Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Úc
[MINH HUỆ 05-06-2024] Ngày 4 tháng 6, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã tổ chức cuộc họp báo trước Tòa nhà Quốc hội ở Canberra. Họ kêu gọi chính phủ Úc hành động và giúp chấm dứt cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) suốt 25 năm qua.
Sự kiện diễn ra trong khi quốc hội đang họp và trước chuyến thăm Úc của Thủ tướng Trung Quốc. Trong cuộc kháng nghị kéo dài một tuần với các hoạt động như luyện công chung, họp báo, cuộc gặp gỡ với các quan chức dân cử và các tổ chức phi chính phủ, thu thập chữ ký và trưng bày biểu ngữ, các học viên đã phơi bày sự ngược đãi của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp chỉ vì đức tin của họ. Các học viên cũng kêu gọi chính phủ Úc có hành động lập pháp để giúp chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, một tội ác chống lại loài người đang diễn ra ở Trung Quốc.
Các học viên trình diễn các bài công pháp Pháp Luân Đại Pháp trước Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, từ ngày 3 – 6 tháng 6
Phổ biến cho mọi người về cuộc bức hại ở Trung Quốc
Một số hãng truyền thông lớn ở Úc đã đưa tin về cuộc họp báo. Các thượng nghị sỹ lưỡng đảng, các học viên Pháp Luân Đại Pháp, luật sư nhân quyền nổi tiếng David Matas, và một cựu điệp viên ĐCSTQ đã phát biểu tại sự kiện. Các học viên cũng đệ trình bản kiến nghị được thu thập tại Úc gần đây để kêu gọi các cơ quan lập pháp chấm dứt các tội ác tàn bạo ở Trung Quốc.
Lợi ích thương mại không được đặt trên nhân quyền
Tiến sỹ Lucy Triệu, chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp của Úc, cho biết ngày 4 tháng 6, 35 năm trước là một ngày đau buồn khi ĐCSTQ tàn sát sinh viên trên Quảng trường Thiên An Môn. 10 năm sau, chính quyền lại phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp trên toàn quốc. Trong 25 năm qua, vô số gia đình đã tan vỡ và nhiều trẻ em trở thành trẻ mồ côi. Một số lượng lớn các học viên đã bị đưa đến các trại tạm giam, nhà tù, bệnh viện tâm thần và trung tâm tẩy não. Họ bị tra tấn thể xác, sốc điện bằng dùi cui điện, bị lạm dụng tình dục, và thậm chí bị thu hoạch nội tạng.
Tiến sỹ Lucy Triệu, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc phát biểu tại buổi họp báo
Nhân chuyến thăm Úc của Thủ tướng Trung Quốc – Lý Cường vào giữa tháng 6, Tiến sỹ Triệu hy vọng Bộ trưởng Ngoại giao và các nhà lãnh đạo chính trị khác sẽ nêu vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm này. Bà nói rằng lợi ích thương mại không được đặt trên nhân quyền và với tư cách là nhóm người bị bức hại lớn nhất ở Trung Quốc, Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại ở Trung Quốc nên nằm trong khuôn khổ của chương trình nghị sự.
Thượng nghị sỹ: Nghĩa vụ đạo đức sâu sắc
Thượng nghị sỹ Paul Scarr giải thích lý do tại sao ông tham gia sự kiện này. “Tôi coi đó là một nghĩa vụ đạo đức sâu sắc, một nghĩa vụ đạo đức khiến tôi đến đây hôm nay và nói chuyện với các bạn. Một nghĩa vụ đạo đức, vốn phát sinh từ các cộng đồng, là điều mà tôi được các gia đình Úc, các công dân Úc và cư dân Úc gửi gắm trong thời gian làm Thượng nghị sỹ bang Queensland, những người đã chia sẻ với tôi mối quan tâm sâu sắc của họ, sự đau khổ của họ, sự đau lòng của họ trước cuộc bức hại đối với người thân, bạn bè của họ chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công”, ông nói.
Thượng nghị sỹ Paul Scarr phát biểu tại cuộc họp báo.
“Tôi coi việc nêu lên mối quan ngại của bản thân về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc là nghĩa vụ đạo đức sâu sắc của mình. Và tôi cho rằng chính phủ Úc cần có nghĩa vụ đạo đức, không chỉ là nghĩa vụ chính trị mà còn là nghĩa vụ đạo đức khi nêu lên những mối lo ngại này với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và phải tiếp tục nêu lên những lo ngại này cho đến khi cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công chấm dứt, điều này chắc chắn phải xảy ra”, ông phát biểu, và cho biết thêm rằng đặc biệt là trong năm nay, đã đến lúc nước Úc phải suy ngẫm sâu sắc về cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra ở Trung Quốc suốt 25 năm qua.
Các giá trị phổ quát
Trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc họp báo, ông Scarr nói rằng điều quan trọng nhất là phải chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc.
“Điều hết sức quan trọng là phải nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại và tiếp tục vận động chấm dứt cuộc bức hại. Điều này thực sự rất quan trọng”, ông nói tiếp. “Khái niệm Chân-Thiện-Nhẫn là ba giá trị tuyệt vời, mà tôi nghĩ tất cả chúng ta cần phải áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.”
Thượng nghị sỹ: Bảo vệ tự do
Thượng nghị sỹ Malcolm Roberts cho biết ông biết những gì đang diễn ra ở Trung Quốc. “Vì vậy, trước hết tôi đồng cảm với những gì các bạn đang trải qua. Tôi biết một số người thân của các bạn ở Trung Quốc đang ở trong một hoàn cảnh rất khó khăn, bị giam giữ, và bị tra tấn. Tôi cũng biết một số người trong các bạn từng bị tra tấn”, ông nói. “Vậy nên, trước tiên tôi đồng cảm với các bạn, và thứ hai, tôi ngưỡng mộ những gì mà các bạn đang làm bởi vì cách duy nhất để lấy lại tự do là đứng lên kêu gọi tự do và đó chính là những gì các bạn đang làm.”
Bài phát biểu của Thượng nghị sỹ Malcolm Roberts
“Tôi không có điều gì khác cần nói ngoài việc gửi lời cảm ơn các bạn rất nhiều vì những gì các bạn đang làm,” ông phát biểu. “Không có gì quan trọng hơn tự do sinh sống, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và tự do đi lại. Vì vậy, cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã đứng lên vì nhân loại.”
Trình các bản kiến nghị
Trong cuộc họp báo, các học viên cũng đã gửi 24.000 chữ ký mới thu thập được ở Úc trong bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Các bản kiến nghị đã được đệ trình lên Thượng nghị sỹ Paul Scarr.
Các bản kiến nghị đã được đệ trình lên Thượng nghị sỹ Malcolm Roberts.
“Đó cũng là nghĩa vụ đạo đức của tôi khi chấp nhận bản kiến nghị đã được ký bởi hàng ngàn người dân của nước Úc… trong đó có những lo ngại của các bạn và kêu gọi quốc hội Úc hành động”, Thượng nghị sỹ Scarr nói. Thượng nghị sỹ Roberts cũng cho biết ông rất vui khi nhận những kiến nghị này.
Hành động lập pháp
Trong nhiều năm qua, luật sư nhân quyền David Matas đã vận động pháp lý nhằm ngăn chặn các nước phương Tây trở thành đồng phạm của tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Lần này, ông đi từ Canada đến Úc chỉ để tham gia và phát biểu tại sự kiện này.
Luật sư nhân quyền David Matas
Ông Matas cho biết ông bắt đầu điều tra về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc từ năm 2006. Ông và ông David Kilgour quá cố đã công bố báo cáo của họ, trong đó kết luận rằng nạn thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn đang diễn ra ở Trung Quốc. Nguồn nội tạng chính được lấy từ các học viên Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp.
“Trung Quốc là quốc gia duy nhất mà chúng ta thấy một số lượng lớn các tù nhân lương tâm bị giết một cách có hệ thống để lấy nội tạng của họ. Đầu tiên nó chủ yếu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, nhưng kể từ năm 2017, nó đã lan rộng đáng kể đến người Duy Ngô Nhĩ. Tất nhiên, cũng có những nhóm người khác với số lượng nhỏ hơn.”
“Ngoài những sáng kiến chung về luật pháp ngoài lãnh thổ và thu thập dữ liệu, chúng ta cần bày tỏ những mối lo ngại cụ thể về sự bức hại ở Trung Quốc và về các cộng đồng nạn nhân, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và những người theo Cơ đốc giáo tại gia, trong đó, các học viên Pháp Luân Công thực tế là những nạn nhân chịu bức hại nặng nhất và đáng được chú ý”, ông phát biểu thêm.
Liên quan đến tiến trình lập pháp ở Úc, ông Matas cho biết đã có tiến triển trong việc chỉ ra sự nghiêm trọng của nạn thu hoạch nội tạng, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu cuối cùng là ngăn chặn nó.
“Có nhiều quốc gia đã ban hành luật hoặc ngăn ngừa sự đồng lõa trong việc lạm dụng hành vi cấy ghép nội tạng ở nước ngoài”, ông nói. “Nhưng nước Úc thì chưa làm điều đó.”
“Có một kiến nghị đang được thảo luận sôi nổi tại Hạ viện. Các kiến nghị và nghị quyết tương tự đã được thông qua trên khắp thế giới tại các quốc hội khác nhau, trong đó có Quốc hội Hoa Kỳ, Nghị viện Liên minh châu Âu, Canada, Tiểu ban Nhân quyền, Ủy ban Đối ngoại. Sẽ rất hữu ích và quan trọng nếu có một số hành động tương tự như vậy ở Úc”, ông Matas cho biết thêm.
Nhìn thấu bản chất của ĐCSTQ
Anh Eric, một cựu điệp viên của ĐCSTQ, cũng phát biểu tại cuộc họp báo. “Một số người nói rằng sự kiện ngày 4 tháng 6 đã giúp họ nhận ra ra bản chất thực sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng nhìn vào những hành động giết người của ĐCSTQ trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta nhận ra rằng những mầm mống này đã có từ rất lâu trước đó”, anh nói. “Chúng ta phải nhận thức rõ rằng Đảng Cộng sản không quan tâm đến việc bạn có tín ngưỡng hay không, bạn có đạo đức hay không, và ngay cả khi bạn là một tên tội phạm. Khi đối phó với bạn, chúng chỉ xem xét một điều: bạn có nghe theo chúng hay không mà thôi.”
Anh Eric, một cựu điệp viên ĐCSTQ, lên tiếng chống lại chế độ Cộng sản tại cuộc kháng nghị.
Ví như, các quan chức ĐCSTQ đã cố gắng bắt cóc học viên Pháp Luân Công Lý Quế Tân ở Thái Lan. Công chúng vẫn hầu như không biết đến những sự vụ bí mật này và anh Eric cho biết anh sẽ tiếp tục tiết lộ thêm về điều này trong tương lai. Trong bất kể trường hợp nào, điều quan trọng là tìm kiếm tự do. “Chúng ta phải tin rằng những gì chúng ta đang làm chắc chắn sẽ chiến thắng!” anh cho biết thêm rằng ĐCSTQ nhất định sẽ thất bại.
Cư dân Úc cũng phát biểu tại cuộc họp báo. Một số là thành viên trong gia đình có người thân đã bị bắt, giam giữ và tra tấn ở Trung Quốc vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Họ hy vọng chính phủ Úc có thể giúp chấm dứt cuộc bức hại để gia đình họ sớm được đoàn tụ.
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/6/5/478437.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/6/6/218507.html
Đăng ngày 11-06-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.