Bài viết của Lý Hiểu, đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 18-08-2023] Tôi sinh ra vốn đã ăn nói lanh lợi, mẹ tôi bảo rằng tôi biết nói từ rất sớm và từ nhỏ đã rất thích chuyện trò, dường như tôi ở đâu là chỗ đó náo nhiệt hẳn lên, tôi cũng thường trở thành tâm điểm của đám đông. Từ khi còn rất nhỏ tôi đã thích kể chuyện cho những em nhỏ tuổi hơn mình, dần dần lớn lên, điều này dường như đã trở thành “vốn liếng” của tôi, nhưng sau khi bắt đầu tu luyện, nó lại mang đến cho tôi chướng ngại rất lớn.

Năm lên 10 tuổi, tôi theo mẹ bước vào tu luyện. Sau khi tu luyện, mẹ tôi càng thận trọng hơn trong lời nói, nên mẹ thường nhắc nhở tôi: mở mắt thật nhanh nhưng mở miệng thì từ từ thôi. Nhưng từ trước đến giờ tôi đều coi như gió thoảng bên tai. Sau khi thành niên, bởi vì thích chuyện trò nên tôi cũng phát hiện ra nhiều vấn đề ở bản thân:

1. Nói tranh lời người khác

Còn chưa đợi người khác nói xong, tôi đã “nhanh trí” tưởng mình hiểu rõ ý đối phương, liền nói tranh lời, nhưng kỳ thực rất nhiều lần tôi đã hiểu sai ý của đối phương khiến bản thân rất xấu hổ. Tôi cũng muốn thay đổi, nhưng vì cái tâm hiển thị kia quấy phá, khiến tôi chỉ dừng ở việc nói ngoài miệng mà thôi, lần sau lại tiếp tục nói tranh lời. Tôi cũng biết việc nói tranh lời là thiếu tôn trọng người khác, không nên như vậy, nhưng vẫn chưa thực sự coi trọng.

2. Nói lời mỉa mai người khác

Tuy thích trò chuyện nhưng tôi lại không hẳn là giỏi ăn nói. Tôi không thích nói những lời tán dương hay tán đồng người khác, vậy nên lời tôi nói thường rất khó nghe, nhưng bản thân lại có cảm giác như lời mình nói rất thật. Ví như có một lần họp lớp cấp 3, đã vài năm không gặp nhau nên bạn nào cũng thay đổi, có một cô bạn xinh hơn rất nhiều so với hồi cấp 3, ngày trước cô ấy mập mạp còn hiện giờ rất cân đối, mọi người đều khen cô ấy xinh đẹp, nhưng tôi lại nói một câu: hồi cấp 3 bạn béo vậy mà hiện giờ không béo nữa rồi, tốt quá… Trong nháy mắt, mặt cô ấy biến sắc. Lúc đó tôi còn cảm thấy bản thân đã nói rất thật. Một ví dụ khác, tôi thường nói những lời có phần làm tổn thương người khác. Chồng tôi cũng là đồng tu, trong khi đả tọa anh thường bị cúi đầu, tôi nhắc nhở suốt nhưng anh ấy cũng không chịu sửa, nên có lúc tôi đã nói mỉa mai, chế giễu anh rằng “đầu anh gục xuống đến đất rồi kìa”. Có lần tôi đọc được một bài chia sẻ nói rằng đồng tu không được nói những lời mỉa mai người khác, và bài chia sẻ có nhắc đến đoạn Pháp Sư phụ giảng:

“… trong nhà [người ta] đã nguyền rủa rồi: ‘Có gì là ghê gớm thế, được 100 điểm? Sĩ diện! Ai chưa từng được 100 điểm kia chứ!’” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Sau khi đọc bài chia sẻ của đồng tu, tôi mới nhận ra rằng những lời tôi thường nói đều là những lời mỉa mai người khác mà tôi lại không hề hay biết. Tôi thường nói với đồng tu chồng: “khốn kiếp“, “xéo đi”, “đồ khốn”… Tuy đều là lời nói trong những lúc bông đùa nhưng đó chính là những lời mắng chửi, còn có chút chế nhạo, có thể kích động người khác nói đáp trả. Tôi lý giải rằng về bản chất là như nhau, chẳng khác gì việc mắng chửi, chẳng qua là mức độ khác nhau mà thôi.

3. Đàm luận sau lưng đồng tu

Bởi vì tôi bắt đầu tu luyện từ sớm nên tương đối mà nói tôi tiếp xúc với khá nhiều đồng tu, hơn nữa tôi từng giúp một số đồng tu viết bài chia sẻ. Vì vậy đối với một số trải nghiệm tu luyện của các đồng tu tôi biết nhiều hơn một chút, cho nên tôi thường đàm luận với chồng về tình huống của một số đồng tu mà tôi biết, thậm chí còn thêm mắm thêm muối vào câu chuyện, nói rất say sưa, bởi tôi rất thích cảm giác mọi người vây xung quanh mình để nghe, nên tôi thường đem những ai những ai tôi biết và tình huống của họ thế nào, thế nào ra kể, cũng còn không lược tên đi, cứ thế thao thao bất tuyệt nói ra. Đôi khi chồng tôi cũng nhắc nhở tôi cần tu khẩu, anh ấy bảo anh không cần biết cụ thể đến thế, v.v.. Tôi có lần còn cảm thấy không vui, đôi khi tôi ngậm miệng lại suy ngẫm về bản thân nhưng phương diện này vẫn không có cải biến lớn.

4. Lan truyền tin đồn

Có khi đồng tu nói với tôi điều gì đó, không kịp nghĩ ngợi gì thêm, tôi liền đi kể cho các đồng tu khác, lúc thì là chút chuyện nhỏ giữa các đồng tu, lúc thì là chút chuyện gì đó ở hải ngoại, tôi coi đó cũng giống như tin tức liền bô lô ba la nói như thật. Sau này, khi tôi bị đau răng, tôi mới phơi bày hành vi này của mình với chồng, anh ấy rất ngạc nhiên và còn tưởng rằng những gì tôi nói là thật.

5. Nói dối

Dường như từ khi biết nói là tôi đã bắt đầu nói dối, khi còn nhỏ tôi đã không ít lần phải chịu đòn vì nói dối nhưng vẫn chưa cải biến. Khi lớn lên, điều này đã gây ra cho tôi rất nhiều phiền nhiễu trong tu luyện, thậm chí đến tận bây giờ, có lúc tôi nói mà không chút nghĩ ngợi và những lời nói ra đều có thể nói dối. Một hôm, đồng tu nói với tôi: “Đến nhà cô tôi vừa xếp bằng mà đã đau chân rồi, ở nhà tôi thì tôi không bị đau như vậy”. Tôi lập tức bịa ngay ra một câu chuyện: có lần tôi đến nhà của một đồng tu, ở đó cũng đả tọa được một lúc là đau chân, ở nhà tôi không bị đau. Tôi trách trường ở nhà đồng tu kia bất hảo, đồng tu liền nói: “Vậy thì liên quan gì đến cô”. Khi đó tôi nói xong là xong, cũng không nghĩ gì thêm nữa. Hôm đó tối đến, khi đang hướng nội ở bản thân thì đột nhiên phát hiện ra lời nói dối này, tôi bèn tìm lại các bài lưu trong máy tính, cũng không có sự việc nào giống như chuyện tôi đã kể sống động lúc sáng. Ngày hôm sau, tôi nhanh chóng phơi bày việc này với các đồng tu.

6. Không cho người khác nói và thích giảo biện

Bình thường tôi luôn trông có vẻ vui vẻ nhưng bên trong lại giấu cái tâm không để người khác nói rất mạnh mẽ, một khi ai đó nói tôi không đúng, tôi liền không hài lòng, hồi nhỏ thì tôi sẽ xị mặt ra ngay, nhưng lớn lên thì tôi giảo biện: “Không phải vậy đâu, bạn không biết lúc đó thế nào thế nào…” Và đến giờ, tôi vẫn chưa sửa được thói xấu này. Đôi khi tôi nói với cái tâm không chịu thua kém của mình: “Kìm lại đi, không được tranh biện nữa!” Có lúc tôi nhẫn được, nhưng có lúc vẫn không nhẫn được, vẫn vì bản thân mà tranh biện vài câu.

7. Đúng lý liền không lượng thứ cho người khác, thích chỉ trích đồng tu

Điều này biểu hiện đặc biệt rõ rệt đối với đồng tu chồng. Những khi tôi thấy anh ấy có việc nào đó hành xử không phù hợp với Pháp, tôi luôn phê bình và còn kèm thêm chỉ trích anh, cảm thấy mình nói đúng vậy, mà sao anh ấy không chịu cải biến. Biểu hiện như thể là rất quan tâm suy nghĩ cho đối phương nhưng thực ra là không hề suy xét đến khả năng tiếp thụ của đồng tu. Đôi khi lời nói của tôi còn kích động đến tâm chấp trước của đối phương, nên hai bên bắt đầu chỉ trích lẫn nhau, và kết cục không ai vui cả.

Đau răng

Cách đây một thời gian, đột nhiên tôi bị đau răng, bên ngoài không thấy bị sao, chỉ là răng bỗng nhiên đau. Ngày đầu tiên răng đau rất dữ dội, sờ vào từng cái thì không cái nào bị đau cả, nhưng vẫn thấy đau răng, mỗi khi ăn uống hay làm việc gì đó quan trọng thì không đau, nhưng khi không có việc gì thì răng lại đau nhói. Vì cảm thấy không quá đau nên hôm đó tôi cũng không để ý lắm.

Ngày hôm sau răng tiếp tục đau, vì hôm đó có họ hàng tôi từ quê lên nên chúng tôi cùng ăn thịt nướng, tôi ăn rất nhiều và lúc đó không hề đau chút nào. Sau khi phát chính niệm vào lúc 12 giờ đêm hôm đó, răng tôi lại bắt đầu đau, đau đến mức tôi phải rên lên thành tiến “ai ya, ai ya”, không có cách nào khác, tôi buộc phải ngồi dậy phát chính niệm. Phát chính niệm thì thấy tốt hơn một chút nhưng vẫn rất đau.

Đêm thứ ba tôi đau đến nỗi cả đêm tôi không ngủ được, lúc nào thực sự không chịu nổi tôi liền đả tọa, tôi đau đến mức người run bần bật, nhưng tôi vẫn kiên trì không tháo chân ra, kiên trì ngồi hết một tiếng, sau đó tôi thấy dễ chịu hơn nhiều, và cần làm gì thì làm việc đó.

Đến ngày thứ tư, răng không những đau mà cơ mặt tôi như bị co rút lại, đau nhói lên đến tận đỉnh đầu.

Sang ngày thứ năm, gần như cứ nửa giờ lại xuất hiện một cơn đau, đau đến mức tôi phải lăn lộn trên giường. Chồng tôi thấy tôi như vậy liền vội ngồi bên cạnh phát chính niệm và bảo tôi hãy cầu xin Sư phụ. Đồng tu khác trong nhà nói: “Hãy mau chóng tìm ở chính mình. Cô chính là không tu khẩu. Hãy mau cầu xin Sư phụ.” Tôi đau đến mức không thể chịu được nữa bèn quỳ trước Pháp tượng Sư tôn. Nói là quỳ nhưng giống như nằm úp xuống thì đúng hơn, tôi đau đớn lăn lộn vừa khóc vừa cầu xin Sư phụ, tôi không ngừng nói với Sư tôn: “Con sai rồi, xin Sư phụ thứ lỗi cho con”. Sư phụ từ bi uy nghiêm nhìn tôi, tựa như không có cách nào, tôi thưa với Ngài: “Thưa Sư phụ, xin Sư phụ giúp con, con nhất định sẽ cải biến, con đã sai rồi, con nhất định sẽ cải biến.” Trong chốc lát, cơn đau tạm thời biến mất và tôi biết Sư phụ từ bi lại vừa gánh chịu thay cho tôi.

Sự đau đớn như vậy bước sang ngày thứ sáu, cứ khoảng mỗi một tiếng lại đau một lần và đau trong khoảng nửa giờ, mỗi lần đau thực sự không biết đau cái răng nào, mà chỉ thấy đau thôi. Khi đau không chịu nổi thì tôi lại đả tọa. Về sau thì đả tọa cũng vô ích bởi vì tôi mang theo tâm hữu cầu mà đả tọa. Sau đó, tôi có nằm xoài xuống trước Pháp tượng của Sư phụ cũng vô ích. Đồng tu nhắc nhở tôi: hãy mau tìm ở bản thân đi. Tôi lấy tay ôm một bên má, cầm bút và đem những biểu hiện mà bình thường tôi không tu khẩu viết ra từng cái, từng cái một và cũng phát nguyện trước Sư phụ rằng tôi nhất định sẽ cải biến.

Đến ngày thứ bảy thì cơn đau thuyên giảm rõ rệt, tôi biết rằng một chút cuối cùng lưu lại này là để khảo nghiệm mức độ tín Sư tín Pháp của tôi. Tôi kiên định tín Sư, tôi đã đỡ nhiều rồi. Việc đau răng ấy là giả tướng, tôi không thừa nhận nó. Cuối cùng vấn đề đau răng đã biến mất hoàn toàn.

Sư phụ giảng:

”[Những người] cỡ tuổi như tôi, và lớn tuổi hơn tôi đều biết rằng, con người thời bấy giờ tâm địa rất lương thiện, ngoại hình lương thiện, ngôn từ lương thiện, những hành vi của họ, đều có mặt chuẩn tắc con người ở đó, do đó nếu họ diễn vai người xấu thì họ phải nghĩ biện pháp đóng giả sao cho giống, [họ] phải học, phải luyện thì mới diễn xuất thành người xấu được.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp,Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011)

Đọc lại đoạn Pháp này, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn rằng, ngay cả với đồng tu người nhà cũng phải dùng lời lẽ thiện lương, điều gì không nên nói thì không nói, người tu luyện nhất định phải tu khẩu, không thể buông lơi bản thân, nếu không cựu thế lực sẽ nhìn thấy vô cùng rõ ràng, sẽ ghi lại từng việc, tích lại nhiều rồi liền xuất ra như thế. Hiện giờ ngẫm lại, trước đây bản thân tôi trong vấn đề tu khẩu chưa thực tu, cũng không coi trọng. Tôi thực sự cảm thấy có lỗi với Sư tôn.

Sau lần đau răng này, tôi đã thể hội được tính nghiêm túc của việc tu khẩu, hiện giờ tôi rất chú ý đến lời nói của mình và tự nội tâm muốn cải biến, không để Sư phụ phải thất vọng.

Trên đây là bài học giáo huấn và chút thể hội của bản thân, có điều gì không phù hợp mong các đồng tu chỉ chính.

(Phụ trách biên tập: Văn Khiêm)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/8/18/464294.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/25/212621.html

Đăng ngày 17-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share