Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp

[MINH HUỆ 16-09-2023] Việc ngắt lời người khác trong khi trò chuyện được người thường coi là bất lịch sự. Đối với người tu luyện, mặc dù đối phương có thể không thấy phiền lòng bởi hành vi này, nhưng đó vẫn là hành vi thô lỗ, và có lẽ chúng ta nên hướng nội để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của việc muốn cắt ngang trong khi người khác đang nói.

Điều tôi muốn nói đến không phải là kiểu ngắt lời khi bạn nhớ ra điều gì đó quan trọng và cần nhanh chóng truyền đạt lại cho người khác. Điều tôi đang đề cập đến là về những người trong chúng ta thường có thói quen ngắt lời người khác trong cuộc trò chuyện. Những lúc như vậy, chúng ta có lẽ cần phải kiểm tra xem có vật chất xấu nào cần loại bỏ hay không để chúng ta có thể đề cao trong tu luyện.

Ngoài ra, vì mỗi tình huống là khác nhau nên tôi không thể đưa ra những khái quát sâu rộng về vấn đề này. Sau đây chỉ là một số nhận thức của bản nhân nhằm giao lưu với các đồng tu.

Tâm tranh đấu

Một số người cảm thấy rằng họ rất nhanh trí và có thể hiểu ngay những gì người khác đang nói, vì vậy họ thích ngắt lời để thể hiện họ “hiểu rồi” và “thông minh.” Thông thường, ngay sau khi ai đó vừa nói vài lời, những người này sẽ cắt ngang và bắt đầu chia sẻ quan điểm của riêng họ, vốn có thể hoàn toàn khác với những gì người kia định nói.

Tôi nghĩ có thể có vật chất ‘tranh đấu’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc nơi đây, trong đó người ta giành quyền kiểm soát chủ đề cuộc trò chuyện và dùng hiểu biết của mình để định nghĩa những gì mà đối phương đang nói.

Tâm hiển thị

Tâm “hiển thị” mà tôi đang nói đến bao gồm cả mong muốn “thể hiện” bản thân. Đó là dục vọng xuất sinh từ danh, lợi hoặc tình, thêm vào đó là lối suy nghĩ cho rằng bản thân có thể ngộ cao hơn và sâu sắc hơn người khác. Những người như vậy thường có tâm lý sau: “Tôi” muốn nói, “Tôi” cần nói, “Tôi” sẽ nói trước, v.v. Họ thường đặt bản thân lên trước thay vì cân nhắc đến người khác.

Họ có thể nghĩ rằng nếu họ không đưa ra quan điểm của mình thì làm sao người khác biết được họ đang nghĩ gì và biết được những trải nghiệm trong quá khứ của họ? Tôi cảm thấy sự thôi thúc muốn được người khác công nhận là một phần của tâm hiển thị và là một cách để giành được sự tín nhiệm và thu hút sự chú ý.

Từ trong Pháp chúng ta biết rằng mọi hành vi và suy nghĩ của một người tu luyện đều được ghi lại trong vũ trụ. Chúng ta không cần phải hiển thị với đồng tu bởi chư Thần và chư Phật ở tất cả các tầng thứ đang dõi theo chúng ta và biết mọi việc chúng ta làm!

Sư phụ giảng:

“Cơ điểm của quá khứ là ‘vị tư’, còn hết thảy những gì Đại Pháp tạo nên đều là không ‘chấp ngã’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003, Giảng Pháp tại các nơi IV)

Truy cầu trút bỏ cảm xúc và tâm lý bất bình

Ước muốn bày tỏ cảm xúc hoặc trút bỏ tâm lý bất bình thường xuất phát từ chấp trước vào tình, với mong muốn được quan tâm, nhận được sự cảm thông hoặc sự công nhận, v.v.

Khi ai đó có truy cầu mạnh mẽ để thể hiện bản thân theo cách này, họ có thể cần hướng nội và truy xét xem mình có bất kỳ chấp trước nào còn sót lại hay không.

Đừng hãm vào một tư duy hạn hẹp

Điểm chung của những người ích kỷ là không khoan dung và rất nhanh chóng phản đối khi nghe điều gì đó trái với quan điểm của họ. Thay vì chiểu theo Pháp lý để tu luyện bản thân, họ có xu hướng phán xét người khác dựa trên nhận thức của mình. Những người như vậy sẵn sàng ngắt lời và bày tỏ quan điểm của mình trước khi người khác nói xong. Họ không kiên nhẫn lắng nghe người khác và xem xét toàn bộ câu chuyện, thay vào đó, họ nhanh chóng đánh giá người khác dựa trên quan điểm chủ quan của bản thân.

Khi nói đến các Pháp lý, những người này có thể cho rằng câu này có ý tứ thế này, câu kia có ý tứ thế kia theo thể ngộ của riêng họ. Hậu quả là, họ có thể liễu giải sai các Pháp lý, xuyên tạc Pháp mà không nhận ra.

Một số học viên có xu hướng nói đi nói lại những việc tương tự nhau. Nếu họ cứ mãi ôm giữ cùng một nhận thức trong thời gian quá dài, có nghĩa là họ đã bị mắc kẹt ở một tầng thứ và không thể đạt được những thể ngộ sâu sắc hơn và mới hơn về Pháp.

Trên đây là một chút nhận thức tại tầng thứ sở tại của bản thân, có điều gì thiếu sót mong các đồng tu chỉ chính.

Ghi chú của Ban Biên tập: Bài viết này thể hiện nhận thức cá nhân của tác giả ở trạng thái tu luyện hiện tại, xin chia sẻ cùng quý đồng tu để chúng ta “Tỉ học tỉ tu.” (Thực Tu, Hồng Ngâm)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/9/16/465355.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/27/211510.html

Đăng ngày 28-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share