Bài viết của học viên Vi Trân tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-11-2023]

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Kính chào các bạn đồng tu!

Tôi năm nay 63 tuổi, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1996. Nhân dịp Pháp hội Trung Quốc lần thứ 20 trên trang web Minh Huệ, tôi muốn kể cho các bạn nghe quá trình tôi đã bước ra khỏi con người, buông bỏ tình và tu luyện bản thân trong môi trường gia đình.

Kỳ tích triển hiện sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp

Vợ chồng tôi và người thân bên chồng cùng làm việc ở một cơ quan. Ngay từ đầu, tôi và chồng đã có mối quan hệ gắn bó và hòa hợp. Chồng tôi bản tính thiện lương, khiêm tốn, có năng lực làm việc, nhân phẩm và danh tiếng cũng đều rất tốt. Sau khi chúng tôi kết hôn, anh ấy đối đãi với tôi và cả gia đình tôi đặc biệt tốt. Những năm tháng ấy, cuộc sống của tôi đắm chìm trong sự ấm áp của một gia đình hạnh phúc.

Khi con trai tôi lên hai tuổi rưỡi, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh lao, ổ lao ở bên ngực trái, ngay sau vị trí của tim. Khi ổ bệnh bị viêm, tôi phát sốt, ho và đau đớn. Tôi phải nhập viện và trải qua ba cuộc phẫu thuật. Bác sỹ đã phải cắt bỏ một đoạn xương sườn của tôi.

Khi tôi đang trong quá trình hồi phục, bác sỹ lại báo cho tôi hay rằng tôi bị lao màng phổi, chỉ có thể uống thuốc trị bệnh chứ không còn cách nào khác. Việc dùng thuốc điều trị lao kéo dài khiến cho dạ dày, gan và mắt của tôi bị viêm, thần kinh suy nhược và tôi không thể ngủ ngon giấc. Việc chăm sóc con nhỏ đối với tôi cũng thật khó khăn, nhất là khi chồng tôi đi làm ở xa. Mẹ tôi đành phải đến giúp tôi. Tôi không thể leo cầu thang hoặc nâng bất cứ thứ gì. Tôi cảm thấy cuộc đời mình quá khổ cực, sao tôi lại phải sống khổ sở như vậy chứ?

Tháng 8 năm 1996, mẹ tôi đến nhà tôi chơi và nói rằng bà đang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bà bảo rằng Pháp Luân Đại Pháp có tác dụng kỳ diệu trong việc trừ bệnh khỏe thân. Vì tò mò nên tôi đã đọc hết cuốn Pháp Luân Công mà mẹ tôi mang đến, cuốn sách đã khiến tôi vô cùng chấn động, tôi nghĩ: “Công pháp này thật tốt, nếu mình tu thành, mình sẽ trường sinh bất lão, sẽ thoát khỏi những phiền não và thống khổ của người thường”. Mẹ tôi liền dạy tôi luyện tĩnh công. Khi vừa đả toạ, tôi liền nhập tĩnh, cảm giác mỹ diệu phi thường. Luyện công xong, thân thể tôi nhẹ nhõm, tinh thần thoải mái, dễ chịu.

Từ đó, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, hết thảy mọi ốm đau bệnh tật đều biến mất. Sức khỏe của tôi được cải thiện đáng kể. Tôi cảm thấy tràn đầy sinh lực và ngừng dùng thuốc.

Năm 1998, trong lần khám sức khỏe hàng năm của cơ quan, tất cả các chỉ số sức khỏe của tôi đều bình thường. Đặc biệt là khi chụp X-quang, bác sỹ phát hiện vùng xương sườn đã bị cắt bỏ của tôi vẫn nguyên vẹn. Họ không thể tin được khi thấy đoạn xương sườn bị cắt bỏ của tôi đã mọc trở lại!

Chồng tôi trợ giúp cho tôi

Chồng tôi biết rõ bệnh tật hành hạ tôi ra sao, anh âm thầm rơi lệ và phải chịu đựng rất nhiều. Đồng thời, anh cũng chứng kiến những kỳ tích sau khi tôi bắt đầu tu luyện nên anh đã đứng về phía tôi, đặc biệt là trong giai đoạn đầu cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Anh không chút nghi ngờ, luôn tích cực hỗ trợ tôi làm các việc mà đệ tử Đại Pháp nên làm.

Khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại vào năm 1999, các học viên đã sử dụng nhiều cách khác nhau để giảng chân tướng, và một số đã đến Bắc Kinh để đòi công lý cho Đại Pháp. Trước tình hình đó, ĐCSTQ đã ra lệnh cho tất cả cơ quan phải giám sát các học viên, không cho họ đến Bắc Kinh khiếu nại, nếu không tuân thủ, bức hại sẽ ngày càng gia tăng, các nhà lãnh đạo ở mọi cấp đều bị liên lụy.

Ngày 2 tháng 2 năm 2000, khi Tết đang cận kề, tôi cùng năm học viên đi xe lửa đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện. Trên đường đi, chúng tôi bị cảnh sát bắt và đưa về đồn công an địa phương. Tôi bị giam giữ phi pháp trong 55 ngày. Gia đình tôi phải nộp gần 4.000 Nhân dân tệ tôi mới được thả ra.

Khi tôi trở về nhà, lãnh đạo cơ quan tìm gặp chồng tôi và đề nghị anh ấy ở nhà để trông chừng tôi, không cho tôi đi Bắc Kinh lần nữa. Họ đe dọa sẽ sa thải anh nếu anh không tuân thủ.

Chồng tôi nắm rất vững luật pháp và nhân quyền. Anh nói: “Việc này là vi phạm pháp luật. Hiến pháp Trung Quốc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Vợ tôi bị bệnh nặng nhưng bệnh tình của cô ấy đã khỏi sau khi cô ấy bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã chứng kiến điều này. Tôi hiểu và ủng hộ việc tu luyện của cô ấy”.

Trước sự ủng hộ không thể lay động của chồng tôi, lãnh đạo cơ quan đành im lặng. Mặc dù cảnh sát nhiều lần yêu cầu chồng tôi giám sát tôi nhưng lần nào anh ấy cũng kiên quyết từ chối. Sự ủng hộ vững vàng của chồng tôi đã an ủi và khích lệ tôi rất nhiều.

Trong khi chúng tôi phối hợp để giải cứu đồng tu, chồng tôi đã tham gia và trở thành tài xế của chúng tôi. Thật không may, tất cả chúng tôi đều bị bắt, còn chồng tôi bị tạm giam 20 ngày. Sau khi được thả ra, anh đến thành phố khác để làm việc. Khi tôi đến thăm, anh tỏ ra chán nản và không nói gì cả. Sau đó, anh không còn đề nghị giúp đỡ tôi trong các việc Đại Pháp nữa.

Thử thách hôn nhân

Tôi liên tục bị bắt và giam giữ vì không từ bỏ tu luyện. Nhà tôi bị lục soát nhiều lần và tôi bị yêu cầu phải nộp những khoản tiền lớn. Người thân và bạn bè rất lo lắng cho tôi. Chồng tôi đã phải chịu đựng rất nhiều nhưng anh chưa bao giờ phàn nàn. Trong lúc bận rộn thực hiện các việc chứng thực Pháp, tôi đã bỏ mặc anh, không quan tâm đến cảm xúc của anh.

Một năm, khi chồng tôi về nhà vào dịp nghỉ Lễ, anh đột nhiên thú nhận với tôi rằng anh đang hẹn hò với một người phụ nữ khác và muốn ly hôn. Anh bảo anh chỉ muốn một cuộc sống bình thường và cảm thấy mệt mỏi khi phải sống trong áp lực quá lớn với tôi. Lúc đó tôi vô cùng bất ngờ nhưng trong tâm lại bình tĩnh lạ thường. Tôi nhận ra đây là khảo nghiệm.

Tôi bình tĩnh nói lời đạo lý với anh, anh lặng lẽ lắng nghe. Tôi nói: “Chúng ta không thể ly hôn. Trước giờ tình cảm của chúng ta luôn bền chặt như vậy, làm sao có thể dễ dàng nói bỏ là bỏ được. Em không chấp nhận và không đồng ý ly hôn!” Anh ấy trả lời: “Ừ, được rồi”. Sau kỳ nghỉ Lễ, anh trở lại công việc ở thành phố khác.

Sau khi chồng tôi rời đi, tâm tôi bắt đầu dao động và không thể bình tĩnh lại. Tôi tức giận và phẫn nộ. Tôi cảm thấy oán hận người phụ nữ đã chen vào mối quan hệ của chúng tôi.

Mặc dù tôi hiểu nỗi sợ hãi bị bức hại của chồng nhưng việc anh ngoại tình và đòi ly hôn là điều tôi không bao giờ ngờ tới. Nhớ lại những gian khó mà chúng tôi đã cùng nhau vượt qua, tôi càng thêm trân trọng cuộc hôn nhân của mình và cảm thấy cần gia đình này. Tôi cũng không muốn bạn bè và người thân nghĩ xấu về Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi quyết định tập trung làm tốt ba việc. Trong thời gian này, con tôi đã trải qua hai cuộc phẫu thuật, tôi một thân một mình lo liệu và còn phải chăm sóc cho đồng tu mẹ đang vượt quan nghiệp bệnh. Tôi cảm thấy một nỗi mất mát và đau đớn đến oan tâm thấu cốt. Tôi mong chờ sự hỗ trợ của chồng. Nhưng lần nào chồng tôi về nhà cũng đòi ly hôn và nói vẫn còn qua lại với người phụ nữ đó.

Tôi không ngừng kéo dài thời gian phát chính niệm để loại bỏ tâm tật đố, tâm oán giận, tâm tranh đấu và sắc dục. Tôi trò chuyện chân thành với chồng và thậm chí còn viết một lá thư cho người phụ nữ kia. Sự căng thẳng khiến tôi kiệt quệ về cả thể chất và tinh thần. Đôi khi tôi cảm thấy chán nản và nghĩ: “Ly hôn thì ly hôn, có sao đâu”.

Một lần khi chồng tôi trở về, tôi đặt bàn ăn tối tại một nhà hàng và mời một cặp vợ chồng học viên địa phương đến dùng bữa cùng chúng tôi. Sau khi họ nói chuyện với anh, chồng tôi không còn nhắc đến việc ly hôn. Tuy nhiên, anh rất ít về nhà và cuối cùng anh ấy không về nữa. Anh bảo tôi đến sống cùng anh, nhưng ở được mấy hôm thì tôi chọn trở về. Quê nhà là nơi tôi đắc Pháp, nơi có những đồng tu thân quen, và có những người hữu duyên mà tôi cần cứu.

Một đêm khi đang ngủ, tôi có một giấc mơ sống động, trong đó tôi là một người đàn ông bỏ nhà ra đi. Tôi đã bỏ rơi người vợ của mình, cuối cùng cô ấy đã qua đời trong đau khổ vì chờ đợi tôi. Tôi vội vã về nhà để gặp cô ấy lần cuối. Khi vén tấm vải che mặt cô ấy ra thì thấy đó chính là khuôn mặt chồng tôi trong kiếp này. Tôi chợt tỉnh giấc.

Tôi nhận ra cựu thế lực đã an bài khổ nạn này. Mặc dù khảo nghiệm có thể giúp ích cho việc tu luyện cá nhân của tôi, nhưng bây giờ là tu luyện Chính Pháp, tôi cần gánh vác sứ mệnh trợ Sư chính Pháp và cứu độ chúng sinh, nên những an bài như vậy chính là can nhiễu.

Tôi quyết định buông bỏ chấp trước vào cuộc hôn nhân của mình và dùng chính niệm để đối đãi với khổ nạn. Cựu thế lực đã tìm cách lợi dụng những điểm yếu của tôi và làm hoen ố danh tiếng của các học viên. Sự can nhiễu này là không thể thừa nhận và tôi kiên quyết phủ nhận nó. Tôi tiếp tục tập trung vào việc đề cao bản thân và làm tốt ba việc. Tôi coi nhẹ tình đối với chồng và không còn lo lắng liệu anh có về nhà hay không.

Ngay khi tôi buông bỏ chuyện này, chồng tôi đã trở về vào dịp Tết. Anh ấy sắm sửa và nấu các bữa ăn như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Cuộc ly hôn sắp xảy ra tan biến như một giấc mộng thoáng qua.

Tu luyện trong hoàn cảnh gia đình

Mấy năm trước, khi chồng tôi chưa nghỉ hưu, tôi gần như sống một mình. Ngày nào cũng vậy, buổi sáng, tôi dậy sớm và bắt đầu luyện công vào lúc 3 giờ 10, sau khi phát chính niệm xong, tôi tham gia các nhóm học Pháp khác nhau và có nhóm tôi phải đi hai tuyến xe buýt mới đến nơi, do vậy thời gian vào buổi sáng của tôi rất eo hẹp. Sau giờ phát chính niệm buổi trưa, tôi về nhà dùng bữa. Buổi chiều, tôi ra ngoài giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp và khuyên mọi người làm tam thoái. Tối đến, tôi tham gia nhóm học Pháp và thường về nhà vào sau 9 giờ hoặc 10 giờ.

Khi sống một mình, tôi ăn uống rất đơn giản và việc nhà cũng hầu như không có gì. Tuy nhiên, khi chồng tôi nghỉ hưu về nhà, tôi nhận thấy cần phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. Tôi chu toàn việc nấu ăn ba bữa một ngày và quán xuyến mọi công việc gia đình. Nhưng vì thời gian quá eo hẹp, đôi khi có đồng tu ghé qua hoặc có việc phát sinh, tôi phải trì hoãn việc nhà sang buổi tối, sau khi tôi đi học Pháp nhóm về.

Có lần chồng tôi thất vọng nói: “Em còn bận hơn cả Thủ tướng, nhà này với em thành khách sạn rồi. Em đang sống kiểu gì vậy? Có ai như em, ban đêm bát đũa lạch cạch làm phiền hàng xóm. Em rửa bát đĩa xong rồi đi thì không được sao?“

Tôi không kiềm chế được cơn nóng nảy của mình và vặn lại: “Nếu anh thấy không vừa mắt thì anh làm đi. Còn đã không giúp được gì thì anh đừng than phiền nữa”.

Nói xong, tôi lập tức nhận ra là mình sai rồi, tôi không muốn người khác nói mình, và có tâm oán hận, tâm tranh đấu. Tôi cũng nhận ra chồng tôi không lý giải được việc tôi phải ra ngoài vào buổi tối. Tôi liền bình tĩnh nói: “Em xin lỗi. Anh nói đúng, em làm việc nhà muộn như vậy là ảnh hưởng tới hàng xóm. Từ giờ trở đi em sẽ cố gắng hoàn thành việc nhà đúng giờ”.

Sau đó, tôi giải thích lý do tại sao tôi cần phải ra ngoài vào buổi tối để học Pháp với các đồng tu. Tôi nhấn mạnh rằng nhóm học Pháp buổi tối có nhiều học viên cao tuổi, trong môi trường bị bức hại đầy khó khăn này, mọi người đều chịu áp lực trong tâm, mấy đồng tu cao tuổi lại đang vượt quan nghiệp bệnh. Buổi tối, tôi luân phiên đến nhà họ để cùng họ học Pháp, khích lệ họ, cùng họ tìm ra thiếu sót và thực tu bản thân theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Thường là chỉ sau mười ngày, tình trạng của mấy đồng tu cao niên đã được cải thiện và họ lại có thể tiếp tục ra ngoài giảng chân tướng. Đại Pháp thật kỳ diệu, và việc cứu người là vô cùng cấp bách.

Khi giải thích lý do cho chồng, tôi coi anh ấy là một chúng sinh đến vì Pháp. Mặc dù anh ấy chưa tu luyện nhưng tôi tin anh vẫn có phần trách nhiệm của mình. Thời gian của đệ tử Đại Pháp rất eo hẹp và quý giá, nếu người nhà có thể san sẻ một số việc Đại Pháp, hay việc nhà thì cũng là đang thực hiện thệ ước và sắp đặt vị trí của bản thân họ.

Tôi đã thực sự nỗ lực để làm việc nhà tốt hơn. Bất cứ khi nào có thời gian, tôi đều nấu những bữa ăn ngon cho chồng. Mỗi khi đi đâu có việc, tôi luôn nói với anh để anh yên tâm. Theo thời gian, chồng tôi hiểu rõ hơn về hoạt động của tôi, lý do tôi làm các việc và cách anh có thể hỗ trợ tôi.

Trước kia, tôi đảm nhiệm mọi việc nhà, từ đi chợ, dọn dẹp, nấu ăn v.v. Nhưng hiện giờ chồng tôi tích cực giúp đỡ tôi trong khả năng của anh ấy, gánh nặng lên tôi đã giảm đáng kể. Khi tôi phải đi đâu về muộn, anh trấn an tôi: “Không sao đâu, không phải lo lắng cho anh; em đi đến mấy giờ cũng được, chỉ cần chú ý an toàn là được rồi”.

Trong một lần cải tạo mái nhà do Ban Quản lý tiểu khu thực hiện, tôi đã nhờ chồng tháo chảo thu TV ra để không bị hỏng. Tuy nhiên, khi trở về nhà, tôi nhận thấy một chiếc cần cẩu đậu trước tòa nhà của chúng tôi nhưng chảo thu vẫn còn nguyên ở đó. Tôi liền nóng nảy hỏi chồng: “Sao anh còn chưa tháo chảo thu xuống? Việc cải tạo đã bắt đầu rồi”.

Chồng tôi nói, “Họ bảo sẽ không làm hôm nay”. Nhận ra lỗi của mình, tôi kịp thời xin lỗi và thừa nhận giọng điệu của bản thân chưa phải phép. Tôi nói: “Em đã tu luyện hơn 20 năm mà vẫn chưa tu tốt, vẫn có cái giọng điệu này”. Chồng tôi bình thản nói: “Em tu tốt mà!” Tôi có chút ngạc nhiên và nhận ra anh ấy đã thực sự công nhận đệ tử Đại Pháp từ sâu thẳm trái tim mình.

Trải qua nhiều tình huống như vậy, mỗi sự việc đều cho tôi cơ hội quý giá để buông bỏ chấp trước và đề cao bản thân, tôi cũng không ngừng hướng nội tìm. Khi chồng tôi chứng kiến sự thay đổi của tôi, anh ấy cũng có sự thay đổi rõ rệt trong quan điểm và hành vi của mình.

Bây giờ anh ấy tích cực hỗ trợ tôi bằng nhiều cách. Khi tôi không thể đến nhóm học Pháp, anh ấy sẽ thay mặt tôi và báo với họ (vì lo ngại về an toàn, chúng tôi tránh sử dụng điện thoại di động cho các cuộc thảo luận nhạy cảm). Anh ấy cũng giúp giao đồ cho các đồng tu khác. Khi tôi cần đến thăm nhà của các đồng tu mà tôi chưa đến bao giờ, anh ấy sẽ đi cùng để đảm bảo an toàn cho tôi. Tuy rằng chồng tôi chưa bước vào tu luyện, nhưng thể xác và tinh thần anh ấy phần nào đã hòa nhập vào môi trường của các đệ tử Đại Pháp.

Ngay từ thời kỳ đầu của cuộc bức hại, chồng tôi đã trợ giúp tôi. Nhìn bề ngoài, đó là sự thể hiện tình cảm giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, sự trợ giúp của anh ấy không chỉ dành cho tôi mà còn để chứng thực Pháp. Anh đã hết lòng giúp đỡ tôi miễn là việc đó góp phần cứu người. Chồng tôi thực sự hiểu rằng các đệ tử Đại Pháp đều là người tốt, và việc giảng chân tướng cho mọi người là điều cao quý.

Giờ đây tôi có thể cống hiến hết mình cho việc chứng thực Pháp mà không còn gánh nặng trong tâm. Tôi sẽ trân quý hoàn cảnh tu luyện của mình, trân quý quãng thời gian tối hậu này càng thêm tinh tấn thực tu, tu tốt bản thân, làm tốt ba việc, để Sư tôn bớt phần lo lắng, thêm phần an tâm.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/11/15/467917.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/18/212974.html

Đăng ngày 21-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share