Bài viết của Ý Đức

[MINH HUỆ 26-03-2023] Người Trung Quốc xưa đạo đức cao thượng, họ đề cao hạnh phúc của người khác hơn là lợi ích vật chất của bản thân. Các hiệu thuốc thời đó thường treo câu đối: “Đãn nguyện thế gian nhân vô bệnh, hà tích giá thượng dược sinh trần” (tạm dịch: Chỉ mong người đời không có bệnh, thuốc yên trên giá bụi phủ có tiếc chi.) Nhưng tình hình ở Trung Quốc ngày nay gần như ngược lại, khi mục tiêu cuối cùng của ngành y tế là tăng doanh thu bằng cách tăng số ca nhập viện, nhân viên bệnh viện ăn mừng khi số bệnh nhân gia tăng.

Lấy ba bệnh viện ở tỉnh Quảng Đông làm ví dụ.

Vào tháng 11 năm 2012, một biểu ngữ lớn bên ngoài Bệnh viện Thành phố Ngô Xuyên ở tỉnh Quảng Đông tuyên bố: “Chúc mừng bệnh viện đã tiếp nhận hơn 40.000 bệnh nhân nội trú trong năm 2012.”

Tháng 2 năm 2020, Bệnh viện Thành phố Thâm Quyến, cũng ở Quảng Đông, đã công bố một bài báo trực tuyến có tiêu đề “Nhiệt liệt chúc mừng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực đã vượt 1.000 ca phẫu thuật vào năm 2020.”

Ngày 26 tháng 1 năm 2022, Bệnh viện Khang Hoa ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, trong buổi họp mặt thường niên của bệnh viện, đã treo một biểu ngữ có nội dung: “Bạn có thể nhận tiền ở bất cứ đâu trong phòng phẫu thuật.”

Những điều như vậy đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Một số phương tiện truyền thông đã đưa tin rằng, ở đại lục, nhiều bác sỹ thích kê đơn cho người bệnh dùng “ba món ăn và một món súp”, trong đó “ba món ăn” bao gồm kháng sinh, vitamin, và hormone, còn “một món súp” là chỉ tiêm tĩnh mạch. Báo chí cũng phơi bày một tình trạng mờ ám khác trong bệnh viện, nhiều bác sỹ trong quá trình chẩn đoán bệnh thường bỏ qua các bước cơ bản, vội vàng đề xuất các xét nghiệm hay liệu trình rủi ro cao để lấy thêm tiền của bệnh nhân.

Ví dụ như, chẩn đoán một vấn đề về ngực thường có năm bước. Bước đầu tiên và quan trọng nhất là kiểm tra sức khỏe tiền sử của bệnh nhân. Bước thứ hai là quan sát, sờ và nghe: tìm dấu hiệu vàng da hoặc thiếu máu, chạm vào vùng ngực và bụng để tìm dấu hiệu bất thường và nghe bằng ống nghe. Bước thứ ba là các xét nghiệm cơ bản, như điện tâm đồ (ECG) và chụp X-quang ngực, để có được những thông tin có giá trị với chi phí thấp. Bước thứ tư bao gồm các kiểm tra phụ trợ không xâm lấn, như kiểm tra trên máy chạy bộ và siêu âm tim (có thể tốn kém gấp 10 lần so với ECG bình thường). Cuối cùng, bệnh nhân phải thực hiện các cuộc kiểm tra xâm lấn và tốn kém như chụp CT và chụp động mạch vành (đắt hơn khoảng 10 lần so với siêu âm tim ở Trung Quốc).

Tuy nhiên, một số bác sỹ không quan tâm đến tất cả các bước. Sau khi hỏi vài câu, họ chuyển thẳng sang bước thứ năm trong khi vẫn yêu cầu chụp CT và siêu âm tim để kiếm thêm thu nhập. Điều này không chỉ làm tăng gánh nặng tài chính của bệnh nhân mà còn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Nhật báo Thanh niên Trung Quốc đưa tin rằng một bệnh nhân phải tiếp xúc với bức xạ cao gấp 750 lần khi chụp CT so với chụp X-quang ngực. Đối với những người trẻ tuổi,đặc biệt là phụ nữ trẻ, không cần các xét nghiệm như vậy, điều đó không chỉ không cần thiết mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư suốt đời.

Tình trạng yêu cầu các xét nghiệm không cần thiết, kê đơn thuốc bất hợp lý, cũng như lạm dụng việc sử dụng thuốc tiêm và thiết bị y tế là phổ biến ở Trung Quốc và đang diễn ra ở hầu hết các bệnh viện. Đại thể là, các vấn đề sức khỏe nhỏ sẽ được coi là vấn đề lớn, trong khi các bệnh cấp tính được coi là bệnh mãn tính. Một ca phẫu thuật đơn giản có thể tốn hàng ngàn, thậm chí hàng chục, hàng trăm ngàn nhân dân tệ. Nhiều bệnh viện đặt lợi ích của mình lên trên mạng sống của bệnh nhân.

Đó là một thực trạng đáng buồn. Chúng ta có thể tìm đâu được những bác sỹ tốt ở Trung Quốc? May mắn thay, trong xã hội vẫn còn vẫn còn một dòng suối trong lành, nơi đó có các bác sỹ tận tâm vì người khác, họ cũng là các học viên Pháp Luân Công, một pháp môn thiền định dựa trên nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Dưới đây là một số câu chuyện về họ.

Bác sỹ “từ chối nhận phong bì”

Vào tháng 7 năm 2011, trang Minh Huệ đã đăng một bài viết về một bệnh nhân tại một bệnh viện ở Trung Quốc, qua kiểm tra người này được chẩn đoán bị thủng dạ dày, dính ruột và ung thư trực tràng, đều là những bệnh hết sức nguy hiểm. Vì muốn bảo toàn tính mạng cho bệnh nhân, gia đình người bệnh đã ấn 1.000 nhân dân tệ vào tay bác sỹ phẫu thuật chính và vị bác sỹ nói không nhận. Gia đình nhất quyết không chịu, đẩy tới đẩy lui, cuối cùng bác sỹ phẫu thuật đành cầm số tiền và lặng lẽ rời đi. Ca phẫu thuật rất thành công. Ngày bệnh nhân được xuất viện, bác sỹ phẫu thuật đã lấy ra một biên lai đặt cọc 1.000 nhân dân tệ và nói với người nhà bệnh nhân: “Các vị đã đưa cho tôi 1.000 nhân dân tệ, đây tôi đưa lại cho các vị biên lai 1.000 tệ tiền đặt cọc nhập viện. Tôi là một học viên Pháp Luân Công, vậy nên tôi không thể nhận phong bì của bệnh nhân.“ Người nhà bệnh nhân vô cùng xúc động, giờ tìm đâu ra những người không muốn nhận tiền?

Việc các học viên Pháp Luân Công từ chối nhận “phong bì” là điều khá phổ biến. Bác sỹ Vương Kiến Sinh nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế Cục Truyền thông Thành phố Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào cuối năm 1995. Ông nghiêm khắc chiểu theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn để yêu cầu chính mình.

Mọi người đều biết việc các công ty dược phẩm đưa hối lộ để thúc đẩy doanh số bán sản phẩm của họ là điều rất phổ biến. Tuy nhiên, các đồng nghiệp của ông đã nói với tất cả các đại lý của các công ty dược phẩm này rằng: “Các vị không cần phải đưa phong bì. Bác sỹ Vương sẽ không nhận chúng vì ông ấy là một học viên Pháp Luân Công.” Trong vòng 10 năm qua, mỗi năm bác sỹ Vương đã nộp lên cấp trên hơn 48.000 nhân dân tệ tiền chiết khấu giá thuốc. Nếu ông không tu luyện, các khoản giảm giá đó nghiễm nhiên sẽ vào túi ông. Và cũng nhờ tu luyện Đại Pháp, có tâm Pháp ước thúc bản thân, chắc chắn bác sỹ Vương sẽ không kê đơn một cách bừa bãi cho bệnh nhân của mình.

Một thẩm phán và một bác sỹ phụ khoa

Dưới đây là câu chuyện mà Minh Huệ nhận được từ một bác sỹ phụ khoa ở tỉnh Quảng Tây gửi đến.

Một ngày tháng 8 năm 2007, một nữ thẩm phán kinh tế 42 tuổi đến gặp tôi để khám bệnh. Cô cho biết kinh nguyệt của cô kéo dài đã gần hai tháng, cô đã đi thăm khám nhiều nơi, cũng đã uống nhiều loại thuốc nhưng không có kết quả, cô rất đau đớn. Khi khám cho cô ấy, tôi phát hiện thấy một khối u nhỏ trong đường sinh sản của cô ấy, đó chính là nguyên nhân gây ra việc rong kinh. Tôi lập tức tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u cho cô ấy, sau đó máu liền ngừng chảy. Vị thẩm phán rất cảm kích và quyết định đưa cho tôi một phong bì để cảm ơn, nhưng tôi đã lịch sự từ chối và nói với cô ấy: “Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Tôi không thể nhận phong bì của cô. Sư phụ Lý Hồng Chí dạy chúng tôi tuân theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn để làm người tốt.”

Nữ thẩm phán thấy tôi nói vậy liền sững người hỏi: “Anh là một học viên Pháp Luân Đại Pháp sao?” Tôi nói: “Vâng, tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp.” Tôi mỉm cười và hỏi lại cô ấy rằng “Cô là thẩm phán, cô nói xem tu luyện Pháp Luân Công để trở thành người tốt có gì sai không? Tự do tín ngưỡng thì có phạm pháp không?. Vị thẩm phán mỉm cười và nói: “Tôi vẫn chưa biết liệu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp có sai hay không. Tuy nhiên, luật pháp quy định tự do tín ngưỡng là hợp pháp. Những hành vi của anh đủ cho tôi thấy những người tu luyện Pháp Luân Công nhất định là người tốt”. Rồi cô ấy bảo cô ấy có việc phải đi, nhưng lần tới cô sẽ đến để trò chuyện với tôi. Một ngày nọ, tôi đã đưa cho cô ấy một số tài liệu chân tướng và một đĩa DVD có thông tin về Pháp Luân Đại Pháp, và dặn cô ấy mang chúng về nhà và đọc kỹ xem. Cô ấy vui vẻ nhận lời.

Thấy tôi từ chối nhận phong bì, vài ngày sau nữ thẩm phán mua một chiếc áo len cashmere cao cấp mang tới phòng tôi. Tôi liên tục từ chối món quà khiến cô ấy rất áy náy. Cô ấy ngồi một lúc, khi thấy vãn bệnh nhân, cô ấy chậm rãi bước đến gần tôi và khẽ nói : “Tôi đã đọc hết chỗ tài liệu và xem đĩa CD mà anh đưa cho tôi rồi. Bây giờ tôi đã hiểu Pháp Luân Đại Pháp thực sự là gì. Mặc dù tôi không thể hồng dương những điều kỳ diệu của Đại Pháp như anh, nhưng nhất định tôi sẽ lên tiếng nói lời công chính cho Pháp Luân Đại Pháp vào những thời điểm thích hợp.” Tôi vui mừng và nhìn cô mỉm cười.

“Bác sỹ Chu một mũi tiêm”

Ông Chu Văn Sinh ở thị trấn Đông Phát, thành phố Triệu Đông, tỉnh Hắc Long Giang là một bác sỹ rất được bệnh nhân yêu mến. Ông yêu cầu bản thân hành xử theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn, bất kể mùa đông giá lạnh hay mùa hè oi bức, bất kể người bệnh có tiền hay không, ông đều tận tình chăm sóc cho họ. Ông luôn cố gắng chẩn đoán chính xác và kê đơn thuốc thích hợp. Ông được đánh giá là rất giỏi trong việc điều trị các cơn đau đầu và cảm lạnh, chỉ bằng một mũi tiêm và không tính thêm tiền cho bất kỳ ai. Bệnh nhân gọi ông với cái tên trìu mến là “Bác sỹ Chu một mũi tiêm.”

Sau khi bác sỹ Chu bị cảnh sát của Trung Cộng bắt cóc vì tu luyện Pháp Luân Công, người dân địa phương hết sức đau lòng, trưởng thôn và hơn 700 thôn dân đã cùng nhau ký đơn kiến nghị yêu cầu chính quyền trả tự do cho ông. Tuy nhiên, chính quyền đã từ chối lắng nghe và kết án phi pháp bác sỹ Chu ba năm tù.

Bác sỹ phẫu thuật không bao giờ nhận phong bì

Bác sỹ Lý Lực Tráng ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, là bác sỹ điều trị tại Khoa Phẫu thuật Chỉnh hình của Bệnh viện Liên kết Số 1 thuộc Đại học Y Cáp Nhĩ Tân. Ông luôn có ý thức tuân theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công. Ông làm việc chăm chỉ, tận tụy với nghề và luôn tìm cách nâng cao kiến thức chuyên môn. Ông cũng cố gắng hết sức để giúp đỡ người khác.

Bác sỹ Lý Lực Tráng không bao giờ nhận phong bì hay quà tặng từ bệnh nhân, ông còn chủ động dùng tiền tiết kiệm của mình để giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Có một bệnh nhân ở vùng nông thôn, tài chính khó khăn, không có tiền truyền máu để làm phẫu thuật. Vì không muốn làm chậm trễ việc điều trị, bác sỹ Lý đã quyên góp hơn 1.000 nhân dân tệ để truyền máu cho bệnh nhân, trong khi lương tháng của ông chỉ có 300 nhân dân tệ, lãnh đạo và nhân viên bệnh viện sau khi biết chuyện này đã rất khâm phục ông.

Là một học viên Pháp Luân Công, bác sỹ Lý luôn tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, thông cảm với bệnh nhân của mình và không muốn việc điều trị của họ bị trì hoãn do khó khăn tài chính.

Nhưng vì kiên định với niềm tin vào Chân-Thiện-Nhẫn và nói lời công lý cho Pháp Luân Công, một bác sỹ giỏi, hết lòng vì bệnh nhân như vậy đã bị cho thôi việc, bị kết án phi pháp lao động cưỡng bức hai lần với tổng bốn năm tù và bị lục soát nhà ở nhiều lần.

Trong khi bị giam giữ tại Trại cưỡng bức lao động Trường Lâm Tử và Nhà tù Đại Khánh, bác sỹ Lý đã phải chịu những hình thức tra tấn tàn bạo: như bị còng tay sau lưng, bị sốc điện bằng dùi cui điện, bị trói vào ghế sắt, không cho ngủ, dội nước đá, biệt giam trong thời gian dài, bị quấy rối tình dục và bị tra tấn bằng áo trói.

Vị bác sỹ hết sức tận tâm với bệnh nhân

Bác sỹ Điền Khánh Linh tốt nghiệp thạc sỹ năm 2005 và được phân công công tác tại Bệnh viện Trung y Cáp Nhĩ Tân. Cô làm việc ở khoa tổng hợp các bệnh về thận, máu và khối u. Bệnh nhân ở khu vực này hầu hết đều trong tình trạng vô cùng nghiêm trọng và phải nhập viện nhiều lần. Nhiều gia đình bệnh nhân đã tiêu gần hết số tiền tiết kiệm của họ. Bác sỹ Điền đặc biệt thấu hiểu và cảm thông với cảnh ngộ của bệnh nhân nên cô không những không nhận phong bì hay quà cáp và còn cố gắng sử dụng những loại thuốc rẻ tiền nhất mà vẫn đạt được hiệu quả tốt nhất.

Bác sỹ Điền có kỹ năng đặc biệt, chỉ cần bắt mạch là có thể biết bệnh nhân của mình đang mắc bệnh gì. Nhờ có y thuật cao siêu, các thang thuốc Đông y cô kê cho bệnh nhân thường có 7-10 vị và có giá chỉ khoảng 7 đến 8 nhân dân tệ nhưng vô cùng hiệu quả. Đồng thời, cô cũng nói với bệnh nhân và gia đình họ về những lợi ích sức khỏe kỳ diệu của việc tu luyện Pháp Luân Công cũng như giải thích sự thật về âm mưu vu khống và bức hại môn tu luyện của chế độ cộng sản. Cô khuyên mọi người thoái Đảng để tránh tai họa và bảo họ chân thành niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Nhờ đó, bệnh nhân của cô đã có những cải thiện đáng kể về sức khỏe. Mọi người đổ xô tìm đến cô để chữa bệnh.

Có một bệnh nhân bị ung thư gan giai đoạn cuối, trong ổ bụng của anh tích tụ rất nhiều dịch và anh không thể ăn được chút gì. Bác sỹ Điền đã dùng thuốc sắc để chữa bệnh cho anh và đồng thời hướng dẫn anh thành tâm niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Kết quả là sau khi uống hết hai thang thuốc, bụng của anh nhỏ đi trông thấy và anh có thể ăn uống trở lại. Người bệnh vui mừng đến mức cười mãi không thôi.

Còn có một người đàn ông khác bị ung thư khối u giai đoạn cuối. Khi nhập viện tình trạng của anh nguy kịch đến mức các hỗ trợ y tế gần như vô hiệu. Nhiều người tin rằng, anh chỉ có thể nằm chờ chết. Bác sỹ Điền đã bảo anh thành tâm niệm chín chữ chân ngôn “Pháp Luân Đại Pháp hảo. Chân-Thiện-Nhẫn hảo” Hôm sau, anh ấy vui vẻ nói: “Cảm ơn bác sỹ Điền. Cả một tháng qua tôi không có đêm nào yên giấc. Vậy mà đêm qua tôi đã ngủ rất ngon.” Những trường hợp tương tự quả thực rất nhiều.

Là một bác sỹ giỏi, tận tâm và không nhận phong bì, nhưng vì tu luyện Pháp Luân Công, bác sỹ Điền đã bị cảnh sát đột nhập và bắt cóc tại căn hộ của cô vào ngày 8 tháng 12 năm 2011. Cô bị giam hơn năm tháng tại Trại lao động cưỡng bức Nữ Tiền Tiến ở Cáp Nhĩ Tân và bị tra tấn dã man đến mức cô bị liệt nửa người. Khi gia đình đến thăm cô, cô không thể đi lại và phải được bế. Bất chấp tình trạng của cô, các quan chức trại lao động cưỡng bức đã từ chối thả cô. Gia đình cô đã thuê một luật sư để khôi phục các quyền hợp pháp cho cô.

Một bác sỹ ở tỉnh Hà Bắc

Đây là câu chuyện do một bác sỹ ở tỉnh Hà Bắc gửi đến để mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới.

Tại nơi làm việc, tôi hành xử theo nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn. Là một bác sỹ y khoa, tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm với bệnh nhân của mình, tôi không nhận phong bì và không kê đơn thuốc một cách tùy tiện. Ngày nay, có rất nhiều tranh chấp y tế. Một số bác sỹ sợ rắc rối, gặp những ca bệnh phức tạp liền đẩy đi nơi khác. Tuy nhiên, tôi không bao giờ né tránh bệnh nhân, tôi dùng thiện tâm cố gắng hết sức để giúp đỡ bệnh nhân và xóa bỏ nỗi đau cho họ.

Có lần, một cháu bé 3 tuổi được gia đình đưa đi cấp cứu vì bị ngã trong khi nô đùa và cắn vào lưỡi rất nặng, máu chảy ra không ngừng. Gia đình cháu đã đưa cháu tới hầu hết các bệnh viện địa phương, có bệnh viện nói thẳng là không chữa được, có bệnh viện bác sỹ nói đứa trẻ còn nhỏ quá, e rằng phẫu thuật không ăn thua, không có biện pháp xử lý, còn có bệnh viên nói phải gây mê toàn thân. Mọi người trong gia đình sợ gây mê toàn thân sẽ ảnh hưởng đến phát triển não của cháu bé v.v..Cuối cùng, họ đưa cháu đến bệnh viện chúng tôi.

Trước tiên, tôi an ủi gia đình rồi dỗ cho cháu bé há miệng ra để kiểm tra. Vết thương rất nặng, một bên đầu lưỡi của cháu bị cắn gần rách, chỗ thịt gần như bị lật lên, tuy bớt chảy máu nhưng vẫn còn. Nếu không tiến hành làm sạch và khâu lại, vết thương sẽ không tiến triển tốt và khi đó ngay cả khả năng nói và ăn của cháu cũng bị ảnh hưởng. Nhưng với một đứa bé còn nhỏ như vậy, làm cách nào để cháu hợp tác mở miệng và gây tê tại chỗ. Điều gì sẽ xảy ra nếu cháu bé ngọ nguậy và kim đâm vào một chỗ khác? Tôi nên làm gì nếu mũi kim rơi vào miệng khi đang khâu? Chẳng trách gia đình họ đã đi rất nhiều bệnh viện mà đều bị từ chối.

Tôi nghĩ rằng, là một đệ tử Đại Pháp, tôi cần nghĩ cho người khác và không nên lúc nào cũng nghĩ đến việc bảo vệ bản thân mình. Tôi bèn cầu xin Sư phụ gia trì cho tôi để cháu bé có thể hợp tác với tôi. Tôi chuẩn bị đầy đủ thuốc tê, thuốc khử trùng, kim, chỉ tự tiêu rồi trêu đùa cho cô bé há miệng. Thật ngạc nhiên, cô bé không hề ngọ nguậy và phối hợp với tôi một cách hoàn hảo trong suốt quá trình. Chính sức mạnh của Đại Pháp và Sư phụ, cùng lòng từ bi của một đệ tử Đại Pháp, đã làm nên điều này.

Trong một xã hội hỗn loạn như Trung Quốc, việc giữ gìn các giá trị đạo đức là rất khó nhưng cũng hết sức quan trọng. Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc không phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999, thì có lẽ đã có nhiều người hơn học môn tu luyện này, điều đó không chỉ cải thiện tâm trí và thân thể của họ mà còn mang lại lợi ích to lớn cho xã hội nói chung.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/26/458005.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/28/207844.html

Đăng ngày 07-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share