Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Vương quốc Anh
[MINH HUỆ 10-12-2023] Trước Ngày Nhân quyền Thế giới, ngày 10 tháng12 năm 2023, 6 Nghị sỹ Quốc hội đã gửi thư tới Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Vương quốc Anh để bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Đại Pháp và lên án cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
(Từ trên xuống dưới, từ trái sang phải) Thượng Nghị sỹ Hunt, Nghị sỹ Mark Pritchard, Nghị sỹ Ian Murray, Nghị sỹ AS Jonathan Edwards, Nghị sỹ Patrick Grady, và Nghị sỹ Ellie Reeves
Trong bức thư của mình, Thượng Nghị sỹ quý tộc Hunt của vùng Kings Heath, người được tặng huy chương của Hoàng gia Anh (PC OBE), viết: “Tôi rất hân hạnh được gửi thông điệp ủng hộ này nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Quốc tế Nhân quyền”.
Thượng Nghị sỹ quý tộc Hunt của vùng Kings Heath, người được tặng huy chương của Hoàng gia Anh
Ông viết trong thư: “Tôi vẫn tiếp tục hối thúc chính phủ Anh và các chính phủ khác bày tỏ rõ với chính quyền Trung Quốc rằng những hành vi đó của họ là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Tôi rất vinh dự được gửi tới các bạn thông điệp ủng hộ mạnh mẽ của mình.”
Nghị sỹ RT Hon Mark Pritchard
Nghị sỹ Rt Hon Mark Pritchard viết: “Tôi quan ngại sâu sắc về cuộc bức hại đang diễn ra đối với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Những lời chứng về những gì họ đã trải qua thật vô cùng đau xót và cách đối xử [của chính quyền Trung Quốc] đối với họ là một trong nhiều lý do khiến Vương quốc Anh liệt Trung Quốc vào diện quốc gia có mối quan ngại lớn về nhân quyền.“
“Chính phủ Anh thường xuyên trực tiếp nêu những quan ngại về nhân quyền, trong đó có việc đối xử với các học viên Pháp Luân Công, với các lãnh đạo Trung Quốc tại OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu), Hội đồng Châu Âu, và Liên minh Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng Quốc tế.”
Cuối thư, ông viết: “Tôi rất vui vì Chính phủ [Anh] đã chính thức bày tỏ quan ngại về cách đối xử của [chính quyền] Trung Quốc đối với các nhóm tôn giáo thiểu số tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong năm nay và tôi biết rằng nhiều Bộ trưởng sẽ tiếp tục nêu ra vấn đề này”.
Nghị sỹ Ian Murray
Nghị sỹ Ian Murray viết: “Nhân kỷ niệm tròn 75 năm Ngày Nhân quyền, tôi vẫn luôn đặc biệt quan ngại về việc chính quyền Trung Quốc bức hại người dân vì lý do tôn giáo hay tín ngưỡng của họ, dù đó là người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Cơ đốc nhân, Phật tử, hay các học viên Pháp Luân Công. Quyền tự do được thực hành, thay đổi hoặc chia sẻ đức tin hay tín ngưỡng mà không bị phân biệt đối xử hay đàn áp bằng bạo lực là một quyền con người mà tất cả mọi người đáng được hưởng, và việc hành vi này vẫn được phép diễn ra là điều không thể chấp nhận được.”
“Chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các cáo buộc thu hoạch nội tạng và sự ngược đãi đối với người Duy Ngô Nhĩ là bằng chứng rõ hơn cho thấy hành động của họ đi ngược lại mọi luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế cần có một tiếng nói chung để phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công và đoàn kết chống lại mọi hình thức phân biệt chủng tộc và đàn áp.”
Nghị sỹ Jonathan Edwards
Trong thư, Nghị sỹ Jonathan Edwards cho biết ông đã ký bản kiến nghị ủng hộ việc phản bức hại các học viên nhân dịp kỷ niệm 21 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công. Kiến nghị này không chỉ lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công mà còn kêu gọi chính phủ Anh xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt như cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với những người vi phạm nghiêm trọng đến nhân quyền của các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Ông cảm ơn các học viên đã liên lạc lại với ông và nêu ra vấn đề rằng ĐCSTQ vẫn đang bức hại Pháp Luân Công.
Nghị sỹ Patrick Grady
Nghị sỹ Patrick Grady viết: “Sẽ có một phiên thảo luận tại Quốc hội vào thứ Năm tới nhân dịp kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, tôi hy vọng sẽ có thể phát biểu tại đó, và cùng với những nghị sỹ khác hy vọng có thể nêu ra những mối quan ngại này cũng như những hành vi vi phạm nhân quyền trên khắp thế giới.”
Ông cho hay: “Năm nay đánh dấu kỷ niệm tròn 75 năm Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, vốn là cam kết toàn cầu nhằm tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản để mọi người được sống trong hòa bình và an ninh. Ở rất nhiều nơi trên thế giới, những quyền này vẫn bị chối bỏ hoặc chưa được thực hiện. Ở Trung Quốc, các nhóm dân tộc thiểu số và tín ngưỡng, gồm cả học viên Pháp Luân Công và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, có thể bị bắt giữ tùy tiện, lao động cưỡng bức, mất tích và [phải chịu] nhiều hình thức đối xử vô nhân đạo khác. Nhân dịp Ngày Nhân quyền Quốc tế, chúng ta phải cùng nhau lên tiếng chống lại những hành vi ngược đãi này và kêu gọi chính phủ của chúng ta nói rõ với Chính quyền Trung Quốc rằng những hành vi của họ như vậy là không thể chấp nhận được.”
Nghị sỹ Ellie Reeves
Nghị sỹ Ellie Reeves viết: “Còn có cả những cáo buộc đáng lo ngại về tội ác thu hoạch nội tạng, vốn là tội ác được chính quyền Trung Quốc coi là phi pháp từ năm 2014, nhưng nhiều báo cáo của Liên minh Quốc tế nhằm Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC), đã chỉ ra rằng các hoạt động thu hoạch nội tạng vẫn tiếp diễn mà nạn nhân chủ yếu là các tù nhân Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ trong các nhà tù và trại tập trung ở Trung Quốc. Điều này khiến tôi thật sự bàng hoàng bởi quyền tự do thực hành, thay đổi hoặc chia sẻ đức tin hay tín ngưỡng mà không bị phân biệt đối xử hay đàn áp bằng bạo lực là một nhân quyền mà tất cả mọi người đáng được hưởng.“
“Tôi sẽ viết thư gửi tới Bộ trưởng Ngoại giao để hỏi xem Vương quốc Anh đang thực thi những chính sách ngoại giao nào để giải quyết tình trạng phân biệt đối xử, tra tấn, ngược đãi và thu hoạch nội tạng đối với [các học viên] Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác, nhằm giúp đảm bảo nhân quyền quốc tế cho họ ở Trung Quốc”.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/10/469147.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/11/213297.html
Đăng ngày 13-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.