Bài viết của Tịnh Liên, đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Hà Bắc

[MINH HUỆ 09-11-2023]

Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!
Kính chào các đồng tu!

Tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã hơn 20 năm mà chưa từng trải qua đại sự oanh liệt nào, mà đều là tu luyện trong hoàn cảnh gia đình, ma luyện tâm tính trong những việc nhỏ. Tôi đã trải qua nỗi đau như khoan xương xẻo tim khi tu bỏ chấp trước, cũng trải nghiệm được sự thư thái lẫn niềm hân hoan sau khi đề cao tâm tính.

1. Tu bản thân trong hoàn cảnh gia đình

Cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi đã trải qua nhiều sóng gió gập ghềnh. Tôi luôn cảm thấy anh ấy đối xử không tốt với tôi, nên có những chuyện hễ nghĩ đến là tôi lại rơi lệ. Tôi trách anh không làm việc nhà, không biết thương vợ, suốt ngày rượu chè, oán trách anh lúc nào cũng đêm hôm khuya khoắt mới về nhà, thậm chí cả đêm không về. Tôi lớn lên trong một gia đình truyền thống, hành vi của chồng đã làm đảo lộn nhận thức của tôi về hôn nhân, thậm chí khiến tôi nảy sinh tâm lý bài xích hôn nhân và sợ người khác giới.

Gia đình tôi có ba con, tôi không chỉ phải quán xuyến mọi việc trong nhà mà còn phải đi làm. Quan hệ giữa vợ chồng tôi không tốt, chúng tôi thường làm tổn thương nhau và không sao hiểu nổi đối phương. Nhà có ba con nhỏ, việc nhà vốn đã nhiều, mà chồng tôi thì tính khí cáu kỉnh, không chịu làm chút việc nhà nào. Đã vậy, anh lại suốt ngày ra ngoài uống rượu, thường tối khuya cũng chưa buồn về. Về đến nhà là phải cơm bưng nước rót đến tận miệng. Mẹ chồng tôi ngày nào cũng chì chiết tôi, nói tôi làm cái này không đúng, cái kia không tốt. Có những lúc sức chịu đựng của tôi cả về thể xác lẫn tinh thần đã lên đến cực hạn.

Tôi cảm thấy cuộc sống sao mà quá khổ, đôi lúc cũng nghĩ đến ly hôn và thoát khỏi cái gia đình này. Nhưng tôi không thể làm vậy, tôi là người tu luyện Đại Pháp, tôi không thể trốn chạy mâu thuẫn, phải ở trong mâu thuẫn mà tu xuất lai. Tôi bắt đầu ngẫm lại bản thân mình, tại sao tôi lại thống khổ như vậy?

Sư phụ giảng:

“Trong tu luyện, khi đối xử với các mâu thuẫn cụ thể, khi người khác đối xử với chư vị không tốt, có thể có tồn tại hai loại tình huống: một là chư vị tại đời trước có thể đã đối xử không tốt với người ta; trong tâm chư vị thấy bất bình: ‘Cớ chi đối xử với tôi như vậy?’ Nhưng tại sao trước đây chư vị đối xử với người ta như thế? Chư vị nói rằng chư vị đâu có biết được lúc ấy, rằng đời này đâu liên quan gì với chuyện của đời kia; [suy nghĩ] thế không được.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi hiểu mọi sự đều có nhân duyên, mình mắc nợ thì phải chấp nhận bồi thường. Nhưng tại sao trong tâm tôi vẫn khổ sở thế này? Khi hướng nội tìm sâu hơn, tôi chợt thông suốt được rằng mình đang nhìn vấn đề từ tầng thứ của người thường, bị mắc kẹt trong mâu thuẫn mà chịu đựng một cách tiêu cực, điều tôi mong muốn cũng là những thứ nơi người thường: Tôi cứ mong chồng và mẹ chồng thông cảm cho cái khó của mình, muốn được họ yêu thương, tán thưởng, truy cầu hạnh phúc gia đình nơi người thường. Nhưng mọi thứ nơi người thường đều do nhân duyên và nghiệp lực của bản thân tác thành. Làm sao có thể muốn truy cầu điều gì thì điều ấy sẽ đến được? Truy cầu tới, truy cầu lui, quay đầu nhìn lại, chẳng qua chỉ tăng thêm phiền não cho bản thân mà thôi.

Tôi cần phải nhảy ra khỏi mâu thuẫn và đứng từ tầng thứ cao mà nhìn nhận vấn đề, cho dù mâu thuẫn có gay gắt, phức tạp đến đâu, người khác biểu hiện thế nào, điều tôi cần làm là dùng Đại Pháp để tẩy tịnh bản thân. Biểu hiện của người thường cho dù không hợp với lẽ thường đến đâu đi nữa, cũng không được nhìn người khác, không được để mình hãm trong mâu thuẫn, mà phải coi đây là cơ hội tốt để đề cao bản thân. Tôi phải làm được đến mức chỉ nhìn vào bản thân, thấu hiểu cho chỗ khó của người khác, hướng nội và đào sâu vào tâm chấp trước của mình mà đề cao lên. Tôi phải đối mặt với những mâu thuẫn này, phải làm được ngày càng tốt hơn, tiêu trừ nghiệp lực của mình và tẩy tịnh chính mình, thấu hiểu người khác, không được biện giải cho bản thân, phải đối xử tốt với người khác mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.

Tôi không còn cảm thấy mình khổ nữa, mà kiên nhẫn chăm sóc, dạy dỗ ba con nhỏ. Tuy cũng hay xuất hiện cảnh khó chịu, nhưng tôi cũng có thể thản nhiên đối mặt. Khi tôi làm việc nhà, chồng tôi nằm lướt điện thoại di động, tôi cũng có thể vô tư cười. Tôi tự nhủ: Đừng nhìn người khác, chỉ nhìn vào mình thôi. Mình cứ làm tốt và loại bỏ tâm tật đố đi.

Khi tôi nhờ chồng làm việc gì, anh nằm trên giường như thể không nghe thấy, cũng không làm. Tôi không nổi nóng, cũng không trách móc anh, mà lặng lẽ tự làm tốt mọi việc. Trước những chê trách của mẹ chồng, tôi cũng có thể thông cảm cho chỗ khó của bà, và cố gắng hết sức để bà hài lòng, chứ không cảm thấy ủy khuất, cũng không còn biện giải cho mình nữa.

Tâm thái của tôi đã chuyển biến, tôi có thể thực sự thấu hiểu những khó khăn của cả chồng lẫn mẹ chồng. Chồng tôi đi làm bên ngoài rất mệt mỏi, hơn nữa trong xã hội ngày nay, công việc và cuộc sống đều có áp lực tương đối lớn, anh coi gia đình là bến đỗ ấm áp, nên về nhà là muốn được nghỉ ngơi. Điều này không có gì sai cả, tôi nên thông cảm cho anh và mang lại sự ấm áp cho anh thay vì sinh lòng oán giận.

Mẹ chồng tôi tuổi tác đã cao mà vẫn phải giúp tôi làm việc nhà, tôi càng cần phải hiểu và đối xử tốt với bà. Tôi bèn buông bỏ bản thân, không còn đòi hỏi họ phải đối xử tốt hay thông cảm cho tôi nữa, mà là đối xử tốt với họ mà không cầu bất cứ điều gì, chỉ tự mình làm tốt, khiến bản thân hoàn toàn đồng hóa với Chân-Thiện-Nhẫn và trở thành sinh mệnh hoàn toàn vị tha.

Khi tôi làm được đến vậy, bầu không khí trong nhà cũng cải thiện rất nhiều, nhà tôi bây giờ tràn ngập tiếng cười nói rôm rả. Sau khi buông bỏ tự ngã, tôi cảm thấy thân tâm nhẹ nhõm, tu luyện thật là tuyệt vời.

2. Loại bỏ tâm chấp trước, sống hòa thuận với gia đình anh chồng

Với thói đời trọng lợi khinh nghĩa của xã hội hiện đại, lợi ích đã trở thành chướng ngại khó vượt qua giữa những người thân thích. Giữa gia đình tôi và gia đình anh cả bên chồng tồn tại rất nhiều tranh chấp về lợi ích, vì thế mà trong tâm tôi sinh ra rất nhiều suy nghĩ bất mãn với gia đình anh chồng, thậm chí có phần chất chứa oán hận sâu sắc. Tuy cuối cùng tôi cũng nhường lại nhà cửa, đất đai cho anh chồng, nhưng trong tâm vẫn chưa cân bằng, trong tâm thường nổi lên rất nhiều suy nghĩ phụ diện, đeo đẳng tâm can.

Sư phụ giảng:

“Vi lợi giả lục thân bất thức”
(Tố nhân, Hồng Ngâm)

Tạm dịch:

Người vì lợi thân nhân chẳng nhận
(Làm người, Hồng Ngâm)

Tôi đào sâu vào bản thân, hết thảy tư tưởng phụ diện của tôi đều bắt nguồn từ việc không buông bỏ được lợi ích, lợi ích của mình bị tổn thất, vì thế mà sinh tâm oán hận và tâm tật đố. Tôi xem nhẹ lợi ích và chân tâm đối tốt với người khác, thì không còn tư duy phụ diện nào nữa, tâm cũng trở nên rất nhẹ nhõm.

Tôi nhớ từng đọc một bài chia sẻ, trong đó đồng tu viết đã mua một đống dưa hỏng. Điều đồng tu ấy nghĩ đến không phải là tìm người bán dưa để đôi co một phen, mà là mừng cho người bán dưa hôm nay không bị lỗ. Đồng tu ấy hoàn toàn đứng tại góc độ của người khác để nhìn nhận vấn đề, khoảng cách giữa tôi và đồng tu ấy xa biết là bao. Lẽ ra tôi nên vui vì anh cả đã có được thứ anh mong muốn, nên mừng cho anh, thay vì bất bình trong tâm.

Kỳ thực, nhiều khi tâm tính được ma luyện cũng từ những việc nhỏ nhặt. Chẳng hạn, khi ăn cơm ở nhà mẹ chồng, các con của cháu gái tôi còn nhỏ, mọi người đều ra dùng bữa, thì tôi sẽ ẵm con cho cháu gái để mọi người ăn trước. Nhưng đến khi tôi ăn thì một khúc xương cũng chẳng còn, lại còn được đưa cho miếng bánh ngọt bị ruồi bâu từ bao giờ. Trong lòng tôi uất ức. Hướng nội tìm, tôi thấy mình vẫn còn tâm tật đố, vẫn hy vọng người khác tôn trọng mình, mong người khác đối tốt với mình, mong thiện tâm của mình được đền đáp, vẫn còn chấp trước vào ăn uống. Chưa buông bỏ được tự ngã thì tôi chưa thể chân chính đồng hóa với đặc tính Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ, chưa thản nhiên tiếp nhận được mọi việc gặp phải thì tôi chưa thể đạt đến cảnh giới vô tư, vô ngã.

Mỗi một tâm chấp trước đều là một sợi dây trói buộc trên thân trên con đường tu luyện. Không buông bỏ được chấp trước nơi người thường thì vĩnh viễn không thể rời khỏi nơi đây, mà chỉ là một sinh mệnh trong cảnh giới này và sẽ không sao thể hội được sự mỹ hảo của cảnh giới cao hơn. Bây giờ, tôi đã xem nhẹ mọi thứ nơi người thường, chân tâm đối tốt với gia đình anh chồng, họ đến thì tôi nhiệt tình tiếp đãi. Bỏ được tâm chấp trước rồi, tôi thực sự cảm thấy thân tâm thật nhẹ nhõm.

3. Loại bỏ nhân tâm, hòa thuận với em gái

Vì cảm thấy hôn nhân của mình không hạnh phúc, nên tôi càng trân trọng tình thân với bố mẹ và em gái hơn. Tôi chân thành mua biếu đủ thứ cho bố mẹ và nhường nhịn em gái về mọi phương diện. Thế nhưng, trong rất nhiều việc, họ lại đả kích tôi, khiến tôi tâm ý nguội lạnh với tình thân, và cảm thấy không thể nương tựa vào đâu nơi thế gian này.

Điều kiện gia đình em gái tôi rất tốt, có nhiều nhà và cửa hàng. Còn tôi nuôi ba con, cuộc sống lại túng quẫn, đến giờ vẫn phải ở nhà thuê. Em gái và em rể luôn tỏ ra xem thường vợ chồng tôi. Tôi không để tâm đến thái độ của họ, mà vẫn qua lại bình thường, và cũng chưa bao giờ lợi dụng họ về mặt kinh tế.

Đợt em gái bị gãy xương đùi phải nhập viện, tôi đã kiên nhẫn chăm sóc, từ việc đổ bô, còn nhẫn nhịn tính khí nóng nảy của em gái, và kiên nhẫn giảng chân tướng cho cô ấy. Em gái cũng tán đồng Pháp Luân Đại Pháp là tốt.

Vậy mà, sau khi em gái xuất viện thì lại có thái độ trịch thượng với tôi. Lời ra tiếng vào đều là châm biếm tôi, trong ngôn từ, hành vi đầy sự kỳ thị đối với tôi. Tôi bắt đầu xét lại bản thân mình, tôi với em gái có mối thân tình sâu sắc. Vì không nhận được chút ấm áp nào từ gia đình nhà chồng, nên tôi cứ hy vọng có được hơi ấm tình thân nơi em gái.

Sư phụ giảng:

“Phật gia coi những thứ của thế gian con người là rất nhẹ; nó nhìn nhận rằng con người sống ở thế gian, đời tiếp đời mà chẳng biết có bao nhiêu cha mẹ. Chư vị vứt bỏ hết tâm chấp trước đó đi, hãy thật thanh tịnh mà tu, thì chư vị mới có thể tu thành.” (Không tu Đạo mà đã ở trong Đạo, Chuyển Pháp Luân (Quyển 2))

Tôi ngộ ra rằng các loại duyên phận của con người nơi thế gian đều do nhân quả mà thành, đều không thể dựa dẫm vào đó. Nơi nhân gian này, bất kể là người có quan hệ thế nào với tôi, là cha mẹ, anh em, vợ chồng, hay con cái, tôi đều cần phải buông bỏ cái tình với họ, coi họ như chúng sinh, và đối đãi bằng tâm từ bi. Tình là thứ trong tam giới, có tình ắt có cầu, có tư. Chỉ có buông bỏ tình, thì mới có thể sinh xuất tâm từ bi, mới có thể chân chính đối tốt với người khác.

Tại sao em gái luôn có thái độ trịch thượng với tôi? Tôi hướng nội tìm ở bản thân: Tôi cũng có loại tâm tự đại này, cảm thấy mình đã phó xuất cho người khác nhiều rồi, thấy mình có công lao. Tôi cho rằng mình là người tu luyện, làm gì cũng tốt hơn người khác, vì thế mà coi thường người khác, chấp trước vào tự ngã. Quả là quá nguy hiểm, điều này cách tự tâm sinh ma còn xa sao? Em gái khiến chấp trước của tôi biểu hiện ra cho tôi thấy! Tôi cũng còn tồn tại chấp trước vào nhà cửa, còn hy vọng điều kiện kinh tế của mình sẽ cải thiện một chút, tưởng rằng như thế không những sẽ được sống tốt hơn một chút, mà còn có thể chứng thực Pháp tốt hơn.

Một đời người đã được định sẵn rồi. Tôi cần phải từ bỏ truy cầu cuộc sống hạnh phúc nơi người thường và thuận theo an bài của vận mệnh dành cho mình. Trong đầu tôi không còn khái niệm giàu nghèo nữa, mọi sự đều là hình thức biểu hiện của nhân quả báo ứng, tôi phải ở trong đó mà tẩy tịnh bản thân, thanh tẩy tội nghiệp của mình, và đề cao lên. Hơn nữa, thu nhập hiện giờ của tôi cũng đủ để thuê nhà, đủ để nuôi nấng dưỡng dục ba con và trang trải các khoản chi tiêu trong gia đình. Tôi còn truy cầu gì nữa đây, lại còn đòi hỏi quá phận nữa, chẳng phải là quá chấp trước vào danh lợi thế gian rồi sao? Chính vì tôi không buông bỏ được những thứ của người thường, nên em gái mới giễu cợt điều kiện kinh tế của tôi.

Tưởng rằng điều kiện kinh tế tốt rồi thì mới có thể chứng thực Pháp và giảng chân tướng tốt hơn, đây là nhận thức sai lầm. Chúng ta phải đánh thức thiện niệm của chúng sinh từ căn bản, chứ không phải dùng lợi ích và chỗ tốt để dẫn dụ chúng sinh.

4. Cảm ngộ trong tu luyện

Sinh mệnh có cảnh giới bất đồng, như vậy vũ trụ sẽ càng thêm phồn vinh, phong phú, đa sắc. Đối với những sinh mệnh ở những cảnh giới khác nhau, chỉ có khoan dung và từ bi, chứ không phải là cưỡng chế, chỉ trích hà khắc. Điều tôi có thể làm là tu tốt bản thân, thản nhiên đối mặt với cảnh ngộ của bản thân, tu luyện xuất lai trong mâu thuẫn rối rắm, phức tạp để trở thành một đóa tịnh liên mọc lên từ bùn nhơ mà không hôi tanh mùi bùn, đồng thời, chân chính dẫn dắt chúng sinh trọng đức hướng thiện từ căn bản, từ đó khiến họ chân chính được cứu độ.

Mặc dù vẫn sống trong môi trường phức tạp của người thường, nhưng tôi cảm thấy hết thảy mọi thứ nơi người thường cách tôi ngày càng xa. Ngoảnh đầu nhìn lại những mâu thuẫn, những ái hận tình thù, hết thảy thực sự đều không là gì cả.

Cựu vũ trụ là vị tư. Chúng ta không thể thoát khỏi lớp vỏ vị tư thì không thể ly khai khỏi vũ trụ cũ, và sẽ chịu sự khống chế của cựu thế lực. Cởi bỏ lớp vỏ tư này, chúng ta mới có thể thăng hoa cảnh giới và tầng thứ, mới cảm nhận được thân tâm nhẹ nhõm và sự mỹ hảo của tu luyện. Trước vũ trụ bao la rộng lớn, chỉ có bảo trì tâm khiêm cung, tôi mới có thể tu tốt bản thân.

Vì tầng thứ hữu hạn, có chỗ nào chưa phù hợp, xin các đồng tu từ bi chỉ chính.

(Phụ trách biên tập: Y Văn)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/9/467819.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/13/212900.html

Đăng ngày 30-01-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share