Bài viết của phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 06-08-2024] Nhân dịp 25 năm từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, học viên ở 44 quốc gia đã đệ trình một danh sách thủ phạm mới lên các chính phủ nước sở tại nhằm yêu cầu chính phủ cấm thủ phạm cùng người thân của họ nhập cảnh, đồng thời đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ theo luật định.
Trong số những thủ phạm bị nêu tên có Trần Văn Thanh, Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương (PLAC), ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ kiêm thư ký Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ.
Thông tin về thủ phạm
Họ và tên: Trần Văn Thanh
Tên tiếng Trung: 陈文清
Giới tính: Nam
Ngày tháng năm sinh: Tháng 1 năm 1960
Nơi sinh: Huyện Nhân Thọ, tỉnh Tứ Xuyên
Chức danh, chức vụ
Tháng 1 năm 1998 – tháng 4 năm 2002: Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Tứ Xuyên, phó Tổng thư ký Chính quyền tỉnh (tháng 9 năm 1998)
Tháng 4 năm 2002 – tháng 8 năm 2006: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên
Tháng 8 năm 2006 – tháng 5 năm 2011: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phúc Kiến, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Tỉnh ủy
Tháng 5 năm 2011 – tháng 9 năm 2011: Phó bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Tỉnh ủy
Tháng 9 năm 2011 – Tháng 11 năm 2012: Phó bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến
Tháng 11 năm 2012 – Tháng 4 năm 2015: Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương
Tháng 4 năm 2015 – Tháng 11 năm 2016: Bí thư Đảng ủy Bộ Công an
Tháng 11 năm 2016 – tháng 5 năm 2018: Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, Ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương
Tháng 5 năm 2018 – tháng 10 năm 2022: Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa, Ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương
Tháng 10 năm 2022 – Nay: Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương
Các tội ác chính
Bức hại Pháp Luân Công ở tỉnh Tứ Xuyên
Ngày 15 tháng 1 năm 2003, khi đang giữ chức công tố viên trưởng và bí thư đảng ủy Viện Kiểm sát tỉnh Tứ Xuyên, Trần đã trình bày báo cáo công tác tại kỳ họp đầu tiên của Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên khóa 10, và tuyên bố mục tiêu đàn áp Pháp Luân Công “không thương tiếc”. Ngày 14 tháng 2 năm 2004, tại kỳ họp thứ hai của Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên khóa 10, ông ta đã báo cáo “thành tích” phê chuẩn việc bắt giữ 150 học viên Pháp Luân Công và truy tố 184 học viên.
Anh Triệu Vĩnh ở thành phố Ba Trung, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt cóc vào tháng 4 năm 2002 tại thành phố Thành Đô và bị giam giữ tại Trại tạm giam huyện Bì. Tháng 3 năm 2003, anh bị Tòa án quận Cẩm Giang kết án 10 năm tù. Trong trại giam, anh bị tra tấn tàn bạo, và được thả trong tình trạng nguy kịch vào ngày 6 tháng 8 năm 2003. Nhiều tuần sau, vào ngày 31 tháng 8 năm 2003, anh qua đời ở tuổi 32.
Bức hại Pháp Luân Công trong nhiệm kỳ tại PLAC Trung ương
Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương (PLAC Trung ương), cơ quan giám sát hệ thống an ninh công cộng và pháp luật, là tổ chức điều hành chủ chốt của cuộc bức hại Pháp Luân Công kể từ năm 1999.
Kể từ khi Trần trở thành Bí thư của PLAC Trung ương vào tháng 10 năm 2022, ông ta vẫn tiếp tục thi hành các chính sách bức hại “bôi nhọ thanh danh, hủy hoại thân thể và vắt kiệt tài chính” đối với các học viên Pháp Luân Công. Những học viên bị đánh đến chết được coi là tự sát.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ tháng 10 năm 2022 tới tháng 6 năm 2024, có ít nhất 295 học viên Pháp Luân Công qua đời được báo cáo, trong đó có 17 trường hợp trong năm 2022, 209 trường hợp trong năm 2023 và 69 trường hợp trong nửa đầu năm 2024. Các học viên qua đời có độ tuổi từ 23 tới 93. Có ít nhất 23 học viên qua đời trong khi bị giam giữ.
Ngoài ra, có 1.472 trường hợp khác bị kết án được ghi nhận, bao gồm 107 trường hợp từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2022, 1.188 trường hợp trong năm 2023 và 447 trường hợp trong nửa đầu năm 2024. Ông Vương Lập Quần ở thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, bị kết án 12 năm tù vào khoảng tháng 11 năm 2023. Cũng trong tháng này, bà Mã Vân, một cư dân 59 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang, bị kết án 8 năm tù và bị phạt 20.000 Nhân dân tệ.
Từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2022 ghi nhận 669 vụ bắt giữ và 1221 vụ sách nhiễu. Có 3.629 vụ bắt giữ và 2.885 vụ sách nhiễu trong năm 2023 được báo cáo, và trong nửa đầu năm 2024 là 1.470 học viên bị bắt giữ và 1.244 học viên bị sách nhiễu.
Các vụ bức hại diễn ra trên khắp Trung Quốc. Trong số các học viên bị nhắm tới, một số bị đưa đến các trung tâm tẩy não, một số bị lục soát nhà, một số bị buộc phải sống xa nhà, và một số cho biết họ bị thu thập sinh trắc học trái ý muốn, bao gồm lấy mẫu máu và nước tiểu, dấu vân tay, dấu chân, giọng nói và các đặc điểm trên khuôn mặt.
Một số trường hợp qua đời vì bức hại
Trường hợp 1: Người dẫn chương trình phát thanh 30 tuổi bị đánh đến chết trong tù
Cựu dẫn chương trình tại Đài Phát thanh Nhân dân Tứ Xuyên, 30 tuổi, bị đánh chết vào ngày 2 tháng 12 năm 2022, khi đang thụ án 5 năm tù tại Nhà tù Gia Châu, tỉnh Tứ Xuyên.
Thân thể của anh Bàng Huân đầy những vết bầm tím do bị đánh đập, cũng như có nhiều dấu vết do bị điện giật và bị trói chặt bằng dây thừng. Anh bị mất ý thức do bị tra tấn. Nhà tù phủ nhận việc tra tấn anh Bàng, tuyên bố anh chết vì bệnh cường giáp.
Anh Bàng bị bắt cóc vào ngày 27 tháng 7 năm 2020 vì phát tặng tài liệu Pháp Luân Công, sau đó bị kết án 5 năm tù tại Nhà tù Gia Châu.
Anh Bàng Huân
Trường hợp 2: Người phụ nữ Tứ Xuyên chết khi đang thụ án 5 năm tù
Sáu tháng sau khi bị kết án 5 năm tù vì đức tin vào Pháp Luân Công, bà Khanh Lập Cúc, cư dân 51 tuổi vốn khỏe mạnh ở thành phố Bành Châu, tỉnh Tứ Xuyên, đã qua đời.
Bà Khanh bị bắt cóc vào ngày 9 tháng 3 năm 2021, khi đang phát tặng tài liệu thông tin Pháp Luân Công. Vụ bắt cóc xảy ra chỉ 2 năm sau khi bà Khanh mãn hạn bản án 10 năm tù vì đức tin của mình.
Sau khi bà Khanh bị bắt, chính quyền cấm gia đình bà đến thăm. Họ chỉ được phép mang quần áo cho bà 2 lần. Sau đó, trại tạm giam cũng cấm họ mang quần áo tới với lý do đại dịch. Ngày 21 tháng 6 năm 2022, bà Khanh bị Tòa án thành phố Bành Châu kết án 5 năm tù giam tại Nhà tù Cung Lai.
Ngày 1 tháng 10, gia đình bà Khanh nhận được cuộc gọi từ nhà tù, thông báo bà đang trong tình trạng nguy kịch. Ngày hôm đó, gia đình đến nhà tù và được phép nói chuyện với bà qua video. Nhưng khi họ nộp đơn xin bảo lãnh y tế cho bà thì bị nhà tù từ chối.
Hai tuần sau, vào ngày 14 tháng 10, nhà tù gọi điện, thông báo bà Khanh phải nhập viện. Ngày 16 tháng 10, gia đình đến bệnh viện nhà tù, và một lần nữa nói chuyện với bà qua video. Lúc đó, bà rất yếu và đôi chân của bà bị sưng phù nghiêm trọng. Gia đình lại yêu bảo lãnh y tế cho bà, nhưng vẫn bị từ chối.
Vài tuần sau, gia đình có một cuộc trò chuyện video khác với bà, lúc này tình trạng sức khỏe của bà thậm chí còn tồi tệ hơn. Giữa tháng 11, gia đình yêu cầu được gặp bà một lần nữa, nhưng bị từ chối với lý do phong tỏa vì đại dịch.
Cuộc gọi cuối cùng mà gia đình nhận được từ nhà tù là vào ngày 11 tháng 12, khi họ được thông báo rằng bà Khanh đang được cấp cứu tại bệnh viện. Họ vội vã đến bệnh viện, nhưng bà Khanh đã qua đời. Bác sỹ cho biết bà Khanh bà đã tắt thở khi được chuyển đến vào buổi sáng.
Trường hợp 3: Người phụ nữ Hồ Bắc chết vài ngày sau khi được thả khỏi trung tâm tẩy não
Ngày 18 tháng 4 năm 2022, cô Tôn Minh bị bắt cóc ở gần một siêu thị, và bị giam tại một trung tâm tẩy não địa phương. 8 tháng sau, vào ngày 26 tháng 12 năm 2022, khi người của trung tâm tẩy não yêu cầu gia đình cô đến đón thì cô đã ở trong tình trạng nguy kịch, chỉ còn da bọc xương, tóc đã bạc và nói chuyện khó khăn. Ngày 1 tháng 1 năm 2023, gia đình đưa cô đến bệnh viện, nhưng bác sỹ từ chối điều trị, và cô qua đời vài giờ sau đó.
Trường hợp 4: Người đàn ông 31 tuổi qua đời khi đang thụ án 8,5 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công
Anh Khương Dũng, một cư dân ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, bị bắt cóc vào ngày 28 tháng 6 năm 2021, sau đó bị kết án 8,5 năm tù tại Nhà tù Công Chủ Lĩnh với tội danh vu khống “Âm mưu lật đổ chính quyền”. Mặc dù anh đang ở trong tình trạng nguy kịch vì tuyệt thực để phản đối việc bức hại, nhưng chính quyền vẫn không cho anh được bảo lãnh y tế vì không từ bỏ đức tin của mình. Anh qua đời vào ngày 23 tháng 1 năm 2023, tức ngày 2 Tết Cổ truyền, khi mới 31 tuổi.
Trường hợp 5: Gia đình nghi ngờ có hành vi gian dối trong cái chết đột ngột của người đàn ông 72 tuổi tại Nhà tù Ký Đông
Ông Vương Kiến, một cư dân của thành phố Tuân Hóa, tỉnh Hà Bắc, bị bắt cóc tại nhà vào ngày 6 tháng 7 năm 2029, sau đó bị kết án 7 năm tù và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ. Khi gia đình đến thăm vào ngày 19 tháng 3 năm 2023, ông Vương vẫn khỏe mạnh và trạng thái tinh thần tốt. Tuy nhiên, vào ngày 3 tháng 4 năm 2023, gia đình ông bất ngờ nhận được cuộc gọi của nhà tù, thông báo về cái chết của ông ở tuổi 72.
Ông Vương có những vùng bầm tím rộng quanh tai và lưng, cũng như một số vết bầm tím ở mu bàn tay phải. Có một vết tròn trên ngực và một số vết xước trên lưng. Khi nhân viên điều tra lật người ông lại thì thấy dịch lỏng chảy ra từ tai trái của ông.
Nhà tù tuyên bố ông Vương bị đột tử vì bạo bệnh, nhưng không nói rõ là bệnh gì. Đối với gia đình ông, những vết bầm tím trên đầu và lưng của ông Vương trông rất bất thường, và không thể gây ra bởi bệnh thông thường. Gia đình ông tự hỏi liệu chúng có phải lầ hậu quả của việc tra tấn hay các hình thức ngược đãi khác mà nhà tù đang cố gắng che giấu hay không.
Trường hợp 6: Người phụ nữ 69 tuổi qua đời sau nhiều tuần được trả tự do trong tình trạng nguy kịch
Bà Lý Phượng Lan, một cư dân ở thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc, liên tục bị từ chối cho tại ngoại để điều trị bệnh, mặc cho căn bệnh ung thư vú đã di căn. Cuối cùng, khi bà được trả vào tháng 12 năm 2023 thì đã quá muộn để điều trị. Bà qua đời sau đó nhiều tuần, vào ngày 10 tháng 1 năm 2024, hưởng thọ 69 tuổi.
Bà Lý đã mắc bệnh ung thư khi bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Cam Túc vào ngày 27 tháng 2 năm 2023 để thụ án tù 1 năm 8 tháng. Lính canh đưa bà đến bệnh viện để hóa trị, nhưng căn bệnh ung thư đã di căn của bà vẫn không thuyên giảm. Lính canh cũng tra tấn bà, bao gồm cả việc bắt đứng trong thời gian dài và cấm ngủ.
Cả chồng bà Lý và nhà tù đều yêu cầu bảo lãnh y tế cho bà, nhưng cảnh sát phụ trách vụ án của bà từ chối yêu cầu, với lý do bà đã được bảo lãnh 1 lần vào năm 2019. Họ khẳng định bà sẽ không được bảo lãnh tại ngoại thêm lần nào nữa.
Những vụ bắt giữ và kết án
Bắt giữ tập thể tại thành phố Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông
Ngày 3 tháng 3 năm 2023, Công an thành phố và Đội An ninh Nội địa thành phố Nhật Chiếu đã phát động “Chuyên án đặc biệt 303”. Vào ngày 12 và 13 tháng 5, khoảng 50 học viên đã bị bắt cóc trong chuyên án này. Sau đó, hầu hết những học viên bị giam giữ đều bị kết án tù. Đặc biệt, 21 học viên, bao gồm bà Hồng Mai Sương, bà Quách Hân và ông Khương Hải Ba bị Tòa án huyện Ngũ Liên xét xử từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 12. Họ bị kết án từ 1 đến 5,5 năm tù vào ngày 25 tháng 12.
Ông Đinh Nguyên Đức cùng vợ là bà Mã Thụy Mai bị bắt cóc vào ngày 12 tháng 5 năm 2023. Khi biết cha mẹ mình bị bắt cóc, con trai ông bà hiện đang định cư ở Đức đã nỗ lực không mệt mỏi để kêu gọi trả tự do cho họ. Trong khi bà Mã được thả trong vòng 2 tuần, thì ông Đinh vẫn bị tạm giam, và sau đó bị kết án 3 năm tù.
Bắt giữ hàng loạt ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm
Tỉnh Cát Lâm báo cáo 2 vụ bắt giữ hàng loạt, trong đó ít nhất 46 học viên ở thành phố Trường Xuân bị bắt từ tháng 4 tới tháng 5 năm 2024 và 35 học viên khác ở thành phố Thư Lan bị bắt vào ngày 5 tháng 6. Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Cát Lâm, Ủy ban Chính trị và Pháp luật cùng Phòng 610 thành phố Trường Xuân chỉ đạo các vụ bắt giữ này.
Người phụ nữ 61 tuổi mắc bệnh ung thư bị suy giảm sức khỏe trong khi thụ án tù lần thứ hai vì tu luyện Pháp Luân Công
Tháng 6 năm 2023, bà Trần Thúy Châu, một cư dân 61 tuổi ở thành phố Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, bị kết án 5 năm tù và bị phạt 5.000 Nhân dân tệ. Mặc dù bà được chẩn đoán mắc ung thư vú di căn ngay sau khi bị bắt vào tháng 9 năm 2022, nhưng chính quyền không cho bà được điều trị bệnh cho tới sau phiên tòa xét xử vào ngày 4 tháng 5 năm 2023. Bà được đưa trở lại trại tạm giam thành phố Trạm Giang 5 ngày sau ca phẫu thuật.
Bà Trần bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Quảng Đông vào một ngày không xác định sau khi bị tuyên án. Theo những người trong cuộc, tóc của bà hiện đã rụng hết. Không rõ việc này là do bệnh ung thư hay do hóa trị (nếu có). Bà cũng gầy và rất yếu. Bất chấp tình trạng của bà, ban quản lý nhà tù từ chối cho bà được tại ngoại.
Trước bản án gần đây, bà Trần từng bị bắt và kết án 4 năm tù vào tháng 1 năm 2002, cũng vì tu luyện Pháp Luân Công.
Ba cư dân Quảng Đông bị kết án tù – Một người bị kết án nặng và phạt 500 nghìn Nhân dân tệ
Ba cư dân ở thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông đã bị kết án vào ngày 27 tháng 10 năm 2022. Ông Triệu Thiên Hoa bị kết án 7 năm tù và bị phạt 500.000 Nhân dân tệ tiền phạt. Ông Trần Hoa Lương và ông Luyện Nhật Quang, mỗi người bị kết án 4 năm tù cùng 20.000 Nhân dân tệ tiền phạt.
Ba học viên này bị bắt tại trường tư thục tại gia của ông Triệu vào ngày 11 tháng 5 năm 2021. Ban đầu, cảnh sát buộc tội họ tham gia “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp”. Vì không tìm được đủ bằng chứng cho cáo buộc này, nên cảnh sát đổi thành “lợi dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cái cớ thường được sử dụng để kết án các học viên Pháp Luân Công. Các sách Pháp Luân Công bị tịch thu được sử dụng như bằng chứng truy tố chống lại họ.
Một cặp vợ chồng nhận bản án nặng vì đức tin
Bà Thái Tú Anh và chồng là ông Chu Minh Đích ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt trong vụ bắt giữ hàng loạt các học viên Pháp Luân Công địa phương vào tháng 4 năm 2020. Cuối tháng 12 năm 2022, họ bị Tòa án thành phố Đại Thanh xét xử, và bị kết án sau đó. Bà Thái bị kết án 10 năm tù và bị phạt 70.000 Nhân dân tệ. Ông Chu bị kết án 9 năm 8 tháng tù và bị phạt 60.000 Nhân dân tệ.
Hai vợ chồng ông bà kháng cáo, nhưng đã bị bác bỏ. Ngày 15 tháng 5 năm 2023, bà Thái bị chuyển đến Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang, trong khi ông Chu vẫn bị giam tại trại tạm giam thành phố Đại Khánh.
Người phụ nữ Cát Lâm 45 tuổi bị kết án bí mật 3,5 năm tù, gia đình không được thông báo về bản án cho đến khi cô bị đưa vào tù
Cô Triệu Quốc Khôn, một cư dân 45 tuổi ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, bị kết án 3,5 năm tù vào ngày 15 tháng 4 năm 2024. Tuy nhiên, gia đình cô không được thông báo về bản án oan sai này, cho tới khi cô bị đưa vào Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm. Họ vẫn không biết viện kiểm sát nào đã truy tố hay tòa án nào đã kết án cô, vì cảnh sát và các cơ quan tư pháp không cập nhật cho họ thông tin về tình hình vụ án. Nhà tù được chỉ thị chỉ thông báo cho họ về án tù của cô.
Cô Triệu không phải là người duy nhất trong gia đình bị nhắm đến vì tu luyện Pháp Luân Công. Anh trai của cô, anh Triệu Quốc Hưng, khoảng 52 tuổi, từng bị giam trong trại lao động trong 3 năm và bị cầm tù trong 10 năm. Mẹ của họ, bà Lý Diễm, qua đời vào ngày 5 tháng 2 năm 2012 ở tuổi 61 vì quá sợ hãi và căng thẳng trước cuộc bức hại này.
Lần gần đây nhất hai anh em họ Triệu bị bắt là vào ngày 4 tháng 5 năm 2023, cùng với cha của họ, ông Triệu Húc Đông, nhưng ngay sau đó được tại ngoại. Ông Triệu Húc Đông qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm 2023, 10 ngày sau khi bị cảnh sát sách nhiễu tại nhà, hưởng thọ 77 tuổi. Ngày 6 tháng 12 năm 2023, cô Triệu bị bắt trở lại, sau đó bị kết án tù một cách bí mật.
Tham gia vào chiến dịch tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công
Ngoài việc tham gia bắt giữ và kết án các học viên, Trần cũng tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền chống Pháp Luân Công.
Tháng 4 năm 2023, dưới sự chỉ đạo của PLAC Trung ương và Cục 4 của Bộ Công an, một loạt sự kiện “Giáo dục nhận thức chống tà giáo” được tổ chức ở các khu vực nông thôn trên khắp Trung Quốc. Các sự kiện này bao gồm phát tờ rơi và trưng bày áp phích và biểu ngữ có nội dung bôi nhọ Pháp Luân Công.
Ngày 14 tháng 4 năm 2023, “Ngày giáo dục an ninh quốc gia” với chủ đề “Giáo dục chống tà giáo” được tổ chức tại Bắc Kinh. Các lãnh đạo của PLAC Trung ương, Bộ Công an, PLAC thành phố Bắc Kinh, Công an thành phố Bắc Kinh và Hiệp hội chống tà giáo Bắc Kinh, đã tham dự sự kiện này.
Ngoài ra, Ủy ban PLAC Trung ương cũng tài trợ cho nhiều chiến dịch tuyên truyền trực tuyến. Ví dụ, Ủy ban PLAC Trung ương tỉnh Quảng Đông đã chi 1,9 triệu nhân dân tệ để thành lập “Cơ sở giáo dục trực tuyến cảnh báo chống tà giáo tỉnh Quảng Đông” hợp tác với Southern News Network, nhằm phát tán thông tin sai lệch chống lại Pháp Luân Công.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/6/480520.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/11/219468.html
Đăng ngày 05-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.