Bài viết do Tân Sơn biên tập

[MINH HUỆ 18-06-2016] Trong “Lưu Hầu Luận” của Tô Thức có một đoạn miêu tả như thế này: “Cổ chi sở vị hào kiệt chi sĩ, tất hữu quá nhân chi tiết. Nhân tình hữu sở bất năng nhẫn giả, thất phu kiến nhục, bạt kiếm nhi khởi, đĩnh thân nhi đấu, thử bất túc vi dũng dã. Thiên hạ hữu đại dũng giả, thốt nhiên lâm chi nhi bất kinh, vô cố gia chi nhi bất nộ. Thử kì sở hiệp trì giả thậm đại, nhi kì chí thậm viễn dã.”

Ý tứ của đoạn này là thời cổ đại, những người được gọi là anh hùng hào kiệt thì nhất định có tiết tháo và độ lượng hơn người, nhẫn chịu được những thứ mà người bình thường không thể nhẫn chịu được. Người hữu dũng vô mưu khi bị vũ nhục thì nhất định sẽ tuốt kiếm bật dậy tranh đấu, nhưng như vậy chưa đủ gọi là dũng sỹ. Người hào kiệt khí khái chân chính trong thiên hạ, đột nhiên gặp chuyện thì không kinh hãi, hoảng sợ, khi bị người khác vũ nhục vô cớ thì không tức giận. Đó là bởi vì họ mang trong mình hoài bão cực to lớn, có chí hướng cao xa phi thường.

Đối với những vấn đề vô nguyên tắc hoặc vì lợi ích cá nhân, khi gặp phải sự sỉ nhục, ngôn từ công kích kịch liệt, có thể nhẫn mà không phản ứng, ứng xử bình thản là một loại đại trí tuệ; giữ tâm thái bình hòa, khoan dung độ lượng đối mặt với ý kiến và phê bình của người khác. “Nhẫn một lát gió yên sóng lặng. Lùi một bước biển rộng trời trong.” Nhẫn cũng không dễ mà làm được, nhưng khi gặp trở ngại trong đời, khi bị vũ nhục khuất nhục, khi đối mặt với vinh nhục, được mất, mà vẫn bình tĩnh thong dong, khoan nhẫn, độ lượng mà lý trí ứng đối, thì thường sự việc sẽ xuất hiện chuyển biến, sẽ mở ra một cảnh tượng khác. Nhẫn là phương cách tốt để tránh họa tu phúc. Chúng ta hãy cùng xem các ghi chép lịch sử có liên quan trong các điển tích sau đây.

Lưu Sư Đức phẩm đức khoan dung, nhân hậu

Em trai của Lâu Sư Đức đời Đường được bổ nhiệm làm thứ sử Đại Châu, trước khi rời đi, Lâu Sư Đức hỏi: “Ta làm tể tướng, đệ cũng đảm nhiệm châu mục [chức quan đứng đầu một châu tương đương với một tỉnh thời nay], gia đình chúng ta quá vinh hạnh, quá được sủng ái, sẽ khiến người ta tật đố, phải làm sao mới có thể bảo toàn tính mạng đây?” Người em nói: “Sau này, dù có người nhổ nước bọt vào mặt đệ, đệ cũng không dám đáp trả, lau nước bọt đi là được rồi, tuyệt đối sẽ không để huynh phải lo lắng.” Lâu Sư Đức đáp: “Đây lại chính là điều ta lo lắng nhất. Người ta nhổ nước bọt vào mặt đệ, là tức giận với đệ. Đệ lau nước bọt đi là nói rõ đệ bất mãn, sẽ khiến người ta càng thêm tức giận. Đệ nên mỉm cười chịu nhận, để nước bọt không lau mà tự khô.” Sau này, “thóa diện tự can” (để cho người khác nhổ vào mặt rồi tự khô) đã trở thành câu thành ngữ để ví với tình huống bị vũ nhục mà vẫn nhẫn nại cực độ, tuyệt đối không phản kháng.

Lâu Sư Đức từng tiến cử Địch Nhân Kiệt làm tể tướng. Địch Nhân Kiệt nhậm chức tể tướng rồi, vẫn không biết điều đó, còn nhiều lần bài xích Lâu Sư Đức, đẩy Lâu Sư Đức đi nhậm chức ở nơi khác. Võ Tắc Thiên hỏi Địch Nhân Kiệt: “Lâu Sư Đức có hiền minh không?” Địch Nhân Kiệt đáp: “Ông ấy đảm nhận vị trí tướng lĩnh, cẩn thận giữ đúng chức trách, còn có hiền minh hay không thì thần cũng không biết.” Võ Tắc Thiên lại hỏi: “Lâu Sư Đức có biết nhìn người chăng?” Địch Nhân Kiệt đáp: “Thần từng là đồng liêu [cùng cấp] với ông ấy, nhưng chưa bao giờ nghe nói ông ấy biết nhìn người.” Võ Tắc Thiên đáp: “Ta dùng ngươi làm tể tướng, chính là do Lâu Sư Đức tiến cử đó, xem ra ông ấy đúng là biết nhìn người.” Sau đó, Võ Tắc Thiên lấy ra tấu chương mà Lâu Sư Đức đã tiến cử. Địch Nhân Kiệt hổ thẹn, thở dài nói: “Lâu Công phẩm đức sâu dày quá, ta được ông ấy đối đãi khoan dung mà không biết, ta thật kém ông ấy quá xa!”

Trình Di, một học giả trứ danh thời nhà Tống, từng nói: “Nhẫn sở bất năng nhẫn, dung sở bất năng dung, duy thức lượng quá nhân giả năng chi” (tạm dịch: Nhẫn những việc không thể nhẫn, dung thứ những việc không thể dung thứ, chỉ có người biết độ lượng với người khác mới có thể làm được). Lâu Sư Đức độ lượng, khoan dung, nhân hậu, có thể “Thóa diện tự can” (để cho người khác nhổ vào mặt rồi tự khô), công phu nhẫn của ông thật thâm hậu phi thường. Là tể tướng và danh tướng của triều đại nhà Đường, Lâu Sư Đức đã lấy phẩm cách cao thượng là cẩn thận và nhẫn nhượng mà đi vào sử sách.

(Còn nữa)

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2016/6/18/330131.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/6/26/210054.html

Đăng ngày 15-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share