Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Canberra
[MINH HUỆ 08-07-2024] Cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc bắt đầu diễn ra vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Để ghi dấu 25 năm cuộc bức hại, từ ngày 1 – 4 tháng 7 năm 2024, các học viên từ nhiều vùng của nước Úc đã tập trung tại thủ đô Canberra để tổ chức các hoạt động như kháng nghị ôn hòa, mít-tinh… Họ kêu gọi Chính phủ Úc lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đã không ngừng bức hại Pháp Luân Công và chấm dứt các tội ác chống lại loài người, trong đó có nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức, bằng cách thông qua một kiến nghị hoặc đạo luật.
Hiện đang là mùa đông ở Nam bán cầu, trong bốn ngày sự kiện, các học viên đã không quản gió lạnh và nhiệt độ thấp tổ chức các hoạt động ở trung tâm thành phố, họ căng biểu ngữ và thu thập chữ ký cho bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt các tội ác của ĐCSTQ. Vào chiều thứ Ba, ngày 2 tháng 7, họ đã tổ chức một cuộc họp báo bên ngoài Tòa nhà Quốc hội.
Tại buổi mít-tinh, một số học viên đến từ Trung Quốc đã miêu tả sự tra tấn tàn bạo mà họ và người nhà đã phải chịu đựng trong cuộc bức hại. Họ kêu gọi Chính phủ giúp giải cứu những người thân yêu của họ đang bị bức hại ở Trung Quốc và yêu cầu ĐCSTQ thả tất cả các học viên đang bị giam giữ.
Các học viên tại Úc tổ chức các sự kiện ở Canberra để kêu gọi sự chú ý đến cuộc bức hại ở Trung Quốc suốt 25 năm qua, từ ngày 1 – 4 tháng 7 năm 2024.
Các học viên trưng bày các thông điệp và thu thập chữ ký cho bản kiến nghị yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại.
Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc: Chúng tôi hy vọng chính phủ Úc sẽ có hành động để giúp chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ
Trong bài phát biểu tại cuộc mít-tinh, tiến sỹ Lucy Triệu, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Úc cho biết: “Chúng tôi hy vọng Chính phủ của chúng ta có thể lên tiếng cho Pháp Luân Công, lên tiếng cho nhân quyền, cho các giá trị chung về nhân quyền, cho cuộc sống và tự do mà chúng ta trân trọng.”
Tiến sỹ Lucy Triệu, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc, phát biểu tại cuộc mít-tinh.
“Chúng tôi đến đây không chỉ vì các học viên Pháp Luân Công mà còn vì những người vẫn đang chịu đau khổ ở Trung Quốc.” Bà nhấn mạnh rằng chỉ khi ĐCSTQ tôn trọng nhân quyền thì Trung Quốc mới có thể trở thành một đối tác thương mại thực sự mang lại lợi ích cho nước Úc.
Bà cũng đề cập rằng mới đây Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công. EU cũng đã thông qua một nghị quyết tương tự để trừng phạt các quan chức ĐCSTQ và các thủ phạm đã tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công và nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Bà nhấn mạnh: “Nước Úc không đơn độc trong việc phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ và ủng hộ nhân quyền.”
Các học viên kêu gọi sự giúp đỡ giải cứu người nhà của họ đang bị giam giữ
Một số học viên đến từ Trung Quốc chia sẻ về việc họ và người thân trong gia đình đã bị bức hại như thế nào ở quê nhà, trong cuộc họp báo ngày 2 tháng 7
Cô Hác đến từ Melbourne cho biết dì của cô, bà Lưu Hiểu Hoa, hiện đang bị giam giữ trong Nhà tù Nữ tỉnh Cát Lâm và tính mạng của bà đang gặp nguy hiểm do bị tra tấn tàn bạo.
Cô Nguy, giáo viên tại một trường trung học ở tỉnh Hắc Long Giang, mô tả sự tra tấn tàn bạo mà cô đã phải chịu đựng trong hơn chín năm bị giam giữ phi pháp chỉ vì cô kiên định với đức tin của mình.
Cô Dương đến từ Melbourne chia sẻ về cuộc bức hại mà mẹ cô, bà Lưu Mẫn phải chịu đựng.
Cô Trang đến từ Sydney cho biết chồng cô, từng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc của Đại học Giao thông Thượng Hải, đã bị đưa đến một trại lao động một năm rưỡi vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong thời gian đó anh ấy đã bị tra tấn dã man. Cũng vì kiên định với đức tin, đơn cấp hộ chiếu của chồng cô đã bị ĐCSTQ từ chối. Cho đến nay, vợ chồng cô đã sống xa nhau tròn một thập kỷ. Cô hy vọng chính phủ Úc có thể giúp đỡ những gia đình như gia đình cô được đoàn tụ.
Cô Trần đến từ Sydney kêu gọi chính phủ giúp giải cứu người mẹ 76 tuổi của cô, bà Đàm Trạch Trinh. Bà đã bị bắt 5 lần, nhà bà bị lục soát hơn 20 lần, bà bị đưa đến các trại lao động 2 lần và bị nhốt trong các trung tâm tẩy não khác nhau nhiều lần. Trong khi bị giam giữ, người phụ nữ cao tuổi này đã trải qua sự tra tấn và ngược đãi không thể hình dung được.
Ngày 19 tháng 12 năm 2020, bà Đàm một lần nữa bị bắt và gia đình không được phép đến thăm bà vì bà kiên định với đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp. Đến nay, không ai biết bà còn sống hay đã chết.
Một nỗ lực vượt bậc
Trong buổi mít-tinh, nhiều người dân đã dừng lại để tìm hiểu thêm về Pháp Luân Công, cuộc bức hại ở Trung Quốc và những nỗ lực không ngừng nhằm chấm dứt cuộc bức hại.
Anh Carlos Reve là một vũ công ba lê từng biểu diễn tại nhiều quốc gia ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Anh hiện đang là nghệ sỹ múa chính tại đoàn Queensland Ballet.
Anh Carlos Reve, nghệ sỹ múa chính của đoàn Queensland Ballet, ca ngợi các học viên vì sự kháng nghị ôn hòa, hợp lý của họ đối với cuộc bức hại.
Vào ngày 2 tháng 7, trên đường đến Tòa nhà Quốc hội, anh Reve đã nhìn thấy cuộc kháng nghị ôn hòa của các học viên và nói cho hay anh cảm thấy được truyền cảm hứng.
“Chà, tôi cảm thấy hoạt động này rất độc đáo. Nó rất yên lặng và khác biệt. Tôi cảm thấy rất mừng khi các bạn đang kháng nghị vì nhân quyền. Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này. Tôi cảm thấy được truyền cảm hứng. Tôi sẽ tìm hiểu về sự kiện này để biết nhiều hơn về nó.”
Khi biết các học viên đang nỗ lực không ngừng nhằm kêu gọi chính phủ Úc thông qua đạo luật giúp chấm dứt việc ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công và thực hiện các tội ác chống lại loài người, anh nói: “Nếu có sự tham gia của chính phủ Úc thì sẽ có tác động rất lớn. Đó là một điều tốt. Đặc biệt là ở Úc, người ta tôn trọng nhân quyền”.
Khi được biết các học viên đã tổ chức các cuộc kháng nghị ôn hòa như thế này trong suốt 25 năm qua, anh Reve cảm thán: “Tôi nghĩ đó là một nỗ lực vượt bậc. Dùng phương thức ôn hòa để phản bức hại cũng là một cách rất hữu ích. Điều này giúp các bạn có thể nói lên điều mình muốn nói, về việc cố gắng mang lại hòa bình và nhân quyền.”
Khi được hỏi anh nghĩ gì về nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, anh Reve cho biết: “Nếu tuân theo những giá trị này, tôi nghĩ chúng ta có thể làm cho thế giới này tốt đẹp hơn, đặc biệt là thế giới hiện nay.”
Tôi rất cảm kích trước những nỗ lực của các bạn
Ông Joseph là một nhân viên hành chính của chính phủ liên bang. Hôm 2 tháng 7, ông đã nói chuyện rất lâu với các học viên đang phát tài liệu chân tướng trong cuộc mít-tinh.
Ông nói với phóng viên Minh Huệ rằng: “Quả thực tôi rất thích được trông thấy các bạn ra ngoài và kháng nghị ở đây, đặc biệt là vào buổi sáng. Đôi khi tôi lái xe ngang qua Đại sứ quán Trung Quốc và tôi thấy các bạn kháng nghị ở đó. Tôi nghĩ điều này thực sự tốt bởi vì Đảng Cộng sản Trung Quốc rõ ràng là một trong những kẻ tà ác bậc nhất trong thế giới của chúng ta, và tôi nghĩ cần phải làm nhiều hơn nữa để mọi người nhận ra điều đó và những nỗ lực mà các bạn đã làm, [như việc] bước ra ngoài và ở đây liên tục suốt bốn ngày để làm điều này. Bạn cũng biết đó, thời tiết xấu, lạnh cóng thế này, họ đã phải phó xuất rất nhiều và tôi cảm kích điều đó. Tôi nghĩ điều này thực sự rất tuyệt.”
Ông Joseph đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi chính phủ Úc lên án và giúp chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Ông nghĩ rằng một nghị quyết tương tự như bản kiến nghị “thực sự có ý nghĩa quan trọng”. “Đối với nước Úc nói riêng, với tư cách là một quốc gia lớn ở khu vực Nam Á Thái Bình Dương, việc chúng ta đưa ra những nghị quyết như vậy là rất trọng yếu.”
Ông cũng nói đến tầm quan trọng của việc truyền rộng các giá trị Chân-Thiện-Nhẫn trong thế giới ngày nay. “Tôi nghĩ tất cả mọi người nên thực hành nguyên tắc này, ở một mức độ nào đó. Tôi tin điều này sẽ giúp mọi người trở nên nhân văn hơn.”
“Điều này cũng rất quan trọng trong tình hình toàn cầu hiện nay. Với loại văn hóa như Pháp Luân Đại Pháp, mọi người có thể cùng nhau tập hợp lại, có ý thức thay đổi theo một cách nào đó hoặc một hình thức nào đó. Những nỗ lực như vậy sẽ không hề vô ích và tôi tin rằng điều này thực sự tốt cho thế giới chúng ta.”
Mọi người nên cố gắng hướng tới Chân-Thiện-Nhẫn
Ông Stuart là phóng viên của một kênh truyền thông chính thống của Úc và đã làm việc tại Canberra trong nhiều năm. Ngày 4 tháng 7, khi thấy các học viên ngồi thiền trong gió lạnh để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, ông cho biết: “Lần nào làm việc với những người ôn hòa và điềm đạm này tôi đều rất vui.” ”[Là một phóng viên], tôi luôn có cách nhìn và phong cách khác biệt. Lần nào trông thấy các bạn, các bạn cũng đều thân thiện và tử tế.“
Ông còn nói: “Đôi khi sự im lặng còn truyền tải tốt hơn cả thanh âm.”
Ông nhận định rằng trong khi nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, các học viên cũng đang đồng thời truyền bá nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Ông Stuart nói: “Ngay cả con người, ai ai cũng đều muốn hòa bình và sự thiện lương. Chúng tôi hy vọng rằng mọi người đều cố gắng hướng tới điều đó.”
“Những giá trị này có ý nghĩa rất quan trọng, rõ ràng là như vậy. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu mọi người đều trở nên thiện lương hơn”.
Ông còn cho biết rằng ông nghĩ những nỗ lực của các học viên nhằm thuyết phục Chính phủ Úc thông qua một kiến nghị để gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, hiệu quả, là rất đáng khích lệ. “Các bạn phải bắt đầu từ đâu đó, vậy nên bất kỳ tiến triển nào cũng đều tốt cả”, ông khẳng định.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/8/479461.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/9/218945.html
Đăng ngày 14-07-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.