Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-10-2023] Bà Triệu Thần Vũ ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị bắt tại nhà vì tu luyện Pháp Luân Công và nhà của bà bị lục soát vào tháng 8 năm 2018. Sau đó, bà bị giam ở trong Trại tạm giam khu tự trị Tây Song Bản Nạp và bị kết án 4 năm tù vào tháng 7 năm 2019. Bà bị chuyển đến Khu 9 của Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam vào ngày 23 tháng 6 năm 2020 và bị quản lý nghiêm ngặt (nghiêm quản) cho đến khi được trả tự do.
Dưới đây là lời kể về những bức hại mà bà Triệu phải chịu đựng.
Tu luyện Pháp Luân Công
Bà Triệu (58 tuổi) là giáo viên của Trường Trung học 30 thành phố Côn Minh. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 1998, sau khi được một đồng nghiệp giới thiệu cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Cậu con trai 5 tuổi của bà khi đó cũng học luyện cùng với bà.
Trong Tết Nguyên đán năm đó, bà Triệu đưa con trai về quê và giới thiệu Pháp Luân Công cho gia đình mình. Mẹ cùng các chị, các anh của bà và con cái của họ cũng bước vào tu luyện.
Bà Triệu cố gắng sống theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và cũng hướng dẫn học sinh của mình chiểu theo tiêu chuẩn này. Học sinh của bà đã có sự tiến bộ đáng kể trong học tập và môi trường trong lớp học của bà thay đổi theo hướng tích cực. Hơn 100 học sinh và giáo viên trong trường cũng bắt đầu học luyện Pháp Luân Công.
Kể từ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Triệu đã bị bắt nhiều lần chỉ vì không từ bỏ đức tin của mình. Bà bị sa thải sau bản án 3 năm tù vào năm 2006. Chồng bà là cảnh sát và ông ấy đã ly hôn bà. Việc bà bị bức hại là một đòn nặng giáng xuống cha mẹ của bà. Họ luôn sống trong sợ hãi và cả hai đều qua đời khi bà đang ở trong tù.
Vụ bắt giữ gần đây nhất
Ngày 27 tháng 8 năm 2018, bà Triệu bị 9 cảnh sát mặc thường phục bắt giữ ngay khi vừa trở lại sau chuyến về quê thăm mẹ bà ở thành phố Cảnh Hồng thuộc châu tự trị dân tộc Thái Tây Song Bản Nạp, tỉnh Vân Nam.
Cảnh sát thành phố Cảnh Hồng đã di chuyển hơn 480 km tới Côn Minh để bắt bà Triệu. Họ phối hợp cùng với cảnh sát Côn Minh lục soát nhà bà Triệu, tịch thu nhiều tài sản cá nhân của bà, bao gồm các sách Pháp Luân Công, 3 máy tính, 2 máy in, 17 điện thoại di động, 43 bộ sạc, 35 pin điện thoại di động, 11 đầu đọc thẻ, 57 ổ đĩa flash, 18 thẻ nhớ, quần áo và hàng nghìn nhân dân tệ tiền mặt. Cảnh sát từ chối cung cấp danh sách những đồ vật mà họ đã tịch thu của bà.
Trong vụ bắt giữ, bà Triệu yêu cầu được liên lạc với đơn vị công tác của mình để nói cho họ biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng cảnh sát từ chối.
Bà Triệu bị đưa đến Đồn Công an Đông Lộ Kiều ở quận Tây Sơn. Bà được yêu cầu nhận diện những món đồ bị tịch thu, nhưng bà từ chối vì biết cảnh sát sẽ dùng việc này làm bằng chứng chống lại bà nếu thừa nhận những món đồ liên quan đến Pháp Luân Công là của mình. Sau đó, bà bị giam cùng với các tù nhân phạm tội trộm cắp hoặc đánh nhau. Đêm hôm đó, bà Triệu bị đưa đến Bệnh viện Tân Tân Hoa để khám sức khỏe trước khi bị chuyển đến trại tạm giam thành phố Côn Minh. Hai ngày sau, bà bị chuyển đến trại tạm giam châu tự trị Tây Song Bản Nạp.
Gia đình bị liên lụy
Vào khoảng thời gian bà Triệu bị bắt, một nhóm cảnh sát khác ở thành phố Cảnh Hồng đã tiến hành lục soát nhà của mẹ bà và nhà của con trai bà.
Cảnh sát đã ra quyết định tạm giam mẹ của bà Triệu, bà cụ Mạnh Vân Anh (84 tuổi), 15 ngày và phạt tiền 1.000 nhân dân tệ, nhưng bà cụ được miễn chấp hành vì lý do tuổi tác. Tuy nhiên, áp lực tinh thần bởi sự sách nhiễu của cảnh sát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà cụ. Bà bị ngã tại nhà và bị thương ở phần xương đùi. Bà phải nhập viện và qua đời vào ngày 16 tháng 11 năm 2019 mà không được gặp con gái mình lần cuối.
Cảnh sát tiếp tục tìm kiếm con trai của bà Triệu nhưng không thấy vì anh ấy đang đi công tác đến thành phố Phổ Nhĩ ở cùng tỉnh. Cuối cùng, họ tìm thấy anh trong một khách sạn và còng tay anh trước mặt các đồng nghiệp của ấy mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Cả anh ấy và các đồng nghiệp đều rất sốc.
Sau khi bị đưa tới đồn công an, cảnh sát lấy ra trát hầu tòa và thẩm vấn con trai bà Triệu. Cảnh sát nói rằng khi trở về thành phố Côn Minh, bà Triệu ngồi trên xe hơi của anh và đó là xe của công ty. Họ đe dọa sẽ tịch thu chiếc xe nếu tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công trong xe. Sự việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến con trai bà Triệu. Tuy nhiên, cảnh sát không tìm thấy tài liệu Pháp Luân Công ở trong xe.
Chị gái và cháu gái của bà Triệu cũng bị thẩm vấn. Cảnh sát cho biết camera giám sát đã ghi lại hình ảnh chiếc xe máy điện của cháu gái bà Triệu trong một quận nọ và hỏi liệu bà Triệu có lái nó không và liệu cô ấy có giúp bà Triệu vận chuyển tài liệu Pháp Luân Công hay không.
Em gái và em rể của bà Triệu cũng bị thẩm vấn. Bà Triệu về nhà mẹ đẻ bằng xe của con trai, nhưng trở về bằng xe của em gái. Sau đó, chiếc xe được đỗ ở nhà của bà Triệu khi em gái và em rể của bà đi du lịch nước ngoài vào ngày hôm sau. Chìa khóa xe bị tịch thu trong vụ khám xét và cảnh sát triệu tập vợ chồng em gái bà sau khi họ trở về Trung Quốc hai tuần sau đó. Khi họ lái xe về Cảnh Hồng, cảnh sát triệu tập họ và hỏi liệu bà Triệu có ngồi trong xe của họ khi họ đến thành phố Côn Minh hay không.
Lời khai của người nhà đã bị cảnh sát dùng như là lời khai của nhân chứng để chống lại bà Triệu.
Cưỡng chế thu thập dấu vân tay
Sau khi bị giam hai ngày ở trong trại tạm giam thành phố Côn Minh, bà Triệu bị đưa trở lại Cảnh Hồng. Lúc đầu, bà bị giam tại Đồn Công an khu nghỉ dưỡng thành phố Cảnh Hồng, nơi bà bị cưỡng chế chụp ảnh và lấy dấu vân tay. Vì bà không hợp tác nên dấu vân tay không rõ và không sử dụng được. Sau đó, bà bị đưa tới trại tạm giam châu tự trị Tây Song Bản Nạp.
Vài ngày sau, bà Triệu bị đưa đến một đồn công an khác và bị trói trên ghế cọp (một dụng cụ tra tấn). Hai cảnh sát giật đầu bà ngửa về phía sau và cố gắng lấy dấu vân tay của bà nhưng không thành công. Chiều hôm đó, có thêm ba người nữa đến, họ bịt mắt bà và giật đầu bà về phía sau, đồng thời nhấn các ngón tay của bà lên máy quét quang học. Sau khi lấy được dấu vân tay của bà, họ đưa bà trở lại trại tạm giam.
Ở trong trại tạm giam, lính canh tù yêu cầu các tù nhân theo dõi bà Triệu và xem liệu bà có luyện các bài công pháp Pháp Luân Công hay nói chuyện với người khác về Pháp Luân Công hay không. Lính canh cũng thường xuyên lục soát phòng giam và vứt bỏ các vật dụng cá nhân của bà.
Trong vài tháng đầu khi bị giam ở trong trại tạm giam, cảnh sát thường xuyên đến thẩm vấn bà, nhưng bà từ chối trả lời mọi câu hỏi của họ.
Sau đó, hồ sơ vụ án của bà được chuyển tới Viện Kiểm sát quận Mãnh Lạp và bà bị truy tố vào tháng 2 năm 2019.
Bị kết án 4 năm tù
Ngày 6 tháng 5 và ngày 26 tháng 7 năm 2019, bà Triệu bị Tòa án quận Mãnh Lạp xét xử. Trong phiên tòa thứ hai, thẩm phán Dương Kiến Vỹ ngắt lời bà Triệu mỗi khi bà cố gắng tự bào chữa cho mình.
Ngày 28 tháng 11 năm 2019, thẩm phán kết án bà Triệu 4 năm tù và phạt 40.000 Nhân dân tệ. Bà Triệu nhận được phán quyết vào ngày hôm sau. Sau khi bà kháng cáo, một người từ tòa án trung cấp đến trại tạm giam và hỏi về vụ án của bà. Bà một lần nữa khẳng định rằng việc tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp. Đến ngày 25 tháng 3 năm 2020, các thẩm phán Lý Băng Phong và Lô Chính Khôn của tòa án trung cấp đã ban hành phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của bà mà không tổ chức xét xử.
Bị tra tấn ở trong Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam
Ngày 23 tháng 6 năm 2020, bà Triệu bị chuyển từ trại tạm giam khu tự trị Tây Song Bản Nạp đến Nhà tù Nữ Số 2 tỉnh Vân Nam. Bà không được phép mang theo bất cứ thứ gì, ngoại trừ bản cáo trạng và bản án. Khi đến nơi, bà bị lột trần và buộc phải mặc quần áo tù nhân.
Vì đang ở trong thời điểm bùng phát đại dịch COVID, nên tất cả những người mới vào tù đều phải bị cách ly 15 ngày. Lính canh còn yêu cầu bà Triệu viết lời nhận tội vì tu luyện Pháp Luân Công, nhưng bà từ chối. Để trả đũa bà, lính canh đã không phát bánh bao, trứng vịt và trứng gà vào dịp Tết Đoan Ngọ cho bà.
Lính canh quản lý nghiêm ngặt bà Triệu và phân công hai tù nhân theo dõi bà. Bà chỉ được phép ăn nửa suất ăn cho mỗi bữa. Thời gian đi vệ sinh của bà bị giới hạn bốn lần mỗi ngày và việc sử dụng nước cũng bị hạn chế.
Bà Triệu đã viết đơn khiếu nại gửi cho lính canh về sự hạn chế vô lý này. Sau đó, lính canh dỡ bỏ sự quản lý nghiêm ngặt đối với bà và cấp cho bà bánh bao và trứng. Sau 15 ngày, bà Triệu bị chuyển đến tổ 2 ở Khu 9, nơi bà bị huấn luyện trong ba tháng.
Tái hiện cảnh tra tấn: Ngồi trên ghế đẩu nhỏ.
Lính canh Vương Diễm Nhung ra lệnh cho bà Triệu viết lời thú tội. Bà đã viết chân tướng Pháp Luân Công và kêu gọi các lính canh không theo chính quyền cộng sản mà bức hại học viên. Để trả đũa, lính canh đã nghiêm quản vài ngày.
Những học viên và tù nhân mới vào nhà tù phải tập luyện đội hình mỗi sáng trong 2,5 giờ. Sau đó, tù nhân đến xưởng làm việc, trong khi các học viên bị bắt ngồi liên tục trên ghế nhỏ trong phòng giam của họ cho đến 10 giờ tối. Các tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát học viên không phải làm việc và có thể di chuyển tự do trong phòng giam.
Biệt giam
Sau khi đợt huấn luyện kết thúc, bà Triệu lại bị nghiêm quản. Phòng nghiêm quản ở tầng hai được sửa lại từ hai phòng giam và được dựng lên từ tháng 7 năm 2019 để chuyên bức hại các học viên. Trên tường dán những dải màu xanh và trắng; sàn nhà được chia thành ba khu vực bằng băng dán màu vàng: Khu phản tỉnh (tự kiểm điểm, hối lỗi), khu vực học tập và khu nằm ngủ. Khu ngủ không có giường, thay vào đó, nó được phủ một lớp bông mỏng, với chăn bông rất mỏng và nhỏ. Các học viên chỉ được phép mang theo ghế đẩu và cốc uống nước. Bà Triệu phải ngồi ở khu phản tỉnh dưới sự giám sát của hai tù nhân ngồi hai bên. Tù nhân đe dọa sẽ để bà lại trong phòng vào ban đêm nếu bà vẫn không chịu viết lời thú tội (lúc đó bà vẫn được phép quay lại phòng giam để ngủ).
Vài ngày sau, phòng nghiêm quản được chuyển trở lại thành phòng giam khi nhà tù đông tù nhân. Việc nghiêm quản được chia thành hai cấp độ. Bà Triệu bị áp dụng cấp độ 2. Bà phải thức dậy lúc 5 giờ 40 phút sáng mỗi ngày và đánh răng bằng nước trong chậu. Sau khi tắm rửa xong, một tù nhân đi cùng bà vào nhà vệ sinh để đổ nước, sau đó bà quay trở về phòng giam để ngồi trên ghế nhỏ cho tới 11 giờ đêm. Mông của bà bị mưng mủ sau khi ngồi trên chiếc ghế đó nhiều ngày. Ngoài ra, mỗi đêm bà còn phải trực ca 2 tiếng.
Vì lính canh chỉ cho bà Triệu sử dụng nhà vệ sinh bốn lần mỗi ngày, nên bà không dám uống hết hai cốc nước mà bà được phép uống mỗi ngày. Kết quả là bà bị táo bón.
Bà có 5 phút để tắm rửa, bao gồm cả thời gian giặt đồ lót và tất. Lần đầu tiên khi bà tắm, tù nhân bảo với bà là đã hết giờ và cắt nước khi bà chỉ vừa xoa xà phòng lên người. Bà phải dùng lượng nước ít ỏi còn lại trong chậu để gột sạch xà phòng.
Bà được phép đến phòng giặt hai lần mỗi tuần và giặt ga trải giường một lần trong hai tháng. Nhưng trước khi được phép giặt ga trải giường, bà phải viết đơn và thừa nhận mình là tội phạm. Trong hơn hai năm bị giam giữ, bà chỉ giặt ga trải giường hai lần và lính canh chỉ chấp thuận sau khi bà nộp đơn khiếu nại về sự ngược đãi này.
Lính canh tù thường xuyên nói chuyện với bà hòng cố ép bà từ bỏ Pháp Luân Công và nhận mình có tội. Bị lính canh xúi giục, các tù nhân được giao nhiệm vụ giám sát bà cũng tra tấn và lăng mạ bà.
Lao động cưỡng bức
Tháng 3 năm 2021, bà Triệu bị phân công làm việc tại xưởng từ 7 giờ sáng đến 5 giờ 30 phút chiều mỗi ngày. Hàng ngày, bà phải khâu những chuỗi hạt. Nếu không thể hoàn thành chỉ tiêu hàng ngày, bà buộc phải xếp hàng luyện tập 3 giờ mỗi ngày trong một tuần.
Các học viên không được phép nói chuyện với người khác. Bất cứ ai tiếp xúc với các học viên đều bị báo cáo cho lính canh và bị yêu cầu viết báo cáo tư tưởng hoặc tuyên bố bảo đảm, bị trừ điểm, bị đưa đi trực đêm hoặc phải học thuộc nội quy nhà tù cho đến nửa đêm. Hai tù nhân phụ trách giám sát bà Triệu thường xuyên gây rắc rối và làm nhục bà.
Minh họa: Xưởng bóc lột lao động ở trong tù.
Tháng 5 năm 2021, nhà tù tổ chức một phiên tẩy não và thuê một nhóm người về để tẩy não các học viên. Những người từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, trong đó có bà Triệu, bị buộc phải tham gia phiên tẩy não hàng ngày trong suốt một tuần.
Tháng 3 năm 2021, nhà tù cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các tù nhân. Khi gặp luật sư, bà Triệu hỏi về việc nộp đơn đề nghị xem xét lại vụ án của mình và được đồng ý. Sau đó, bà Triệu đã chuẩn bị bản kiến nghị và nộp nó. Tuy nhiên, cho đến nay bà vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin cập nhật nào.
Bà Triệu đã viết rất nhiều ghi chú cá nhân trong nhà tù và bị các tù nhân báo cáo với lính canh của bộ phận giáo dục Dương Vĩnh Phân. 14 ngày trước khi bà được thả, sách, sổ ghi chép, đơn kháng cáo, bản án và thư từ của bà đều bị tịch thu. Chỉ có bản án là được trả lại cho bà khi được thả.
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, lính canh Dương đã tham gia vào việc bức hại các học viên và thường ghi những video phỉ báng Pháp Luân Công, sau đó mở chúng cho các tù nhân mới xem.
Chiến dịch chuyển hóa trước khi thả người
Sáu tháng trước khi bà Triệu được trả tự do, phòng giáo dục và nhà tù đã gia tăng bức hại đối với bà hòng cố ép bà phải nhận tội. Mỗi buổi sáng hoặc buổi chiều, bà Triệu đều bị đưa từ phân xưởng đến tòa nhà của phòng giáo dục. Tám cảnh sát, chia ra bốn nhóm, mỗi nhóm hai người. Họ nói chuyện với bà và yêu cầu bà từ bỏ đức tin của mình. Dương còn cưỡng chế bà xem các video phỉ báng Pháp Luân Công. Khi bị áp lực phải viết báo cáo tư tưởng, bà Triệu đã viết về việc chính quyền cộng sản đã bịa đặt những tuyên truyền để kích động người dân thù hận Pháp Luân Công như thế nào. Chiến dịch chuyển hóa này kéo dài ba tháng trước khi bà được đưa về xưởng.
21 ngày trước khi bà Triệu được thả, chiến dịch chuyển hóa lại tiếp tục. Bà bị gọi đến phòng giáo dục mỗi ngày và được yêu cầu viết một bản thú tội và tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Dương cũng chỉ đạo một tù nhân viết bản tuyên bố thay cho bà Triệu và bảo bà ký tên vào đó, nhưng bà Triệu từ chối. Cuối cùng, lính canh đe dọa sẽ đưa bà đến trung tâm tẩy não nếu bà từ chối chuyển hóa. Bà Triệu vẫn từ chối thỏa hiệp.
Sau khi bà Triệu bị bỏ tù, gia đình bà không được phép vào thăm bà và con trai bà rất nhớ bà. Nhà tù đã sắp xếp một cuộc gặp trực tuyến giữa bà và con trai, lừa con trai bà tác động đến bà bằng cách đe dọa rằng bà sẽ phải đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu không từ bỏ Pháp Luân Công. Bà Triệu không động tâm, mà thay vào đó bà an ủi con trai rằng bà sẽ ổn thôi.
Trong một nỗ lực khác nhằm làm suy yếu ý chí của bà, lính canh cấm bà ngủ và bắt bà phải làm 2 tiếng mỗi đêm trong những ngày cuối cùng trong tù. Lính canh không ngừng ép buộc bà, bắt bà xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, hoặc yêu cầu bà viết cam kết tuân thủ pháp luật trước khi được thả.
Sách nhiễu sau khi được thả
Bà Triệu vẫn kiên định tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã được trả tự do vào ngày 26 tháng 8 năm 2022. Khi bà vừa bước ra khỏi cổng nhà tù, hai cảnh sát thuộc Đồn Công an Đông Lộ Kiều địa phương đã đợi sẵn bà. Bà từ chối đi cùng họ và đi cùng người nhà đang ở đó để đón bà. Cảnh sát liên tục gọi điện cho con trai bà và ra lệnh cho bà Triệu đi tới đồn công an.
Vào tuần kế tiếp, bà Triệu cùng con trai đến đồn công an. Bà Triệu chất vấn cảnh sát rằng tại sao họ vẫn cố gắng tiếp tục giám sát cuộc sống hàng ngày của bà ngay cả khi bà đã mãn hạn tù. Cảnh sát phủ nhận và yêu cầu lấy dấu vân tay của bà. Bà yêu cầu cảnh sát cho bà xem điều luật cho phép họ thu thập dấu vân tay của bà. Khi họ không thể đưa ra cơ sở pháp lý, bà nói việc lấy dấu vân tay là vi phạm quyền công dân và việc tu luyện Pháp Luân Công là hợp pháp.
Trong ba tháng tiếp theo, ba cảnh sát từ Đồn Công an Đông Lộ Kiều đã đi đến nhà bà mỗi ngày để kiểm tra xem bà có ở nhà hay không và thậm chí còn chụp ảnh lại. Tần suất sau đó giảm xuống còn một lần mỗi tuần, sau đó là hai tuần một lần và rồi mỗi tháng một lần. Họ ngừng đến sau ba tháng và thay vào đó là gọi điện cho con trai bà. Bà Triệu yêu cầu cảnh sát không được làm phiền con trai bà, do đó, cảnh sát đã chuyển sang gọi điện cho bà ba tháng một lần.
Các tù nhân tham gia vào cuộc bức hại
Dưới đây là bản tóm tắt ngắn gọn về các tù nhân đã tham gia bức hại bà Triệu và các học viên Pháp Luân Công khác.
1. Dương Thái Chuyển, 38 tuổi, một tội phạm buôn bán ma túy ở thành phố Mang Thị, tỉnh Vân Nam, bị kết án chung thân. Tháng 6 năm 2019, cô ta bị chuyển đến Khu 9 và tích cực tham gia vào việc bức hại các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt là những người kiên định với đức tin của mình. Cô ta cũng kiếm được điểm nhờ báo cáo về các tù nhân khác và rất giỏi làm hài lòng lính canh. Tháng 6 năm 2021, cô ta đá vào khóe mắt bà Hà Lỵ Xuân khiến mặt bà sưng tấy. Tháng 5 năm 2023, cô ta túm cổ áo bà Lưu Phương và dọa đánh bà. Dương hiện đang cố gắng “chuyển hóa” bà Lưu Diễm, cựu giáo viên tiếng Anh và là mẹ của một cư dân Canada.
2. Triệu Vân Na, 36 tuổi, bị kết án 11 năm vì tội lừa đảo. Cô ta quê ở huyện Nghi Lương, tỉnh Vân Nam. Cô ta bị đưa vào tù từ tháng 5 năm 2020 và tham gia vào việc bức hại các học viên kể từ đó. Cô ta tích cực đề xuất cho lính canh các phương thức bức hại các học viên. Năm 2021, bụng cô ta bị loét ở bụng và dù đã điều trị nhưng không lành lại và phải lau mủ hàng ngày. Con gái của cô ta, một học sinh cấp hai, đã bị trầm cảm và phải đi khám và điều trị với bác sỹ tâm thần.
3. Tần Dược Diễm, ngoài 20 tuổi, bị kết án 3 năm vì mở xới bạc và sẽ sớm được trả tự do. Sau khi vào tù, cô ta tham gia bức hại các học viên và theo dõi họ suốt ngày đêm. Cô ta luôn cố gắng báo cáo họ với lính canh để kiếm điểm và được giao nhiệm vụ giám sát các học viên kiên định với đức tin của mình.
4. Ngô A Hoa, 42 tuổi, đến từ Miến Điện, đã bị kết án 7 năm vì tổ chức đưa người vượt biên trái phép và dự kiến được trả tự do vào năm 2024. Kể từ tháng 8 năm 2019, cô ta rất tích cực tham gia bức hại các học viên.
5. Khang Ông, 53 tuổi, người Miến Điện, bị kết án chung thân vì buôn bán ma túy. Bà ta bị giam từ năm 2011, nhưng gần đây mới được bố trí để giám sát các học viên. Bà ta tích cực hợp tác với lính canh để bức hại các học viên.
6. Lý Quý Chi, 35 tuổi, quê thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam đã bị kết án tử hình treo vì tội buôn bán ma túy. Cô ta tích cực hợp tác với lính canh để bức hại các học viên. Cô ta không chỉ theo dõi các học viên được phân công, mà còn theo dõi các học viên khác và báo cáo họ với lính canh để ghi điểm.
7. Vương Như Tâm, 56 tuổi, đến từ Miến Điện, bị kết án 15 năm vì buôn bán ma túy. Từ năm 2011, cô ta tích cực hợp tác với lính canh để bức hại các học viên và thường xuyên chửi bới, làm nhục họ sau khi được thăng chức giám sát vào năm 2019. Cô ta được thả vào tháng 6 năm 2022.
8. Vương Lôi, ở độ tuổi 30, bị kết án 3 năm vì tai nạn giao thông gây tử vong. Cô ta rất độc ác đối với các học viên.
9. Ma Nham, một tội phạm buôn bán ma túy 43 tuổi bị kết án 15 năm, đã được giao nhiệm vụ giám sát các học viên vào tháng 5 năm 2019, khi cô ta vào tù (không rõ quốc tịch của cô ta).
10. Phạm Diễm Lệ, ở độ tuổi 30, bị kết án chung thân vì tội buôn bán ma túy.
11. Tào Hải Dung, 47 tuổi, bị buộc tội gian lận hợp đồng và bị kết án 13 năm. Bà ta sẽ được trả tự do sau 3 năm nữa. Năm 2019, bà ta được phân công giám sát các học viên và hiện là tổ trưởng của tổ 3.
12. Mã Ngọc Mai, một tội phạm buôn bán ma túy 52 tuổi đã bị tuyên án tử hình có ân xá. Bà ta tích cực hợp tác với lính canh để bức hại các học viên. Bà ta hiện là tổ trưởng của một tổ lớn. Cách đây vài năm, bà ta có một khối u ở bụng và từ đó nó ngày càng lớn hơn, thậm chí còn phát triển to hơn cả ngực.
13. Đặng Tùng Vân, ở độ tuổi 40, bị kết án tử hình có ân xá vì tội buôn bán ma túy.
14. Lưu Khải Phi, ở độ tuổi 50, bị kết án tử hình có ân xá vì tội buôn bán ma túy.
15. Hàn Hiểu Yến là một tội phạm buôn người và là đội trưởng của đội 2.
16. Tôn Anh, 27 tuổi, là một tội phạm buôn bán ma túy ở thị trấn Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam. Cô ta bị kết án 8 năm tù và được thả vào năm 2021. Cô ta rất độc ác khi theo dõi các học viên và thường xuyên lăng mạ họ.
17. Vương Bình, 42 tuổi, bị kết án chung thân vì buôn bán ma túy. Từ năm 2012 , bà ta chịu trách nhiệm giám sát các học viên và thường xuyên lăng mạ họ. Trong những năm gần đây, bà ta bị trừ điểm vì có hành vi đồng tính luyến ái với các tù nhân khác. Sau đó, bà ta trở nên chán nản, không thể hoàn thành công việc sản xuất và bị tụt lại phía sau.
18. Trần Na Bình, 32 tuổi, bị kết án 7 năm vì buôn bán ma túy. Từ tháng 4 năm 2020, cô ta theo dõi các học viên và tích cực hợp tác với lính canh để bức hại các học viên. Cô ta hiện là người giám sát và sẽ được trả tự do vào năm 2024.
19. Ngô Khiết, 43 tuổi, bị kết án 15 năm vì buôn bán ma túy. Sau khi vào tù vào năm 2018, cô ta được phân công làm tổ trưởng. Cô ta cấm các tù nhân mới nói chuyện với các học viên. Hiện cô ta là giám sát ở Khu 9.
20. Ngụy Hiểu Anh, 33 tuổi, bị kết án 15 năm vì buôn bán ma túy. Kể từ năm 2019, cô ta tích cực hợp tác với lính canh bức hại các học viên.
21.Trương Tam Muội, 23 tuổi, bị kết án 8 năm vì buôn bán ma túy. Kể từ tháng 6 năm 2020, cô ta được bổ nhiệm làm người giám sát và ra tay rất tàn độc đối với học viên.
22. Vương Nam, 35 tuổi, bị kết án 15 năm vì buôn bán ma túy. Từ năm 2021, cô ta được phân công làm giám sát và tích cực hợp tác với lính canh bức hại các học viên.
23. Trương Ngọc Hương, 44 tuổi, bị kết án chung thân vì buôn bán ma túy. Bà ta theo dõi các học viên từ năm 2006 và tích cực hợp tác với lính canh bức hại các học viên. Bà ta được thả vào năm 2021.
24. Hạ Bình, ở độ tuổi 30, bị kết án 12 năm vì tội buôn bán ma túy. Cô ta rất độc ác khi bức hại các học viên. Cô ta được chuyển đến Khu 5.
25. Lý Mỹ, 27 tuổi, đến từ Miến Điện, bị kết án 15 năm vì buôn bán ma túy. Từ năm 2017, cô ta theo dõi các học viên và tích cực hợp tác với lính canh bức hại các học viên.
26. Dương Cúc Lệ chịu trách nhiệm giám sát các học viên ở Khu 9.
27. Mã Nhạc Huệ Khâm, 35 tuổi, đến từ Miến Điện, bị kết án chung thân năm 2008 vì buôn bán ma túy. Cô ta được thả vào tháng 8 năm 2023. Khi ở trong tù, cô ta chịu trách nhiệm giám sát các học viên và sau đó trở thành người giám sát. Cô ta tích cực hợp tác với lính canh bức hại các học viên.
28. Oa, 48 tuổi, đến từ Miến Điện, bị tuyên án tử hình treo vì tội buôn bán ma túy. Trước khi được thả vào năm 2022, cô ta tích cực hợp tác với lính canh bức hại các học viên.
Bài liên quan:
Từng bị cầm tù ba năm, cựu giáo viên lại bị kết tội vì đức tin của mình
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/10/9/466917.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/28/212665.html
Đăng ngày 17-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.