Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-07-2024] Ngày 4 tháng 7 năm 2024, bà Tân Lâm Nguyên, một cư dân 70 tuổi ở thành phố Ngân Xuyên, Khu tự trị Ninh Hạ bị kết án 2 năm tù cùng 10.000 nhân dân tệ tiền phạt vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999. Hiện bà Tân đang kháng cáo bản án oan sai.

Bản án của bà Tân bắt nguồn từ vụ bắt giữ lần đầu của bà vào ngày 15 tháng 5 năm 2022. Cựu kế toán của Công ty TNHH Điện tử Ninh Quang đã nhanh chóng được bảo lãnh tại ngoại, nhưng lại bị bắt giam lại vào ngày 21 tháng 2 năm 2024. Kể từ đó bà vẫn bị giam giữ tại Trại tạm giam thành phố Thạch Chủy Sơn.

Tòa án quận Đại Vũ Khẩu ở thành phố Thạch Chủy Sơn đã xét xử vụ án của bà Tân vào ngày 6 tháng 6 năm 2024 và kết án bà vào ngày 4 tháng 7. Phán quyết có chữ ký của thẩm phán chủ tọa Vương Giác, thẩm phán Lương Tông Quyền, thẩm phán Tống Thúy Bình, thư ký Chu Hải Bân và công tố viên Trương Chiêu Oa của Viện Kiểm sát quận Đại Vũ Khẩu.

Chồng bà Tân là ông Trần Kiến Quốc (77 tuổi), người bào chữa không phải luật sư trong phiên tòa xét xử của bà, đã nhận được bản án của bà sau vài ngày bà bị kết án. Ông nhận thấy rằng bản án trích dẫn ba bằng chứng truy tố làm cơ sở cho bản án tù của vợ ông.

Bằng chứng thứ nhất nói rằng bà Tân đã quảng bá Pháp Luân Công, nhưng không có bằng chứng hỗ trợ nào được đưa vào phán quyết. Tại Trung Quốc không có điều luật hình sự hóa Pháp Luân Công. Ngay cả khi bà Tân quảng bá Pháp Luân Công thì bà vẫn có quyền làm điều đó.

Bằng chứng thứ hai gồm những đồ vật được cho là tịch thu từ nhà bà Tân gồm một máy in, một ổ lưu trữ USB, máy nghe nhạc MP3 và tiền giấy in thông tin Pháp Luân Công. Tuy nhiên, danh sách tài sản tịch thu kèm với phán quyết không đưa ra mô tả chi tiết về từng đồ vật và xác định nguồn gốc của chúng theo quy định của pháp luật. Nếu không có thông tin bắt buộc, bất kỳ đồ vật tương tự nào (giống như ổ lưu trữ USB) cũng có thể làm bằng chứng truy tố bà Tân.

Bằng chứng thứ ba là “sự thật” rằng bà Tân đã nhiều lần cung cấp tài liệu Pháp Luân Công cho một học viên địa phương khác là bà Lý Chi Hương, sau đó bà Lý bị kết án 3,5 năm tù và bị đưa tới Nhà tù Nữ Ninh Hạ vào tháng 7 nám 2023 sau khi kháng cáo thất bại.

Cảnh sát tự tuyên bố trong biên bản thẩm vấn của bà Lý và bà Tân rằng hai người ban đầu không biết nhau mặc dù cả hai đều là học viên Pháp Luân Công. Bất chấp điều đó, cảnh sát vẫn tuyên bố rằng bà Lý đã tới nhà bà Tân ba lần để nhận tài liệu Pháp Luân Công. Ba lần này sau đó trở thành “nhiều lần” trong cáo trạng và phán quyết. Theo luật, mô tả về các tội danh bị cáo buộc phải chính xác và nhất quán. “Ba lần” và “nhiều lần” không có nghĩa là cùng tần xuất.

Phán quyết còn nêu ra hai kịch bản mà chính quyền phát hiện ra rằng “bà Lý nhận tài liệu Pháp Luân Công từ nhà bà Tân.” Kịch bản thứ nhất là lời kể của cảnh sát Lưu Bằng Phi của Sở Cảnh sát quận Đại Vũ Khẩu. Lưu nói cảnh sát đã theo dõi bà Lý tới nhà bà Tân và phát hiện rằng bà Lý lấy tài liệu Pháp Luân Công từ nhà bà Tân. Kịch bản thứ hai nói rằng vẫn còn hình ảnh của video giám sát chụp được việc bà Lý có mặt tại nhà bà Tân để nhận tài liệu Pháp Luân Công.

Về mặt lý thuyết cả hai kịch bản đều có thể đúng (nghĩa là cảnh sát theo dõi bà Lý tới nhà bà Tân và camera giám sát cũng ghi lại được hình bà Lý có mặt tại nhà bà Tân). Tuy nhiên, phán quyết đã tạo ra ấn tượng rằng hai kịch bản là tình huống “hoặc…hay”. Một lần nữa, theo luật, mô tả của cùng một dữ kiện nên nhất quán và chính xác. Tất nhiên, đây chỉ là thảo luận về thủ tục pháp lý. Khi nói đến sự thật chúng ta không nên quên rằng bà Lý chưa từng tới nhà bà Tân vì hai người họ không biết nhau.

Bên cạnh những phản bác như trên của chồng bà Tân đối với cáo buộc trong phán quyết, ông và luật sư bào chữa cũng nêu bật những điều sau trong phiên tòa xét xử.

Gia đình và bạn bè của bà Tân (ngoại trừ chồng bà) bị cấm vào phòng xét xử và luật sư của bà đã phản đối hành vi phi pháp của chấp hành viên tòa án. Chấp hành viên đã xin ý kiến chỉ đạo từ cấp trên của họ và cuối cùng tám người thân và bạn bè của bà Tân được phép vào trong.

Luật sư của bà Tân tiếp tục làm chứng chống lại cảnh sát vì bắt giữ bà không tuân theo thủ thục pháp lý. Họ không đưa ra lệnh khám trong khi lục soát nhà bà và cũng không cho bà xác định những đồ vật bị tịch thu hoặc cho bà danh sách tài sản bị tịch thu theo luật định.

Ông Trần làm chứng chống lại công tố viên Trương vì những sai sót thực tế trong bản cáo trạng như sau:

– Bằng cao đẳng của bà Tân bị ghi sai là bằng tốt nghiệp trung cấp nghề.

– Cảnh sát nộp hồ sơ vụ án tới viện kiểm sát vào ngày 4 tháng 3 năm 2024, nhưng ngày được viết trên cáo trạng là ngày 8 tháng 3 năm 2023.

– Bà Tân bị bắt giữ vào ngày 12 tháng 8 năm 2011 vì tu luyện Pháp Luân Công và nhanh chóng được trả tự do vô điều kiện. Tuy nhiên, công tố viên Trương lại liệt kê vụ bắt giữ giống như bằng chứng rằng bà Tân bị giam giữ hành chính vào năm 2011 ngay cả sau khi ông ta thừa nhận không có hồ sơ chính thức cho việc “giam giữ hành chính” như vậy.

Bài liên quan:

Nữ học viên 70 tuổi ở Ninh Hạ lại bị giam giữ phi pháp chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công

Người phụ nữ 70 tuổi ở Ninh Hạ bị từ chối bảo lãnh và quyền xem hồ sơ vụ án của người bào chữa gia đình

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/20/479886.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/23/219169.html

Đăng ngày 01-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share