Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 10-03-2022] Ở trong Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông, hầu hết lính canh tù sẽ không trực tiếp tra tấn học viên Pháp Luân Công, thay vào đó, họ xúi giục phạm nhân thay họ ra tay. Những tội phạm này lẽ ra phải được cải tạo trong thời gian ngồi tù, nhưng họ lại được lính canh huấn luyện để trở thành những cỗ máy tàn nhẫn nhằm bức hại các học viên vô tội—những người bị giam giữ chỉ vì giữ vững đức tin của họ.
Tù nhân tích cực tham gia vào cuộc bức hại
Những tù nhân tích cực tham gia tra tấn học viên Pháp Luân Công ở Nhà tù Nữ tỉnh Sơn Đông gồm Vương Văn Lệ, Thang Vĩ Vĩ, Lý Xuân Linh, Đổng Tuyết, Trâu Ngọc Kiều, Trương Diệu Quân, Ngụy Vụ Thúy, Thôi Đông Quân, Lô Mộng, Vu Sương Sương, Hứa Miêu Miêu, Đỗ Lô Toa, Lý Hiệp, Bàng Điền Trân, Lưu Tú Cần, Giang Bình, Tùng Bình, Dương Lệ Bình, Vu Ái Vinh, Trương Tĩnh, Chu Hồng Mạn, Khương Hiểu Diễm, Dương Di, Tôn Lệ Khiết, Thôi Chiêm Lan, Hoàng Nghĩa Thúy, Lý Ngọc Khiết, Lý Vĩ, Lưu Viên Viên, Giả Tú Liên.
Tù nhân Vương Văn Lệ (khoảng 60 tuổi) bị kết án 10,5 năm tù vì câu kết với xã hội đen. Bà ta thường khoe khoang rằng khi còn là cảnh sát tại Nhà tù Thanh Đảo, bà ta và một số người khác đã tra tấn nữ học viên Pháp Luân Công Tiêu Tố Mẫn đến chết. Sau khi cô Tiêu chết, lính canh đã đưa thi thể của cô đến Bệnh viện Hải Từ và câu kết với bác sỹ lắp máy thở cho cô. Sau đó, họ thông báo với gia đình rằng cô đã mắc một căn bệnh cấp tính và việc cấp cứu hồi sức không có tác dụng. Do xuất thân của mình mà Vương thường nhận lệnh đánh đập các học viên và khiến nhiều người bị thương.
Tù nhân Lý Xuân Linh từng là phó thị trưởng thành phố Duy Phường và đang thụ án 7 năm tù vì nhận hối lộ. Sau khi bị tống vào tù, bà ta đã được huấn luyện 2 năm về cách tra tấn và tẩy não các học viên. Bà ta được bổ nhiệm làm trưởng buồng giam và sau đó được trao vị trí “Tổ trưởng chuyển hóa”, khi tổ trưởng trước đó là Phó Quế Anh ra tù vào tháng 9 năm 2018.
Thang Vĩ Vĩ bị kết án 19 năm vì tội lừa đảo. Cô ta có thân hình cao lớn, khỏe mạnh, có nhiều kinh nghiệm trong việc tra tấn các học viên và đảm nhận vị trí “Tổ trưởng chuyển hóa” vào tháng 2 năm 2020.
Tù nhân Giang Bình là tình nhân của một quan chức cấp cao. Để được giảm thời hạn cho bản án 14 năm của mình, cô ta đã tích cực tra tấn các học viên và được đề bạt làm “Tổ trưởng kỷ luật” vào năm 2019.
Tra tấn thông thường đối với các học viên
Hầu hết các học viên từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công đều bị đưa vào phòng tối và bị tra tấn xoạc chân, bất kể tuổi tác hay tình trạng thể chất của họ. Tù nhân ghì chặt chân của các học viên bằng cách đặt những chiếc ghế đẩu lên chân của học và sau đó ngồi lên trên ghế đẩu. Hầu hết các học viên đều bị đổ mồ hôi nhễ nhại và bất tỉnh do đau đớn. Tù nhân sẽ thả lỏng chân của các học viên một chút rồi lại yêu cầu họ tiếp tục xoạc chân. Những hình thức tra tấn này được lặp lại cho đến khi học viên không thể chịu đựng và đồng ý viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý muốn của bản thân.
Trong một cuộc tra tấn khác, tù nhân đè người học viên với phần bụng áp xuống mặt đất và kéo cánh tay của cô ấy ngược ra sau lưng. Thang Vĩ Vĩ dùng đầu bút đâm vào các ngón tay của học viên khiến chúng chảy máu. Sau đó, cô ta bắt các học viên cầm bút và viết những từ ngữ phỉ báng Pháp Luân Công và Nhà sáng lập ra Pháp Luân Công. Cánh tay của các học viên bà Vương Hoa, bà Lý Ái Hoa, bà Tùy Anh, bà Khương Thục Nga, bà Ngô Kiến Bình và bà Quách Tú Thanh bị sưng tấy nghiêm trọng sau cuộc tra tấn này. Một số người trong số họ bị đau dai dẳng ở cánh tay trong suốt hơn 1 năm.
Khi việc tra tấn thể xác không chuyển hóa được các học viên, các tù nhân còn trộn thuốc độc vào thức ăn của họ, khiến họ bị yếu cơ, phản ứng chậm chạp và rối loạn tinh thần.
Những học viên bị tra tấn
Bà Từ Hữu Phương
Năm 2018, bởi bà Từ Hữu Phương (ngoài 60 tuổi, cư trú ở Duy Phường) đã hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” nên đã bị Vương Văn Lệ túm tóc kéo lê trên mặt đất, đồng thời chửi mắng: “Tôi không tin là tôi không trị nổi bà”. Vương gọi các tù nhân khác đến đưa bà Từ đến bệnh viện để bức thực và dọa sẽ bẻ gãy cổ bà.
Bà Lý Tổ Bình
Bà Lý Tổ Bình (ngoài 40, cư trú ở Duy Phường) đã phải chịu đựng nhiều đợt tra tấn của Vương Văn Lệ, Thang Vĩ Vĩ và Giang Bình. Khi bà bị đưa đến bệnh viện để bức thực, các tù nhân Niếp Tuấn Thanh, Thang và Lý Hiệp đã trói bà trên giường. Tiếp theo, họ nhét những miếng bánh hấp vào miệng bà và dùng thìa đẩy thức ăn xuống cổ họng. Họ cũng dùng thìa đập vào răng, lưỡi và cổ họng của bà. Trong khi đó, họ đánh đập và cấu véo, cũng như nói những lời nhục mạ bà.
Khi bà Lý vẫn kiên cường bất chấp sự tra tấn, lính canh đã nhốt bà trong phòng tắm nơi không có camera giám sát và ra lệnh cho Giang Bình và Vương Văn Lệ đánh đập bà. Hàng ngày, họ dùng giày đánh vào đầu, tát vào mặt và giật tóc bà. Họ cũng bắt bà đứng với hai chân khép chặt vào nhau và sẽ dùng gậy đánh vào bắp chân khi bà di chuyển dù chỉ là một chút. Đôi khi họ còn đột ngột đạp mạnh vào bắp chân từ phía sau và xô ngã bà.
Tù nhân cũng không cho bà Lý sử dụng nhà vệ sinh và bắt bà phải tiểu tiện ngay trong quần. Trong khi đánh đập bà Lý, Vương Văn Lệ quát: “Không chuyển hóa thì đừng mong ra khỏi đây. Chúng tôi không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu Pháp Luân Công các bà bị đánh đến chết, mà thực tế chúng tôi còn được thưởng.“
Sau đó tù nhân trộn thuốc độc vào thức ăn của bà Lý, khiến bà chóng mặt và yếu đi. Sau khi bà buộc phải từ bỏ Pháp Luân Công trái với ý muốn của mình, bà bị đưa trở lại buồng giam.
Bà Lý Hòa Trân
Bà Lý Hòa Trân (ngoài 50 tuổi, cư trú ở thành phố Thái An) thường bị Thôi Lỵ Lỵ và Tiêu Linh kéo đến nhà vệ sinh và đánh đập vì bà không từ bỏ Pháp Luân Công. Tù nhân canh gác bên ngoài cũng đe dọa: “Đánh là còn nhẹ. Nếu bà vẫn không nghe, chúng tôi sẽ nhốt bà trong phòng tối”.
Chân của bà Lý sưng lên nghiêm trọng. Tù nhân Lý Xuân Linh không để cho bà Lý được bôi thuốc điều trị, mà còn chỉ đạo các tù nhân khác đánh vào các vết thương của bà. Bà cũng bị buộc phải đứng trong nhiều giờ và không được phép nghỉ ngơi, cho dù chân bà bị đau đến mức nào. Ngay cả khi chân bà chảy mủ, Lý Xuân Linh không để cho bà được nói với ai về điều đó.
Lý Xuân Linh thường nhốt bà Lý ở trong phòng vệ sinh và ra lệnh cho các tù nhân trong phòng giam thay nhau tát vào mặt, đá vào chân và chửi mắng bà.
Bởi không chịu nổi cơn đau và không còn cách nào khác để tiếp cận điều trị, bà Lý vội vàng chạy đến chỗ y tá khi người này đến và đưa chân ra trước mặt người khác (để y tá phải làm gì đó). Sau đó, lính canh mới đưa bà đến bệnh viện. Tuy nhiên, họ cho rằng bà đã tự té ngã khi đang tắm. Bà ở trong bệnh viện 2 tháng. Khi ra tù, bắp chân của bày vẫn còn tím đen và bà ấy không thể ngồi xổm do quá đau đớn.
Bà Ngô Hiểu Thúy
Bà Ngô Hiểu Thúy (50 tuổi, cư trú ở Giao Châu) cũng bị Thôi Lỵ Lỵ và Tiêu Linh kéo vào nhà vệ sinh và đánh vào đầu. Một số tù nhân khác, bao gồm Thôi Chiêm Lan, Dương Khiết, Hoàng Nghĩa Thúy và Vương Xuân Hoa đứng canh gác ở bên ngoài. Họ cười nhạo bà: “Nếu đầu óc bà không minh mẫn, chúng tôi phải đánh cho bà tỉnh ra. Họ nên đánh bà mạnh tay hơn nữa”.
Bà Trương Tú Mỹ
Bà Trương Tú Mỹ (ngoài 70, cư trú ở Bình Độ) thường viết sai khi bị buộc phải chép lại các tuyên bố phỉ báng Pháp Luân Công do trình độ học vấn thấp. Chỉ cần bà viết sai một từ, Thôi Lỵ Lỵ sẽ bắt bà phải chép lại từ đầu. Sau khi đèn trong phòng giam tắt vào lúc 10 giờ 30 tối, bà Trương vẫn phải ngồi trên ghế và sao chép các tuyên bố đó dưới ánh đèn ở hành lang. Bà hầu như không được đi ngủ trước 3 giờ và sau đó phải thức dậy lúc 6 giờ sáng. Trong ngày, tù nhân bắt bà đứng không được ngồi xuống dù chỉ một phút. Khi bà ngủ gật vì thiếu ngủ trầm trọng, tù nhân đã đánh đập và đạp vào chân bà.
Bà Lý Kiến Mỹ
Bà bị đau dữ dội ở lưng và chân sau khi bị Phó Quế Anh tra tấn. Sau khi bà đau đớn đến không thể chịu nổi khi một cái nhọt lớn mọc trên đùi, Giang Bình không cho phép bà đi khám chữa. Bà Lý rên rỉ vì đau đớn hàng đêm và không thể ngủ được. Cuối cùng, khi Giang trình báo với lính canh và đưa bà đến gặp bác sỹ, đùi của bà đã bị sưng nặng và cái nhọt bắt đầu chảy mủ.
Bà Triệu Ngọc Hồng
Bà Triệu Ngọc Hồng (cư trú ở thành phố Chiêu Viễn) thường xuyên bị Thang Vĩ Vĩ, Trâu Ngọc Kiều, Đổng Tuyết và Trương Diệu Quân đánh đập. Có lần Đổng đã xô ngã và giẫm lên người bà Triệu. Cô ta chỉ dừng lại khi bản thân thấm mệt.
Bà Triệu lăn lộn vì đau đớn và không thể đứng dậy. Kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện cho thấy ba chiếc xương sườn của bà đã bị gãy. Thay vì trừng phạt Đổng, nhà tù lại cấm gia đình bà Triệu gửi đơn khiếu nại truy cứu trách nhiệm của cô ta.
Bà Vương Tú Bình
Khi bà Vương Tú Bình từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, Trâu Ngọc Kiều đã nhốt bà trong phòng tối, đánh đập và nhục mạ bà. Trâu không cho phép bà Vương sử dụng nhà vệ sinh. Sau khi bà buộc phải tiểu tiện ra quần, Trâu còn cấm bà thay quần hoặc giặt giũ. Sau đó cô ta đổ lỗi cho bà đã gây ra mùi hôi thối ở trong phòng.
Bà Tống Vân
Bà Tống Vân (cư trú ở thành phố Thanh Đảo) bị bầm tím khắp cơ thể do bị Thang Vĩ Vĩ và Trương Diệu Quân đánh đập. Họ cũng giật rụng nhiều nắm tóc của bà. Thôi Đông Quân đã giám sát bà Tống suốt ngày đêm và cho thuốc độc vào thức ăn của bà, khiến bà Tống trở nên phản ứng chậm chạp, tinh thần thất thường, hoảng sợ vô cớ và cơ thể cũng bất giác phát run.
Khi Thôi và Lô Mộng bỏ một số loại thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn của bà Tốn và bà Triệu Ngọc Hồng, họ nói: “Được rồi, ăn cái này xong chúng sẽ ngoan ngoãn”.
Thôi cũng nói với một tội phạm sát nhân Chu Hồng Mạn: “Trước đây tôi không xem thuốc này ra gì, không ngờ nó lợi hại hơn tôi tưởng, ăn vào thấy hiệu quả ngay. Khi chúng ta đi tắm, tôi thấy da của Lục Tuyết Cầm (một học viên người Thanh Đảo) ở bên dưới ngực của bà ta đã sạm đen lại. Bà ta đã bị dùng thuốc đó cách đây khá lâu rồi, thế mà hiện giờ triệu chứng vẫn còn rõ mồn một như vậy.“
Bài liên quan:
Sự bức hại tinh thần nhắm vào các học viên Pháp Luân Công ở trong Nhà tù Nữ Tỉnh Sơn Đông
Các học viên Pháp Luân Công ở Nhà tù Nữ Sơn Đông bị ép uống thuốc vì thực hành đức tin của họ
Nhà tù Nữ Sơn Đông xúi giục tù nhân tra tấn học viên Pháp Luân Công
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/10/439885.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/12/199880.html
Đăng ngày 01-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.