bà, rồi bỏ đi. Bà bị bỏ lại nằm trên mặt đất, phơi mình dưới cái nắng gay gắt. Bà qua đời vài giờ sau đó khi mới chỉ 48 tuổi.
Ông Tô lại bị bắt ba tháng sau đó vào ngày 18 tháng 9 năm 2002 vì chèn tín hiệu truyền hình địa phương để phát thông tin về Pháp Luân Công. Ông bị kết án mười năm tù và không ngừng bị tra tấn.
Trong thời gian ông ở trong tù, con trai ông, anh Tô Vĩ, vẫn còn là một thiếu niên, đã sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Anh mắc bệnh phổi, sau đó phát triển thành ung thư phổi. Vì không đủ khả năng chi trả cho việc điều trị y tế và thường xuyên bị đói, anh qua đời vào ngày 4 tháng 8 năm 2006.
Mặc dù sống sót sau khi bị tra tấn trong tù, nhưng ông Tô vẫn tiếp tục phải chịu sự sách nhiễu thường xuyên sau khi được thả vào ngày 26 tháng 1 năm 2010. Ông lại bị bắt vào ngày 23 tháng 8 năm 2022, nhưng đã sớm được thả về quản thúc tại gia do sức khỏe cực kỳ yếu.
Mặc dù ông Tô đã mất khả năng tự chăm sóc bản thân, nhưng cảnh sát địa phương và ủy ban dân cư vẫn sách nhiễu ông và ra sức ép ông ký vào các tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, đe dọa sẽ đình chỉ trợ cấp thu nhập thấp của ông nếu ông không tuân thủ. Sau khi đỉnh dịch COVID-19 qua đi, đầu năm 2023, chị gái của ông Tô đã từ Bắc Kinh đến chăm sóc ông. Đến lúc đó, tình trạng của ông mới cải thiện đôi chút.
Cuối tháng 10 năm 2023 , cảnh sát lại bắt ông Tô và đưa ông đến trại tạm giam. Vì ông đã mất khả năng hành động, cảnh sát đã thả ông ra và đe dọa ông không được phép rời khỏi nhà. Sau vài tháng nữa vật lộn với tình trạng sức khỏe suy yếu, ông Tô đã qua đời vào ngày 10 tháng 1 năm 2024, ở tuổi 71.
Một số vụ án tuyên án điển hình
Bị tước giấy phép hành nghề luật sư vào năm 2013 vì tu luyện Pháp Luân Công, một phụ nữ ở Cam Túc bị kết án ba năm tù vào năm 2023 vì không từ bỏ tu luyện
Một phụ nữ 49 tuổi ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã bị kết án ba năm tù và phạt 5.000 nhân dân tệ vào ngày 11 tháng 8 năm 2023.
Bà Kim Di Quân từng làm việc tại một công ty luật, nhưng không được phép hành nghề luật sư nữa sau khi Cục Tư pháp thành phố Lan Châu từ chối gia hạn giấy phép hành nghề của bà vào năm 2013 chỉ vì bà tu luyện Pháp Luân Công. Bà bị bắt vào ngày 24 tháng 9 năm 2021 và bị đưa ra xét xử vào ngày 7 tháng 4 năm 2023, sau đó bị kết án oan vào ngày 11 tháng 8.
Tại Trại giam Số 1 Thành phố Lan Châu, vì bà Kim từ chối học thuộc các quy tắc của trại giam hay ngồi xổm lúc điểm danh, đội trưởng Lý Bằng đã vặn tay bà ra sau lưng, rồi kéo tay kia qua vai, sau đó còng hai tay lại (xem hình ảnh bên dưới). Bà bị còng tay như vậy trong 15 ngày liên tục, đồng thời bị cấm ngủ và bị đánh đập thường xuyên. Bất cứ khi nào bà ngủ gật, các tù nhân, mỗi người sẽ dùng dụng cách riêng của họ để khiến bà phải tỉnh dậy, chẳng hạn như giật tóc hoặc đá bà. Với hai tay bị còng, bà phải nhờ các tù nhân cho uống nước. Bà đã hai lần xin nước, nhưng các tù nhân đã từ chối với lý do bà đã bỏ lỡ thời gian xin uống nước. Bà không thể đánh răng, tắm gội, hay giặt quần áo trong suốt 15 ngày đó, vì không có tù nhân nào được phép giúp bà.
Tái hiện cảnh tra tấn: còng tay ra sau lưng.
Ngày 27 tháng 12 năm 2022, trưởng phòng giam đã ra lệnh cho những người bị giam giữ khác đánh bà Kim, vì bà không ngồi xổm trong lúc điểm danh. Viên trưởng cai tù đã chứng kiến cảnh đánh đập nhưng không thèm để ý vì anh ta được cho biết rằng nạn nhân là học viên Pháp Luân Công. Bà Kim đã bị chuyển đến một phòng giam khác và phải chịu hình thức tra tấn “xích chân tay ngược ra sau lưng”.
Minh họa về hình thức tra tấn “xích chân tay ngược ra sau lưng”.
Trong hình thức tra tấn này, lính canh còng tay nạn nhân ra sau lưng, bắt quỳ xuống và buộc còng tay càng gần càng tốt vào cùm mắt cá chân, khiến nạn nhân phải quỳ gối, ngả người về phía sau.
Bà Kim bị ép đeo cùm chân trong 15 ngày liên tiếp và bị cấm ngủ. Bà không được phép cúi đầu hay nhắm mắt. Các tù nhân khác được tùy ý đánh bà. Không ai giúp bà lấy nước, và bà không có cách nào để rửa ráy, vệ sinh, hay giặt quần áo của mình, còn bị các tù nhân lại mắng mỏ vì bà có mùi hôi. Đôi khi họ thậm chí không cho bà uống nước.
Người phụ nữ 54 tuổi ở Cam Túc bị tuyên án tù 5 năm lần thứ hai chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công
Bà Trương Bình, một phụ nữ 54 tuổi ở thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã bị kết án 5 năm tù với số tiền phạt 20.000 nhân dân tệ vào ngày 7 tháng 4 năm 2023. Bản án của bà bắt nguồn từ vụ bắt giữ bà vào ngày 9 tháng 5 năm 2022. Cùng ngày, Cảnh sát thành phố Lan Châu đã sử dụng máy bay không người lái để theo dõi bà đến một bến xe buýt và cử cảnh sát đến bắt giữ bà tại đó. Sau đó, họ đột kích vào nhà bà và đưa bà đến sở cảnh sát. Ngay sau đó, đã có lệnh bắt giữ chính thức bà Trương vào ngày 24 tháng 5 và bà bị đưa đến Trại giam Số 1 thành phố Lan Châu ngay sau đó. Viện Kiểm sát Quận Thành Quan đã truy tố bà không rõ vào ngày nào và chuyển vụ án của bà đến Tòa án quận Thành Quan vào ngày 23 tháng 8 năm 2022.
Bà Trương đã ra tòa vào ngày 7 tháng 4 năm 2023 và các thẩm phán đã kết tội bà vào cuối phiên tòa. Tòa án Trung cấp thành phố Lan Châu đã thông báo cho gia đình bà vào cuối tháng 11 năm 2023 rằng họ đã ra phán quyết giữ nguyên phán quyết ban đầu của bà.
Thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc: Năm học viên, trong đó có một phụ nữ 87 tuổi, bị kết án tù
Năm cư dân thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc đã bị Tòa án quận Bạch Ngân xét xử vào ngày 30 tháng 3 năm 2023 và bị kết án tù vào tháng 9 năm 2023.
Bà Liêu An An, 87 tuổi, đã bị kết án ba năm chín tháng; Bà Lý Xảo Liên, 69 tuổi và ông Cố Phúc Mãn, 65 tuổi, đều bị kết án ba năm chín tháng tù với số tiền phạt 8.000 nhân dân tệ; ông Vương Lập Quý, 62 tuổi, bị kết án ba năm năm tháng tù với số tiền phạt 6.000 nhân dân tệ; bà Triệu Cầm Trân, 75 tuổi, bị kết án một năm tù với thời gian quản chế 1,5 năm và số tiền phạt 5.000 nhân dân tệ.
Bà Liêu, bà Lý, ông Cố và ông Vương đã bị bắt tại nhà ông Vương vào ngày 14 tháng 1 năm 2022. Không rõ bà Triệu bị bắt khi nào và ở đâu.
Sau bảy năm trốn chạy , cựu chủ cửa hàng kính bị kết án 12 năm tù vì kiện Giang Trạch Dân
Sau bảy năm trốn chạy, một người bản xứ ở huyện Qingyang, tỉnh Cam Túc đã bị kết án 12 năm tù vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công.
Ông Vương Lập Quần, cựu chủ cửa hàng kính 62 tuổi, đã đệ đơn kiện hình sự đối với cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vào năm 2015 vì đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Cảnh sát đã có ý định bắt giữ ông nhưng ông đã trốn thoát. Họ đã truy đuổi ông trong bảy năm sau đó và đưa ảnh của ông lên cơ sở dữ liệu đám mây có kết nối với mạng lưới camera giám sát trên khắp cả nước.
Khi đang làm việc tại một trung tâm thương mại ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây (cách Thanh Dương khoảng 120 dặm) vào cuối tháng 9 năm 2022, ông Vương đã bị camera giám sát ghi lại sau khi ông tháo khẩu trang trong lúc thay quần áo. Cảnh sát liền đi từ Thanh Dương đến Tây An. Sau khi không tìm thấy ông trong trung tâm thương mại, họ đã tìm người quản lý của ông và ép ông phải đưa họ đến nhà riêng của ông Vương để bắt giữ ông.
Khi cảnh sát đến gần, ông Vương đã trèo từ căn hộ của mình ở tầng năm xuống tầng ba bằng một sợi dây thừng rồi nhảy xuống cầu thang từ tầng ba. Mặc dù bị gãy xương mắt cá chân, nhưng ông đã trốn thoát được.
Khi tìm qua các video ghi lại bằng camera giám sát, ngày 19 tháng 10 năm 2022, cảnh sát đã tìm thấy ông Vương và bắt giữ ông. Ngày hôm sau, ông bị đưa trở lại Thanh Dương và bị giam giữ tại Trại giam Huyện Thanh Thành.
Ông Vương bị truy tố vào tháng 1 năm 2023 và bị xét xử tại Tòa án huyện Trấn Viễn vào ngày 27 tháng 2 năm 2023. Vì công tố viên không thể bác bỏ lời biện hộ của ông Vương và luật sư của ông trong phiên tòa, nên đã quát lên: “Các học viên Pháp Luân Công thuyết phục mọi người thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản. Đó không phải là một giáo phái sao?”
Sau đó, ông Vương đã bị kết án, không rõ vào ngày nào.
Sau bảy năm thụ án tù, một người đàn ông ở Cam Túc lại phải chịu thêm sáu năm tù
Ông Tương Minh Huy, 50 tuổi, cư dân thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc đã bị kết án sáu năm tù và phạt 20.000 nhân dân tệ vào ngày 10 tháng 7 năm 2023.
Bản án tù của ông Tương bắt nguồn từ vụ bắt giữ ông vào ngày 4 tháng 8 năm 2021 vì phân phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Sau khi Viện Kiểm sát quận Thành Quan chấp thuận lệnh bắt giữ ông vào ngày 20 tháng 8, vợ ông, bà Vương Hiểu Tĩnh, đã gửi một lá thư cho cảnh sát, yêu cầu họ thả chồng bà. Song, cảnh sát vẫn chuyển vụ án của ông lên Viện kiểm sát, khiến ông bị truy tố.
Thẩm phán Đằng Tiêu Quỳnh của Tòa án Quận Thành Quan đã chỉ định một luật sư đại diện cho ông Tương đưa ra lời nhận tội cho ông. Viên thẩm phán này cũng lừa ông Tương ký một thỏa thuận chấp nhận luật sư do tòa chỉ định, sau đó tuyên án ông Tương sáu năm tù vào ngày 10 tháng 7 năm 2023.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/25/481203.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/28/219707.html
Đăng ngày 08-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.