Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 06-10-2023] Nhiều năm trước, tôi tham gia một hạng mục và cũng theo đó, tôi phải đối mặt với một áp lực to lớn, nhưng tôi không lùi bước, đó cũng là lúc đấu trí với cựu thế lực. Tại đây, tôi không nói về những gian nan trong quá trình này. Khi hạng mục bắt đầu khởi sắc thì đột nhiên có một đồng tu mới tham gia, cách tiếp cận của anh ấy hoàn toàn khác với chúng tôi, vì thế mà khiến tình hình trở nên cực kỳ phức tạp.

Tôi đã cố gắng trao đổi với anh ấy nhưng anh ấy lại quay ra chỉ trích cách làm của chúng tôi. Tôi biết không thể để xảy ra xung đột với anh ấy, vì như vậy sẽ chỉ khiến cựu thế lực cười nhạo. Vì không thể bàn bạc nên tôi chỉ có thể chịu đựng. Khi hạng mục bước vào giai đoạn quan trọng để có thành quả thì tài lực, nhân lực của chúng tôi cũng cạn kiệt, do vậy hạng mục của chúng tôi phải tạm dừng. Không ngờ việc tạm dừng ấy lại dẫn đến sự thất bại hoàn toàn.

Sau sự thất bại này, đồng tu kia đã phân tích nguyên nhân sự việc cho các đồng tu và dồn hết trách nhiệm về phía chúng tôi. Sau khi chia sẻ nội bộ với nhau, chúng tôi đưa ra biện pháp là, trước sự chỉ trích của anh ấy, chúng tôi không tranh luận cũng không giải thích gì với các đồng tu để tránh làm cho mâu thuẫn trở nên gay gắt hơn. Chúng tôi âm thầm chịu đựng những lời trách móc từ các đồng tu, và tự nhiên trở nên xa lánh đồng tu kia, trong tâm cũng sinh oán hận.

Nhiều năm sau, có một lần, tôi bị bắt cóc. Trong ngục giam, tôi hướng nội tìm, tìm được rất nhiều điều, nhưng lại bỏ sót sự việc này. Sư phụ đã mượn lời cảnh sát nhắc nhở tôi: “Nghe nói chị có mâu thuẫn với ai đó.” Nhờ vậy mà tôi nhớ lại quá trình xảy ra sự việc này. Trước các đồng tu, tôi chưa từng nói một lời bất hảo nào về anh ấy, cũng không phát hiện ra mình đã sai ở chỗ nào.

Tuy rằng ma nạn lần này xông phá qua được nhưng sự việc đó vẫn luẩn quẩn trong tâm trí tôi. Tôi phân tích lại quá trình sự việc xảy ra, xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết mà vẫn không phát hiện ra mình đã sai ở đâu. Tôi thầm nói với Sư phụ: “Thưa Sư phụ, đệ tử thật ngu ngốc, xin Sư phụ điểm hóa cho con.” Trong đầu tôi chợt hiện lên một câu Pháp:

“Đối đích thị tha
Thác đích thị ngã” (Thùy thị thùy phi, Hồng Ngâm III)

Tạm dịch:

“Cái đúng là họ
Cái sai là mình” (Ai đúng ai sai, Hồng Ngâm III)

Sự ủy khuất bao năm trong tôi bỗng chốc bùng phát, tôi bật khóc: “Thưa Sư phụ toàn năng, toàn bộ quá trình của sự việc này, Sư phụ đều biết cả. Sư phụ cũng biết con đã phó xuất và chịu đựng, vậy mà con vẫn sai sao?!” Tôi kinh hoàng khi bản thân lại có tâm tình như vậy, liền lập tức thanh trừ nó. Trong Pháp Sư phụ đã giảng rằng “cái sai là mình”, vậy nhất định là tôi sai rồi. Chắc chắn không thể có khả năng là tôi đúng được, bởi tiêu chuẩn đúng sai nằm ở Sư phụ chứ không phải ở tôi.“ Tôi bèn tăng cường hướng nội tìm nhưng vẫn không tìm ra. Nhưng dù sao tôi biết rằng cái sai là ở bản thân mình, có được kết luận này, trong tâm tôi ngược lại lại cảm thấy thản nhiên.

Khoảng hai, ba tháng sau, khi học Pháp, tôi học đến đoạn:

“Áp lực đến từ bên ngoài [cộng đồng] đệ tử Đại Pháp là khảo nghiệm, là cơ hội tinh tấn; mâu thuẫn và áp lực đến từ bên trong [cộng đồng] đệ tử Đại Pháp đồng dạng cũng là khảo nghiệm, là cơ hội tinh tấn.” (Lời chúc gửi Pháp hội Châu Âu [2016])

Tôi bỗng minh tỏ và thầm nói với Sư phụ: “Thưa Sư phụ, con biết mình sai rồi. Con đã bỏ lỡ cơ hội mà Ngài đã an bài để con đề cao. Xin Sư tôn cho con một cơ hội nữa. Con nhất định sẽ làm tốt.” Một tuần sau, Sư phụ từ bi vĩ đại đã an bài cho tôi một sự việc tương tự kéo dài trong hai tháng và lần này tôi đã vượt qua được tốt.

Hiện giờ tôi xem xét lại quá trình sự việc thì thấy có quá nhiều thiếu sót, tại đây tôi không kể chi tiết từng việc. Đối với đồng tu đã can thiệp kia, tôi không những không có chút oán hận nào nữa mà ngược lại trong tâm còn thấy cảm kích.

Thông qua sự việc này, tôi đã cải biến quan niệm của mình, chính là không nhìn nhận vấn đề về phương diện đúng sai nữa. Mỗi khi mâu thuẫn phát sinh, tôi không còn phân rõ thị phi, đúng sai của bản thân bên nào nữa, mà chỉ suy xét một vấn đề, rằng Sư phụ đã đặt mâu thuẫn đó trước mặt tôi, Sư phụ muốn tôi thành tựu điều gì đây? Tôi nên làm thế nào để đề cao?

Đúng và sai là nhận thức ở cùng một tầng thứ, là dùng tiêu chuẩn ở chính tầng thứ đó để đo lường. Chỉ khi nhảy ra khỏi tầng thứ đó thì mới nhận ra sự đề cao mới là quan trọng nhất. Đề cao lên rồi thì những nhận thức về “đúng”, “sai” trước đó kỳ thực đều là sai. Cố thủ vào cái “đúng” của bản thân chính là cố thủ vào tầng thứ vốn có, là biểu hiện của việc không đề cao. Khi dùng thể hội này để nhìn nhận vấn đề, tôi cảm thấy không có sự oán hận nào nữa và điều mà khi đó chúng tôi cho là thất bại thì hiện tại xem ra cũng không như vậy nữa.

Trên đây là chút thể hội của bản thân, có điều gì không đúng, mong các đồng tu từ bi chỉ chính.

(Phụ trách biên tập: Vu Duyệt)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/10/6/466780.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/31/212704.html

Đăng ngày 12-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share