Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 28-08-2024] Sau 24 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình bản danh sách cập nhật các thủ phạm của cuộc bức hại lên chính phủ nước sở tại trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2023, nhằm kêu gọi chính phủ truy cứu trách nhiệm của những cá nhân tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đề nghị chính phủ của họ cấm những thủ phạm này cũng như người nhà họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.

Một trong những thủ phạm trong danh sách này là Chung Nghệ Binh, phó Giám đốc Sở Tư pháp Tỉnh Hồ Nam.

Lý lịch thủ phạm

Họ và tên: Chung Nghệ Binh (钟艺兵)
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: Tháng 10 năm 1965
Quê quán: Thành phố Hoành Dương, tỉnh Hồ Nam

Vị trí, chức vụ

Chung Nghệ Binh hiện là Ủy viên Ban Lãnh đạo đảng, phó Giám đốc Sở Tư pháp Tỉnh Hồ Nam, đồng thời là Giám đốc Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Hồ Nam kể từ tháng 9 năm 2017.

Trước đó, Chung là phó trưởng Phòng Khoa học và Công nghệ của Sở Nông nghiệp, kiêm phó trưởng Phòng Công nghiệp của Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Hồ Nam.

Ông ta còn giữ chức vụ phó trưởng Phòng Khoa học và Công nghệ Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Hồ Nam, Chính ủy Nhà tù Diên Nam, Bí thư Đảng ủy kiêm Giám thị Nhà tù Diên Bắc, Ủy viên Đảng ủy, phó Giám đốc Cục quản lý Trại giam Tỉnh Hồ Nam.

Những tội ác chính

Kể từ khi trở thành phó Giám đốc Sở Tư pháp Tỉnh Hồ Nam kiêm Giám đốc Cục Quản lý Nhà tù Tỉnh Hồ Nam vào tháng 9 năm 2017, ông ta tích cực triển khai chính sách bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, dẫn đến một lượng lớn học viên bị kết án. Một số học viên bị tra tấn đến chết trong khi bị giam cầm, và một số qua đời ngay sau khi được thả.

Một số trường hợp tử vong do bức hại

Trường hợp 1: Người đàn ông Hồ Nam qua đời trong khi thụ án 8 năm tù giam

Ông Lưu Triều Dương là cư dân của thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam. Ngày 12 tháng 5 năm 2015, ông bị bắt, và bị kết án 8 năm tù vào tháng 6 năm 2018. Ngày 23 tháng 10 năm 2018, ông bị đưa tới Khu 10 của Nhà tù Võng Lĩnh, nằm tại thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam. Ông đã chết trong tù vào tháng 3 năm 2021.

Theo các học viên khác bị giam trong cùng nhà tù thì Khu 10 được sử dụng như một “trại tập trung”, nơi các học viên kiên định bị tra tấn trong nhiều năm. Lính canh thường không trực tiếp tra tấn các học viên, mà xúi giục các tù nhân thực hiện việc bức hại bằng các thủ đoạn như giảm án tù hay các hình thức khuyến khích khác. Các tù nhân này được tùy ý tra tấn các học viên mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào. Họ cũng buộc các học viên tham gia các lớp tẩy não, tại đó họ ra lệnh cho các học viên thóa mạ Pháp Luân Công và nhà sáng lập pháp môn, đồng thời hát những bài hát ca ngợi chế độ cộng sản.

Lính canh và tù nhân thường tổ chức các cuộc họp để chia sẻ kinh nghiệm bức hại, và đưa ra các chiến lược khác nhằm buộc các học viên từ bỏ Pháp Luân Công. Họ sử dụng các chiến thuật khác nhau đối với các học viên khác nhau dựa trên nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình cùng các yếu tố khác. Trong khi bức hại các học viên, một số tù nhân cho biết họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo mệnh lệnh của lính canh. Một số lính canh sau đó chối bỏ trách nhiệm bằng cách tuyên bố họ chưa bao giờ động thủ đối các học viên.

Trường hợp 2: người phụ nữ 65 tuổi qua đời sau khi bị tống giam 17 tháng

Ngày 30 tháng 12 năm 2018, bà Trương Á Cầm bị bắt vì phổ biến cho mọi người về Pháp Luân Công tại một khu chợ nông sản. Sau đó, bà bị kết án 3 năm tù. Ngày 13 tháng 8 năm 2019, bà bị đưa tới Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam và bị giam tại khu vực an ninh cao cấp. Bà bị tẩy não tăng cường nhằm buộc bà từ bỏ Pháp Luân Công. Gia đình bà không được phép đến thăm trong thời gian đó. Bà bị huyết áp cao và gầy yếu do bị tra tấn. Bà qua đời tại nhà tù vào ngày 12 tháng 12 năm 2020, hưởng thọ 65 tuổi.

Có thông tin cho hay, kể từ năm 2017, tất cả các học viên Pháp Luân Công mới vào đây đều phải trải qua hai tháng đầu tiên trong Khu an ninh cao cấp, bị tẩy não và cưỡng bức từ bỏ Pháp Luân Công.

Họ bị bắt đứng nhiều giờ mỗi ngày và không được phép sử dụng nhà vệ sinh. Khi họ đi vệ sinh trong quần, lính canh chỉ cho phép họ giặt nhanh quần bẩn chứ không cho phép họ vệ sinh thân thể. Lính canh còn bắt họ mặc quần dính phân, thậm chí vào mùa đông, khiến phần dưới cơ thể bị nhiễm trùng và mưng mủ sau một thời gian.

Một lính canh từng xúi giục một tù nhân tra tấn các học viên Pháp Luân Công theo kiểu: “Chúng ta cho họ ăn nhưng không cho họ sử dụng nhà vệ sinh”.

Trường hợp 3: Người đàn ông bị bệnh nặng bị từ chối bảo lãnh y tế, qua đời sau nhiều tháng bị giam giữ

Ông Vương Nhạc Lai, cư dân thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, ở trong tình trạng sức khỏe nguy kịch sau 3 tháng bị giam tại Nhà tù Võng Lĩnh. Mặc dù gia đình ông nhiều lần yêu cầu bảo lãnh y tế cho ông, nhưng chính quyền từ chối thả ông, và ra lệnh lính gác và các tù nhân giám sát ông cả ngày lẫn đêm. Tình trạng sức khỏe của ông ngày một xấu đi, cho đến khi bác sỹ đưa ra cảnh báo nguy kịch lần thứ ba. Ông qua đời tại nhà tù vào ngày 31 tháng 8 năm 2018, khi mới 56 tuổi.

Ngày 24 tháng 1 năm 2018, ông Vương bị bắt trong khi đọc các kinh sách Pháp Luân Công cùng với các học viên khác. Ngày 10 tháng 4 cùng năm, Tòa án Thành phố Nhạc Dương kết án ông 3 năm tù và phạt 5.000 Nhân dân tệ. Ngày 14 tháng 5, ông bị đưa đến Nhà tù Thành phố Tân Thị ở tỉnh Hồ Nam, và sau đó 1 tháng bị chuyển tới Nhà tù Võng Lĩnh, nơi ông đã qua đời.

Trường hợp 4: Người phụ nữ Hồ Nam mất khả năng lao động sau 10 năm bị giam cầm, qua đời sau 2 năm được trả tự do

Sau nhiều năm chịu đựng bức hại, bao gồm cả việc bị giam cầm vì đức tin vào Pháp Luân Công, bà Tiếu Mỹ Quân, một cư dân của thành phố Hoành Dương, tỉnh Hồ Nam, đã qua đời vào ngày 2 tháng 3 năm 2020, hưởng thọ 72 tuổi.

Bà Tiếu, một nhân viên vận chuyển thực phẩm về hưu, từng phải ngồi tù tổng cộng 10 năm. Tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam, lính canh xúi giục tù nhân đánh đập và lăng mạ bà. Họ cấm bà nói chuyện với người khác, và thường xuyên bắt bà đứng hoặc ngồi trong thời gian dài mà không cử động. Đôi khi bà không được phép đi vệ sinh, và phải đi vệ sinh trong quần.

Sau đó, lính canh ra lệnh cho các tù nhân tiêm cho bà Tiếu những loại thuốc không rõ chủng loại. Bà bị hôn mê và được đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Sau nhiều năm bị bức hại, bà Tiếu rất yếu và không thể tự đi lại. Hầu hết răng của bà đều bị rụng trong quá trình bức thực.

Bà Tiếu đã không bao giờ bình phục được sau khi được thả vào ngày 18 tháng 5 năm 2018. Bà qua đời vào ngày 2 tháng 3 năm 2020.

Trường hợp 5: Người đàn ông Hồ Nam 70 tuổi qua đời 1 năm sau khi ra tù

Khi ông Đàm Khôi Đông được trả tự do vào năm 2019, sau 4 năm bị giam cầm vì tu luyện Pháp Luân Công, cư dân huyện Lễ, tỉnh Hồ Nam này không thể đứng, ngồi hay nói chuyện. Nhiều tuần sau, gia đình ông Đàm phát hiện lưỡi của ông bị teo lại. Họ cũng phát hiện những vết sẹo do bị tiêm ở phía sau đầu của ông. Mặc dù ông Đàm không thể kể cho người thân biết chuyện gì đã xảy ra với ông trong tù, nhưng gia đình ông nghi ngờ ông đã bị tiêm thuốc độc. Ông qua đời sau đó 1 năm, vào đầu tháng 10 năm 2020, hưởng thọ 76 tuổi.

Ông Đàm bị bắt vào năm 2013, sau khi một đội trưởng cảnh sát phát hiện ông đang phát tặng tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Sau đó, ông bị kết án 3,5 năm tù, nhưng mãi đến năm 2016 mới bị đưa đến Nhà tù Võng Lĩnh để thụ án vì tình trạng sức khỏe.

Bởi không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, nên ông bị bắt phải đứng hoặc ngồi suốt 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Lính gác liên tục đánh đập và nhục mạ ông. Ông cũng từng bị biệt giam, cũng như bị nhốt trong một buồng giam hướng Tây, hứng chịu nhiều ánh nắng mặt trời mà không có điều hòa. Mặc dù ông gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do bị tra tấn, nhưng chính quyền vẫn tiếp tục gia hạn bản án của ông thêm 6 tháng.

Tra tấn tại Khu an ninh cao cấp của Nhà tù Nữ Hồ Nam

Khu an ninh cao cấp của Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam được sử dụng chuyên để giam giữ các học viên Pháp Luân Công. Mỗi phòng giam được quản lý bởi tù nhân trưởng do lính canh chỉ định, gọi là “trưởng nhóm học tập”. Họ chịu trách nhiệm thực thi các thủ đoạn tra tấn cụ thể theo lệnh của lính canh.

Một trong những phương pháp tra tấn được sử dụng phổ biến nhất là đứng trong nhiều giờ. Các học viên bị buộc phải đứng từ khi thức dậy lúc 6 giờ 30 phút sáng cho đến khi đi ngủ lúc 10 giờ tối. Họ phải giữ cơ thể luôn bất động, chỉ được phép cử động cánh tay khi ăn hoặc uống nước.

Trong vòng 24 giờ, họ chỉ được sử dụng nhà vệ sinh 1 lần trong vòng 10 phút, và bị cấm vệ sinh thân thể trong suốt thời gian còn lại của ngày. Họ cũng phải báo cáo và xin phép tù nhân trưởng trước khi được sử dụng nhà vệ sinh. Do hạn chế tiếp cận nhà vệ sinh, một số học viên buộc phải đi vệ sinh trong quần. Một số học viên tránh uống nước hoặc hạn chế lượng nước uống vào. Việc đứng lâu dài khiến bàn chân bị bầm tím, và tay, bụng và chân bị sưng tấy.

f2dc3302d40e6c1f7de3df56aadc5d8b.jpg

Minh họa tra tấn: Đứng trong thời gian dài

Nếu các học viên từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, họ không được phép tắm rửa, ngay cả sau khi cắt tóc bắt buộc hàng tháng.

Ngoài thủ đoạn tra tấn bắt đứng này, các học viên còn bị các tù nhân chửi mắng và buộc phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Tra tấn thể xác còn gia tăng đối với những người vẫn kiên định với Pháp Luân Công sau những màn tra tấn ban đầu.

Bà Lưu Xuân Cầm ở thành phố Chu Châu bị bắt vào ngày 27 tháng 5 năm 2020 vì phổ biến cho mọi người về Pháp Luân Công. Ngày 6 tháng 11 năm 2020, bà bị kết án 4 năm tù, sau đó bị đưa vào Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam vào ngày 1 tháng 3 năm 2021. Tại Khu an ninh cao cấp, bà bị sốc điện bằng dùi cui điện, bị bắt đứng trong nhiều giờ mỗi ngày và không được phép tắm rửa, hoặc thậm chí rửa bát đĩa sau mỗi bữa ăn.

Bà Tiếu Vĩnh Khang ở huyện Hoa Viên bị bắt vào ngày 23 tháng 2 năm 2018, và bị kết án 4 năm tù vào ngày 30 tháng 10 năm 2018. Ngày 20 tháng 3 năm 2019, bà bị chuyển đến Khu An ninh Cao cấp của Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam. Bà phải chịu đựng sự tra tấn khủng khiếp trong tù, bao gồm phải đứng nhiều giờ, cấm ngủ, bỏ đói và liên tục bị đánh đập. Một số tù nhân từng đổ nước tiểu lên đầu bà và lau miệng bà bằng băng vệ sinh bẩn. Việc tra tấn kéo dài cho đến khi bà được thả vào tháng 2 năm 2022.

Bà Quách Viễn Hòa, một cư dân ở huyện Huệ Đông, khoảng 70 tuổi, bị bắt vào tháng 3 năm 2020, sau đó bị kết án 4,5 năm tù vào tháng 10 năm đó. Bà phải chịu đựng đủ mọi thủ đoạn tra tấn, bao gồm cấm sử dụng nhà vệ sinh, chửi mắng và tẩy não tại Nhà tù Nữ Tỉnh Hồ Nam. Bà từng bị suy sụp tinh thần và được điều trị tại bệnh viện, nơi bà bị bức thực và mất 8 răng.

Tra tấn tại Nhà tù Võng Lĩnh

Nhà tù Võng Lĩnh ở tỉnh Hồ Nam là nhà tù chính của tỉnh để giam giữ các học viên Pháp Luân Công nam. “Khu chuyển hóa” được thành lập vào tháng 10 năm 2017, sử dụng nhiều thủ đoạn tra tấn khác nhau nhằm buộc các học viên từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Một số lính canh tự hào tuyên bố: “Chúng tôi rất có kinh nghiệm trong việc ‘chuyển hóa’ các học viên Pháp Luân Công”.

“Khu chuyển hóa” thuộc Khu 10, là khu vực an ninh cao cấp của nhà tù, nơi áp dụng các thủ đoạn “chuyển hóa” cưỡng bức nhằm khiến các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ.

Tại tầng 2 của tòa nhà chính, mỗi phòng giam rộng khoảng 12 mét vuông, với 4 giường tầng cho 8 người. Ban quản lý Khu 10 có hệ thống giám sát, trong đó mỗi học viên đều bị 3 tù nhân giám sát 24 giờ một ngày trong một phòng giam. Mọi hành động và lời nói của học viên đều bị giám sát. Các tù nhân tận dụng mọi lý do để đánh đập, lăng mạ và hành hạ thể xác học viên. Họ cũng bắt các học viên phải “nhận tội“ của mình.

Với mục đích ép các học viên từ bỏ đức tin của mình, các chương trình “chuyển hóa” bao gồm các hoạt động tẩy não và tra tấn thể xác. Các học viên bị ép phải xem và nghe các chương trình tuyên truyền, đọc các bài viết phỉ báng Pháp Luân Công, sau đó viết “báo cáo tư tưởng”. Các khẩu hiệu phỉ báng Pháp Luân Công được dán khắp nơi. Gần đây, các học viên bị ép phải hô to các khẩu hiệu lăng mạ Pháp Luân Công trước mỗi bữa ăn, nếu không, không ai được phép ăn. Họ thường phải hát những bài hát ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Các học viên không có quyền tự do cá nhân. Họ phải xin phép trước khi làm mọi thứ. Nếu tù nhân không cho họ sử dụng phòng vệ sinh, họ phải đi vệ sinh ra quần. Họ thường bị cấm ngủ. Tự do tư tưởng cũng không được phép. Các học viên thường được lệnh phải báo cáo tư tưởng của mình, và nếu vẫn nói rằng Pháp Luân Công là tốt thì tiếp tục bị tra tấn.

Để phản đối bức hại, một số học viên đã tiến hành tuyệt thực. Lính canh đơn giản chỉ đợi vài ngày rồi sau đó đưa các học viên này đến bệnh viện để tiêm thuốc độc.

“Ép chân” là một trong những thủ đoạn tra tấn tàn bạo nhất. Hai chân nạn nhân bị kéo ra theo một đường thẳng. Việc này rất đau đớn, và thường khiến dây chằng bị đứt, đôi khi dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Cơn đau dữ dội khiến các học viên hét lên trong đau đớn. Lính canh cũng gọi thủ đoạn này là “giết lợn”. Anh Hồ Văn Khuê, ở độ 30 tuổi, đến từ thành phố Thường Đức, đã bị mất kiểm soát tiểu tiện sau khi bị tra tấn như vậy, và cuối cùng dẫn đến rối loạn tâm thần.

Ngoài việc tra tấn, Nhà tù Võng Lĩnh còn là một nhà máy ngầm. Trong suốt đại dịch COVID năm 2020, lao động nô lệ được sử dụng để sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ cá nhân và áo choàng phẫu thuật xuất khẩu ra nước ngoài. Bao bì của một số mặt hàng này được in hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nếu tù nhân không hoàn thành chỉ tiêu được giao trong ngày, họ bị sốc điện bằng dùi cui điện hoặc bị tra tấn vào ban đêm. Lính canh gọi sự ngược đãi này là “giáo dục về đêm”.

Ông Ngụy Quế Mai, ngoài 70 tuổi, cũng bị tra tấn bằng thủ đoạn “ép chân” này. Ông đột nhiên bị đột quỵ trong khi đang bị tra tấn khiến ông mất hoàn toàn trí nhớ. Mặc dù không thể tự chăm sóc bản thân nhưng ông vẫn bị giam giữ.

Ông Lưu Xuân Tuyền, cũng ngoài 70 tuổi, bị lính canh đánh đập tàn bạo, và bị bắt đứng từ 10 giờ tối cho đến sáng hôm sau, hoặc cho đến khi ông ngất xỉu. Tuy nhiên, lính canh vẫn tiếp tục tra tấn ông.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/28/481274.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/7/219858.html

Đăng ngày 03-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share