Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-08-2023] Bà Cố Ái Dân, một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Kê Tây tỉnh Hắc Long Giang gần đây đã bị tòa án huyện Kê Đông kết án 7.5 năm tù vì kiên trì tín ngưỡng Pháp Luân Đại Pháp.

Bà Cố Ái Dân bị cảnh sát thuộc đồn cảnh sát Tương Dương bắt giữ vào ngày 22 tháng 4 năm 2023. Bà đã nộp đơn kháng cáo, nhưng hiện vẫn chưa rõ chi tiết về bản án.

Bà Cố năm nay 53 tuổi, bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1998. Bà chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để yêu cầu bản thân, kể từ đó các bệnh về dạ dày, viêm quanh khớp vai, viêm khớp, bệnh phụ khoa và các bệnh khác mà bà mắc phải trong nhiều năm đều đã được chữa khỏi. Bà không còn phải cẩn trọng trước những đồ mình ăn và chân cũng không bị lạnh khi không mặc quần dài nữa. Cuối cùng bà đã cảm nhận được niềm hạnh phúc khi toàn thân nhẹ nhàng vô bệnh, bà vô cùng biết ơn Pháp Luân Đại Pháp và Sư phụ Lý.

Tuy nhiên, kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Cố đã bị bắt giữ nhiều lần. Để tránh bị bức hại, bà buộc phải bỏ nhà đi ba lần và phiêu bạt bên ngoài hơn một thập niên.

Dưới đây là lời tự thuật của bà Cố về cuộc bức hại tàn khốc mà bà đã trải qua cách đây 8 năm.

* Bị bắt giữ năm 2000

Vào ngày 22 tháng 12 năm 2000, vì để nói lời công đạo cho Đại Pháp và để các nhà lãnh đạo quốc gia thực sự liễu giải được Pháp Luân Công, tôi đã đi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Tôi bị cảnh sát mặc thường phục bắt giữ tại quảng trường Thiên An Môn và bị giam giữ phi pháp. Vì không khai báo địa chỉ và danh tính, tôi đã bị cảnh sát đánh đập và lăng mạ và bị đưa đến trại giam Giác Môn vào ban đêm. [Ghi chú: Để bảo vệ người thân, bạn bè và đồng nghiệp tránh khỏi bị liên lụy bởi các chính sách ngầm của ĐCSTQ, các học viên Đại Pháp thường từ chối tiết lộ danh tính khi bị bắt giữ].

Ngày hôm sau chúng tôi bị chuyển đến trại giam thành phố Thiên An ở tỉnh Hà Bắc gần đó. Trong thời gian này, chúng tôi kiên quyết tuyệt thực để phản bức hại và đã bị bức thực. Vào ngày thứ chín tuyệt thực, tức là ngày 31 tháng 12, một nhóm cảnh sát thuộc đồn cảnh sát thành phố Thiên An đã đến và đưa chúng tôi đi. Tôi bị Lý Kiên Lợi và một cảnh sát trẻ đưa đến một căn phòng. Họ hỏi tên và địa chỉ của tôi. Vì tôi không trả lời nên Lý Kiên Lợi đã đánh, chửi bới và trói tôi bằng một sợi dây thừng, rồi gọi thêm nhiều người khác đến đánh và đá tôi. Kết quả là mũi tôi bị chảy máu, đi tiểu không tự chủ và một nắm tóc bị giật ra. Không lâu sau, tôi đã được thả.

3fc1ce657513e4b7a4016328da6a0771.jpg 

Minh họa hình thức tra tấn: Trói bằng dây

Bị sách nhiễu vào năm 2001

Vào một đêm cuối tháng 1 năm 2001, hai cảnh sát thuộc đồn cảnh sát mỏ Liễu Mao ở quận Hằng Sơn, thành phố Kê Tây đã đột nhập vào nhà và ép tôi giao ra sách Đại Pháp. Họ uy hiếp tôi nói “bất luyện”, nếu không thì sẽ đưa tôi đến trại giam. Bởi lúc đó Tết nguyên đán đang đến gần, tôi vì sợ gia đình mình phải đón một cái Tết không mấy vui vẻ nên đã miễn cưỡng nói “tôi sẽ không tu luyện nữa” trái với ý muốn của mình. Sau đó tôi cảm thấy rất hối hận và buồn bã. Trước khi rời khỏi, họ đã lấy đi cuốn sách Đại Pháp mà tôi đặt trên tivi.

Bị bắt giữ năm 2002

Vào tháng 3 năm 2002, một cảnh sát họ Vương và Lưu Chí Cương từ đồn cảnh sát mỏ Đông Hải đã lục soát nơi tôi ở, tịch thu sách Đại Pháp và đưa tôi đến đồn cảnh sát. Cảnh sát trưởng Câu Tú Lệ đã tống tiền tôi 500 nhân dân tệ trước khi thả tôi về nhà.

Bị bắt giữ năm 2003

Vào một ngày tháng 4 năm 2003, giám đốc mới của sở cảnh sát mỏ Đông Hải là Tống Văn Cách, và một viên cảnh sát xông vào nhà tôi lục soát, tịch thu các sách Đại Pháp. Một ngày sau, họ đưa tôi đến trại giam số 2 thành phố Kê Tây và tịch thu thẻ căn cước của tôi.

Vào ngày 1 tháng 5, toàn bộ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ phi pháp trong trại giam đã bắt đầu tuyệt thực tập thể để phản đối cuộc bức hại. Cai ngục Vương Lập Quân đã bắt tất cả các tù nhân khác cùng phòng phải quỳ quay mặt vào tường, họ muốn dùng phương thức này để khiến chúng tôi phải nhượng bộ. Chúng tôi không muốn những người khác vì chúng tôi tuyệt thực mà phải chịu trừng phạt, chúng tôi cũng biết các lính canh đã phạm tội khi khiến cả những người tu luyện và người không tu luyện phải chịu đựng thống khổ.

Vì chúng tôi kiên trì tuyệt thực, các lính canh đã ra lệnh cho tù nhân bức thực chúng tôi. Một số tù nhân nam giữ tay tôi không cho cử động, một số bóp mũi tôi. Sau đó một tù nhân trộn sữa bột với muối vào trong một chai nước rồi đổ vào miệng tôi. Vì mũi bị bóp chặt nên tôi gần như ngạt thở, tôi cảm thấy có thứ gì đó lạnh buốt chạy vào phổi. Từ đó trở đi, tai tôi bắt đầu mưng mủ, thậm chí chảy máu, và tôi gần như mất đi thính lực, khi lật người qua lại thì phần lưng phía dưới bên trái cũng bị đau.

Bác sĩ trại giam đã yêu cầu em gái tôi là Cố Hướng Dương phải nộp 500 nhân dân tệ phí điều trị y tế cho tôi, nhưng ngày hôm sau tôi đã bị chuyển đến Trung tâm cai nghiện ma túy Cáp Nhĩ Tân. Số tiền trên không bao giờ được hoàn lại.

Trong quá trình kiểm tra thể chất bắt buộc, họ phát hiện tôi bị sốt và có bóng đen trên phim chụp X-quang phổi. Trung tâm cai nghiện ma túy từ chối tiếp nhận tôi vì lúc đó Trung Quốc đang hứng chịu dịch SARS, vậy nên tôi đã được thả ra.

Sau khi trở về nhà, tôi tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công và trong vòng ba ngày thính lực cả hai bên tai tôi đã khôi phục lại trạng thái bình thường. Hàng xóm của tôi lúc đó đều nói rằng vết thương đã lành lặn sau ba ngày, thật là thần kỳ! Hơn nữa, ngày nào tôi cũng ho ra một ít đờm vàng lẫn máu, qua nửa tháng thì hết ho, phổi cũng trở lại bình thường.

Bị bắt giữ năm 2004 và buộc phải sống xa nhà

Vào một ngày cuối tháng 9 năm 2004, cảnh sát trưởng Tống Văn Cách và Lưu Chí Cương từ đồn cảnh sát mỏ Đông Hải đột ngột xông vào nhà tôi và lục soát. Họ đã lấy đi một bộ băng thâu âm giảng Pháp của Sư phụ ở Quảng Châu và ví tiền của tôi. Sau đó họ đưa tôi tới đồn cảnh sát và buộc tôi phải viết cam kết không được đến Bắc Kinh thỉnh nguyện, không được đến các tỉnh khác hoặc tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Pháp Luân Công.

Vào lúc 5h chiều ngày 6 tháng 11 năm 2004, Tống Văn Cách cùng với Vu Hồng Quân và Hà Văn Thanh thuộc Đội an ninh quốc gia huyện Kê Đông lại đột nhập vào nhà tôi thông qua tường rào nhà hàng xóm. Họ lục soát nhà và tịch thu máy tính để bàn của tôi. Vu Hồng Quân đã thẩm vấn tôi một cách phi pháp và cố ép tôi khai ra thông tin về các học viên khác. Tôi không trả lời nên anh ta đã chửi bới và đánh đập tôi khiến mặt tôi sưng tấy. Anh ta còn ra lệnh cho một cảnh sát dùng “tiểu bạch long” (một ống nhựa PVC màu trắng) đánh vào lòng bàn chân tôi. Lúc đó tôi cảm thấy lồng ngực mình thắt lại và tim như sắp rơi ra ngoài.

Vào lúc nửa đêm tôi bị chuyển đến trại giam huyện Kê Đông. Một tháng sau, việc bắt giữ tôi được chấp thuận và cảnh sát đã chuyển hồ sơ vụ án sang viện kiểm sát.

Vào tháng 5 năm 2005, tôi bắt đầu tuyệt thực để phản bức hại và bị bức thực nhiều lần bằng một ống thông nhét vào mũi. Khoang mũi của tôi bị tổn thương nghiêm trọng và tôi nôn ra cả mủ lẫn máu. Vào ngày thứ 13 bị bức thực, cơ thể tôi liên tục co giật và bác sĩ không thể bắt được mạch cho tôi nữa. Vì sợ nguy hiểm đến tính mạng của tôi nên họ đã cho tôi được tại ngoại chờ xét xử sau khi tống tiền em gái tôi 2000 nhân dân tệ để bảo lãnh. Ba tuần sau đó, đội An ninh nội đại huyện Kê Đông đã gọi cho tôi và yêu cầu tôi trình diện trước tòa. Vì để tránh bị kết án, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ nhà ra đi.

Bị bắt năm 2012 và buộc phải sống xa nhà lần thứ hai

Vì điện thoại của tôi bị theo dõi, nên vào 6h chiều ngày 29 tháng 5 năm 2012, khi tôi vừa mới từ bên ngoài trở về nhà thì bị Lưu Chí Cương và một cảnh sát khác từ đồn cảnh sát mỏ Đông Hải bắt cóc. Họ tịch thu một máy tính xách tay, ba chiếc điện thoại di động, một máy in, một ổ ghi đĩa DVD, các sách Pháp Luân Công và 2000 nhân dân tệ tiền mặt của tôi.

Sau khi tôi bị đưa đến đồn cảnh sát mỏ Đông Hải, Lưu Thế Tăng cùng Kim Hy Đông và những người khác đã đưa tôi đến Đội an ninh nội địa Thành Tử Hà. Họ còng tay tôi vào một chiếc ghế sắt và thẩm vấn tôi phi pháp. Họ buộc tôi bán đứng các đồng tu. Vì tôi từ chối cung cấp thông tin nên đã bị đội trưởng Đội an ninh quốc gia là Lưu Lệ vũ nhục.

Suốt buổi tối, cảnh sát Dương Hồng Bảo liên tục đánh đập và lăng mạ tôi. Anh ta còn đổ nước lên người tôi. Thời tiết cuối tháng 5 ở vùng Đông Bắc rất lạnh, tôi bị buộc ngồi trên ghế sắt, toàn thân ướt đẫm nước và rùng mình vì lạnh.

Thấy tôi không chịu nói gì, Lưu đã ra lệnh cho Kim Hy Đông đặt ảnh Pháp tượng Sư phụ dưới chiếc ghế sắt và một cuốn sách Pháp Luân Công bên dưới chân trái của tôi. Sau đó Dương Hồng Bảo đã kéo tóc tôi, anh ta còn đánh đập làm ngực và chân trái của tôi bầm tím. Họ không ngừng đánh đập cho đến tận nửa đêm. Khi tôi bị chuyển đến trại giam số 2 thành phố Kê Tây vào ngày hôm sau, chân tôi đã bị sưng tấy và đi lại rất khó khăn.

Vì văn phòng an ninh quốc gia Thành Tử Hà không lấy được khẩu cung hay chữ ký của tôi nên họ đã chuyển trường hợp của tôi đến Văn phòng an ninh huyện Kê Đông. Hàn Hằng Xương và Hà Văn Thanh thuộc đội an ninh huyện Kê Đông đã đến trại giam để thẩm vấn tôi. Tôi vẫn từ chối trả lời.

Vào ngày 1 tháng 7, tôi bắt đầu tuyệt thực để phản bức hại. Tôi đã không ăn không uống trong 5 ngày, nhưng trạng thái tinh thần vẫn rất tốt. Các tù nhân trong cùng phòng khi chứng kiến điều này đều nói rằng Đại Pháp là tốt và họ đã biết được sự siêu thường của Đại Pháp. Vào ngày 5 tháng 7, cảnh sát đưa tôi tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Tôi thấy tất cả các cuộc kiểm tra đều bình thường nên đã cầu Sư phụ làm chủ cho tôi, tôi quyết không bao giờ vào trại giam! Cuối cùng kỳ tích đã xảy ra, bác sĩ nói với Hàn Hằng Xương rằng: huyết áp 20, mạch 180, cần phải nhập viện ngay nếu không tính mạng sẽ gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào! Cảnh sát không muốn chữa trị cho tôi nên đã cho phép tôi được tại ngoại.

Khi đó, Hàn đã yêu cầu em gái tôi đặt cọc 20.000 nhân dân tệ mới được đón tôi về. Em gái tôi không có đủ tiền mặt nên chỉ giao ra 8.000 nhân dân tệ. Ba tuần sau, Hàn lại gọi điện cho em gái tôi và bảo tôi đến văn phòng cảnh sát. Tôi biết họ vẫn đang cố bức hại tôi nên tôi buộc phải chạy trốn khỏi nhà một lần nữa.

Bị bắt giữ năm 2013

Một năm sau đó, cảnh sát đã tìm ra nơi ở của tôi do điện thoại của tôi bị giám sát. Họ đã đột nhập vào nơi ở của tôi vào lúc 6 giờ sáng ngày 11 tháng 7 năm 2013 và lấy đi máy tính xách tay, 5 chiếc điện thoại di động, nhiều ổ USB flash và hơn 300 nhân dân tệ tiền mặt.

Tôi bị đưa đến trại giam huyện Kê Đông vào buổi chiều. Cùng ngày hôm đó, tôi bắt đầu tuyệt thực để phản bức hại. Vào ngày thứ tư tuyệt thực, một bác sĩ trại giam họ Lý đã dùng một miếng cao su không được khử trùng nhét thẳng vào lỗ mũi trái của tôi để bức thực tôi. Trong lúc nhét vào, tôi đau đớn không chịu nổi, nước mắt không cầm được mà chảy xuống, cảm giác buồn nôn vô cùng khó chịu.

Phải mất một lúc lâu bác sĩ mới đưa được toàn bộ ống thông vào bụng tôi. Sau đó ông ấy tiêm một lít nước muối pha với sữa bột vào dạ dày tôi. Ngay khi ông ấy rút ống nhựa ra, tôi lập tức nôn mửa. Các tù nhân tại hiện trường đều sốc khi chứng kiến cảnh tượng này.

Lần thứ hai bác sĩ Lý bức thực tôi, ông ấy vẫn giữ nguyên ống thông trong bụng để ngăn tôi nôn mửa. Mùi cao su nồng nặc trong cổ họng khiến tôi lúc nào cũng buồn nôn.

Lần thứ năm tôi bị bức thực, cả hai lỗ mũi của tôi đều đã sưng tấy nên không đưa ống thông vào được. Do nhiều lần bị bức thực nên niêm mạc mũi và niêm mạc dạ dày của tôi bị rách, khoang mũi có máu, trong đờm có máu. Bác sĩ quyết định ngừng bức thực tôi và chuyển sang truyền tĩnh mạch. Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy đau âm ỉ trong thực quản.

Vào ngày thứ chín tuyệt thực, bác sĩ đo huyết áp cho tôi và phát hiện tôi không còn huyết áp và toàn thân tôi run rẩy. Mười giờ sáng ngày hôm sau, chồng tôi là Vương Ngọc đã đến đón tôi về nhà.

5a222589866324eee9bfffafadbba578.jpg

Minh họa hình thức tra tấn: Bức thực tàn bạo

Sáng ngày 30 tháng 7 năm 2013, tôi cứ linh cảm có điều gì đó sắp xảy ra, nên đã thu dọn quần áo để chuẩn bị rời nhà đi lần nữa. Tôi vừa đi khỏi thì cảnh sát huyện Kê Đông đã xông vào nhà tôi. Vì bắt tôi không thành công nên họ đã ở bên ngoài ngôi nhà. Sau nhiều ngày không có hy vọng bắt được tôi, họ buộc chồng tôi phải dẫn đường tới nhà mẹ đẻ để tìm tôi. Chồng tôi cũng phải trả cho họ 200 nhân dân tệ tiền xăng xe đi lại và cảnh sát đe dọa sẽ bắt giữ anh ấy. Chồng tôi rất sợ hãi nên đã đưa riêng cho Hàn Hằng Xương 500 nhân dân tệ và đặt cọc 8.000 nhân dân tệ cho cảnh sát để đổi lấy việc anh được thả ra.

Mười năm sống phiêu bạt bên ngoài đã khiến tinh thần và tài chính của tôi bị tổn thất nặng nề. Vì không có giấy tờ tùy thân nên tôi rất khó tìm được việc làm hoặc thuê nhà ở. Số điện thoại của gia đình bị giám sát nên tôi không dám liên lạc với họ, càng không dám về nhà. Cái bóng của cuộc sống lang thang, trốn chạy khắp nơi vì sợ bị bắt luôn đeo bám tôi. Cuộc bức hại đang diễn ra khiến cho cha mẹ già hai bên gia đình tôi rất sợ hãi, họ phải đối mặt với áp lực từ mọi mặt. Nếu không có Đại Pháp trong tâm, tôi đã không thể tiếp tục đi được cho đến ngày hôm nay.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/8/2/463711.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/8/10/210722.html

Đăng ngày 09-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share