Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ tại Ottawa

[MINH HUỆ 20-11-2023] Ngày 13 tháng 11 năm 2023, Ban tổ chức Lễ hội Thuyền rồng Ottawa đã đưa ra một tuyên bố trên trang web của lễ hội này nhằm xin lỗi về sự cố đã xảy ra vào Lễ hội năm 2019 khi yêu cầu ông Gerry Smith cởi chiếc áo phông có in dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp Hảo”.

Tuyên bố có đoạn: “Lễ hội thực hiện chính sách công bằng, hòa nhập và đa dạng, đồng thời chào đón tất cả những người tham dự từ mọi chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc và tín ngưỡng. Tất cả mọi người, bao gồm cả các học viên Pháp Luân Công, đều được chào đón tham gia Lễ hội.”

00322fd34a28641d5a29440bd5faa215.jpg

Tuyên bố của Ban tổ chức Lễ hội Thuyền rồng Ottawa ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2023 (Ảnh chụp màn hình)

Nghệ sỹ Kathy Gillis là một trong những nhân chứng của vụ việc. Bà cho biết: “Tôi rất vui vì họ đã đi đến quyết định này”. “Mọi người cần nhận thức được rằng sự việc này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với việc cởi một chiếc áo. Đây là một hành động chính trị.”

Trước đó, vào ngày 8 tháng 11, Thành phố Ottawa cũng đưa ra một tuyên bố trong đó công nhận Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) là một tín ngưỡng và đề cập rằng các nhà tổ chức sự kiện không được phép phân biệt đối xử.

Tuyên bố của thành phố nêu rõ rằng đơn vị được cấp phép hoặc nhân viên của đơn vị được cấp phép hoặc đại diện của đơn vị được cấp phép không được phân biệt đối xử với bất kỳ thành viên nào của công chúng dựa theo chủng tộc, huyết thống, hoặc nơi cư ngụ, xuất thân, màu da, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng (bao gồm cả học viên Pháp Luân Công), giới tính, khuynh hướng tình dục, tuổi tác, tình trạng hôn nhân, tình trạng gia đình hoặc tình trạng khuyết tật, như đã đề cập trong Mục 17(2) Quy định số 2013-232.

Bối cảnh

Bốn năm trước, vào ngày 22 tháng 6 năm 2019, ông Gerry Smith, một học viên Pháp Luân Đại Pháp, đã luyện các bài công pháp một cách ôn hòa bên ngoài địa điểm tổ chức Lễ hội Thuyền Rồng ở Công viên Vịnh Mooney và phát tờ thông tin cho những người qua đường quan tâm. Chiều hôm đó, ông Smith vào trong khuôn viên của lễ hội để mua bữa trưa cho cậu bé mà ông trông nom. Sau đó, hai ông cháu ngồi ở bàn ăn ngoài trời trong khu vực lễ hội. Ông Smith khi đó đang mặc một chiếc áo phông màu vàng có in dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân-Thiện-Nhẫn”. Ông John Brooman, Giám đốc điều hành lễ hội ngồi cùng bàn, đã yêu cầu ông Smith cởi chiếc áo này ra. Ông Smith đã nói với ông Brooman về Pháp Luân Đại Pháp, nhưng ông Brooman nhất quyết yêu cầu ông Smith cởi áo. Ông Smith đành phải làm theo yêu cầu này.

753c67a1caf51b8d35bbcb48044cf492.jpg

Học viên Pháp Luân Đại Pháp Gerry Smith.

Có thông tin cho rằng trước đó ông Brooman từng nói Đại sứ quán Trung Quốc là nhà tài trợ của lễ hội và ông không muốn nhìn thấy bất cứ chiếc áo phông in dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp” ở bất cứ nơi nào trong công viên. Ông còn nói thêm rằng ông muốn ông Smith bảo các học viên đang luyện công bên ngoài khu vực lễ hội rời đi.

Sau vụ việc này, ông Smith đã nhiều lần yêu cầu ông Brooman xin lỗi nhưng không thành công nên ông đã đệ đơn khiếu nại lên Tòa án Nhân quyền Ontario.

Hàng năm vào dịp diễn ra Lễ hội Thuyền rồng Trung Quốc, thành phố Ottawa cũng tổ chức lễ hội và cuộc đua thuyền rồng. Năm 2019, Đại sứ quán Trung Quốc đã gửi thông điệp trực tuyến chúc mừng Lễ hội Thuyền rồng Ottawa. Theo Đại sứ quán, tối ngày 21/6/2019, ông Triệu Hải Sinh, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc Lễ hội Thuyền rồng Ottawa.

Trong lời khai của nhân chứng gửi lên Tòa án Ontario, Francis Houleo, cậu bé đi cùng ông Smith hôm đó, cho biết cậu nghĩ ông Brooman đã nói chuyện với ông Smith với thái độ không tốt.

“Cháu nhớ là cháu không thích cuộc trò chuyện này. Cháu không muốn có ai nói chuyện với cháu như thế. Về thái độ của ông John [Brooman], cháu chỉ có thể nói rằng nó không tốt”, cậu bé nói, và cho biết thêm rằng sau đó cậu đã hỏi ông Smith liệu Giám đốc điều hành lễ hội có phải là “một trong những người bị chính phủ Trung Quốc lừa dối hay không”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở rộng cuộc bức hại

Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada (FDAC) tuyên bố vụ việc này cho thấy cuộc bức hại đang diễn ra của chính quyền cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Đại Pháp và sự bành trướng của nó sang Canada.

Người phát ngôn của FDAC, bà Grace Wollensak, bày tỏ sự cảm kích trước lời xin lỗi của Ban tổ chức Lễ hội và tuyên bố của Thành phố Ottawa công nhận Pháp Luân Đại Pháp là một tín ngưỡng được bảo vệ.

Bà Wollensak nói: “Lời xin lỗi có tác dụng như một phương cách để sửa chữa sai lầm và cũng cho thấy rằng việc tiếp tay cho những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm kỳ thị Pháp Luân Công ở Canada là không thể chấp nhận được”.

Trong một thông cáo báo chí, bà Wollensak cũng lên án “các thủ đoạn tàn ác nhằm can thiệp vào tất cả các lĩnh vực khác nhau của xã hội” của ĐCSTQ. Bà cho hay vụ việc nêu trên không phải là một hành động đơn lẻ mà là một phần trong các hoạt động can thiệp đang diễn ra của ĐCSTQ trên lãnh thổ Canada.

FDAC gần đây đã công bố một báo cáo ghi nhận hàng chục trường hợp ở Canada trong đó các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị xúc phạm bằng lời nói, hành động hoặc bị quấy rối dưới hình thức khác do sự can thiệp của ĐCSTQ.

Bà Wollensak nói: “Thật đáng báo động khi Đại sứ quán Trung Quốc đã và đang mở rộng cuộc bức hại Pháp Luân Công sang các sự kiện cộng đồng này và điều vô cùng đáng lo ngại là nó đã thao túng được một số người”.

“Chúng tôi khuyến cáo người dân Canada hãy luôn cảnh giác và tỉnh táo trước sự thao túng của ĐCSTQ và chống lại sự ảnh hưởng của chế độ toàn trị đang cố tìm cách phá hoại xã hội tự do của chúng ta ở Canada“.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/11/20/468404.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/22/213037.html

Đăng ngày 24-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share