Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-05-2022] Ông Trần Trọng Hiên, một cựu cảnh sát ở huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc, đã bị kết án 6 năm tù sau khi bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công vào năm 2014. Mặc dù sống sót sau những tra tấn không ngừng nghỉ trong Nhà tù Lan Châu và được trả tự do vào tháng 4 năm 2020, tuy nhiên, ông đã bị sa thải và điều này đã khiến ông đối mặt với khó khăn lớn về tài chính.

2015-6-12-mh-pohai-gansu-chenzhongxuan--ss.jpg

Trung sĩ cảnh sát cấp 1 Trần Trọng Hiên

Ông Trần (61 tuổi) là một trung sĩ cấp 1 của Công an huyện Hội Ninh và đã từng có hai nhiệm kỳ giữ chức trưởng đồn công an. Ông đã từng tham gia điều tra một số vụ án lớn và được cấp trên khen thưởng.

Năm 1996, ông Trần bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động chiến dịch bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông đã bị sách nhiễu, bắt và giam giữ nhiều lần.

Sách nhiễu tại trụ sở công an huyện

Tháng 6 năm 1999, một tháng trước khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Trần mặc cảnh phục luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trên Quảng trường Đông Phương Hồng ở thành phố Lan Châu (thủ phủ của tỉnh Cam Túc), trong khi tham gia một khóa đào tạo nghiệp vụ để thăng chức ở đó. Cảnh sát từ Đồn Công an đường Khánh Dương cưỡng chế ông rời khỏi quảng trường. Sau khi bị thẩm vấn trong hai giờ, ông bị đưa đến Học viện Cảnh sát tỉnh Cam Túc. Ban lãnh đạo của học viện đã ra lệnh cho ông từ bỏ Pháp Luân Công vào ngày hôm sau và viết một bản báo cáo hối cải.

Ông Trần đã viết một bức thư dài, giải thích rằng Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công là giá trị phổ quát và Pháp Luân Công mang lại rất nhiều lợi ích và không gây hại cho bất kỳ quốc gia hay xã hội nào.

Tháng 7 năm 1999, khi ông Trần báo cáo công tác tại Công an huyện Hội Ninh sau khi khóa đào tạo kết thúc, cảnh sát trưởng Tống Đình Hoài đã quát ông ngay khi vừa nhìn thấy ông: “Anh đã gây rắc rối lớn cho tôi khi anh ở học viện cảnh sát. Lãnh đạo cấp tỉnh và thành phố đang gây áp lực cho tôi. Bí thư huyện ủy mắng chửi tôi dữ dội. Chính Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo ĐCSTQ– thủ phạm phát động cuộc bức hại) chứ không phải tôi không cho phép các anh luyện Pháp Luân Công”. Sau đó nhiều lãnh đạo trong Công an huyện cũng đã ra lệnh cho ông Trần từ bỏ tu luyện, nhưng ông Trần không hề bị dao động.

Sau khi cuộc bức hại chính thức bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, hàng chục học viên Pháp Luân Công ở huyện Hội Ninh, trong đó có ông Trần, đã kháng nghị lên chính quyền tỉnh. Họ bị Công an thành phố Lan Châu bắt và đưa về Hội Ninh. Ông Trần bị thẩm vấn suốt một ngày và nhà của ông bị lục soát. Nhà của mẹ và anh rể của ông cũng bị lục soát.

Cảnh sát trưởng Tống đã chửi mắng ông Trần trong văn phòng và bắt ông phải đứng trong nhiều giờ. Ông Trần sau đó bị giam giữ trong 17 ngày. Ông bị đình chỉ công tác và lương của ông bị treo gần một năm.

Sau khi liên tục khiếu nại lên ủy ban huyện và các cơ quan nhà nước khác, cuối cùng, ông được phân vào một vị trí trong Chính quyền thị trấn Bát Lý xa xôi vào tháng 5 năm 2000.

Ông Trần hầu như không có tự do cá nhân khi làm việc tại thị trấn Bát Lý. Việc đi lại của ông bị theo dõi và điện thoại của ông bị nghe trộm 24/24. Sự tra tấn về mặt tinh thần của các đảng viên địa phương đã khiến ông bị tổn thương tinh thần nặng nề.

Bắt giữ vì giảng rõ sự thật

Ngày 24 tháng 9 năm 2011, ông Trần, vợ và ba học viên khác đã đi giảng rõ chân tướng Pháp Luân Công với người dân. Họ bị trình báo và bị cảnh sát của Đồn Công an Trung Xuyên bắt giữ ở giữa đường. Họ bị thẩm vấn qua đêm trong đồn công an. Ông Trần đã trèo qua bức tường rào cao để trốn thoát.

Ngày hôm sau, hơn 20 cảnh sát mặc thường phục đã lục soát nhà của ông và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng nhiều tài sản cá nhân có giá trị của ông, trong đó có sợi dây chuyền vàng của vợ ông.

Trưởng Đồn Công an Trung Xuyên Miêu Bằng tham gia cuộc lục soát và lấy đi tất cả các chứng nhận giải thưởng mà ông Trần đã giành được trước đó. “Tôi rất thích chúng. Tôi thậm chí không thể có được dù chỉ một cái, nhưng anh ta đã có chúng. Nếu tôi tìm thấy bất kỳ vật phẩm nào của Pháp Luân Công, các anh sẽ thấy cách tôi thẳng tay chỉnh đốn anh ta như thế nào”.

Sau khi không bắt được ông Trần, cảnh sát đã ban lệnh bắt giữ trực tuyến trên toàn quốc. Họ theo dõi điện thoại của các thành viên trong gia đình và người thân của ông. Khi một người họ hàng gọi điện cho người mẹ già của ông Trần vào ngày hôm sau, một người ở đầu dây bên kia nói: “Đây là trạm kiểm soát của cảnh sát. Vui lòng báo cáo cho chúng tôi nếu bạn có bất kỳ thông tin gì”.

Vợ của ông Trần là bà Hàn Tú Phương sau đó đã bị kết án 3 năm tù. Để tránh bị bắt lại, ông Trần đã phải sống xa nhà trong nhiều năm.

Bị bức hại ở trong Trại tạm giam quận Bạch Ngân

Ngày 19 tháng 9 năm 2014, ông Trần bị bắt tại nơi thuê trọ ở thành phố Bạch Ngân, tỉnh Cam Túc. Cảnh sát còng tay ông sau lưng và đưa ông đến Đồn Công an Tứ Chu. Ba học viên khác cũng bị bắt, bao gồm bà Liệu An An, bà Lý Xảo Liên và bà Dương Thanh Tú. Cảnh sát đã tịch thu của họ ba máy tính xách tay, hai máy in, hai máy ghi đĩa CD, các sách Pháp Luân Công, tài liệu thông tin, và hơn 1.000 nhân dân tệ tiền mặt có in các thông điệp ngắn về Pháp Luân Công (một cách sáng tạo để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại đối phó với sự kiểm duyệt gắt gao ở Trung Quốc). Tổng thiệt hại trị giá hơn 30.000 nhân dân tệ.

Trong quá trình bắt giữ, ông Trần đã bị bốn cảnh sát đánh đập, làm gãy một chiếc răng cửa và bị thương ở đùi trái.

c803f86abb172b3d97cbc1dbaa4fff72.jpg

Tranh vẽ minh họa tra tấn: Đánh đập

Tại Đồn Công an quận Tây, các nhân viên đã cùm tay và chân của ông Trần vào ghế cọp và giẫm lên chúng, khiến ông đổ nhiều mồ hôi do bị đau đớn tột cùng ở xương cổ tay. Sự tra tấn khiến các ngón tay của ông tê liệt trong hơn một năm.

Khi ông từ chối hợp tác với cảnh sát trong cuộc thẩm vấn, họ đã sách nhiễu các thành viên gia đình ông và khám xét nhà của họ hòng tìm kiếm bằng chứng kết tội ông.

Ông Trần bị đưa đến Bệnh viện Bạch Ngân để kiểm tra sức khỏe vào ngày thứ hai. Khi bước ra khỏi xe cảnh sát, ông bị còng tay ra sau lưng và bị kéo lê trên mặt đất khoảng hơn 200m. Sau khi kiểm tra sức khỏe và thẩm vấn nhiều lần, ông bị đưa đến trại tạm giam Bạch Ngân, đồng thời, ông còn bị đuổi việc.

Ông Trần được phân đến Khu 8 của trại giam. Ông bị tù nhân Đào Vinh bắt phải dọn dẹp nhà vệ sinh và sàn nhà của khu vào ban ngày và ở lại trực ban bốn tiếng rưỡi vào ban đêm. Tù nhân này thường xuyên chửi bới và đấm vào đầu ông.

Hai tháng sau, ông Trần bị chuyển đến Khu 6, nhưng ông vẫn tiếp tục bị ngược đãi.

Ngày 21 tháng 1 năm 2015, Tòa án quận Bạch Ngân đã tổ chức xét xử bí mật ông Trần. Gia đình ông và của bà Liệu, bà Lý và bà Dương không được thông báo để tham dự phiên xét xử. Họ cũng không được phép thuê luật sư bào chữa. Ông Trần đã bác bỏ luật sư do tòa án chỉ định, bởi người này được chỉ đạo để nhận tội thay cho ông. Ông tự bào chữa vô tội cho mình trước tòa, nhưng chủ tọa phiên tòa là Địch Sinh Lộc thường xuyên ngắt lời bào chữa của ông.

Ngày 6 tháng 2 năm 2015, tòa án đã tuyên án tù của các học viên, theo đó ông Trần bị kết án 6 năm, bà Liệu 5 năm, bà Lý 5 năm và bà Dương 3 năm. Ông Trần đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Bạch Ngân, tuy nhiên tòa đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu.

Tra tấn trong Nhà tù Lan Châu

Ngày 7 tháng 4 năm 2015, ông Trần bị đưa đến Khu 6 của Nhà tù Lan Châu. Lính canh đã xúi giục các tù nhân hình sự ngược đãi các học viên bị giam giữ (trong đó có ông Trần) nhằm chuyển hóa họ. Tù nhân cấm các học viên ngủ, bắt họ viết báo cáo tư tưởng, hoặc ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và nhốt họ trong các phòng biệt giam trong thời gian dài.

Tháng 6 năm 2015, để chuyển hóa ông Trần, nhà tù đã tổ chức một tổ điều tra gồm 4 thành viên. Họ đã đến những nơi ông Trần từng làm việc ở huyện Hội Ninh để tìm ra lỗi sai của ông nhằm gia tăng bức hại. Không đạt được kết quả như mong đợi, họ đã đến nhà của ông Trần và nói chuyện với mẹ của ông. Một trong số họ đã quay video và chụp ảnh người mẹ già của ông, với ý đồ sử dụng những bức ảnh này để làm lung lay ý chí của ông Trần.

Sau khi mọi nỗ lực đều thất bại, lính canh của Khu 6 đã thành lập một tổ chuyển hóa và một tổ giám sát. Giám thị và lính canh phụ trách đội chuyển hóa, phạm nhân tiến hành theo dõi và bức hại.

Gia đình bị từ chối thăm thân

Tháng 8 và tháng 9 năm 2015, gia đình ông Trần đã đến nhà tù nhiều lần để vào thăm ông, nhưng phía nhà tù nói rằng họ không thể chấp thuận vì ông không từ bỏ đức tin của mình.

Tháng 10 và tháng 11, gia đình ông Trần đến thăm ông một lần nữa và họ đã được phép gặp ông, nhưng cuộc gặp gỡ bị các lính canh giám sát nghiêm ngặt. Gia đình được cảnh báo rằng họ phải giúp chuyển hóa ông và không được đề cập bất cứ điều gì liên quan tới Pháp Luân Công.

Gia đình ông Trần được thông báo rằng họ không được phép đến thăm ông vào tháng 12 năm 2015 hay tháng 1 năm 2016.

Ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

Nhà tù đã lợi dụng nhiều tù nhân phạm trọng tội để bức hại các học viên Pháp Luân Công, và ban thưởng cho họ. Nhà tù nói với những tù nhân này rằng nhà tù chỉ quan tâm đến kết quả chứ không quản việc họ sử dụng phương pháp tra tấn nào. Vì những người này đã quen với các thủ đoạn tra tấn, nên họ đã dùng nhiều biện pháp tàn ác khác nhau. Họ tra tấn ông Trần trong phòng biệt giam, nơi không được lắp đặt camera giám sát.

Để chuyển hóa ông Trần, những tù nhân phạm trọng tội buộc ông phải ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ hoặc đứng yên trong cả ngày hoặc nửa ngày. Lính canh thay nhau nói chuyện với ông Trần, nhưng họ không thể khiến ông từ bỏ đức tin của mình. Sau đó, họ ra lệnh cho các tù nhân này theo dõi ông 24/24 và không cho ông ngủ. Họ cưỡng chế ông xem các video phỉ báng Pháp Luân Công.

2004-10-18-jms1--ss.jpg

Tái hiện phương pháp tra tấn: Ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

Mỗi khi ông Trần quá mệt và chợp mắt, họ sẽ đánh đập ông toàn thân, kể cả mắt. Tù nhân cũng dùng khăn ướt quất vào mặt ông. Một tù nhân đã đổ nước ớt vào mũi ông Trần một cách tàn bạo, khiến ông ho và nôn mửa dữ dội.

Lưng của ông Trần bị thương nghiêm trọng do ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ và đứng trong thời gian dài, và ông không thể đi thẳng người được. Vào tháng thứ hai bị bức hại, nhịp tim của ông trên 114, với số đo cao nhất là 140 nhịp/phút. Tình trạng này tiếp diễn trong hai tháng.

Thỉnh thoảng lính canh Lý Cát Đức thẩm vấn ông Trần. Anh ta hỏi ông Trần về tình hình của các học viên ở thành phố Lan Châu, huyện Hội Ninh và những nơi khác. Khi mọi thủ đoạn sử dụng trong cuộc thẩm vấn đều thất bại, Lý đã tăng cường tra tấn ông Trần. Anh ta ra lệnh cho các tù nhân liên tục phát các video phỉ báng Pháp Luân Công bằng giọng the thé inh tai.

Một lính canh khác tên là Lý Uyên, đã nhiều lần yêu cầu ông Trần viết báo cáo tư tưởng. Khi ông Trần từ chối, anh ta nổi giận và đá ông Trần rơi từ giường xuống đất.

Tất cả học viên Pháp Luân Công phải báo cáo hoạt động hàng ngày của họ cho các tù nhân giám sát. Ông Trần đã từng không báo cáo khi đi vệ sinh, nên bị chửi mắng thậm tệ.

Trong thời gian bị giam giữ, ông Trần bị giam trong phòng biệt giam liên tục trong 1 năm 7 tháng. Ông bị bức hại đến không thể đi thẳng người và nhịp tim thất thường, xuất hiện các triệu chứng của sỏi mật, chức năng gan bất thường và các vấn đề về tuyến tiền liệt.

Người nhà bị bức hại và liên lụy

Trong khi ông Trần bị giam giữ, hai người anh của ông đã phải chịu áp lực rất lớn vì cảnh sát liên tục uy hiếp và lục soát nhà của họ. Cả hai người đều qua đời vào năm 2008.

Hai em gái của ông là bà Trần Thục Nhàn và bà Trần Khiết cũng bị giam trong nhà tù vì đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công. Bà Trần Thục Nhàn bị tra tấn dã man trong nhà tù Ngân Xuyên và trở thành người tàn tật.

Do quá đau buồn và sợ hãi, người mẹ già 92 tuổi của họ đã qua đời vào tháng 2 năm 2019. Lúc đó, ông Trần vẫn đang bị bức hại ở trong nhà tù.

Trong chiến dịch sách nhiễu được biết đến với tên gọi “Xóa sổ” ở tỉnh Cam Túc vào tháng 9 năm 2020, chị gái của ông Trần và chồng của bà (cả hai đều không tu luyện Pháp Luân Công) đã liên tục bị sách nhiễu và đe dọa. Không chịu nổi áp lực khủng khiếp và suy sụp tinh thần, bà đã phải nhập viện và đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt để điều trị. Từ đó đến nay, tình trạng sức khỏe của bà vẫn chưa ổn định.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/8/442243.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/6/19/201873.html

Đăng ngày 22-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share