Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở Thụy Sỹ

[MINH HUỆ 08-02-2024] Ngày 22 tháng 1 năm 2024, hai tổ chức phi chính phủ (NGO) – CAP Liberté de Conscience (Tự do Lương tâm) và Hiệp hội Bác sỹ Chống Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) – đã tổ chức một cuộc họp báo tại Văn phòng Liên Hợp Quốc (UN) ở Geneva, Thụy Sỹ, về cuộc bức hại và cưỡng bức thu hoạch nội tạng dưới sự hậu thuẫn của nhà nước nhắm vào các học viên Pháp Luân Công.

Cuộc họp báo diễn ra một ngày trước phiên họp của Trung Quốc trong Đợt Đánh giá Định kỳ trên toàn thế giới (Universal Periodic Review, UPR) lần thứ 45 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, mục đích là nhằm thông báo cho các nhà đánh giá của hội đồng về một loại vi phạm nhân quyền chính hiện đang diễn ra ở nước này.

Quy trình đánh giá này được xây dựng vào năm 2006 cùng với việc thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Toàn bộ 193 quốc gia thành viên của LHQ đều phải được đánh giá như vậy sau mỗi 4 đến 5 năm; công tác đánh giá được thực hiện bởi 47 thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ và bất kỳ quốc gia thành viên LHQ nào muốn tham dự.

Một nhóm chuyên gia đã trình bày bằng chứng về cuộc bức hại và cưỡng bức thu hoạch nội tạng nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, cùng với lời kêu gọi các phái đoàn phải có hành động, trong đó có hội đồng đánh giá để tiếp tục điều tra và lên án các hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Cựu Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu: “Không thể bác bỏ một loạt bằng chứng nhất quán như vậy”

Cuộc họp báo ngày 22 tháng 1 là lần đầu tiên DAFOH được mời đồng tổ chức một sự kiện thông tin tại Liên Hợp Quốc. CAP Tự do Lương tâm, một tổ chức phi chính phủ về tự do tín ngưỡng với tư cách là cố vấn của Liên Hợp Quốc, đã mời họ vì họ có kiến thức chuyên sâu về việc ĐCSTQ tiến hành cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm.

Hai tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã triệu tập một hội đồng gồm 10 nhà vận động nhân quyền từ các quốc gia khác nhau để trình bày những phát hiện của họ về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, gồm luật sư nhân quyền, bác sỹ, giáo sư, nhà báo, và các nhà hoạt động nhân quyền.

Ông Edward McMillan-Scott, đến từ Vương quốc Anh, là một trong những chuyên gia này. Ông đã trải qua bốn nhiệm kỳ phó chủ tịch phụ trách các vấn đề dân chủ và nhân quyền tại Nghị viện châu Âu từ năm 2004 đến năm 2014.

Tại cuộc họp báo, ông kể lại ông đã sốc như thế nào khi biết nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đang diễn ra trong thực tế trong chuyến công tác của ông đến Trung Quốc vào năm 2006.

Tháng 5 năm 2006, ông đã gặp ông Tào Đông, một học viên Pháp Luân Công từng bị tù giam. Ông McMillan-Scott cho biết, ông được ông Tào kể rằng người bạn thân nhất bị giam cùng ông Tào đã biến mất khỏi phòng giam. Sau đó, ông Tào đã nhìn thấy xác chết bị lột trần truồng của người bạn này trong nhà xác của nhà tù, với những cái lỗ ở vị trí các nội tạng chính đã bị lấy đi.

Ông McMillan-Scott cũng tiết lộ rằng ông Tào đã bị bỏ tù vì cuộc gặp mặt bí mật ở Bắc Kinh đó. Cho đến nay, ông vẫn chưa biết được chuyện gì đã xảy ra với ông Tào. Sau đó, ông đã gặp thêm nhiều học viên Pháp Luân Công đã trốn thoát khỏi Trung Quốc sau khi bị cầm tù.

“Có đến hàng trăm người đều nói giống nhau”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn. “Không thể không tin vào một loạt bằng chứng nhất quán như vậy trong một thời gian dài như vậy.”

Theo Tòa án Trung Quốc (China Tribunal), một hội đồng độc lập gồm các luật sư và chuyên gia đã được triệu tập vào năm 2019, và bằng chứng xác nhận rằng nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc đã diễn ra ít nhất 20 năm.

Học viên Pháp Luân Công: “Mỗi mili giây của cuộc bức hại là quá dài.”

Một chuyên gia khác của hội đồng chuyên gia là anh Đinh Lạc Bân, một học viên Pháp Luân Công, cũng là nhà hoạt động nhân quyền hiện đang cư trú tại Đức. Cha của anh, ông Đinh Nguyên Đức, một nông dân trồng chè, đã bị bắt mà không có lệnh bắt giữ ở Trung Quốc vào năm ngoái vì tu luyện Pháp Luân Công và bị kết án phi pháp ba năm.

Trường hợp của cha anh đã được nêu trong một nghị quyết gần đây của Nghị viện châu Âu, Nghị quyết 2024/2504 (RSP), trong đó kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên lập tức hành động để lên án nạn lạm dụng cấy ghép tạng và cuộc bức hại trên diện rộng hơn của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công.

“Mỗi mili giây [diễn ra cuộc bức hại] là quá dài,” anh Đinh nói tại sự kiện, “bởi vì đó là một sự bất công đáng sợ.”

Anh cũng cho biết cha anh còn bị phạt 15.000 nhân dân tệ (khoảng 2.000 Euro) vào tháng 12 năm 2023. Tại thời điểm viết bài, cha anh đã bị giam giữ bất hợp pháp trong trại tạm giam thành phố Nhật Chiếu trong gần 9 tháng, và bị tước quyền thăm thân.

Từ ngày 28 tháng 11 đến ngày 6 tháng 12 năm 2023, cha của anh Đinh Lạc Bân và hơn 20 học viên Pháp Luân Công khác ở thành phố Nhật Chiếu đã bị xét xử bất hợp pháp tại tòa án. Ngày 15 tháng 12 năm 2023, cha của anh đã bị Tòa án quận Ngũ Liên kết án trái pháp luật. “Tất cả những học viên này đều là nạn nhân của một vụ bắt giữ vào tháng 5 năm 2023 nhắm vào khoảng 70 học viên Pháp Luân Công ở quê tôi”, anh cho biết.

Anh kết thúc phần lời chứng của mình bằng một số đề xuất đối với các phái đoàn tham dự, như: hối thúc phái đoàn Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công và truy tố những người tham gia vào cuộc bức hại; loại Trung Quốc ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc; đôn đốc các biện pháp trừng phạt của Chính phủ đối với thủ phạm tham gia bức hại; và yêu cầu đại sứ quán các nước tại Trung Quốc điều tra nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng và giám sát quá trình xét xử của các học viên Pháp Luân Công.

DAFOH: “Hành động của Trung Quốc phản ánh một hệ tư tưởng đáng lo ngại.”

Hai đại diện của Hiệp hội DAFOH, Tiến sỹ Torsten Trey và Tiến sỹ Harold King, ngồi trong hội đồng chuyên gia cùng với ông Thierry Valle, Chủ tịch của CAP Tự do Lương tâm. Hai vị bác sỹ này đã có bài trình bày tóm tắt tình hình ở Trung Quốc và kêu gọi mọi người trong cuộc họp hành động chống lại nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Cuộc đánh giá của Liên Hợp Quốc “là để xem xét các vụ lạm dụng nhân quyền, đồng thời củng cố nhân quyền và pháp quyền”, họ nói. “Nó không phải là công cụ để cung cấp một nơi trú ẩn an toàn cho thủ phạm vi phạm những quyền cơ bản đó.”

Sau đó, họ đã chỉ ra ĐCSTQ đã nhắm hàng chục triệu công dân Trung Quốc, đó là các học viên Pháp Luân Công tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn, để kiếm lời bằng cách bán nội tạng của họ. Theo đó, các bệnh viện Trung Quốc đã trở thành điểm đến cho ngành du lịch ghép tạng do thời gian chờ đợi ngắn, trong đó bệnh nhân thường chỉ cần chờ trong vài tuần là đã có nội tạng cấy ghép phù hợp.

Họ kêu gọi một thái độ mạnh mẽ chống lại sự tàn bạo này. Cuối cùng, họ kêu gọi những người tham dự cuộc họp tham gia vào ba hành động – đặt câu hỏi về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc trong cuộc Đánh giá Định kỳ Phổ quát, thúc đẩy việc tạo ra vị trí Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc để điều tra nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, và thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế xét xử nạn Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng ở Trung Quốc.

Một liên minh gồm 110 nhà lập pháp, bác sỹ, học giả và các nhóm xã hội dân sự đang kêu gọi Liên Hợp Quốc thành lập một tòa án hình sự quốc tế để điều tra tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/2/8/472577.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/2/9/214973.html

Đăng ngày 12-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share