Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Nhật Bản

[MINH HUỆ 08-05-2024] Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được hơn 20 năm, nhưng mãi đến gần đây tôi mới nhận ra tầm quan trọng của việc hướng nội.

Tôi bắt đầu tu luyện vào năm 1997 và bản thân đã trải qua nhiều khảo nghiệm cũng như khổ nạn. Ngoảnh đầu nhìn lại, tôi nhận ra rằng mình đã không thực sự biết hướng nội là như thế nào. Tôi từng tự cho bản thân có hướng nội tìm, giờ đây mới thấy tôi tìm quá nông hoặc chỉ trên bề mặt. Ví như bất cứ khi nào gặp phải khó khăn, tôi thiển cận nghĩ rằng mình có tâm tranh đấu, hoặc có chấp trước vào tình – như thể lấy ra một chấp trước, gọi nó là tâm gì và coi đó là hướng nội. Điều này dẫn đến việc tu luyện của tôi suốt thời gian đó rất hời hợt, nhiều khảo nghiệm lặp đi lặp lại mà tôi không thể vượt qua. Tôi cảm thấy tu luyện thật mệt mỏi và đầy thử thách.

Sau đó, nhờ sự an bài của Sư tôn, tôi đã có cuộc thảo luận riêng rất lâu với một đồng tu giỏi hướng nội. Cô ấy chia sẻ với tôi rất cụ thể về việc cô ấy hướng nội tìm thế nào. Nghe xong, tôi trở về và bắt đầu hướng nội theo cách khác đi. Tôi chú ý xem liệu bản thân có “động tâm” hay không. Chỉ cần tôi cảm thấy buồn bã, xúc động, hay tức giận, tôi sẽ lập tức hướng nội tìm ở bản thân.

Tôi lý giải rằng, khi hướng nội chúng ta cần tìm được nguyên nhân sâu xa đằng sau suy nghĩ đó. Bình thường khi chúng ta đang trong mâu thuẫn với người khác, chúng ta thường cảm thấy mình đúng còn người kia sai. Tôi tự hỏi bản thân rằng tại sao tôi lại khó chịu, và câu trả lời gần như luôn là: “Bởi vì đối phương làm thế này thế kia là không đúng”. Sau một vài lần, tôi nhận ra rằng phản ứng của mình là sai. Bất kể tôi có cảm thấy mình có lý đến đâu, lý lẽ của tôi cũng chỉ dựa trên lý của người thường.

Tu luyện là tu tự mình, chứ không phải tu người khác. Tôi tự hỏi bản thân: “Liệu một vị Thần gặp tình huống tương tự thì có ‘động tâm’ giống như tôi không? Tất nhiên là không rồi!”. Tôi quyết định thay đổi. Khi tôi muốn tu luyện và làm thật tốt, tôi có thể cảm nhận được Sư phụ đang giúp đỡ tôi. Tôi cảm thấy suy nghĩ của mình từ từ thay đổi, và cuối cùng, tôi thực sự hiểu được rằng những chấp trước của tôi đã tạo ra những khổ nạn và tôi đã tìm ra vấn đề gốc rễ của mình.

Ví dụ, tôi và chồng khá gần gũi nên đôi khi nói chuyện có phần tùy tiện, tôi thản nhiên nói với anh ấy: “Ơ, tại sao anh lại làm như thế”? Em đã nói với anh bao nhiêu lần rồi?” Chồng tôi tỏ ra không vui, nhưng vì tôi thấy tôi đã nhắc anh ấy nhiều lần về việc đó, anh ấy vẫn không sửa, nên tôi thấy mình nói có lý, sau đó tôi cũng cảm thấy thật tồi tệ. Nhận thấy mình đã bị động tâm, tôi hướng nội tìm và tự hỏi rằng tại sao anh ấy lại không vui?

Tôi nhận ra rằng nếu tôi không có chấp trước, anh ấy sẽ không phản ứng như vậy. Sau đó, tôi nhận ra mình có sơ hở, tôi đã coi thường anh ấy. Vậy chấp trước nào của tôi đã thúc đẩy điều này?

Sư phụ giảng:

“Người có tâm tật đố là coi thường người khác, không để người khác hơn mình, thấy người khác hơn họ thì họ chẳng cân bằng trong tâm, không chịu nổi, không phục” (Chương III, Pháp Luân Công)

Sau khi đọc những lời Sư phụ giảng, tôi nhận ra rằng tâm coi thường người khác cũng là biểu hiện của tâm tật đố. Đào sâu hơn, tôi thấy mình muốn thay đổi người khác khi suy nghĩ và hành động của họ không đáp ứng được tiêu chuẩn của tôi. Đây chẳng phải là hệ tư tưởng của ĐCSTQ sao? Đào sâu hơn nữa, tôi thấy mình có thể tìm ra được khá nhiều “nhân tâm”.

Khi nhân tâm dấy khởi, tôi cảm thấy khó chịu và buồn bực, như thể có gì đó đè nặng trong tâm tôi. Nhưng khi tôi nói rằng tôi không muốn chúng, chúng liền bị thanh trừ! Tôi muốn tu khứ đi những nhân tâm này – chúng do hậu thiên sinh ra và không phải là chân ngã của tôi. Khi tôi có suy nghĩ như vậy, tôi cảm nhận được Sư phụ đã giúp tôi gỡ bỏ thứ vật chất phụ diện đó đi. Điều này đặc biệt dễ thấy khi tôi hướng nội. Khi thứ vật chất đó được lấy đi, ngay lập tức tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm, và thấy từng tế bào trong cơ thể mình đều hân hoan.

Sư phụ yêu cầu chúng ta hướng nội, vì vậy chúng ta cần thực sự làm được điều này. Chúng ta nên tu luyện bản thân mình, hiểu và trải nghiệm cách các chấp trước và quan niệm của mình được loại bỏ. Sau đó, khi khảo nghiệm tiếp theo đến, chúng ta sẽ cảm nhận rõ những chấp trước và quan niệm đó không phải là mình. Quá trình này đã cho tôi thấy điều thực sự đẩy tôi vào các mâu thuẫn và khó chịu thực sự là một thứ vật chất, là sinh mệnh.

Loại bỏ các chấp trước và quan niệm có hại cho tu luyện

Nhiều khi chúng ta không muốn bỏ đi một số chấp trước và quan niệm là vì chúng ta chưa hiểu sâu sắc được rằng chúng ảnh hưởng tiêu cực tới tu luyện của chúng ta như thế nào. Chỉ khi chúng ta thực sự cảm thấy làm như vậy không tốt cho bản thân, chúng ta mới có thể thực sự buông bỏ từ tận đáy lòng. Vì thế, sau khi xác định được các chủng chấp trước và nhân tâm rồi, chúng ta cần tiếp tục nhận ra tác hại của chúng đối với việc tu luyện và cứu người, chỉ khi đó chúng ta mới có thể nhận thức sâu hơn và quyết tâm loại bỏ chúng.

Đối với những tâm lý và cảm xúc phụ diện, chúng ta cần luôn luôn hướng nội tìm nguyên nhân. Nếu chúng ta dám nhìn thẳng vào chúng, sẽ dễ dàng nhận ra vì lúc đó chúng xuất hiện trên bề mặt. Khi đã phát hiện ra rồi, chúng ta nên lập tức thanh lý và trừ bỏ chúng. Thời điểm khi chúng mới nổi lên là lúc tốt nhất để thanh trừ.

Bằng không, nếu chúng ta đợi cho tới khi trời yên biển lặng rồi mới tìm kiếm tâm này tâm kia thì sẽ khó khăn hơn. Bởi vì khi chúng ta bình tĩnh lại rồi, không còn tức giận, không còn xúc động, các tâm đó không biểu hiện xuất lai thì sẽ rất khó phát hiện và tóm được chúng.

Tôi thấy rằng việc hướng nội thực sự có giai đoạn. Khi chúng ta đề cao, chúng ta sẽ có thể nhận ra các chấp trước và quan niệm của mình ngay khi chúng ta thấy chúng. Sau đó, dần dần chúng ta có thể hướng nội sâu hơn, nói cách khác, càng tu thì càng có thể thấy ở tầng vi tế hơn.

Hình thành cơ chế hướng nội tìm

Nếu chúng ta muốn hình thành cơ chế hướng nội, chúng ta nên bắt đầu hướng nội ngay khi chúng ta cảm thấy có chút không vui hoặc có phần không vừa ý. Nếu mỗi khi động tâm, chúng ta có thể hướng nội tìm thì cơ chế này sẽ bắt đầu hình thành. Tôi nhớ rằng khi tôi mới học được cách hướng nội, chỉ cần tâm vừa động, tôi sẽ tự hỏi: “Tại sao mình lại khó chịu?” và tiếp tục đào sâu cho đến khi thấy mình đã đi đến tận cùng của vấn đề.

Chúng ta nhất định phải luôn cảnh giác, hễ chúng ta động tâm, hay có tâm thái bất hảo, ngay khi chúng mới xuất đầu lộ diện thì chúng ta cần đặt câu hỏi: Tại sao mình lại khó chịu, và hướng nội tìm ngay. Chúng ta nên hình thành thói quen đó. Qua thời gian, bất cứ khi nào gặp vấn đề, cơ chế hướng nội sẽ tự động đặt câu hỏi cho chúng ta, và chúng ta sẽ chủ động hướng nội.

Tu từng ý từng niệm

Tôi thường nghe các đồng tu khác nói về việc tu từng ý từng niệm. Tôi nghĩ điều này thật khó thực hiện trừ khi người đó có nền tảng tu luyện vững chắc.

Nếu nền tảng tu luyện chưa tốt, tâm chưa thanh tịnh đến một mức độ nhất định, và khả năng phân biệt chưa thành thục, thì đồng tu đó chỉ có thể tập trung vào khảo nghiệm trước mắt chứ không đủ khả năng tu đến từng ý niệm. Tu luyện từng ý từng niệm là một quá trình từ từ; nhưng miễn là kiên trì, thì ai cũng có thể làm được.

Các đồng tu có thể tu luyện tốt bản thân, đó là bởi họ đã hình thành thói quen hướng nội, có thể bảo trì tu từng ý từng niệm trong mọi hoàn cảnh, thậm chí ngay cả khi họ đang trong đại nạn. Do đó, họ có thể nắm bắt được những suy nghĩ không phù hợp với Pháp ngay lập tức. Điều đó có nghĩa là họ nhận thức rõ từng ý niệm của mình và biết chúng có phù hợp với Pháp hay không.

Nếu chúng ta không nhận thức ngay ra được, thì có thể là chúng ta chưa tu luyện được tới tầng thứ đó. Chúng ta nên tiếp tục hướng nội một cách vững chắc và sẽ có từng chút đề cao.

Chúng ta cũng nên tìm xem liệu có nhân tâm nào ẩn sau mỗi suy nghĩ vô thức hay không. Trừ khi ý thức của chúng ta đang chủ động hướng nội, bất cứ suy nghĩ vô ý nào bất chợt nổi lên rất có khả năng không phải của chúng ta. Chúng ta nên tìm các quan niệm cũng như nhân tâm nằm sau những suy nghĩ vô ý này và không để chúng trôi đi, rồi thanh trừ chúng nếu chúng không phù hợp với Pháp.

Lời kết

Sư phụ giảng:

“Chư vị không chỉ là vấn đề tu luyện cá nhân. Sự tu luyện của chư vị là đang cứu độ các sinh mệnh trong thiên thể to lớn mà bản thân chư vị đại biểu” (Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ, 2002).

Chúng ta không chỉ phải giảng chân tướng để cứu chúng sinh, mà bằng cách tu luyện bản thân, chúng ta cũng đang cứu độ chúng sinh trong thiên thể của chính mình. Vậy nên, việc tu luyện bản thân cũng quan trọng không kém.

Trên đây là những hiểu biết tại tầng thứ của tôi, có điều gì không phù hợp, mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/8/475899.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/18/218659.html

Đăng ngày 15-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share