Bài viết của đệ tử Đại Pháp tỉnh Sơn Đông

[MINH HUỆ 06-11-2023] Đầu tháng 5 năm 2000, tôi đi tới Bắc Kinh lần thứ ba để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi tôi trở về, tôi bị bắt giữ phi pháp và nhốt trong một căn phòng nhỏ tối tăm ở vườn hoa của đơn vị công tác. Theo cách nói của họ, những ai đi tới Bắc Kinh hai lần thì đều bị lao động cải tạo và họ nhốt tôi ở đơn vị như vậy là vì để “cứu tôi”. Tôi cảm giác ở đó không khác gì địa ngục, cả thân lẫn tâm tôi mệt mỏi rã rời.

Hàng ngày, trừ sự “quan tâm” của các lãnh đạo đơn vị thì còn có bốn, năm bảo vệ khoảng tầm 20 tuổi mang theo dụng cụ của cảnh vệ đến và luân phiên canh chừng tôi. Khi không có việc gì làm, những nhân viên bảo vệ này mang dùi cui điện ra nghịch, mỗi ngày tôi đều nghe thấy tiếng “tạch tạch tạch” phát ra từ dùi cui điện. Mỗi khi nghe thấy âm thanh đó, tim tôi như thể đang bị bóp nghẹt.

Lúc đó, tôi không được học Pháp, không có người nhà ở bên cạnh cũng không giao lưu chia sẻ được với đồng tu nào. Tôi chỉ dựa vào tín tâm với Sư phụ và Đại Pháp mà vượt qua. Một hôm, khi ngước đầu lên tôi thấy một sợi thừng treo trên xà ngang của căn phòng và liền nghĩ: “Mình sắp chịu không nổi nữa rồi, treo người lên một cái là xong!” Nhưng tôi liền nghĩ lại: “Mình là đệ tử Đại Pháp, mình không thể làm những việc mà Sư phụ không cho phép!” (Ghi chú: Pháp Luân Công cấm chỉ sát nhân, tự sát.)

Ngày thứ hai, xưởng trưởng dẫn theo phó thư ký của đơn vị tới đến để “dạy bảo” tôi. Chị ta có biệt danh là “bà lão Marx – Lenin”. Tôi ngồi trước bàn làm việc, còn chị ta đi qua lại quanh tôi và chiếc bàn và liên tục quát tháo trong hơn một tiếng đồng hồ. Chị ta hét lên: “Anh phải có một cái đầu tỉnh táo để nhận thức Pháp Luân Công, nếu không sẽ bị chuyển tới nơi khác. Ở trong Cục Công an có những nơi được chuẩn bị riêng cho những tên cứng đầu như anh đấy”. Họ ép tôi biểu đạt thái độ nhưng tôi không hé răng nửa lời. Không đạt được kết quả như mong muốn, họ bực tức rời đi. Lúc họ đi rồi, xưởng trưởng liếc mắt nhìn vào bên trong căn phòng rồi nói với mấy người bảo vệ: “Các cậu dọn dẹp căn phòng này đi, chỉ để lại cái giường là được”. Bàn, ghế, dây thừng cùng tất cả những công cụ khác đều bị chuyển đi. Tôi nghĩ, đây chính là sự bảo hộ của Sư phụ dành cho người đệ tử kém cỏi này.

Sau sự việc lần này tâm sợ hãi vốn có của tôi càng nghiêm trọng hơn. Tôi từ nhỏ đã sợ bị đánh, thế nên khi chị ta nói sẽ chuyển tôi tới nơi khác, mà ở cơ quan công an đó thì việc đánh người chẳng phải là chuyện cơm bữa hay sao? Cả ngày hôm ấy tôi phập phồng lo lắng.

Thế nhưng càng sợ thì càng chiêu mời rắc rối. Một hôm, người vợ không tu luyện đến thăm tôi và nói: “Vì em để mặc anh tu luyện Pháp Luân Công, nên đơn vị (tôi và vợ làm cùng một đơn vị) đã cắt lương của em, giờ không biết lấy đâu ra tiền mà đóng học mẫu giáo cho con. Em tìm đến lãnh đạo nói chuyện thì họ bảo ‘Nếu cô ly hôn, đơn vị lại trả lương cho cô’. Em thực sự không còn cách nào khác, chúng ta ly hôn đi!” (Vợ tôi sau này cũng bước vào tu luyện Đại Pháp và chúng tôi đã tái hôn vài năm sau đó.)

Thời điểm đó, do thể ngộ Pháp lý còn hữu hạn nên tôi chỉ nghĩ làm sao để giải quyết vấn đề và liền đồng ý với yêu cầu của vợ. Tôi nói: “Ly hôn thì anh không lấy gì trong nhà hết. Sau này khi anh có tài chính, anh sẽ bù đắp tiền nuôi con”. Lúc đó, tôi không cảm thấy gì hết, nhưng sau khi vợ tôi rời đi, tôi nghĩ: “Tôi đây chẳng phải là cái gì trong người thường cũng chẳng còn nữa hay sao? Hết sạch rồi!” Nghĩ tới nghĩ lui, tâm tôi đã không thể dung nạp được nữa, sự sợ hãi, sự chán nản, cảm giác mất mát và sự mông lung về tương lai, v.v… bao trùm tâm trí tôi. Tôi thầm nói với Sư phụ: “Thưa Sư phụ, tu luyện sao lại khó đến như vậy cơ chứ!” và bật khóc.

Sau đó tôi nghĩ, nếu như tôi đã chẳng còn gì nữa, mà họ lại còn muốn đưa tôi đến nơi khác để đánh đập, vậy chi bằng đi trước họ một bước, tôi sẽ đi tới Bắc Kinh chứng thực Pháp! Mặc dù tôi cảm thấy như đang có một ngọn núi lớn đè nặng trên lưng và đầu óc nghĩ loạn đủ thứ, nhưng tôi vẫn muốn tìm cơ hội đi tới Bắc Kinh chứng thực Pháp.

Khi đó, đoạn Pháp của Sư phụ mà tôi nghĩ tới nhiều nhất là:

“Biến hoá của thiên tượng mà ở [xã hội] bên dưới nếu không có người [hành] động [theo], thì cũng không thể đưa đến trạng thái như thế ở xã hội người thường, và cũng không gọi là biến hoá của thiên tượng được.” (“Bài giảng thứ bảy”, Chuyển Pháp Luân)

Khi tôi đi Bắc Kinh chứng thực Pháp lần hai, tại Văn phòng Liên lạc trú tại Bắc Kinh, tôi đã gặp một đồng tu là sinh viên đại học khoảng 20 tuổi, cậu ấy đã đi bộ tới Bắc Kinh. Lúc đó mới tầm tháng Ba, miền Bắc chúng tôi vẫn còn rất lạnh giá, thế mà cậu ấy chỉ mặc một bộ quần áo mỏng mà đi bộ đến Bắc Kinh. Cậu ấy đã trốn thoát trong khi đang bị giam lỏng. Được cậu ấy truyền động lực, tôi cũng tính đi Bắc Kinh để chứng thực Pháp, dù lúc đó tôi không một xu dính túi và cái gì cũng không có.

Chớp mắt đã đến ngày hẹn với vợ. Ngày 18 tháng 5 năm đó, tôi và vợ cùng hai bảo vệ của đơn vị công tác được giao nhiệm vụ giám sát tôi đi tới phòng đăng ký kết hôn để làm thủ tục ly hôn. Khi đang ký tên vào bản thỏa thuận ly hôn, vợ tôi bật khóc nức nở khiến tôi cũng khóc theo. Sự thống khổ trong tâm tôi lúc đó không sao biểu đạt.

Trên xe buýt trở về, tôi nói nhỏ với vợ rằng tôi muốn đi tới Bắc Kinh chứng thực Pháp. Vợ tôi nhân lúc bảo vệ không chú ý liền lén đưa toàn bộ 30 đồng mà cô ấy mang theo cho tôi. Khi trở về căn phòng tối ở vườn hoa của đơn vị, tôi bắt tay vào chuẩn bị cho chuyến đi. Ban ngày tôi có thể đi lại một chút dưới sự giám sát chặt chẽ của bảo vệ và nhân lúc bảo vệ không chú ý, tôi đã nhổ một hàng đinh nhỏ ở bên dưới chiếc cửa sổ kính nhỏ trong căn phòng tối đó. Tôi gỡ tấm kính ra và sờ thấy một chiếc chìa khóa, và vừa hay trong vườn hoa lại có một ổ khóa bị hỏng, chỉ cần giật một cái là có thể mở được. Tôi đem ổ khóa hỏng ấy treo lên cánh cửa rồi giấu chiếc chìa khóa vẫn dùng được đi.

Hôm đó, ngay lúc vừa rạng sáng tôi đã bắt đầu hành động. Tôi tính mở cửa sổ ra trước rồi sau đó mở khóa, nhưng lại sợ cửa sổ phát ra tiếng động khiến bảo vệ nghe thấy. Nhưng rồi tôi nghĩ: “Nếu Sư phụ an bài để tôi đi chứng thực Pháp thì bọn họ sẽ không nghe thấy gì”. Nghĩ đoạn tôi liền đẩy cửa sổ kính ra và thò tay mở khóa. Vừa ra khỏi căn phòng nhỏ tối tăm đó, tôi dùng chiếc khóa còn tốt kia khóa cửa rồi đóng cửa sổ lại như cũ. Lúc này, tôi nghe rõ tiếng ngáy của bảo vệ ở trong căn phòng giữ ấm của vườn hoa. Tôi bước nhanh ra khỏi vườn hoa, nhảy tường rào để ra khỏi khu xưởng rồi chạy thật nhanh về hướng Bắc Kinh!

Tôi chạy một mạch từ khi ra khỏi đơn vị cho đến khoảng 6, 7 giờ thì tới khu vực giáp ranh thành phố của tôi và một phố huyện khác. Tôi kiệt sức, lòng bàn chân đã phồng rộp bọng nước. Tôi thấy bên đường có một ngôi nhà bỏ hoang không có cửa chính, không có cửa sổ và có một gian chất đầy rơm, tôi liền vào đó và tính nghỉ ngơi một lát.

Đúng lúc tôi bước vào căn phòng chứa rơm ấy và toan nằm xuống, thì Pháp thân của Sư phụ xuất hiện phía sau lưng tôi. Sư phụ nói “Con hãy nghỉ ngơi đi!” và đồng thời đôi bàn tay to lớn của Sư phụ đưa tôi nằm lên đống rơm khô đó. Một sự ấm áp và tường hòa không sao biểu đạt. Tôi không quay người lại, vậy mà có thể nhìn rất rõ Pháp thân của Sư phụ cao vượt khỏi căn phòng này, vật chất từ bi tràn ngập cả một khu vực to lớn. Vào tích tắc tôi nằm xuống, nước mắt tôi trào ra. Sư phụ thấy tôi từ trong sự vây hãm của ma nạn mà bước ra, nên Ngài đã khích lệ tôi vô cùng to lớn. Tôi hạ quyết tâm nhất định phải đi tới Bắc Kinh chứng thực Pháp! Vì đã quá mệt, nên tôi nhanh chóng ngủ thiếp đi trong sự bảo hộ từ bi của Sư phụ.

Đi tới Bắc Kinh nói thì dễ, nhưng trên đường đi gặp đủ loại rào cản. Thành phố tôi cách Bắc Kinh chừng 700km. Khi chạy thoát ra khỏi đơn vị tôi đang mang giày da, nên chân tôi bị gò bó khó chịu. Vừa mới đi được hai ngày, lòng bàn chân của tôi đau nhức, tiếp đó là cả chân bị đau, rồi bắp chân cũng đau, cuối cùng, từ phần nách trở xuống đến lòng bàn chân cũng đau. Rốt cuộc là tôi cũng không biết chỗ nào đang bị đau nữa. Bước đi thì đau nên tôi ngồi xuống ven đường nghỉ một lát, thế nhưng chân lại càng đau hơn. Không còn cách nào khác, tối cứ tiếp tục đi, đi cho đến khi không còn chút sức lực nào nữa thì ngừng lại một lát. Cứ như vậy, tôi kiên trì tiến thẳng về Bắc Kinh.

Trên đường đi, tôi không biết mình no hay đói, cứ đi đến lúc không còn chút sức lực nào và không lê nổi bước chân nữa thì là đói. Tôi dùng nước làm mềm bánh màn thầu khô, nghỉ ngơi chốc lát rồi lại đi tiếp; khi không có đồ ăn thì tôi nhặt đồ ăn bên đường để lót dạ. Một buổi sáng nọ, sau khi đi được hơn một tiếng đồng hồ, tôi vừa khát vừa đói và không bước nổi nữa. Tôi thấy một chiếc xe ngựa chạy qua làm rơi vài trái dưa hấu xuống đường và nó vỡ nát bét. Tôi liền đi tới nhặt nửa trái dưa lên ăn. Sống ở đời hơn 30 năm, đây là lần đầu trong đời tôi ăn được miếng dưa hấu ngọt đến thế, một vị ngọt mà như thể chốn nhân gian chưa từng có, nó giống như mỹ vị nơi tiên cảnh vậy!

Lúc đó tiết trời tháng 5, nhiệt độ ban ngày hơn 20 độ còn ban đêm chỉ khoảng 10 độ. Mỗi sáng tôi đều thức giấc vì lạnh, toàn thân run rẩy. Tôi từng ngủ trong chiếc chòi che giếng nước ở bên đường, nằm trong mương, lều trồng rau, đồng hoang, v.v. Từ nhỏ đến lớn tôi đều sống ở thành thị, vốn tính nhát gan, sợ rắn, sợ côn trùng, sợ chuột, v.v. Thế nhưng lần này tôi lại tuyệt nhiên không có khái niệm gì về nỗi sợ, cũng không mảy may thấy sợ. Tôi nghĩ đó là do Sư phụ đã loại bỏ những vật chất của sự sợ hãi cho tôi rồi.

Có một điều mà tôi không bao giờ lo lắng, đó là dù thế nào thì tôi cũng luôn đi đúng đường. Một là, lúc đi Bắc Kinh chứng thực Pháp lần thứ ba, tôi đạp xe đi cùng với hai vị đồng tu lớn tuổi, vậy nên đại khái là tôi nhớ được trục đường đi; thứ hai là, trên đường đi, hễ chỉ cần tôi đi sai hướng, thì lập tức liền có người hỏi tôi: “Đi đâu đấy? Khi tôi nói là đi Bắc Kinh, thì họ liền nói: “Đi Bắc Kinh thì phải đi đường này cơ”. Tôi trước giờ chưa từng hoài nghi về tuyến đường mà họ chỉ cho tôi, tôi không nhớ là đã bao nhiêu lần tôi đi sai và được người khác chỉ lại đường đúng cho như thế. Tôi nghĩ đó là Sư phụ đưa người đến để dẫn đường cho tôi.

Trên đường đi, tôi nói thật với những người mà tội gặp rằng “Tôi đi tới Bắc Kinh để kêu oan“. Như thế, họ đều có thể lý giải chân tướng. Nếu có thời gian, tôi sẽ giảng sâu hơn một chút về việc Pháp Luân Công bị đối xử oan uổng ra sao. Lúc ấy, tôi cũng không biết như thế nào là giảng chân tướng, dân chúng lúc ấy cũng chưa biết nhiều về Pháp Luân Công, cũng càng không có thù hận gì mà chỉ hiểu là chính phủ không cho luyện mà thôi.

Trên đường đi, tôi gặp một chị gái bán kem que vô cùng lương thiện. Chị ấy bày một tủ bán những que kem màu trắng ở bên đường. Tôi đến đây vào khoảng 2, 3 giờ chiều và ánh nắng đang chiếu thẳng xuống. Tôi lấy vài đồng để mua một que kem và chị ấy đưa tôi một cái ghế xếp để ngồi, rồi hỏi: “Em đi đâu thế?” Tôi nói: “Em đi Bắc Kinh kêu oan”. Chị ấy lại hỏi: “Gặp chuyện gì thế?” Tôi nói: “Em tu luyện Pháp Luân Công. Chúng em đang luyện rất tốt thì họ lại không cho luyện nữa, đã thế còn bắt bọn em đi lao động cải tạo, giam giữ, đánh đập chửi rủa bọn em nữa chứ. Em cần phải tìm họ để nói với họ rằng họ đang làm điều sai trái!” Chị ấy nói: “Chỗ bọn chị đây cũng có người luyện. Hình như có vài người đã bị nhốt trong các lớp học tập, có vài người thì bị bắt giữ. Trên đường này cũng có người chuyên bắt những người luyện Pháp Luân Công đấy.” Chị ấy chỉ tay về một khúc cua ở đằng xa và nói: “Bọn họ chặn những người Pháp Luân Công như các em ở chỗ đó, đi đến đó thì nhất định phải chú ý nhé, đừng để bị bắt đi!” Người chị thiện lương này đã khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi tính mua thêm một cái kem nữa nhưng không còn xu nào.

Chị ấy thấy tôi sờ sờ tay vào túi quần thì liền biết là tôi không có tiền, vậy nên chị ấy đã lấy từ trong thùng ra một cái ca nhựa, đổ nước đá lạnh trong ca nhựa ấy vào một chiếc bình rồi đưa cho tôi và nói: “Đây là chị mang theo để uống, em uống đi!” Trong lúc tán gẫu, chị ấy nói khu vực này đã ba, bốn năm nay không có mưa. Những ai còn sức khỏe thì đều đi đến các khu vực khác làm công, chỉ còn phụ nữ, người già và trẻ nhỏ ở lại trong thôn. Chị ấy chỉ tay về mảnh đất bụi bay mịt mù ở đằng xa và nói: “Em nhìn xem, cây con trồng ở đó đều chết khô hết cả”. Tôi ngồi nghỉ một lát rồi tạm biệt chị ấy, chậm rãi đi qua nơi chốt chặn kiểm tra mà chị ấy nói.

Vì nơi đây nhiệt độ cao, cộng thêm khô hạn, lại có gió, bụi bay mù mịt, nên đi không được bao lâu thì người tôi đã đầm đìa mồ hôi. Chưa đi được bao xa thì trời đã tối. Lúc ấy, tôi đã quá mệt và đi tiếp đến khoảng gần 9 giờ tối thì tới một cánh rừng nhỏ ở ven đường. Tôi trải đồ ra ngủ và không biết đã thiếp đi được bao lâu thì thức giấc bởi tiếng mưa rơi tí tách trên những tán lá. Tôi khoác áo mưa rồi tiếp tục lên đường.

Mưa ngày càng nặng hạt. Tôi vẫn đi tiếp vì không có nơi nào để trú mưa hết. Tôi đi một mạch từ nửa đêm cho đến gà gáy, toàn thân ướt sũng và mệt nhoài đến mức không thể đi tiếp được nữa. Vừa hay lúc này tôi đi tới bên một cây cầu nhỏ, ở đó có vài chiếc ống bê tông thô còn chưa sử dụng. Tôi liền chui vào trong ống nghỉ ngơi. Tôi vừa đói vừa mệt, tình cảnh thê thảm nhếch nhác đó quả thực không cách nào miêu tả. Lúc nghỉ trong ống bê tông, tôi nghĩ: “Chị gái kia nói ở đây đã ba bốn năm không có mưa, thế mà mình vừa đến thì lại mưa tầm tã suốt đêm như vậy? Có lẽ là vì chị ấy thiện đãi đệ tử Đại Pháp, nên đã mang lại phúc báo cho nơi này chăng?

Cứ thế ngày này qua ngày khác, tôi thẳng bước tiến đến Bắc Kinh. Tôi luôn nghĩ rằng nếu gặp được đồng tu nào đó và đi cùng thì tốt biết mấy. Vài ngày sau, tôi ngộ ra rằng cái tâm ấy chẳng phải là sợ cô độc hay sao? Tôi buông tâm đó xuống và cũng không mong cầu nữa. Trên đường đi tuy không học Pháp, nhưng tôi có thể dựa vào Pháp vốn đã cắm rễ sâu trong tâm để biết cách đối đãi như thế nào khi đối mặt với gian khó và khúc mắc trong tâm: Có lúc tôi nghĩ quay trở về và khởi lên niệm đầu “Hay thôi, không đi nữa”; cũng có lúc tôi có niệm đầu bất chính như “Đói khát mệt lả, nhỡ chết ra đó thì sao?” Nhưng bằng sự kiên tín vào Sư phụ và Đại Pháp, tôi đã có thể hóa giải hết thảy những nhân tâm này.

Ngày 27 tháng 5, tôi lên đường khi trời vừa tờ mờ sáng. Tôi vừa đi vừa nghỉ và cứ thế đi một mạch đến khoảng 9 giờ tối, lúc đó thật sự không cất bước nổi nữa. Tôi đi tới một vườn trái cây bên đường, ở trong đó có một chiếc lều tranh nhỏ và tôi nằm nghỉ trên một phiến đá. Vừa thiếp đi một lát thì tôi liền tỉnh giấc vì gió lạnh và không tài nào ngủ lại được, vậy là tôi lại lên đường!

Tôi tiếp tục thẳng hướng Bắc Kinh mà tiến. Trên đường có lúc đi qua những đoạn tối đen như mực, có lúc thì qua đoạn còn nhìn thấy được lờ mờ. Đi được vài tiếng đồng hồ, tôi thấy phía trước có nơi có ánh sáng hắt ra. Tôi tiếp tục đi và có tiếng ai đó quát: “Làm gì đấy, đi đâu đấy?” Tôi trả lời: “Tôi đi tới Bắc Kinh để kêu oan”. Người đó lớn tiếng nói: “Qua đây! Qua đây!” Lúc này tôi mới nhìn ra anh ta là một sỹ quan cảnh sát có vũ trang, dáng người cao to và tay đang cầm súng tiểu liên đứng trước căn nhà đó. Tôi liền hiểu ra: “Đây là trạm kiểm soát vào Bắc Kinh!”

Tôi đi tới trước mặt anh ấy và nói: “Tôi là người luyện Pháp Luân Công, tôi muốn đến Bắc Kinh kêu oan”. Vừa nghe vậy viên cảnh sát này như bị kích động và lập tức chĩa nòng súng vào thái dương tôi rồi nói: “Anh dám phản đối đảng sao, tôi sẽ bắn chết anh ngay bây giờ!” Tôi bình tĩnh nói: “Tôi không phản đối đảng, tôi chỉ muốn phản ánh lên trung ương rằng đàn áp Pháp Luân Công là sai!” Lúc này có một người hơn 50 tuổi bước đến, có thể là nhân viên chuyên phụ trách việc khiếu nại kêu oan. Anh ta đưa tôi tới một căn phòng nhỏ phía sau trạm kiểm soát. Anh ta vốn tính quát tháo tôi một trận, nhưng vừa nghe tôi nói là đi bộ đến, thì không nổi nóng nữa và bảo tôi ngồi xuống. Sau đó, anh ta nói chuyện với tôi hơn một tiếng đồng hồ về cái gọi là chính sách của đảng. Cũng không biết vì nguyên nhân gì mà anh ta rõ ràng là nói tiếng phổ thông, nhưng tôi không nghe chút nào. Anh ta thấm mệt và đi ngủ. Lúc đó đã là hơn 2 giờ sáng ngày 28 tháng 5. Tôi chạy thoát khỏi đơn vị công tác cũng là vào khoảng 2 giờ sáng ngày 19 tháng 5, như vậy là tôi đã đi được tròn 10 ngày rồi.

Khoảng gần 7 giờ sáng hôm sau, họ còng tay tôi vào một cây cột điện bê tông. Thật trùng hợp là bàn làm thủ tục cho các phương tiện đi vào Bắc Kinh lại đặt ở chỗ cây cột điện này. Các tài xế đi qua đây đều vươn người và thò đầu ra hỏi tôi: “Anh bị sao thế? Phạm tội gì vậy?” Tôi chỉ nói đúng một câu: “Tôi luyện Pháp Luân Công!” Lúc mới đầu tôi hơi ngại, nhưng nhanh chóng nghĩ rằng thân là đệ tử Đại Pháp, tôi không làm gì có lỗi với người khác thì có gì mà phải xấu hổ đây? Tôi liền ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào các tài xế ở trên xe và nói chuyện. Cho dù người tôi phủ đầy bụi bặm của 10 ngày đi bộ, nhưng cái tâm xấu hổ kia đã bị quét sạch. Một số tài xế còn giơ ngón cái lên tỏ ý khen ngợi tôi.

Không lâu sau, cảnh sát tháo còng tay cho tôi. Đến gần trưa thì có hai cảnh sát đến để làm thủ tục, xong xuôi đâu đấy thì họ đưa tôi lên xe cảnh sát. Đi được khoảng vài chục phút thì tới Phân cục Công an Đại Hưng của thành phố Bắc Kinh. Họ đưa tôi vào phòng làm việc, hình như là để làm thủ tục gì đó. Lúc này một cảnh sát hỏi tôi: “Anh luyện Pháp Luân Công, đến Bắc Kinh làm gì?” Tôi nói: “Tôi đến để nói với trung ương rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công là sai!” Vị này lại hỏi: “Anh là vì một câu nói này mà đi bộ tới Bắc Kinh sao?!” Tôi nói: “Đúng vậy!” Một cảnh sát khác rùng mình lắc vai một cái. Tôi thấy họ đang kinh ngạc và chấn động trước việc làm của tôi: Vì một câu nói mà đi bộ hơn 700 cây số.

Tôi lại ngồi xe cảnh sát một lúc nữa và tới Trại tạm giam Đại Hưng. Lúc ở trong trại, tôi vô cùng bình tĩnh và nghĩ: mình ở đây thì khác gì đang được hưởng thụ đâu! Tuy là ngủ chung mười mấy người với nhau, nhưng vẫn có thể tắm rửa, mỗi bữa được ăn một cái bánh ngô hấp cỡ lớn, so với lúc đi bộ thì tốt hơn nhiều. Tôi bị giam ở trong trại tạm giam Đại Hưng hai ngày, sau đó cảnh sát ở thành phố nơi thành phố tôi ở đến đón tôi. Một vị cảnh sát đứng trước mặt tôi giơ ngón tay cái lên và nói: “Anh đã mang vinh quang về cho thành phố chúng ta!” Khi ở Văn phòng Liên lạc trú tại Bắc Kinh, họ đối xử với tôi rất ôn hòa. Phần da ở lòng bàn chân của tôi đã đóng vảy, toàn thân rất dễ chịu! Lúc này, tâm tôi như được mở rộng và thoáng đãng hơn rất nhiều.

Quay trở về thành phố quê nhà, cảnh sát của đồn công an nơi tôi ở đã lừa tôi đi tới trại tạm giam và phi pháp giam giữ tôi ở đó 25 ngày. Cha tôi, khi đó còn chưa hiểu rõ chân tướng, đã đi tới đồn công an để đón tôi. Vừa nhìn thấy tôi cúi đầu bước đi, cha liền nói: “Ngẩng đầu lên con, con không làm sai gì cả, đây là tín ngưỡng của con!” Khi tôi về đến nhà thì đã là ngày 29 tháng 6.

Sau đó tôi lại đến Bắc Kinh chứng thực Pháp thêm nhiều lần nữa. Mặc dù thời điểm đó tôi lý giải Pháp chưa sâu, vẫn chấp trước vào viên mãn, nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức để chứng thực Pháp.

Nhìn lại khoảng thời gian đó, tôi cảm thấy những gì bản thân trải qua giống như những lời mà Sư phụ đã giảng trong trang cuối cùng của cuốn sách Chuyển Pháp Luân, đó là:

“Khi gặp khó khăn kiếp nạn, hoặc khi vượt quan, chư vị hãy thử xem: khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng. Nếu chư vị có thể thật sự thực hiện được như vậy, thì chư vị sẽ phát hiện rằng ‘liễu ám hoa minh hựu nhất thôn’!”

(Biên tập viên: Tề Hân Vũ)

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/6/467806.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/10/212852.html

Đăng ngày 02-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share