Bài viết của một phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 18-08-2024] Nhân dịp 25 năm từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình một danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại nhằm yêu cầu chính phủ cấm thủ phạm cùng người thân của họ nhập cảnh, đồng thời đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ theo luật định.

Trong số những thủ phạm bị nêu tên có Trình Ninh Ninh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc.

Thông tin về thủ phạm

Họ và tên của thủ phạm: Trình (họ) Ninh Ninh (tên)
Tên tiếng Trung: 程宁宁
Giới tính: Nữ
Ngày/năm sinh: Không rõ
Nơi sinh: Không rõ

bf5512bb3dd2a6cc760d96e7c3f89ed9.jpg

Chức danh, chức vụ

Trình Ninh Ninh từng giữ chức Phó Giám đốc Ban Quốc tế của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Giám đốc Điều hành kiêm Tổng Thư ký của Hội Liên hiệp các Nhà Khoa học và Công nghệ Nữ Trung Quốc (đổi tên thành Hiệp hội các nhà Khoa học và Công nghệ nữ Trung Quốc vào năm 2007). Năm 2003, Trình bắt đầu làm việc cho Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc, một tổ chức còn được gọi là Hiệp hội Quan ái Trung Quốc, chuyên trách việc bức hại Pháp Luân Công, và đến nay vẫn tiếp tục.

Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc được thành lập vào ngày 13 tháng 11 năm 2000. Mặc dù được đăng ký là một tổ chức phi chính phủ, nhưng tổ chức này vẫn nhận được tài trợ đều đặn từ chính phủ. Hoạt động chính của tổ chức này là huy động nguồn lực của cộng đồng khoa học và công nghệ để bức hại Pháp Luân Công. Tổ chức này có chi nhánh ở mọi cấp tại các tỉnh thành và khu tự trị, với mạng lưới từ trên xuống bao phủ toàn bộ Trung Quốc.

Kể từ khi thành lập, tổ chức này đã tổ chức các cuộc triển lãm, bài giảng, và hội thảo cũng như giám sát việc xuất bản các báo cáo và tạp chí định kỳ, sản xuất phim và chương trình truyền hình, tất cả đều nhằm mục đích tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công, cả ở Trung Quốc và trên khắp thế giới. Tổ chức này cũng cung cấp hỗ trợ chiến lược cho các tổ chức khác trực tiếp tham gia vào việc “chuyển hóa” và tra tấn các học viên.

Những tội ác chính

1) Tổ chức, tham gia và chỉ đạo các chiến dịch tuyên truyền làm mất uy tín của Pháp Luân Công

Cuối năm 2000, Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc đã khởi xướng chiến dịch vận động kiến ​​nghị “Một triệu chữ ký” nhắm vào Pháp Luân Công. Hiệp hội này đã phân phát 100 cuộn giấy dài 100 mét cho các chính quyền địa phương và huy động công chúng ký vào. Những người tổ chức tuyên bố rằng, tính đến ngày 26 tháng 2 năm 2001, họ đã thu thập được hơn 1,5 triệu chữ ký.

Tháng 3 năm 2001, Trình và một số thành viên khác của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc đã tham dự Hội nghị Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva và trưng bày các cuộn chữ ký nặng hơn 900kg (2.000 pound).

Từ ngày 26 tháng 11 đến ngày 5 tháng 12 năm 2003, Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Phòng 610 Trung ương đã tổ chức một triển lãm ảnh kéo dài 10 ngày tại Bắc Kinh để bôi nhọ Pháp Luân Công. Trình là một trong những người tổ chức chính.

Ngày 12 tháng 5 năm 2011, cùng với Nhậm Bỉnh Văn, Tổng Thư ký của Hiệp hội Chống Tà giáo Chiết Giang, Trình đã đến thăm Đại học Thương mại và Công nghiệp Chiết Giang và đánh giá cao công tác “chống tà giáo” của trường.

2) Xuất khẩu cuộc bức hại ra nước ngoài

Năm 2001, Trình đã làm việc với các đại sứ quán và lãnh sự quán của ĐCSTQ ở nước ngoài để trưng bày những bức ảnh phỉ báng Pháp Luân Công tại Canada, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan và Pháp.

Tháng 3 năm 2002, Trình đã làm việc với Lý An Bình, Phó Tổng Thư ký của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc, để đệ trình hơn 10.000 lá thư được cho là do công chúng viết gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Cao ủy Nhân quyền của Liên Hợp Quốc tại Geneva.

Những lá thư này là nhằm hợp pháp hóa cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công và yêu cầu Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tôn trọng và ủng hộ chính sách bức hại của ĐCSTQ. Họ cũng tổ chức các cuộc họp báo và cho ra các báo cáo công khai tấn công Pháp Luân Công.

Sau đó, có thông tin cho rằng những lá thư trình lên Liên Hợp Quốc là bịa đặt. Trong một trường hợp, Hiệp hội Chống Tà giáo Bắc Kinh đã ra lệnh cho Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Quận Sùng Văn tổ chức cho những người đã từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công hoặc những người đang làm công tác “chuyển hóa” các học viên viết thư.

Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 7 năm 2010, Trình đã đến Fort Lee ở New Jersey, Hoa Kỳ cùng Vương Văn Trung, một nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Tâm lý học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Trần Thanh Bình, một giáo sư tại Khoa Tâm lý học của Đại học Sư phạm Thiểm Tây. Cả ba đã tham dự hội nghị quốc tế thường niên do Hiệp hội Nghiên cứu Giáo phái Quốc tế (ICSA) tổ chức, trước đây gọi là Quỹ Gia đình Mỹ (AFF).

Trong các bài thuyết trình của mình, Trình và những người khác đã trình bày họ đã sử dụng bốn lĩnh vực xã hội, quyền lực chính trị, tổ chức cấp cơ sở và ảnh hưởng của gia đình như thế nào để triển khai các chiến thuật tẩy não áp lực cao đối với các học viên Pháp Luân Công. Họ cũng trình bày kết quả nghiên cứu của họ trong việc tẩy não các học viên, theo các bước “chăm sóc, ‘chuyển hóa’, và giáo dục”. Bà ta đã đưa ra các ví dụ và hình ảnh chụp tại “Trung tâm Chăm sóc”, một trung tâm tẩy não trá hình, ở quận Hạ Quan, thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô.

Một bài báo do tạp chí nội bộ của Trung tâm Chăm sóc xuất bản năm 2010, đã nêu chi tiết về lần Trình tham dự hội nghị và các nhân viên của Trung tâm Chăm sóc giúp bà ta chuẩn bị tài liệu như thế nào. Thực chất, Trình đã nộp đơn xin tham dự hội nghị nhiều năm, nhưng luôn bị từ chối. Bà ta đã phải thay đổi tên tổ chức và tiêu đề báo cáo của mình, mới được ban tổ chức hội nghị chấp nhận.

3) Tham gia các phiên tẩy não

Trình đã nhiều lần đích thân đến thăm “Trung tâm Chăm sóc” ở quận Hạ Quan để chỉ đạo. Bà ta nhận định rằng Trung tâm Chăm sóc là “một sáng kiến ​​và đang có những đóng góp quan trọng khi khám phá các phương pháp [tẩy não] mới”. Bà ta còn ca ngợi công trình của Trình Đông Hiểu, Giám đốc “Trung tâm Chăm sóc”, cũng là Giám đốc Phòng 610 Quận Hạ Quan.

Ngày 10 tháng 6 năm 2014, chi nhánh Giang Tô của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc đã tổ chức một hội thảo có chủ đề “Tăng cường quản trị xã hội và dẫn dắt quay trở lại xã hội” tại Khách sạn Song Môn Lâu ở Nam Kinh. Hội thảo này đã lấy “Trung tâm Chăm sóc” làm mô hình để giới thiệu các kỹ thuật tẩy não các học viên mà họ đã vận dụng trong năm năm trước đó. Hiệp hội này đã khuyến nghị phổ biến kinh nghiệm của họ đến các trung tâm tẩy não khác trên khắp cả nước. Trình đã tham dự hội thảo và có bài phát biểu, trong đó bà ta ca ngợi công trình của “Trung tâm Chăm sóc”.

“Trung tâm chăm sóc”, trước đây là Trung tâm Tẩy não Quận Hạ Quan, được thành lập vào đầu năm 2003. Tháng 5 năm 2009, trung tâm này được mở rộng và đổi tên thành “Trung tâm Chăm sóc”. Tháng 3 năm 2013, sau khi quận Hạ Quan và Cổ Lâu sáp nhập, biển hiệu mới của “Trung tâm Chăm sóc” được chuyển thành “Hiệp hội Chăm sóc Quận Cổ Lâu”, do Trình Đông Hiểu đứng đầu.

Trong năm 2013 và 2014, ít nhất 35 học viên Pháp Luân Công ở Nam Kinh đã bị giam giữ tại trung tâm tẩy não này. Các nhân viên sử dụng nhiều kỹ thuật cưỡng bức và đe dọa, thường bao gồm cả nhục hình, nhằm ép các học viên từ bỏ đức tin của họ.

Cô Trương Bổn Phương, một cựu y tá tại Bệnh viện Ung thư Thành phố Nam Kinh, đã nhiều lần bị bắt và giam giữ tại trung tâm tẩy não này. Tại đây, bà bị cấm ngủ, bị bắt phải đứng nhiều giờ liền, không được sử dụng nhà vệ sinh, và bị đánh đập dã man. Mặc dù sức khỏe của bà sa sút đi, cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu bà sau khi bà được thả. Cuối cùng bà đã qua đời vào tháng 1 năm 2013, ở tuổi 55.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/18/480959.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/23/219640.html

Đăng ngày 06-09-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share