Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc đại lục

[MINH HUỆ 22-07-2023]

1. Trừ bỏ tâm hiển thị

Từ trước đến nay, vợ tôi (cũng là đồng tu) vẫn luôn “tạo ra” ma nạn giúp tôi tu luyện, tôi luôn lấy tiêu chuẩn Nhẫn của người luyện công và hướng nội tìm ở bản thân. Tôi tìm được một số nhân tâm rồi, mà vợ tôi vẫn không chịu nhượng bộ, rồi còn dồn tôi vào góc tường, tôi thực sự không chịu nổi nữa, bèn cãi nhau với cô ấy. Loại ma nạn này kéo dài rất lâu rồi mà tôi vẫn chưa tìm ra vấn đề của mình rốt cuộc nằm ở đâu, cũng biết bản thân có vấn đề nhưng không tìm ra được căn nguyên, nên tôi luôn rất khổ não.

Sư phụ thấy tôi thực sự không ngộ ra nên đã điểm hóa cho tôi. Trong đầu tôi xuất hiện một cảnh tượng: Mấy đồng tu chúng tôi đang giao lưu với nhau, thì đồng tu vợ tôi nói với một đồng tu khác: Anh ấy (tên tôi) đúng là có thể nhẫn được. Kỳ thực, cảnh tượng này đã xuất hiện nhiều lần trong hiện thực rồi mà tôi vẫn không ngộ ra. Hôm nay, tôi chợt minh bạch ra rằng chính cái tâm hiển thị cảm thấy bản thân “có thể nhẫn được” ấy đã chiêu mời ma nạn, cựu thế lực đã tóm chắc tâm hiển thị này, không ngừng lợi dụng nhân tâm chưa tu bỏ ở vợ tôi mà cưỡng ép ma nạn lên tôi. Chẳng phải ngươi hiển thị rằng ngươi có thể nhẫn đó sao? Lần này, ta sẽ cho ngươi nhẫn!

Sau khi tìm được cái tâm hiển thị rằng mình có thể nhẫn được ấy, tôi lập tức cảm thấy toàn thân nhẹ nhõm, tôi biết mình đã tìm đúng rồi. Con xin cảm tạ Sư tôn đã từ bi điểm ngộ. Từ đó trở đi, ma nạn này biến mất.

Kỳ thực, cái tâm hiển thị này thể hiện ở mọi phương diện. Hiển thị bản thân có thể nhẫn, hiển thị mình tâm tính cao, hiển thị mình học Pháp tốt, hiển thị mình có ngộ tính tốt, hiển thị mình chính niệm mạnh, hiển thị mình tu được tốt, v.v. Chính cái tâm hiển thị này đã bị cựu thế lực dùi vào sơ hở mà cưỡng ép lên tôi rất nhiều ma nạn, khiến hoàn cảnh tu luyện của tôi trở nên rất phức tạp, khiến bản thân tôi vẫn luôn tu trong ma nạn do cựu thế lực an bài mà không ý thức ra được.

Tâm hiển thị này đã khiến tôi chịu khổ rất nhiều trong tu luyện, và tôi vẫn chưa loại bỏ được kiền tịnh cái tâm này. Mấy hôm đó, tôi tĩnh tâm lại và truy tìm căn nguyên của tâm hiển thị này. Lúc này, một giấc mơ từ những ngày đầu của cuộc bức hại lại hiển hiện trong tâm trí tôi: Sư phụ đang ngồi trên ngai trắng, còn tôi đang ngồi trên tòa sen chếch phía dưới Sư phụ. Tôi nhìn thấy dưới mặt đất có mấy quả đào màu phấn hồng. Tôi thưa với Sư phụ: Con xuống hái mấy quả đào đó đem lên ạ. Sư phụ mỉm cười từ bi với tôi, đả xuất một niệm: “Con không hái xuống được đâu!” Nhưng tôi vẫn muốn xuống đó thử xem! Thế là tôi đi xuống. Tôi hái quả này không được, hái quả kia cũng không được, lại hái tiếp quả nữa mà không quả nào nhúc nhích. Tôi đến bên Sư phụ và thưa với Sư phụ: “Thưa Sư phụ, con đúng là không hái được mấy quả đào đó.” Sư phụ nhìn tôi cười.

Ngày hôm sau, tôi đến tìm đồng tu giao lưu về việc đi Bắc Kinh chứng thực Pháp, tôi liên lạc được với một số đồng tu nhưng họ không đi, cuối cùng tôi tìm được một đồng tu đồng ý đi. Nhưng đến chiều, đồng tu này lại bảo không đi nữa, còn đưa ra mấy lý do để bảo vệ bản thân, nên tôi đành một mình đến Bắc Kinh để chứng thực Pháp. Lúc ấy, tôi thể ngộ về giấc mơ đó là Sư phụ điểm ngộ cho tôi rằng đồng tu không đi được thì tôi cứ đi một mình, mà không suy nghĩ ở tầng sâu hơn. Hiện giờ, tôi đã minh bạch ra rồi, là Sư phụ đã điểm ngộ cho tôi rằng tâm hiển thị ở tôi quá mạnh. Sư phụ đã nói rồi mà tôi vẫn không tin, vẫn muốn phải tự đi thử xem, cái tâm hiển thị ấy quả là cuồng vọng tự đại, tự cho mình là đúng mà hiển thị chứ!

Tâm hiển thị này lại ẩn giấu rất sâu ở tầng vi quan, không hề dễ phát giác. Tôi đã truy tìm gốc rễ của tâm hiển thị này tại tầng thâm sâu hơn, và phát hiện rằng nó đến từ chủng nhân tố “tư” cực đoan trong cựu vũ trụ. Vì có “tư”, nên khi cái tư này không ngừng được gia cường, tôi mới sinh ra cái tâm tự cho mình là đúng. Mà cái tư sản sinh trong thời kỳ hoại của thành, trụ, hoại, diệt của vũ trụ ấy, Sư phụ giảng:

“Thương khung thành trụ tại đạo trung
Hoại thời ly đạo chúng vị kỷ”

(Thùy thức lý, Hồng Ngâm VI)

Tạm diễn nghĩa:

Thương khung vào thời thành và trụ đều ở trong Đạo
Thời hoại thì ly xa Đạo, chúng sinh chỉ [biết] vì mình

(Ai nhận ra [đạo] lý,Hồng Ngâm VI)

Tôi muốn triệt để tu khứ tâm hiển thị, nên tất phải tu khứ “tư” và trở thành sinh mệnh vị tha đến vô tư vô ngã mới được.

2. Tu khứ “tư”

Cách đây mấy hôm, vợ chồng tôi đi xe ba bánh đến nhà một đồng tu để bàn việc chứng thực Pháp. Vợ tôi bảo tôi lên nhà đồng tu một mình, còn cô ấy đợi tôi ở dưới nhà, xong thì cùng đi về, rồi hôm sau lại đến.

Vào nhà đồng tu, tôi nói rõ sự việc, đồng tu bảo đợi vài phút là xong việc, thì ngày mai đỡ phải đến. Tôi nghĩ vậy thì tốt quá, vì việc này rất cấp bách. Tôi bèn kiên nhẫn đợi đồng tu làm, nhưng cuối cùng phải mất đến mấy chục phút mới xong. Sau đó, tôi vội xuống dưới nhà tìm vợ nhưng không thấy. Tôi nghĩ: Nhất định là cô ấy tự về nhà rồi. Tôi không bắt được taxi nên đành cuốc bộ rất xa mới về đến nhà.

Về đến nhà, tôi thấy cô ấy đang nằm trên giường, vẻ bừng bừng tức giận, ngực phập phồng liên hồi. Tôi thầm nghĩ: Sao lại tức giận đến vậy chứ? Mình cũng không ngờ lúc đó đồng tu có thể làm nhanh đến thế! Đều là việc chứng thực Pháp mà, chẳng phải là càng nhanh càng tốt sao! Em cũng là người tu luyện, lẽ ra phải hiểu và ủng hộ mới đúng chứ! Sao lại không thể từ Pháp mà nhìn nhận vấn đề vậy? Tôi tìm ở bản thân thấy mình không sai! Tôi bèn coi đó là một lần cơ hội đề cao tâm tính của mình!

Một lúc sau, vợ tôi đứng bật dậy, đuổi tôi đi, cô ấy như phát khùng, không chịu bỏ qua, tôi có giải thích thế nào cũng không nghe, còn nói tôi tự tư. Tôi nghĩ: Mình cũng đâu phải vì bản thân, mà là vì để chứng thực Pháp. Sao lại nói mình lại tự tư? Tôi nghĩ mà không thông.

Trước đây cũng từng xảy ra một việc tương tự: tôi và các đồng tu về vùng nông thôn giúp các đồng tu sửa máy móc, theo kế hoạch thì trước khi trời tối là chúng tôi có thể quay về. Nhưng sau khi đến đó, lại phát sinh vấn đề ngoài dự kiến, nên rất muộn chúng tôi mới quay về được. Mỗi lần về đến nhà, cô ấy đều lớn tiếng om sòm với tôi, tôi vẫn không hiểu ra là chuyện gì nên chỉ coi đó là cơ hội để đề cao tâm tính. Tôi chỉ giải thích đơn giản một chút, cũng không tức giận.

Nhưng lần này, vấn đề tu luyện tương tự lại xuất hiện, tôi nhất định phải cẩn thận tìm ở bản thân mình, có đúng là tôi vị tư không? Sư phụ giảng:

“Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì. Do đó chư vị luyện công cần theo tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn cao hơn nữa mà yêu cầu bản thân.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi hiểu ra rồi, tôi làm việc gì cũng không suy xét đến năng lực chịu đựng của người khác mà chỉ nghĩ cho mình. Không những vậy, tôi còn luôn dùng tiêu chuẩn của mình mà áp đặt và cải biến người khác. Chẳng hạn, năng lực chịu đựng ứng với tâm tính người khác là 40 cân, tôi lại yêu cầu họ đạt tới năng lực chịu đựng 100 cân, tôi như vậy không chỉ là áp đặt mà còn đẩy đồng tu xuống. Mang theo tư tâm và nhân tâm bất hảo như vậy thì làm sao có thể chứng thực Pháp đây? Cái “tư tâm” ẩn giấu dưới hào quang của cái gọi là chứng thực Pháp này cuối cùng đã hiện nguyên hình.

Tôi chân thành xin lỗi vợ, tôi quả đã sai rồi, tôi cảm ơn vợ vì để giúp tôi tu luyện mà phải chịu đựng hết thảy. Thời khắc đó, tôi thực sự cảm nhận được cảnh giới hướng nội tìm vô điều kiện: hoàn toàn là lỗi của tôi, thậm chí tôi cũng không có khái niệm hay tư tưởng muốn đi xét xem đối phương đúng hay sai nữa, trong cảnh giới này không có nhân tố nào của đối phương, chỉ có nhận thức rằng mình sai.

Một hôm, đồng tu vợ đột nhiên làm khó tôi, nghĩ oan cho tôi thế này thế nọ, rồi nói những lời khó nghe, chế nhạo và mỉa mai tôi hết nước hết cái. Tôi nghĩ: cơ hội tu luyện lại tới rồi. Tôi không biện giải gì cả, chỉ tĩnh tĩnh tìm ở chính mình, tâm thái bình hòa. Nhưng tôi lại không có chủng tâm thái như tâm thái cảm kích vợ sau khi vượt được quan mâu thuẫn với vợ, cũng không có tâm thái phát tự nội tâm nhận rằng mình sai rồi. Tôi nghĩ: Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Nguyên nhân ở đâu? Đột nhiên tôi ý thức được, tôi cảm kích vợ sau khi vượt quan tâm tính với cô ấy là vì tôi vẫn còn nhân tố tình đối với vợ, bởi tôi còn nặng tình với vợ. Cũng chính là trong khi tôi vượt quan vẫn xen lẫn chủng nhân tố tình này vào, vậy là không thuần tịnh. Mà cái tình giữa tôi và các đồng tu người nhà khác không nặng như thế. Chỉ có tu khứ tình thì khi vượt quan mới có thể đạt được thuần tịnh, mới đạt đến tiêu chuẩn “vô tư” của tầng thứ đó!

Vậy thì, sao tôi lại không thể nhận lỗi với đồng tu vợ để đạt đến tiêu chuẩn và trạng thái mà người tu luyện nên có chứ? Tôi tìm ở chính mình xem điều gì đã trở ngại tâm tính tôi thăng hoa? Tôi thấy chính là tâm hiển thị, tâm cao ngạo, tâm giữ thể diện, tâm oán hận, tâm báo thù, và tâm đấu tranh của tôi đã cản trở tôi đề cao trong tu luyện.

3. Thể ngộ về Nhẫn

Thông qua hết thảy các việc xảy ra lần này, tôi đã có được nhận thức mới về “Nhẫn”. Tôi phát hiện ra rằng Nhẫn của tôi trong các mâu thuẫn trước đây đều có một điều kiện: Đối phương sai rồi, còn tôi phải hành xử chiểu theo yêu cầu của Đại Pháp là cần có tâm thái cao và không hành xử như đối phương, nên tôi mới Nhẫn. Giờ tôi mới minh bạch rằng cái Nhẫn đó của tôi là có điều kiện, đó là cái Nhẫn đứng trên cơ điểm tự ngã, là Nhẫn“ của tự tư, căn bản không phải là cái Nhẫn của người tu luyện Đại Pháp. Vì thế, mỗi khi mâu thuẫn đến, tôi có thể làm được đến trạng thái thoạt nhìn thì là bất động tâm, nhưng nếu mâu thuẫn căng thẳng hơn hoặc kéo dài hơn thì tôi lại không Nhẫn được vững nữa. Bởi vì cái gọi là Nhẫn không dựa trên Pháp ấy thì không vượt qua khảo nghiệm được, đó không phải là chân tu, mà là giả tu! Hiện giờ, tôi mới nhận ra rằng cái Nhẫn này phải là vô điều kiện, là vị tha, không có chút tư tâm nào trong đó. Nhẫn như thế mới là cái Nhẫn phù hợp với Pháp, mới có thể là kim cương bất động dù gặp phải bất kỳ xung kích bên ngoài nào.

Thực ra, khi người tu luyện không giữ vững được tâm tính, không thể Nhẫn được thì thông thường đều là trong tâm cảm thấy “bất bình”. Cái “bất bình” này kỳ thực chính là vì quan niệm hình thành hậu thiên “thấy mới tin” mà nhận thức sai về chân tướng sự việc. Từ Pháp, tôi nhận thức được rằng, trong vũ trụ này, căn bản là không tồn tại cái mà con người coi là “bất bình” ấy, bởi vì đặc tính căn bản của vũ trụ Chân-Thiện-Nhẫn đang chế ước hết thảy, cân bằng hết thảy, làm việc xấu thì phải chịu ác báo, làm việc tốt thì sẽ đắc phúc báo. Mỗi sinh mệnh làm điều gì thì bản thân đều phải hoàn trả, Pháp lý của vũ trụ là tuyệt đối công bình. Chúng ta là đệ tử Đại Pháp, hết thảy tội nghiệp đã tạo ra trong lịch sử cũng đều tất phải hoàn trả! Nhưng chúng ta may mắn có Sư phụ từ bi vĩ đại, Sư phụ đã thay đệ tử hoàn trả đại bộ phận nợ nghiệp, gánh chịu thay cho đệ tử, chỉ lưu lại một chút dùng để chúng ta đề cao. Hết thảy những gì chúng ta gặp phải đều là an bài để chúng ta tu luyện. Minh bạch được đạo lý này thì chúng ta còn có gì bất bình đây? Mỗi khi gặp mâu thuẫn, chúng ta hãy nghĩ đến Sư phụ nhiều hơn thì sẽ có thể Nhẫn qua được, có thể thiện đãi những người gây mâu thuẫn cho chúng ta. Như thế, cái Nhẫn này là thiện ý, là lý ngộ ra pháp lý của vũ trụ, là từ bi, lý giải, và khoan dung đối với sinh mệnh. Cái Nhẫn này bao hàm Thiện.

Là một lạp tử của Đại Pháp, duy hộ Đại Pháp là trách nhiệm tối căn bản của sinh mệnh chúng ta. Vì vậy, cho dù gặp phải xung kích gì, chúng ta đều cần phải làm được kim cương bất động mới được, chúng ta cần phải đạt đến vì để duy hộ Đại Pháp mà xả tận hết thảy của bản thân. Đây là cảnh giới của Nhẫn mà tôi nhận thức được ở cảnh giới hiện tại của tôi. Cái Nhẫn này vừa là lý tính, là có tiêu chuẩn của Pháp, Nhẫn không phải là sự dung túng vô độ đối với những sinh mệnh muốn phá hoại Đại Pháp mà không thể cứu được nữa, mà là để duy hộ Đại Pháp thì cần thanh trừ những sinh mệnh muốn phá hoại Đại Pháp không thể cứu kia. Vì vậy, trong cái Nhẫn này bao hàm Chân, là lý tính.

4. Tu tâm là then chốt

Qua sự việc xảy ra lần này, tôi còn phát hiện ra một vấn đề ẩn rất sâu trong tu luyện của mình: trong quá tình tu luyện loại bỏ tâm sắc dục, tôi vẫn cứ quanh quẩn ở tiểu đạo. Vì để loại bỏ chấp trước này, tôi thường cẩn thận những điều nhỏ nhặt. Một biểu hiện thân mật của vợ, tôi cũng rất cảnh giác, và tìm cách “tránh né” đủ kiểu. Tôi cho rằng sự thân mật giữa tôi và vợ chính là tâm sắc dục chưa bỏ, không được như vậy.

Tôi nhớ rõ lần đầu tiên đọc bài thơ “Từ bi đại quá ái” (Từ bi lớn hơn cả tình yêu), “Học viên đích tư niệm” (Tâm tư của học viên), “Bất đắc dĩ”, và các bài thơ khác trong Hồng Ngâm V và Hồng Ngâm VI của Sư phụ, tôi “không lý giải được”. Tôi mãi chưa tìm được nguyên nhân đằng sau sự không lý giải được này là gì. Đến hôm nay, tôi mới minh bạch ra, trong quá trình tu khứ tâm sắc dục, tôi đã vô hình trung đặt ra cho mình rất nhiều cái khung cố định, những cái khung đó giống như “giới luật” vô hình ước thúc tôi, chứ tôi chưa thực sự hạ công phu từ nội tâm mà tu, cho rằng giữ vững những giới luật đó chính là đang tu tâm sắc dục rồi, vô hình trung đi vào con đường tu luyện tiểu đạo. Đằng sau cái “không lý giải được” ấy của tôi chính là những “giới luật” này mà ra, chứ không phải là tự kỷ chân chính. Trong tu luyện, tôi chỉ nhìn vào biểu hiện hữu hình, chứ không bước trên con đường tu luyện đại đạo vô hình mà Sư phụ an bài cho tôi, nghĩa là tôi vẫn chưa tu trong Pháp, vì thế tu bỏ ma tâm sắc dục này rất gian khổ.

Là người tu luyện, chúng ta cần nghĩ cho người khác, cảm thông với người khác. Tôi đối đãi với vợ như vậy, trong tâm cô ấy có thể thoải mái không? Tôi không thể dùng tiêu chuẩn của bản thân để yêu cầu người khác, tôi cần phải đứng ở góc độ của đối phương mà nhìn nhận vấn đề mới được. Minh bạch được điểm này, tôi cảm thấy tôi chưa lý giải tốt pháp lý “đại đạo vô hình”, chỉ đặt công phu vào biểu hiện hữu hình. Vô hình trung đã khiến vợ tôi bị tổn thương rất nhiều. Thời khắc đó, tôi thể ngộ được rằng bộ Đại Pháp vũ trụ mà Sư phụ truyền đây thực sự là cao đức Đại Pháp! Đối với bất kỳ sinh mệnh nào đều là từ bi, đều là viên dung.

Nếu chúng ta thực sự làm tốt theo Pháp lý đại đạo vô hình mà Sư phụ giảng, làm gì cũng nghĩ cho người khác, gặp vấn đề thì tu tâm của chính mình. Như vậy sự từ bi và viên dung của Đại Pháp đối với sinh mệnh sẽ triển hiện xuất lại, sinh mệnh sẽ thấy được, cảm nhận được sự mỹ hảo vô cùng của Đại Pháp. Nhưng tôi chưa làm tốt, tất cả đều là do bản thân tôi tu luyện còn thiếu sót mà thành! Sư phụ đã ban cho chúng sinh Đại Pháp tốt đẹp và thần thánh như vậy, nhưng vì tôi tu luyện chưa đạt mà làm khuyết thiếu, thậm chí là hiểu sai, tôi đã cô phụ kỳ vọng của Sư phụ!

Tôi bắt đầu nghĩ đến cảm thụ của vợ, không tránh né nữa, tôi chỉ từ chính nội tâm mình mà tu bỏ tâm sắc dục, chứ không làm tổn thương vợ. Tôi phát hiện ra lúc này tâm sắc dục được loại bỏ vô cùng nhanh, bởi tôi đã ở trong Pháp. Tôi cảm thấy vợ chồng tôi khi ở bên nhau thì chính là hai trái tim ở bên nhau, không tồn tại hình thể. Làm việc gì tôi cũng nghĩ cho cô ấy, cô ấy nghĩ cho tôi, đều là nghĩ cho nhau. Những niệm đầu sắc dục kia trở nên rất yếu, thậm chí tôi còn cảm thấy loại niệm đầu đó rất dơ bẩn. Tôi cảm thấy khi chúng tôi cùng nhau thực sự thể hội được rằng Đại Pháp đã mang lại cho chúng tôi hạnh phúc chân chính ở cảnh giới cao, cuộc sống thực sự rất mỹ hảo.

Kỳ thực, pháp lý đại đạo vô hình quán xuyên mọi phương diện tu luyện của chúng ta, một khi chúng ta coi trọng hình thức mà coi nhẹ việc tu tâm thì sẽ dễ đi sang cực đoan, sẽ không phù hợp với yêu cầu của pháp lý đại đạo vô hình. Chẳng hạn, khi làm các việc cứu độ chúng sinh hay hạng mục chứng thực Pháp, nếu như chúng ta quá xem trọng bản thân công việc và hạng mục, mà coi nhẹ việc tu chính mình và đề cao chính mình trong quá trình đó thì chính là đang không bước trên con đường tu luyện Đại Pháp Đại Đạo vô hình. Bởi vì “Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân), chân chính cứu độ chúng sinh là Sư phụ, chúng ta chỉ là trong quá trình đó mà đề cao bản thân và đồng hóa với Đại Pháp mà thôi.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/22/463189.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/10/5/212359.html

Đăng ngày 23-10-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share