Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 29-12-2023] 24 năm sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, các học viên từ 44 quốc gia đã đệ trình danh sách thủ phạm mới lên chính phủ nước sở tại trước Ngày Nhân quyền, ngày 10 tháng 12 năm 2023, nhằm kêu gọi chính phủ truy cứu trách nhiệm của những người tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Các học viên đề xuất chính phủ của họ cấm những thủ phạm này cũng như người nhà của họ nhập cảnh, đồng thời phong tỏa tài sản của họ ở nước ngoài.

Một trong những thủ phạm trong danh sách này là Thương Tiểu Vân, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Vân Nam.

Thông tin về thủ phạm

Họ và tên: Thương Tiểu Vân (商小云)
Giới tính: Nam
Dân tộc: Hán
Ngày tháng năm sinh: Tháng 5 năm 1963
Nơi sinh: Diêu An, tỉnh Vân Nam

ef78e193f9d112a75a9276a12bd20309.jpg

Thương Tiểu Vân

Chức vụ

29/12/2022 – hiện nay: Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Vân Nam (UBCTPL), Chính ủy thứ nhất của Sở Quản lý Nhà tù tỉnh; Phó Giám đốc Ủy ban Pháp luật và Xã hội thuộc Ủy ban Chuyên môn tỉnh Vân Nam của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CTNDTQ) khóa 13.

10/2015 – 12/2022: Phó Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy Vân Nam, Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Tư pháp, Chính ủy thứ nhất của Sở Quản lý Nhà tù tỉnh.

6/2015: Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Vân Nam.

Thương Tiểu Vân còn từng giữ chức vụ Bí thư chi bộ và Hiệu trưởng Trường Thể thao Sở Hùng, Phó tổng thư ký Đảng ủy châu tự trị Sở Hùng, Giám đốc Văn phòng Đảng ủy châu tự trị Sở Hùng, Bí thư Đảng ủy huyện Đại Diêu, Ủy viên thường vụ của Đảng bộ châu tự trị Nộ Giang và Giám đốc Sở Nội vụ.

Những tội ác chính

Kể từ khi trở thành Phó Bí thư UBCTPL tỉnh Vân Nam và Giám đốc Sở Tư pháp vào năm 2015, Thương Tiểu Vân tích cực thực hiện chính sách bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Tình trạng tra tấn các học viên Pháp Luân Công đặc biệt nghiêm trọng tại Nhà tù Nam Số 1 tỉnh Vân Nam và Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam.

Trong nhiệm kỳ của Thương, ít nhất chín học viên Pháp Luân Công, trong đó có ông Thạch Kiến Vĩ, ông Lý Bồi Cao, ông Ngô Quảng Thành, ông Chu Diễm Đông, bà Đinh Quế Anh, ông Liêu Kiện Phủ, ông Trương Thế Ninh, và bà Trương Công Cần, bị tra tấn đến chết trong tù hoặc ngay sau khi được thả.

Nhà tù Nam Số 1 tỉnh Vân Nam

Kể từ năm 2019, cai tù tại Nhà tù Nam Số 1 tỉnh Vân Nam đã áp dụng các hình thức tra tấn tàn bạo hơn nhưng bí mật hơn đối với các học viên. Tất cả học viên không từ bỏ Pháp Luân Công đều bị giam giữ trong khu nghiêm quản. Mỗi người đều bị bốn tù nhân giám sát suốt cả ngày. Các học viên bị buộc phải ngồi yên trên ghế nhỏ, các tù nhân khác ngồi xung quanh và đánh họ bằng cùi chỏ và đầu gối. Những hình thức tra tấn khác mà các học viên phải chịu đựng bao gồm tẩy não, biệt giam, đứng dưới nắng gắt trong nhiều giờ, đánh đập, xịt nước cay và sốc điện.

Tháng 5 năm 2022, phòng giáo dục của nhà tù đã chuyển các học viên đến một tòa nhà, và bắt họ xem các tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công từ sáng đến tối. Các học viên cũng bị ép phải viết báo cáo tư tưởng mỗi ngày. Việc tẩy não sẽ tiếp tục nếu họ không từ bỏ Pháp Luân Công.

Ông Hà Kiện Quang là một trong những học viên bị giữ lại trong các buổi tẩy não. Lính canh cũng tra tấn ông bằng cách treo người lên trong phòng cho đến tận đêm khuya. Cơ thể ông đầy nốt ghẻ do bị ngược đãi.

Ông Ngô Quảng Thành cũng bị tẩy não và ngược đãi trong thời gian dài. Sức khỏe của ông rất yếu khi được thả vào ngày 6 tháng 4 năm 2022. Ba tháng sau, ông qua đời vào ngày 27 tháng 7.

Cho đến nay còn hơn 10 học viên vẫn bị giam trong tù.

Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam

Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam thuộc sự quản lý trực tiếp của Phòng 610 tỉnh Vân Nam, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công. Khu 9 được chỉ định để tra tấn các học viên. Trong các khu khác, cũng có cai tù với nhiệm vụ duy nhất là giám sát các học viên.

Các hình thức tra tấn phổ biến bao gồm biệt giam, ngồi yên trên ghế nhỏ, đánh đập, sốc điện, ép dùng thuốc, bức thực, cấm ngủ, cấm sử dụng nhà vệ sinh và cấm tắm rửa.

Nửa cuối năm 2019, Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam thành lập một khu nghiêm quản với hai mức độ khác nhau. Các học viên bị đưa vào diện nghiêm quản mức độ một bị bắt ngồi trên ghế nhỏ từ 5 giờ 40 phút sáng đến nửa đêm mỗi ngày, và không được phép đánh răng hay rửa mặt trong phòng vệ sinh. Họ chỉ có thể nhanh chóng lấy nửa chậu nước trong phòng vệ sinh rồi chạy về phòng giam để tắm rửa. Những người ở mức độ hai bị buộc phải ngồi trên ghế nhỏ từ 5 giờ 40 phút sáng đến 9 giờ 30 phút tối mỗi ngày, và được phép đánh răng và rửa mặt trong phòng vệ sinh.

Cả hai mức độ chỉ cho phép nghỉ vệ sinh 4 lần mỗi ngày và tắm 7 phút mỗi tuần. Không có thời gian để giặt quần áo, chỉ có thể tranh thủ trong thời gian tắm hàng tuần.

Bà Hà Lỵ Xuân bị đưa vào diện nghiêm quản cấp độ một. Bà bị buộc phải ngồi trên ghế nhỏ gần 19 tiếng mỗi ngày. Cho đến nay, còn hơn 20 học viên Pháp Luân Công bị giam trong nhà tù.

Một số trường hợp bị bức hại điển hình

Trường hợp 1: Cụ ông 86 tuổi qua đời vài ngày trước khi mãn hạn án tù oan vì tu luyện Pháp Luân Công

Ông Lý Bồi Cao ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, đã qua đời vào ngày 4 tháng 1 năm 2023, vài ngày trước khi ông mãn hạn án tù bốn năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Theo những tù nhân được trả tự do trước ông, trong thời gian ở tù sức khỏe của ông Lý vẫn tốt, và họ rất bất ngờ khi ông đột ngột qua đời chỉ vài ngày trước khi được thả. Ông ra đi ở tuổi 86.

Ông Lý bị bắt vào ngày 26 tháng 11 năm 2015, và bị kết án bốn năm tù vào ngày 8 tháng 10 năm 2016. Tháng 1 năm 2019, ông bị đưa đến Nhà tù tỉnh Vân Nam để thụ án, và gia đình ông không được phép vào thăm.

Trường hợp 2: Cụ bà 76 tuổi đột tử trong thời gian thụ án

Gia đình bà Đinh Quế Anh chịu cú sốc lớn khi Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam bất ngờ thông báo người thân của họ qua đời vào giữa tháng 1 năm 2021. Trước đó, gia đình bà Đinh thậm chí còn không biết việc bà bị kết án vì kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Chỉ vài ngày sau khi bà qua đời, nhà tù đã vội vã hỏa táng thi thể của bà. Bà Đinh qua đời ở tuổi 76.

Bà Đinh, cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, bị bắt tại nhà vào ngày 28 tháng 8 năm 2019. Vì Trại tạm giam thành phố Côn Minh không cho phép gia đình bà Đinh được vào thăm, và chính quyền chưa bao giờ cập nhật cho họ về vụ việc của bà, nên gia đình bà vẫn nghĩ bà đang ở trong trại tạm giam, và thường xuyên đến Đội An ninh Nội địa để yêu cầu thả bà.

Một cai tù từ Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam đã thông báo với họ rằng bà Đinh đột nhiên mắc “bệnh cấp tính” vào ngày 14 tháng 1, và qua đời lúc 8 giờ 53 phút sáng ngày 15 tháng 1. Nhà tù đã hỏa táng thi thể của bà vào ngày 19 tháng 1 mà không giải thích gì nhiều về tình trạng của bà. Vì trước khi bị bắt, bà Đinh hoàn toàn khỏe mạnh, nên gia đình nghi ngờ bà có thể đã bị ngược đãi đến chết trong khi bị giam giữ, chứ không phải do bệnh tật như nhà tù tuyên bố.

Chỉ sau khi bà Đinh qua đời, gia đình bà mới nhận được bản án. Bà bị Tòa án quận Ngũ Hoa kết án bốn năm tù vào ngày 10 tháng 7 năm 2020.

Trường hợp 3: Ông Thạch Kiến Vĩ bị tra tấn đến chết và thi thể bị cưỡng chế hỏa táng

Ông Thạch Kiến Vĩ là một giáo viên tiếng Anh ở huyện Tân Xuyên, tỉnh Vân Nam. Ông qua đời ở tuổi 56 tại Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam, trong khi thụ án 6,5 năm tù vì kiên định đức tin của mình. Nhà tù cho biết ông Thạch chết vì ung thư gan. Tuy nhiên, gia đình nghi ngờ ông đã bị tra tấn đến chết, vì trên lưng ông có vết thâm tím, và trong hồ sơ bệnh án không thấy có dấu hiệu ông bị ung thư gan. Thi thể của ông bị hỏa táng mà không được sự đồng ý của gia đình, đây là cách thức phổ biến nhằm che đậy bằng chứng về việc tra tấn cũng như các hành vi ngược đãi khác như cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Trường hợp 4: Ông Liêu Kiện Phủ bị bức hại đến chết trong nhà tù

Ông Liêu Kiện Phủ, cư dân thành phố Phàn Chi Hoa, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt vào tháng 10 năm 2016 vì dán áp phích thông tin về Pháp Luân Công. Chính quyền đã kết án ông bốn năm tù tại Nhà tù Số 1 tỉnh Vân Nam. Tháng 7 năm 2018, ông bị đưa vào tù, và chưa đầy chín tháng sau thì ông qua đời.

Trong tù, ông Liêu bị huyết áp cao, nhưng cai tù vẫn bắt ông phải ngồi hơn 10 tiếng mỗi ngày trong suốt ba tháng. Để gia tăng thêm áp lực đối với ông, cai tù đo huyết áp của ông nhiều lần trong ngày, và thậm chí còn đưa ông đến bệnh viện để kiểm tra. Gia đình ông đã hai lần vào thăm ông, và biết huyết áp của ông cao đến mức nguy hiểm và trong não ông có cục máu đông. Gia đình đã yêu cầu bão lãnh để điều trị y tế cho ông, nhưng liên tục bị từ chối. Ông Liêu qua đời ngày 19 tháng 1 năm 2019 ở tuổi 65.

Trường hợp 5: Một cặp vợ chồng qua đời do phát sinh vấn đề về thể chất trong tù

Ông Trương Thế Ninh là nhân viên đã nghỉ hưu của một cửa hàng bách hóa ở thành phố Cá Cựu. Ngày 4 tháng 5 năm 2012, ông cùng vợ, bà Trương Công Cần, bị bắt tại nhà. Hai vợ chồng khi đó đã ngoài 60 tuổi, mỗi người bị kết án 7 năm tù. Trong thời gian thụ án trong tù, ông Trương bị cao huyết áp, bệnh tim và tiểu đường vào năm 2017. Ông rơi vào tình trạng nguy kịch, nhưng gia đình không được phép vào thăm. Khi tình trạng của ông ngày càng xấu đi, nhà tù không muốn ông mất trong khi bị giam giữ nên đã thả ông. Ông qua đời ngay sau đó. Vợ ông cũng mắc bệnh tiểu đường khi ở trong tù. Sức khỏe của bà cũng ngày càng yếu sau khi được thả. Bà cũng bị mất thị lực. Bà qua đời vào năm 2021.

Trường hợp 6: Người buôn trang sức qua đời sau ba năm tù

Hai năm sau khi ông Chu Diễm Đông, một người buôn đồ trang sức ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, theo học Pháp Luân Công, ông bị bắt và bị kết án ba năm tù vì phơi bày cuộc bức hại. Cai tù đã đánh đập và tiêm thuốc độc vào ông. Lượng đường trong máu của ông tăng đột ngột, khiến thị lực của ông suy giảm. Lính canh còn buộc ông mặc áo bó. Vào thời điểm được thả, ngày 8 tháng 9 năm 2016, ông Chu bị tổn thương về thể chất và tinh thần. Chính quyền tiếp tục sách nhiễu sau khi ông được thả, khiến sức khỏe của ông ngày càng xấu đi. Cuối cùng ông qua đời vào ngày 25 tháng 8 năm 2019, khi mới 51 tuổi.

Trường hợp 7: Người phụ nữ bị xịt hóa chất ăn mòn trong thời gian thụ án tù lần thứ tư vì kiên định đức tin của mình

Bà Vương Tiến Tiên, cư dân thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, đã bị tra tấn và xịt một loại hóa chất ăn mòn, khiến khuôn mặt bà gần như biến dạng, khi đang thụ án tù lần thứ tư vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Vương bị kết án bốn năm tù vào năm 2019, và bị đưa đến Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam. Bà phải chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau, bao gồm bị bắt ngồi trên ghế nhỏ trong thời gian dài, bị biệt giam và bị tát liên tục vào mặt. Bà bị các tù nhân giám sát và liên tục bị đánh đập cũng như chửi bới. Vào mùa đông, cai tù buộc bà Vương phải chép tay các nội quy nhà tù trong khi bị gió lạnh thổi vào người, khiến tay bà bị tê cóng.

Cai tù cấm bà Vương sử dụng giấy vệ sinh trong nhà vệ sinh hoặc dùng chăn vào ban đêm. Bà không được phép tự mình lấy đồ ăn trong căng tin, và phải ăn hết bất cứ đồ ăn nào mà các tù nhân khác mang đến cho bà. Đôi khi họ cho bà ăn rất ít, có lúc lại cho bà ăn quá nhiều. Bà sẽ bị phạt nếu không ăn hết mọi thứ.

Vì bà hô lớn để lên án cuộc bức hại, cai tù nhiều lần xịt hóa chất ăn mòn lên mặt bà, khiến mặt bà bị bỏng nặng và đầy vết sẹo đen. Trước khi phun hóa chất, cai tù đóng cửa sổ phòng giam của bà và ra lệnh cho các tù nhân khác ra ngoài. Sau khi đeo mặt nạ hoặc mặt nạ phòng độc, cai tù xịt hóa chất vào mặt bà. Bà cảm thấy ngạt thở, và không thể thở được. Đôi khi cai tù phun một lượng lớn hơn, và hóa chất nhanh chóng lan sang các phòng giam khác thông qua hệ thống thông gió, khiến các tù nhân khác bị ho.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/29/469883.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/1/26/214450.html

Đăng ngày 12-03-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share