Bài viết của một phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 08-01-2024] Sau 24 năm kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình bản danh sách cập nhật các thủ phạm của cuộc bức hại lên chính phủ nước sở tại trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2023, nhằm kêu gọi chính phủ truy cứu trách nhiệm của những cá nhân tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đề nghị chính phủ của họ cấm những thủ phạm này cũng như người nhà họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.
Một trong những thủ phạm trong danh sách này là Vương Huệ Mai, Phó Chủ tịch “Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc”.
Thông tin về thủ phạm
Tên đầy đủ của thủ phạm: Vương (họ) Huệ Mai (tên) (王慧梅)
Giới tính: Nữ
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày tháng năm sinh: Không rõ
Nơi sinh: Không rõ
Vương Huệ Mai
Chức vụ
Vương Huệ Mai từng giữ chức Phó Cục trưởng Cục Phổ biến Khoa học và Công nghệ, Phó trưởng Ban Tổ chức và Nhân sự của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (sau đây gọi tắt là Hiệp hội Khoa học và Công nghệ). Bà ta cũng từng giữ chức vụ phó tổng thư ký điều hành của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc.
6/2015 – 4/2022: Phó Chủ tịch, tổng thư ký, đại diện pháp luật của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc
Những tội ác chính
Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc được thành lập vào ngày 13 tháng 11 năm 2000 dưới danh nghĩa một tổ chức phi chính phủ nhằm mục đích bức hại Pháp Luân Công. Tổ chức này huy động các nguồn nhân lực, vật lực, và tài chính của cộng đồng khoa học và công nghệ để phục vụ cho cuộc bức hại.
Từ khi thành lập, tổ chức này đã phát động hàng loạt chiến dịch trong và ngoài nước, bao gồm tổ chức triển lãm, hội thảo, diễn thuyết, hội nghị chuyên đề, lập các trang web, xuất bản ẩn phẩm, cũng như sản xuất phim và chương trình truyền hình để phỉ báng Pháp Luân Công trên nhiều kênh thông tin khác nhau.
Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc còn có tên gọi khác là “Hiệp hội Bảo trợ Trung Quốc.” Nó có chi nhánh ở tất cả các cấp bao trùm khắp các tỉnh, thành phố và khu tự trị của Trung Quốc.
Vương Huệ Mai làm việc cho Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc ít nhất mười năm và là một trong những lãnh đạo của tổ chức này, bà ta thường đi khắp Trung Quốc để “tìm hiểu”, “điều tra” và “nghiên cứu” cho nhiều chiến dịch chống lại Pháp Luân Công.
Giám sát hoạt động “chống tà giáo” ở các trường cao đẳng, đại học
Vương thường đến các trường đại học để kiểm tra giám sát và chỉ đạo các hoạt động “chống tà giáo” ở đó.
Ngày 15 tháng 10 năm 2015, Vương, với tư cách tổng thư ký lúc bấy giờ của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc, cùng với Trương Hồng, phó tổng thư ký, và những người khác, đã đến thăm Đại học Sư phạm Trịnh Châu để kiểm tra “Trung tâm Nghiên cứu Chống tà giáo”. Đỗ Lị, chủ tịch Hiệp hội Chống Tà giáo tỉnh Hà Nam, Trương Phúc Thanh, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội Khoa học và Công nghệ thành phố Trịnh Châu, và Lý Trí Hiến, Giám đốc Phòng 610 Trịnh Châu, đã đi cùng Vương trong cuộc điều tra, khảo sát này.
Ngày 23 tháng 5 năm 2018, Vương, với tư cách phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc, đã đến Đại học Đồng Tề ở Thượng Hải để kiểm tra các hoạt động “chống tà giáo” trong trường và đánh giá thành tích của nhà trường. Mã Cẩm Minh, Phó bí thư Đảng ủy trường đã tham dự và phát biểu trong cuộc họp, các lãnh đạo của Phòng 610 Thượng Hải, Hiệp hội Chống Tà giáo Thượng Hải, Quận ủy Dương Phố, Phòng 610 Quận Dương Phố và Phòng An ninh của trường cũng tham dự cuộc họp này.
Tổ chức và hỗ trợ các hoạt động “chống tà giáo”
Vương thường đi khắp Trung Quốc để tổ chức và tham gia các hoạt động “chống tà giáo” nhằm vào Pháp Luân Công. Trong sự kiện, bà ta thường phát biểu với tư cách là người lãnh đạo của chiến dịch, bày tỏ sự ủng hộ đối với các hoạt động phỉ báng Pháp Luân Công và đôi khi đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các hoạt động .
Từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 11 năm 2013, Vương, với tư cách là phó tổng thư ký điều hành của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc, đã tham gia hội nghị chia sẻ kinh nghiệm và giáo dục “chống tà giáo” toàn quốc được tổ chức tại Thành phố Hàng Châu, Chiết Giang. Bà ta bày tỏ sự quyết tâm và ủng hộ hoạt động này.
Ngày 21 tháng 8 năm 2015, một cuộc hội thảo về kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu “chống tà giáo” được tổ chức tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Vương được mời phát biểu chính với tư cách là phó chủ tịch và tổng thư ký của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc.
Từ ngày 6 đến ngày 7 tháng 4 năm 2016, trong một hội nghị đào tạo dành cho các thư ký của Hiệp hội Chống Tà giáo trên toàn quốc được tổ chức tại thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc, Vương đã tham dự để báo cáo công việc và phát biểu tổng kết sự kiện.
Ngày 15 tháng 11 năm 2016, Vương cùng những người khác đã đến quận Lịch Hạ, thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông để kiếm tra các hoạt động “chống tà giáo” cấp cơ sở trong khu vực. Bà ta hoàn toàn “ghi nhận thành tích công tác của quận”.
Ngày 28 tháng 1 năm 2017, Vương đã đến Ô Lỗ Mộc Tề, Khu tự trị Tân Cương để tham dự hội nghị thành viên đại diện lần thứ hai của Hiệp hội Chống tà giáo Tân Cương, bà ta đã phát biểu tại hội nghị để “ghi nhận và ủng hộ” công tác của hiệp hội.
Ngày 10 tháng 4 năm 2018, “Hội nghị Công tác Chống Tà giáo và Hội nghị Xúc tiến Tài nguyên Sáng tạo Chống Tà giáo của tỉnh Chiết Giang” lần thứ hai đã được tổ chức tại Thành phố Hàng Châu, Vương đã có mặt để bày tỏ sự ủng hộ của mình.
Tháng 5 năm 2018, Vương đến thăm quận Nam Hải, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông để hướng dẫn công tác của Hiệp hội Chống Tà giáo của quận và “hoàn toàn ghi nhận thành tích” của hiệp hội này. Bà ta tuyên bố Hiệp hội Chống Tà giáo quận Nam Hải đi đầu trong các nỗ lực ở Trung Quốc.
Ngày 16 tháng 12 năm 2019, “Diễn đàn Chống Tà giáo phía Tây Trung Quốc” được tổ chức tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Vương đã tham dự hội nghị và phát biểu tổng kết.
Ngày 25 tháng 11 năm 2020, “Diễn đàn Chống Tà giáo phía Tây Trung Quốc” được tổ chức tại thành phố Trùng Khánh, Vương đã tham dự và phát biểu tại sự kiện, bà ta bày tỏ “sự ủng hộ” đối với công tác sâu rộng mà Hiệp hội Chống Tà giáo Trùng Khánh đã thực hiện.
Ngày 27 tháng 11 năm 2020, Hiệp hội Chống Tà giáo tỉnh Cam Túc đã tổ chức hội nghị thành viên đại diện lần thứ tư tại thành phố Lan Châu, Vương đã có mặt để chúc mừng và “ghi nhận thành tích công tác” của Hiệp hội Chống Tà giáo tỉnh Cam Túc.
Ngày 12 tháng 5 năm 2021, Vương đến quận Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu để kiểm tra công tác “chống tà giáo”, bà ta đánh giá cao công tác của quận.
Từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 5 năm 2021, Vương đã đến thăm Liên đoàn Hưng An ở Nội Mông để kiếm tra tình hình công tác “chống tà giáo” và việc xây dựng “Nhà Chăm sóc” (trung tâm tẩy não). Bà ta “đánh giá cao” và “ủng hộ” công tác của Hiệp hội Chống Tà giáo của Liên đoàn.
Ngày 25 tháng 6 năm 2021, hội nghị thành lập Hiệp hội Chống Tà giáo tỉnh An Huy và đại hội thành viên đại diện đầu tiên đã được tổ chức tại thành phố Hợp Phì, Vương đã có mặt tại cả hai cuộc họp để chúc mừng và yêu cầu hiệp hội thực hiện đầy đủ các yêu cầu của “Hiệp hội Chống Tà giáo” ở mọi cấp.
Công tác “chống tà giáo” của các nhóm tôn giáo trực thuộc ĐCSTQ
Vương thường đến thăm các nhóm tôn giáo và chuyên gia về tôn giáo trực thuộc ĐCSTQ để thảo luận về những nỗ lực “chống tà giáo” nhằm phỉ báng Pháp Luân Công một cách hiệu quả hơn và kích động lòng căm thù đối với môn tu luyện này.
Ngày 11 tháng 2 năm 2015, Vương đến thăm Hiệp hội Đạo giáo Trung Quốc với tư cách là phó chủ tịch và tổng thư ký của Hiệp hội Chống Tà giáo và thảo luận với người phụ trách hiệp hội này. Bà ta hy vọng hai hiệp hội có thể hợp tác và thực hiện các hoạt động chống lại Pháp Luân Công trong tương lai.
Ngày 2 tháng 12 năm 2015, Vương đến thăm Hiệp hội Cơ đốc giáo Trung Quốc với tư cách là tổng thư ký của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc và tổ chức các cuộc thảo luận với các thành viên liên quan về cách các nhóm tôn giáo có thể sử dụng vai trò cụ thể của mình để tiếp tục triển khai các hoạt động “chống tà giáo”.
Ngày 25 tháng 5 năm 2017, Vương đến “cơ sở giáo dục chống tà giáo” của Nhà thờ Cơ đốc giáo Giao Giang ở thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang. Sau khi nghe báo cáo, bà ta hoàn toàn ủng hộ “các hoạt động chống tà giáo” do Nhà thờ Cơ đốc giáo Giao Giang tổ chức và đưa ra những đề xuất cụ thể cho các hoạt động trong tương lai.
Sáng ngày 22 tháng 5 năm 2018, Vương đến Miếu Thành Hoàng ở Thượng Hải để tìm hiểu “kinh nghiệm chống tà giáo tiên tiến” của cộng đồng Đạo giáo. Bà ta đã điều tra nghiên cứu sự phát triển của công tác “chống tà giáo” ở thành phố Thượng Hải và đánh giá cao “công tác tuyên truyền chống tà giáo” của cộng đồng Đạo giáo ở đây.
Chiều ngày 22 tháng 5 năm 2018, Vương, với tư cách là tổng thư ký của Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc, đã đến thăm Hội đồng Cơ đốc giáo Quốc gia, và tổ chức phiên thảo luận với các lãnh đạo liên quan của hiệp hội và khuyến khích những người theo đạo Cơ Đốc tích cực tham gia vào các chiến dịch “chống tà giáo”.
Tham gia bức hại ở các trung tâm tẩy não
Ngày 10 tháng 6 năm 2014, Hiệp hội Chống Tà giáo Trung Quốc đã tổ chức “Hội thảo Hòa nhập Xã hội” tại khách sạn Song Môn Lâu ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô và lấy “Nhà Chăm sóc” (thực ra là một trung tâm tẩy não) làm ví dụ. Vương đã tham gia hội thảo này.
Ngày 21 tháng 5 năm 2021, Vương đến quận Tây Hồ, thành phố Hàng Châu để tham dự hoạt động “Ghép cặp, Chăm sóc và Đồng hóa”, đồng thời kiểm tra hoạt động của hai “Nhà Chăm sóc” ở quận Tây Hồ. Sau đó bà ta tổ chức một hội nghị chuyên đề, lắng nghe các báo cáo và đưa ra yêu cầu cụ thể cho các bước tiếp theo.
Theo dữ liệu trên trang Minghui.org, trong năm 2020 và 2021 có ít nhất 1.145 học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị giam trong các trung tâm tẩy não. Ngày 21 tháng 10 năm 2019, bà Khương Thu Anh ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, đã bị bắt. Sau khi bị giam giữ 15 ngày, bà bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Dương Nguyên (còn được gọi là “Trung tâm Chăm sóc Vũ Xương”). Chỉ trong mười ngày, bà bị tra tấn đến suýt chết. Chồng bà đã gọi xe cấp cứu và đưa bà về nhà.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/1/8/470568.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/3/214560.html
Đăng ngày 06-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.