Bài viết do Tân Sơn biên tập

[MINH HUỆ 19-06-2016] Đối với những vấn đề vô nguyên tắc hoặc vì lợi ích cá nhân, khi gặp phải sự sỉ nhục, ngôn từ công kích kịch liệt, có thể nhẫn mà không phản ứng, ứng xử bình thản là một loại đại trí tuệ; giữ tâm thái bình hòa, khoan dung độ lượng đối mặt với ý kiến và phê bình của người khác.

Tiếp theo Phần 1)

Chu Du “nhã lượng cao trí”, “tính độ khôi khuếch” – sử xanh lưu danh thơm

Chu Du đối xử với mọi người khiêm cung, hợp lễ. Mặc dù Tôn Quyền coi Chu Du như huynh trưởng, nhưng Chu Du chưa bao giờ kể công, tự phụ, mà cung kính phụng sự Tôn Quyền, luôn luôn chiếu theo lễ quân thần mà đối đãi, hết lòng trung thành với Tôn gia. Chu Du đối đãi với mọi người cũng vô cùng thân thiện, bởi vậy, dân chúng Dương Châu đều dùng cách xưng hô với nam nhân bình thường mà gọi Tôn Sách và Chu Du là Tôn Lang và Chu Lang.

Trần Thọ trong “Tam Quốc Chí” tán dương Chu Du là “Tính độ khôi khuếch, đại suất vi đắc nhân” (tạm dịch: Tính cách khoáng đạt, đại khái có thể thu phục lòng người). Chu Du từ nhỏ đã có tài có học, vóc dáng cao lớn, dung mạo đẹp. Với tấm lòng rộng mở, khiêm tốn phục tùng người khác, ông được mọi người trong quân Ngô đều xem là bạn. Duy chỉ có Trình Phổ vì khá lớn tuổi hơn nhưng lại ở dưới trướng nên trong tâm không phục, vì thế mà nhiều lần vũ nhục Chu Du. Vậy mà Chu Du lần nào cũng dung nhẫn, khiến Trình Phổ cũng bắt đầu tự thay đổi cách nhìn Chu Du mà rằng: “Dữ Chu Công cẩn giao, như ẩm thuần lao, bất giác tự túy” (tạm dịch: Kết giao với Chu công, như cùng uống rượu ngon nồng đậm, tự say lúc nào không biết). Theo ghi chép trong “Tam Quốc Chí”, trong trận chiến Xích Bích trứ danh, Chu Du cùng Trình Phổ, Hoàng Cái và những người khác đã đồng tâm hiệp lực, cuối cùng giành thắng lợi trong trận chiến. Tô Thức trong “Niệm nô kiều, Xích Bích hoài cổ” đã ca ngợi Chu Du là “Vũ phiến luân cân, đàm tiếu gian, tường lỗ hôi phi yên diệt” (tạm dịch: tay cầm quạt lông vũ, đầu đột khăn lụa xanh, trong lúc nói cười mà thuyền giặc tan thành tro bay thành khói).

Đối mặt với sự sỉ nhục của Trình Phổ, Chu Du luôn lấy việc đại cục làm trọng, không tính toán so đo với Trình Phổ, mà nhẫn nhịn hết lần này đến lần khác, Trình Phổ cuối cùng bị Chu Du cảm hóa. Trong trận chiến Xích Bích sau đó, Trình Phổ phối hợp cùng Chu Du, cùng với các đại tướng khác của Đông Ngô đã giành được thắng lợi trong trận chiến Xích Bích. Từ ví dụ này, chúng ta có thể thấy rằng, gặp chuyện thì nhẫn nhượng sẽ có thể cảm hóa binh khí thành bạch ngọc, khi đối diện với mâu thuẫn xung đột thì dĩ hòa vi quý, bao dung người khác, lấy tấm lòng khoan dung rộng lượng mà thản nhiên đối đãi. Sách “Luận Ngữ” giảng: “Quân tử chi đạo, trung thứ nhi dĩ” (tạm dịch: Đạo của người quân tử chỉ có trung thành và tha thứ mà thôi). Trong đối nhân xử thế thì việc nhẫn nhượng, bao dung là phi thường trọng yếu.

Tiểu thuyết diễn nghĩa, các câu chuyện trong hí khúc, hí kịch đều là những sáng tác nghệ thuật, chứ không phải lịch sử. Trong chính sử Trung Quốc, Chu Du là “nhã lượng cao trí” (nhã nhặn – rộng lượng – cao thượng – trí tuệ), “tính độ khôi khuếch” (tính cách khoáng đạt); đây mới là diện mạo chân thực của Chu Du. Mỹ đức và công lao thành tựu của ông được đời đời truyền tụng.

(Còn nữa)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2016/6/19/330216.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/27/210067.html

Đăng ngày 20-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share