[MINH HUỆ 06-01-2024] 24 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2023, nhằm kêu gọi chính phủ truy cứu trách nhiệm của những người tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Các học viên đề xuất chính phủ của họ cấm những thủ phạm này cũng như người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.

Một trong những thủ phạm trong danh sách này là Trương Văn Các, Nguyên Trưởng phòng An ninh Nội địa của Công an tỉnh Hà Bắc.

Thông tin về thủ phạm

Họ và tên: Trương Văn Các (张文阁)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: Tháng 11 năm 1966
Nơi sinh: Huyện Cố Thành, tỉnh Hà Bắc

66f0159d3352eb3e5d52eb5c156ddc6b.jpg

Trương Văn Các

Chức danh, chức vụ

6/2022 – Hiện tại: Phó Thị trưởng thành phố Lang Phường kiêm Trưởng phòng An ninh Nội địa thành phố.

12/2019 – 5/2022: Ủy viên Ban Lãnh đạo Đảng, Phó Thị trưởng thành phố Thương Châu kiêm Trưởng phòng An ninh Nội địa.

02/2017 – 12/2019: Trưởng phòng An ninh Nội địa Công an tỉnh Hà Bắc.

11/2013 – 02/2017: Chính ủy Văn phòng An ninh Nội địa Công an tỉnh Hà Bắc.

8/1989 – 11/2013: Công tác tại Công an tỉnh Hà Bắc.

Những tội ác chính

Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Trương Văn Các đã giữ nhiều vai trò trong hệ thống công an, như chính ủy và trưởng phòng An ninh Nội địa Công an tỉnh Hà Bắc, cũng như trưởng phòng An ninh Nội địa hai thành phố Thương Châu và Lang Phường. Ông ta tích cực thực thi chính sách bức hại của ĐCSTQ, huy động lực lượng cảnh sát các cấp ở Hà Bắc tham gia. Ít nhất 32 học viên Pháp Luân Công đã chết do bị bức hại trong thời gian Trương đảm nhiệm hai chức vụ nói trên. Thêm nhiều học viên nữa bị giam giữ, sách nhiễu, kết án và tra tấn.

Tháng 12/2019 đến nay: Phó Thị trưởng thành phố Thương Châu và thành phố Lang Phường, kiêm trưởng phòng An ninh Nội địa thành phố

Từ năm 2019, kể từ khi Trương đảm nhận chức vụ trưởng phòng An ninh Nội địa của hai thành thành phố Thương Châu và Lang Phường, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt cóc, sách nhiễu và giam giữ.

Bức hại ở thành phố Lang Phường

Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2023, tổng cộng 10 học viên tại thành phố Tam Hà, trực thuộc thẩm quyền của Lang Phường, đã bị bắt. Việc bắt giữ bà Tùy Lệ Tiên và ông Trương Học Phủ đã được phê duyệt.

Bà Quản Trung Phượng, cư dân thành phố Lang Phường, bị bắt cóc khi đang phát tặng tài liệu thông tin về Pháp Luân Công tại một khu dân cư vào chiều ngày 18 tháng 8 năm 2023. Nhà của bà bị lục soát, mặc dù huyết áp cao nhưng bà vẫn bị tạm giam 15 ngày, sau đó được thả vào ngày 1 tháng 9 năm 2023.

Tháng 9 năm 2022, trước thềm Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, phòng An ninh Nội địa thành phố Tam Hà đã gây áp lực buộc các đồn cảnh sát địa phương sách nhiễu ít nhất 40 học viên Pháp Luân Công. Một số cảnh sát gọi điện thoại sách nhiễu, một số đến nhà các học viên, một số bí mật chụp ảnh và quay phim các học viên, và một số lừa người nhà của các học viên để quay những đoạn video ngắn về các học viên cho họ.

Ngày 5 tháng 9 năm 2023, hai cư dân ở huyện Hương Hà, tỉnh Hà Bắc, bị kết án vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Ông Vương Chí Sơn, một bác sỹ 52 tuổi, bị kết án 2 năm tù. Ông Trương Hiến, một cựu cảnh sát 50 tuổi, bị kết án 1,5 năm tù. Cả hai học viên đều được tại ngoại từ tháng 1 năm 2023, nhưng bị bắt lại một ngày sau khi tuyên án.

Tối ngày 11 tháng 1 năm 2022, các học viên Pháp Luân Công Lưu Tại Vân, Tô Xuân Phong, Hầu Thụ Nguyên và Hồ Tú Mai lái xe đến quận Tân Hoa, thành phố Thương Châu. Vừa bước ra khỏi xe, họ đã bị Cao Phúc Tùng cùng hơn chục cảnh sát từ Đồn Công an Tân Hoa bắt giữ. Các học viên đã bị giam giữ và thẩm vấn phi pháp tại Đồn Công an Tân Hoa, và nhà của họ bị khám xét mà không có lệnh của cơ quan có thẩm quyền.

Bức hại ở thành phố Thương Châu

Tại thành phố Thương Châu, vào năm 2021, 4 học viên Pháp Luân Công bị kết án, 15 người bị bắt và 100 người bị sách nhiễu; trong năm trước đó, 7 học viên bị kết án, 50 người bị bắt và 306 người bị sách nhiễu. Tháng 11 năm 2020, cảnh sát đã sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công với nhiều lý do khác nhau, như “điều tra dân số” hoặc “kiểm tra tình trạng nhiễm bệnh COVID-19”.

Ngày 13 tháng 3 năm 2020, ông Trương Thiết Sơn, một cư dân thành phố Thương Châu, bị bắt khi đang phổ biến cho mọi người về Pháp Luân Công ở gần Trường Tiểu học Thực nghiệm Huyện Thanh. Mặc dù được thả vào ngày 14 tháng 3, nhưng ông bị trầm cảm. Ông thường xuyên khóc, và hiếm khi nói chuyện với người khác. Ngoài ra, ông không thể ăn uống được gì và thỉnh thoảng ho ra máu. Ông nhanh chóng sụt cân và bắt đầu đi lại khó khăn. Ngày 12 tháng 9 năm 2020, ông rơi vào trạng thái hôn mê khi đang làm việc, và qua đời vào buổi tối cùng ngày, hưởng thọ 64 tuổi.

Ông Vương Thủy Vĩnh ở thành phố Bạc Đầu (thuộc địa phận Thương Châu), gặp khó khăn trong ăn uống và ngủ sau khi bị chính quyền địa phương và quan chức xã sách nhiễu vào ngày 10 tháng 9 năm 2020. Ông qua đời vì một cơn đau tim vào ngày 2 tháng 10 năm 2020.

Ngày 16 tháng 11 năm 2020, bà Trương Nhữ Phân, gần 70 tuổi, bị hơn chục cảnh sát bắt cóc tại nhà. Sau khi khiêng bà Trương xuống lầu và đẩy vào xe cảnh sát, cảnh sát sập cửa xe trong khi chân của bà vẫn còn ở bên ngoài. Bà hét lên trong đau đớn. Bị giam trong xe, bà bị đau lưng trầm trọng và muốn duỗi người, nhưng cảnh sát từ chối nhường chỗ. Khi đến đồn công an, bà Trương đau đến mức không thể cử động được. Một số cảnh sát túm chân bà kéo bà ra khỏi xe, khiến đầu của bà đập xuống nền bê tông và bất tỉnh.

Khi tỉnh lại, bà Trương thấy mình đang nằm trên nền bê tông trong sân của đồn công an và với lưng trần. Một tay áo của áo khoác của bà bị rách. Bà khó thở, run rẩy và không thể cử động do quá đau đớn. Bà còn bị sưng phù nặng ở phía sau đầu, và không khỏi trong nhiều ngày.

Thấy bà tỉnh dậy, một số cảnh sát đến và cố gắng kéo bà vào phòng thẩm vấn, khiến bà hét lên trong đau đớn. Sau đó, cảnh sát yêu cầu bà đứng dậy, nhưng bà lại gần như ngất đi. Vùng ngực thắt chặt lại, và bà cảm thấy như thể lưng của mình đã bị gãy.

Ngày 11 tháng 1 năm 2022, bốn học viên ở thành phố Thương Châu là bà Lưu Tại Vân, bà Tô Xuân Phong, ông Hầu Thụ Nguyên và bà Hồ Tú Mai, bị bắt sau khi bị cảnh sát theo dõi khi ra ngoài phát tặng tài liệu thông tin về Pháp Luân Công. Bà Tô được tại ngoại vào ngày 14 tháng 1 do tình trạng sức khỏe yếu, ông Hầu bị đưa đến Trại tạm giam thành phố Thương Châu vào ngày 16 tháng 1, còn bà Lưu và bà Hồ bị đưa đến trại tạm giam này hai ngày sau. Mặc dù ông Hầu bị cao huyết áp và tụ dịch xung quanh động mạch não do bị ngược đãi trong khi giam giữ, nhưng ông vẫn đã bị từ chối bảo lãnh tại ngoại để trị bệnh. Ngày 26 tháng 10 năm 2022, cả bốn học viên bị truy tố. Ngày 21 tháng 12 năm 2023, họ bị tòa án xét xử, và hiện đang chờ phán quyết.

Từ tháng 11 năm 2013 đến tháng 12 năm 2019: Trưởng phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Hà Bắc

Năm 2014, sau khi Trương trở thành Trưởng phòng An ninh Nội địa thuộc Sở Công an tỉnh Hà Bắc, ông ta đã tổ chức nhiều vụ bắt giữ học viên Pháp Luân Công trên quy mô lớn. Trong nửa cuối năm 2017 và 2018, tỉnh Hà Bắc dẫn đầu Trung Quốc về số vụ sách nhiễu.

Trong năm 2019, 10 học viên bị bức hại đến chết, 64 học viên bị kết án tù, 544 người bị bắt, trong đó 289 học viên bị lục soát nhà và 234 học viên khác bị sách nhiễu.

Trong năm 2018, có tổng cộng 1.075 vụ sách nhiễu đã được báo cáo, cao nhất cả nước. 326 học viên bị bắt. 41 học viên bị bức hại tài chính, bao gồm tịch thu hoặc phạt tiền, với tổng số tiền là 382.700 nhân dân tệ.

Trong nửa đầu năm 2017, ít nhất 306 vụ sách nhiễu đã được ghi nhận, cùng với 281 vụ bắt giữ và 126 vụ lục soát nhà. Bốn học viên bị bức hại đến chết.

Trong nửa cuối năm 2017, tỉnh Hà Bắc có 2.092 học viên Pháp Luân Công bị sách nhiễu, cao nhất trong cả nước. Trong cùng kỳ, 269 học viên đã bị bắt.

Trong năm 2016, 1.226 học viên ở tỉnh Hà Bắc đã bị bắt hoặc bị sách nhiễu, trong đó có 187 học viên bị lục soát nhà. Trong năm 2015, có 462 học viên bị bắt cóc và 901 người bị sách nhiễu.

Trong năm 2014, tỉnh Hà Bắc có ít nhất 487 học viên bị bắt, đứng thứ ba toàn quốc. Ngày 17 tháng 8 năm 2014, 42 học viên Pháp Luân Công đã bị hơn chục cảnh sát ở thành phố Thương Châu bắt giữ, trong đó có bà Lý Lệ, bà Khang Lan Anh và bà Đường Kiến Anh, khi họ đang tổ chức Pháp hội chia sẻ trải nghiệm tu luyện. Trong nhiều ngày tiếp theo, cảnh sát đã đột kích nhà của các học viên này.

Các vụ bắt giữ và sách nhiễu tập thể

Tháng 4 năm 2019, chính quyền tỉnh Hà Bắc đã phát động chiến dịch kéo dài 100 ngày, nhắm vào các học viên không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Sở Công an tỉnh Hà Bắc thành lập một đội đặc nhiệm nhằm triển khai chiến dịch, kéo dài từ ngày 5 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7 năm 2019. Đội đặc vụ này đóng quân tại một khách sạn ở huyện Lai Thủy. Lý Hoành Vũ, cựu trưởng Phòng 610 huyện Lai Thủy, chỉ huy đội đặc vụ này.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 6 tháng 7 năm 2019, hơn 300 cảnh sát được huy động để vây bắt các học viên. Một cảnh sát trưởng tiết lộ rằng họ đã theo dõi điện thoại di động của các học viên trong hai tháng trước khi hành động. Cảnh sát đã nhận lệnh bắt giữ hơn 30 người.

Ngày 13 tháng 7 năm 2019, 34 học viên ở huyện Vi Trường, tỉnh Hà Bắc, bị bắt và nhà của họ đã bị lục soát. Cảnh sát đã tịch thu máy in, máy tính, sách Pháp Luân Công và tài liệu thông tin về Pháp Luân Công của các học viên. Sau đó, 13 học viên bị Tòa án huyện Loan Bình kết án từ 1 đến 6 năm tù giam.

Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2018, dưới sự chỉ đạo của chính quyền huyện Lai Thủy, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Văn phòng Duy trì Ổn định và Phòng Công an huyện Lai Thủy, tỉnh Hà Bắc, cảnh sát đã lục soát nhà của 550 học viên Pháp Luân Công tại 284 ngôi làng ở 15 thị trấn [thuộc tỉnh Hà Bắc]. Họ đã quay phim, chụp ảnh và thu thập thông tin cá nhân của các học viên.

Các trường hợp bị bức hại đến chết

Trường hợp 1: Cô Khổng Hồng Vân ở thành phố Bảo Định chết tại trại tạm giam Bảo Định

Cô Khổng Hồng Vân, một cư dân của thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, bị bắt vào ngày 2 tháng 1 năm 2019, sau khi bị tố giác vì phổ biến cho mọi người về đức tin của mình. Vào tháng 3 năm đó, cô rơi vào trạng thái hôn mê, và được phẫu thuật khí quản nhưng không được gia đình cô đồng ý. Cô Khổng không bao giờ tỉnh lại, và qua đời vào ngày 12 tháng 6 năm 2019, khi mới 47 tuổi. Chính quyền từ chối đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho gia đình về nguyên nhân khiến cô đột ngột hôn mê và qua đời.

Trong khi tự điều tra về nguyên nhân cái chết của cô Khổng, gia đình đã lấy được một số kết quả chụp phim của cô và tham khảo ý kiến bác sỹ ở một bệnh viện khác.

Bác sỹ nói với họ rằng dây thần kinh cột sống của cô Khổng bị tổn thương nghiêm trọng từ cổ trở xuống, khiến cô bị liệt hoàn toàn.

Ngoài ra, do nằm liệt giường lâu ngày và không được chăm sóc chu đáo, cô bị nhiễm trùng phổi nghiêm trọng, không thể thở được. Bác sỹ nghi ngờ đây là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của cô.

Vị bác sỹ cũng nhận thấy những vết thương nhẹ ở phần dưới đầu của cô, đốt sống thắt lưng cũng bị biến dạng, và các mô xung quanh bị sưng tấy nghiêm trọng. Bác sỹ cho biết ông chưa từng nhìn thấy bất cứ điều gì như vậy, và không biết nguyên nhân gì có thể gây ra tình trạng như vậy.

Gia đình nghi ngờ cô Khổng có thể đã bị tiêm một số loại thuốc phá hủy thần kinh trong thời gian bị giam giữ, khiến cô có vấn đề ở cột sống và cuối cùng là tử vong.

Trường hợp 2: Nội tạng của bà Mã Quế Lan bị cắt bỏ sau khi qua đời

Bà Mã Quế Lan, một học viên Pháp Luân Công ở độ tuổi 60 ở thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, bị bắt vào ngày 4 tháng 7 năm 2018. Ngày 17 tháng 9, bất ngờ có tin bà Mã đã bị bức hại đến chết tại Trại giam Tần Hoàng Đảo. Theo thông tin nội bộ, chính quyền đã lấy đi nội tạng của bà và nói là để khám nghiệm.

Trường hợp 3: Ông Ngụy Khởi Sơn đột ngột qua đời khi đang bị tạm giữ

Ông Ngụy Khởi Sơn có thể đã bị tra tấn đến chết tại trại tạm giam thành phố Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, vào tối ngày 23 tháng 11 năm 2019. Trước khi chết, ông đã bị kết án 4 năm tù, và vợ ông, bà Vu Thục Vinh, cũng bị kết án 3,5 năm tù.

Khoảng 9 giờ 20 phút tối ngày 23 tháng 11, hai con trai của ông Ngụy nhận được cuộc gọi từ trại tạm giam thành phố Tần Hoàng Đảo, thông báo cha của họ đang nguy kịch tại Bệnh viện Nhân dân Thành phố Tần Hoàng Đảo. Vì cả hai người con trai đều sống xa quê, nên họ gọi điện cho dì của mình, nhờ bà đến bệnh viện để xem tình trạng sức khỏe của ông. Mười phút sau, cảnh sát gọi lại cho các con trai của ông Ngụy, thông báo ông vừa mới qua đời.

Chị dâu ông Ngụy vội chạy đến bệnh viện thì thấy thi thể ông vẫn nằm trên cáng nhưng không phải ở phòng cấp cứu. Bà để ý thấy mắt ông Ngụy đang nhắm hờ, cánh tay phải thõng xuống và tay áo phải ướt đẫm. Bà xắn tay áo của ông Ngụy lên nửa chừng thì thấy cánh tay phải của ông tím đen.

Trường hợp 4: Bà Diêm Quốc Diễm qua đời vì bị ngược đãi trong khi bị giam giữ

Bà Diêm Quốc Diễm, cư dân thành phố Tuân Hóa, bị bắt vào ngày 15 tháng 1 năm 2016. Vào đêm ngày 2 tháng 2 năm 2016, Diêm Vạn Giang (không có quan hệ họ hàng với bà Diêm), giám đốc trung tâm tẩy não, gọi điện cho gia đình bà Diêm đòi tiền, và bảo họ đến đón bà. Khi gia đình đến trại tạm giam thì thấy bà rất yếu do bị ngược đãi ở đó. Bà đang nằm ngửa trên giường và chỉ có thể thều thào nói chuyện. Chồng và con trai của bà đã bế bà ra ngoài và đưa về nhà ngay ngày hôm đó. Bà Diêm qua đời vào ngày 13 tháng 3 năm 2016, khi mới 46 tuổi.

Bản án nặng

Trường hợp 1: Ông Lý Diên Xuân và vợ, bà Bùi Ngọc Hiền, bị kết án nhiều năm tù giam

Ông Lý Diên Xuân và vợ ông, bà Bùi Ngọc Hiền, bị bắt vào ngày 25 tháng 11 năm 2018, sau khi bị tố giác vì phát lịch có thông tin về Pháp Luân Công. Họ bị cùm và còng tay trong khi thẩm vấn. Khi ông Lý chống cự, cảnh sát đã tát vào mặt ông, khiến miệng ông chảy máu, và họ bắt ông quỳ xuống, hai tay còng sau lưng.

Sau 20 giờ bị tạm giam, ông Lý được tại ngoại do bị cao huyết áp, bà Bùi bị đưa đến trại tạm giam thành phố Tần Hoàng Đảo.

Ngày 31 tháng 5 năm 2019, Tòa án huyện Xương Lê kết án ông Lý 7,5 năm tù và phạt 20.000 nhân dân tệ (khoảng 3.139 USD), bà Bùi Ngọc Hiện 4 năm tù giam.

Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/6/470660.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/1/214537.html

Đăng ngày 11-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share