Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 27-01-2023] Tôi nhận thấy các học viên có những thể ngộ khác nhau về ‘Nhẫn’ trong tu luyện, làm cách nào để giữ được Nhẫn. Có học viên nói chúng ta không nên nhẫn trước cái ác, vì như thế cũng tương đương với việc dung túng cho cái xấu. Có học viên lại nói chúng ta cần đạt đến Nhẫn của người tu luyện, và không so đo những điều nhỏ nhặt với người khác.
Tôi còn nhớ rõ, khi mới đắc Pháp, tôi biết một đồng tu luôn dùng thái độ không khoan dung trong mâu thuẫn gia đình. Cô cho rằng việc bao dung cho lỗi lầm, khuyết điểm của người thân là không đúng, như thế chính là vô trách nhiệm với họ. Sau đó, mâu thuẫn gia đình cô ngày càng trở nên gay gắt hơn, nghe nói cô ấy thậm chí còn chặn đường và đánh đập nhân tình của chồng. Dần dần, học viên này đã gần như từ bỏ tu luyện, cho đến bây giờ cô ấy vẫn chưa quay trở lại, và thái độ của cô ấy với chồng cũng không thay đổi. Hồi đó, tôi không hiểu rõ các Pháp lý về vấn đề này, nên cũng không biết cách chia sẻ với cô ấy.
Cuối cùng, trong quá trình tu luyện, tôi ngộ ra rằng khi chúng ta có thể nhẫn chịu thì kết quả thường là tích cực, còn khi không nhẫn chịu được thì kết quả thường là tiêu cực, và khi sự việc qua đi rồi, chúng ta thường cảm thấy hối hận. Đôi khi chúng ta tỏ ra nhẫn chịu nhưng trong tâm vẫn chưa buông, chưa đạt tới nhẫn của người tu luyện nên vẫn cảm thấy thống khổ, bất bình.
Trong mấy năm qua, tôi chưa hóa giải được mâu thuẫn với con gái. Con gái tôi sau khi kết hôn sinh hạ được hai cháu trai, nên tôi thường xuyên tới nhà giúp cháu. Hoàn cảnh nhà con gái tôi lại phức tạp, không đơn thuần như gia đình tôi, ma sát tâm tính với mọi người và ngay cả đứa cháu ba tuổi đã phơi bày nhiều nhân tâm của tôi. Đặc biệt, những xung đột với con gái tôi lại càng oan tâm thấu cốt.
Một đồng tu đã nhắc nhở tôi rằng mâu thuẫn giữa tôi và con gái là do cái tình của tôi dành cho con gây ra. Tôi không phủ nhận điều này, nhưng cái tình này thể hiện như thế nào và ở đâu? Đồng tu lại không chỉ ra cụ thể cho tôi. Tôi thực sự muốn tu bỏ nó, nhưng trừ bỏ bằng cách nào? Tôi bèn một mực hướng nội tìm, nhưng khổ nỗi tôi tìm không thấy. Đôi khi quá đau khổ, tôi lại nghĩ mình không qua được quan này rồi, nhưng mỗi lần như thế, sâu thẳm trong tâm tôi thường xuất ra một niệm kiên định: hãy học Pháp nhiều hơn. Đây là Sư phụ điểm hóa cho tôi cần bắt đầu học Pháp nhiều hơn mỗi ngày, vậy nên gần đây tôi đã kiên trì học Pháp nhiều hơn và học thuộc lòng Hồng Ngâm VI một lần nữa.
Từ Pháp, tôi dần ngộ rằng mình nên giữ tâm bất động. Tôi hướng nội và tìm ở trong tâm “sao mình lại đau lòng đến vậy”, rồi tôi ngộ ra cái tình dành cho con gái đã khiến tôi bị tổn thương, cái tình với con gái tôi còn rất nặng. Tôi cảm thấy thống khổ bởi vì chưa buông bỏ được cái tình này.
Tôi nhận ra rằng khi cảm thấy bị tổn thương, thì tôi chính là một người thường. Nếu tôi có thể buông bỏ cái tình dành cho con gái, và đối xử với con như thể đối với chúng sinh, thì tôi có thể thăng hoa lên, đạt đến cảnh giới của người tu luyện. Sau khi ngộ được điều này, mỗi khi có mâu thuẫn với con gái tôi đều truy xét lại xem tâm mình có động hay không, nếu có tôi liền lập tức phủ nhận nó, trừ bỏ nó.
Sau nhiều lần trải qua những khảo nghiệm như thế, có lần tôi làm được tốt, có lần không tốt, nhưng dần dần tôi không còn cảm thấy bị tổn thương nữa. Bây giờ tôi có thể giữ tâm bất động trong các xung đột với con gái. Thậm chí đôi khi tôi có thể giữ được trạng thái vui vẻ khi con gái mặt nặng mày nhẹ với tôi. Tôi đột nhiên cảm nhận được sự tường hòa của tâm từ bi, cảm nhận được thế nào là từ bi và không còn cảm thấy bị oan sai hay oán hận nữa. Tôi nghĩ mình đã đạt tới ‘Nhẫn’ của người tu luyện.
Trong quá trình này, con gái tôi cũng đã trải qua những thay đổi lớn, cả về tư tưởng lẫn ngoại hình.
Trên đây là thể hội tại tầng thứ sở tại của tôi, có điều gì chưa đúng, mong các đồng tu chỉ chính.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/27/455162.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/5/207558.html
Đăng ngày 07-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.