Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-07-2023] Trong thời gian thụ án oan sai vì kiên định đức tin của mình, ông Vương Vĩnh Hưng (cư trú ở huyện Vi Trường, tỉnh Hà Bắc) đã bị tra tấn đến mức phải cấp cứu hồi sức ở trong bệnh viện.

Ông Vương Vĩnh Hưng bị bắt cùng với 12 cư dân địa phương khác vào ngày 13 tháng 7 năm 2019, trong khi đang học Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Ông bị đưa ra xét xử vào ngày 28 tháng 9 năm 2020 và bị kết án 4 năm tù và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ vào ngày 30 tháng 10 năm 2020. Không lâu sau khi bị kết án oan sai, ông bị chuyển đến Nhà tù Ký Đông ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc.

Ông Vương ốm nặng vì ngược đãi ở trong tù và được đưa đến Bệnh viện Hiệp Hòa ở thành phố Đường Sơn. Ông được xuất viện vào chiều ngày 1 tháng 7 năm 2023 và đưa thẳng trở lại nhà tù. Không rõ liệu ông có còn đang được chăm sóc y tế ở trong nhà tù hay không.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Vương phải cấp cứu hồi sức trong khi bị giam cầm chỉ vì đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Sự việc tương tự đã từng xảy ra vào năm 2011, khi ông đang chấp hành bản án 1 năm lao động cưỡng bức.

Bị tra tấn trong 1 năm lao động cưỡng bức

Ông Vương từng bị xơ cứng động mạch não, đau lưng, đau chân, đau dạ dày và các bệnh khác. Ông phải uống thuốc quanh năm và không thể làm những công việc nặng nhọc. Tuy nhiên, bệnh tật của ông đã biến mất sau khi ông tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 và ông luôn tràn đầy năng lượng.

Khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu 1 năm sau đó, ông Vương luôn kiên định với đức tin của mình và liên tục trở thành mục tiêu bức hại của chính quyền.

Trong khi đi làm công ở huyện Khai Lỗ, Nội Mông Cổ, vào năm 2011, ông đã nói với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công mỗi khi rảnh rỗi. Có người đã trình báo ông với cảnh sát và ông bị bắt vào ngày 11 tháng 9 cùng năm. Người của Đội An ninh Nội địa huyện Khai Lỗ đã giam ông ở trong Trại tạm giam huyện Khai Lỗ hơn 1 tháng trước khi đưa ông đến Trại Lao động Cưỡng bức Đồ Mục Cát (thành phố Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ) để chấp hành bản án 1 năm lao động cải tạo. Họ phân ông vào Trung đội 2 của Đại đội 1.

Tại đây, ông Vương bị cưỡng bức dệt ghế ô tô và đệm lưng trong nhiều giờ đồng hồ mà không được trả công. Kết quả là, sức khỏe của ông giảm sút và được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp và viêm phế quản trong đợt khám sức khỏe định kỳ 2 năm 1 lần của trại lao động.

Tối ngày 25 tháng 12 năm 2011, ông Vương từ chối hát một bài hát theo yêu cầu và bị đội trưởng Vương Di Bình đấm rất mạnh vào thái dương khiến ông bất tỉnh ngay lập tức. Trong khi ông Vương đang nằm bất tỉnh trên mặt đất, đội trưởng Vương đã dùng giày quân đội đá vào đầu ông, đồng thời hét lên: “Tôi có đánh chết ông thì cũng chẳng sao hết”.

Đội trưởng Vương sau đó ra lệnh cho hai tù nhân kéo ông Vương trở lại phòng giam của ông. Khoảng 3 hoặc 4 tiếng sau, tù nhân báo cáo rằng ông Vương sắp chết và chỉ khi đó đội trưởng Vương mới đưa ông đến bệnh viện.

Vợ ông Vương là một người khuyết tật và chỉ có một cánh tay. Bà đã phải vật lộn kiếm sống trong thời gian ông bị giam giữ. Mẹ ông qua đời ở tuổi 78 trước khi ông được trả tự do vào ngày 9 tháng 9 năm 2012.

Vụ bắt giữ theo nhóm năm 2019

Ông Vương bị bắt cùng với 12 học viên khác vào ngày 13 tháng 7 năm 2019 khi đang cùng nhau học các bài giảng của Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát hầu hết nhà của họ vào ngày hôm sau và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy tính và máy in của họ.

Mặc dù Viện Kiểm sát huyện Luân Bình đã trả hồ sơ của các học viên cho cảnh sát do không đủ bằng chứng vào tháng 11 năm 2019, nhưng cảnh sát đã từ chối trả tự do cho học viên và nộp lại hồ sơ của họ 1 tháng sau đó.

Trước khi truy tố họ vào ngày 19 tháng 1 năm 2020, công tố viên Bào Chấn Hiền đã nói với luật sư của một học viên rằng: “Anh nói với tôi chỉ phí thời gian. Có tác dụng gì đâu. Tôi đã đọc quá nhiều tài liệu chân tướng về Pháp Luân Công. Tôi biết họ đều là người tốt. Anh hãy cứ bào chữa cho họ theo cách anh muốn trước tòa. Thực ra, tôi biết quá rõ những gì anh định nói. Nhưng dù anh có biện hộ cho họ như thế nào, chúng tôi vẫn sẽ tuyên án họ theo chỉ thị từ cấp trên”.

Một thẩm phán cũng đã cố gắng để luật sư của các học viên gây áp lực buộc họ từ bỏ đức tin của mình trước phiên xét xử. Ông ta đe dọa sẽ tuyên án nặng các học viên hoặc yêu cầu nơi làm việc sa thải họ hoặc các thành viên trong gia đình họ.

Trong phiên điều trần chung vào ngày 28 tháng 9 năm 2020, tất cả 13 học viên bị đưa vào phòng xử án đều trong tình trạng bị còng tay và xích chân. Các chấp hành viên ở tòa đã tháo còng tay và xích chân theo yêu cầu của luật sư.

Chỉ có em gái của bà Vương Hải Cần được phép đích thân tham dự phiên tòa vì cô sẽ bào chữa cho chị mình trước tòa. Các học viên còn lại mỗi người chỉ có một thành viên trong gia đình được xem đoạn video về buổi điều trần trong một căn phòng khác.

Hai luật sư của bà Vương và chồng bà là ông Lưu Chí Phong đã tự bào chữa vô tội cho mình. Chín luật sư khác đại diện cho các học viên khác đã nhận tội thay cho thân chủ của họ. Hai vợ chồng học viên và ông Vương Vĩnh Hưng cũng đã tự biện hộ cho mình.

Họ lập luận rằng bản thân không vi phạm bất kỳ điều luật nào khi tu luyện Pháp Luân Công hoặc cố gắng trở thành một người tốt bằng cách tuân theo tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” của Pháp Luân Công.

Thẩm phán đã kết án tất cả 13 học viên vào khoảng ngày 30 tháng 10 năm 2020.

Ông Lưu Chí Phong bị kết án 6 năm tù và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ;
Ông Vương Quảng Học bị kết án 5 năm tù và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ;
Ông Vương Quảng Học và bà Vương Hải Cần mỗi người bị kết án 4 năm tù và phạt tiền 10.000 nhân dân tệ;
Ông Trần Hải Đông, bà Vương Tố Phương và bà Đỗ Quế Lan mỗi người bị kết án 1 năm 8 tháng tù và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ;
Bà Qua Tố Phân bị kết án 1 năm 6 tháng tù và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ;
Bà Lý Diễm Hoa bị kết án 1 năm 3 tháng tù với 2 năm quản chế và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ;
Bà Lưu Lệ Na, bà Vương Hải Băng, bà Thang Phượng Hà và bà Lưu Phượng Hà mỗi người bị kết án 1 năm 2 tháng tù với 2 năm quản chế và phạt tiền 5.000 nhân dân tệ.

Bài liên quan:

Mười ba người dân Hà Bắc đối mặt với án tù chỉ bởi họ đọc sách cùng nhau

Công tố viên Hà Bắc đe dọa sẽ kết án các học viên Pháp Luân Công mặc cho các luật sư cố gắng bảo vệ họ

Mười ba người dân Hà Bắc đối mặt với việc bị xét xử

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/7/3/462579.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/8/210216.html

Đăng ngày 09-08-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share