Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-12-2021] Tôi từng cảm thấy mình giống như một cây thường xuân. Tôi nói vậy bởi vì tôi đã không định vị đúng bản thân cũng như không nhận ra sứ mệnh và trách nhiệm của mình với tư cách là một đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp. Trong các vấn đề tu luyện cũng như cuộc sống hàng ngày, tôi thường dựa vào các đồng tu khác trong gia đình. Khi tôi hòa tan cuộc sống của mình trong Pháp, tôi đã nhận ra trách nhiệm và sứ mệnh của mình, cũng như xác định được vị trí của bản thân và dần trưởng thành trong Đại Pháp. Cuối cùng, tôi đã trở thành một cây thân gỗ.

Định vị bản thân

Tôi chủ yếu làm trong các hạng mục kỹ thuật với một đồng tu người nhà. Anh ấy nhận các hạng mục này cách đây vài năm khi chỉ có vài học viên kỹ thuật khác trong khu vực của chúng tôi. Còn trẻ và có một số kỹ năng máy tính cơ bản, anh đã học cách bảo trì máy tính và máy in, đồng thời nhận việc hỗ trợ kỹ thuật tại địa phương.

Tôi chịu trách nhiệm in và sản xuất các tài liệu chân tướng. Đồng tu người nhà đã nhiều lần góp ý bảo tôi học kỹ năng sửa chữa máy móc. Anh muốn tôi nhận ra khả năng và điều kiện của mình, đồng thời định vị đúng bản thân để phát huy được hiệu quả tốt hơn. Tôi bị chướng ngại bởi quan niệm người thường nên cảm thấy việc học kỹ thuật máy tính và bảo trì máy in là quá khó đối với mình. Nhìn đến kết cấu và linh kiện phức tạp của chúng, tôi cảm thấy mình không đủ khả năng để sửa chữa những thiết bị này.

Sư phụ Lý giảng:

“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ; chư vị chỉ cần nguyện vọng [tu luyện] là đủ rồi.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra mình có Sư phụ ở bên. Chỉ cần tôi có nguyện vọng, Sư phụ sẽ giúp tôi. Tôi phóng hạ những chấp trước người thường và tin rằng mình có thể học kỹ thuật máy tính và máy in với sự gia trì của Sư phụ. Bởi vậy tôi bắt đầu học những kỹ thuật này.

Trách nhiệm và sứ mệnh

Mặc dù tôi đã sẵn sàng với việc hỗ trợ kỹ thuật, nhưng quá trình học hỏi diễn ra rất chậm. Tôi không có nhiều động lực, và thiếu ý chí để thực hiện việc này. Bề ngoài, tôi đảm nhận vai trò hỗ trợ kỹ thuật và đi trên con đường của riêng mình, nhưng thực ra tôi không tự lập, cũng chưa trưởng thành.

Tôi thường ỉ lại vào đồng tu người nhà, hầu hết thời gian, tôi đi cùng anh ấy đến nhà các đồng tu khác để sửa chữa máy tính và máy in. Khi tôi đi một mình, mọi người thấy vậy thường hỏi người nhà của tôi đâu, và băn khoăn rằng liệu mình tôi có thể giải quyết được không. Đôi khi tôi gặp khó khăn, không sửa được, bèn về nhà nhờ đồng tu. Đồng tu người nhà suy nghĩ tìm ra giải pháp và chúng tôi cùng đi giải quyết.

Tôi luôn cố gắng nhờ anh ấy giúp đỡ và chưa bao giờ tự mình tìm hiểu trên mạng để tìm giải pháp. Khi các đồng tu gọi điện hỏi về các vấn đề kỹ thuật, tôi cảm thấy đó là công việc của anh ấy. Tôi chỉ hỗ trợ anh ấy và không bao giờ cố gắng thực hiện một cách độc lập. Tôi cảm thấy mình như một cây thường xuân, bị đổ xuống khi đứng một mình, và chỉ có thể vươn lên khi có thứ để dựa vào.

Tôi đọc được đoạn giảng Pháp sau của Sư phụ:

“Làm một người tu luyện, đặc biệt là đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp, mọi người mang trên thân mình trách nhiệm quá lớn, gánh vác sứ mệnh trọng đại mà lịch sử trao cho chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)

Tôi bắt đầu ý thức được rằng, là học viên trong thời kỳ Chính Pháp, mọi người đều có trách nhiệm và sứ mệnh của chính mình. Tôi thấy mình cần phải tinh tấn hơn, và bắt đầu suy nghĩ về việc đảm nhận sứ mệnh của mình.

Tôi không còn cảm thấy đồng tu người nhà là người duy nhất phải chịu trách nhiệm cho công việc đó. Đúng hơn, tôi cảm thấy đó cũng là trách nhiệm của mình. Tôi đã chủ động học cách bảo trì máy tính và máy in. Khi gặp khó khăn, tôi lên mạng, tải hướng dẫn và tìm cách tự sửa máy. Tôi chỉ nhờ giúp đỡ khi không thể tự làm.

Trong thời gian đầu, tôi cảm thấy các hướng dẫn dài dòng khó hiểu và thường mất kiên nhẫn. Hiện giờ, tôi có thể chủ động tìm tài liệu, kiên nhẫn và đọc kỹ thông tin.

Tu bỏ tâm sợ hãi

Đồng tu người nhà của tôi vì yêu cầu công việc phải đi công tác trong một khoảng thời gian, vì vậy tôi cảm thấy đã đến lúc tôi phải gánh vác trách nhiệm và cố gắng làm cho thật tốt.

Thời điểm đó, tôi có tâm sợ hãi. Tôi không dám đi xe buýt vì phải đăng ký bằng tên thật và số điện thoại để kiểm soát COVID-19. Nhưng máy tính của các đồng tu cần được sửa, vì vậy tôi tự nhủ đó là trách nhiệm của mình, và việc cứu người không thể chậm trễ. Theo đó, tôi bắt đầu đi bằng taxi, đắt hơn đi xe buýt, nhưng không đến mức có thể ngăn tôi cứu người.

Có lần tôi đến nhà đồng tu A để sửa máy in cho cô ấy. Cô ấy hỏi tôi đến đó bằng cách nào. Tôi nói là tôi đi taxi. Cô ấy nói: “Ban đầu tôi cũng lo lắng khi chính quyền yêu cầu đăng ký, nhưng sau đó tôi nghĩ những gì chúng ta làm là điều chân chính nhất. Sư phụ đang bảo hộ chúng ta. Dần dần chính niệm của tôi ngày càng mạnh mẽ hơn.“

Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy lo sợ và lại bắt taxi về nhà.

Một thời gian sau, đồng tu A nhờ tôi mua hộ cô ấy một chiếc máy tính xách tay. Một lần nữa, tôi lại thấy lo lắng vì cần phải đến một thành phố khác để mua máy tính, và tôi có thể bị kiểm tra giấy tờ trên đường đi. Hẳn là tôi đã bị ghi vào hồ sơ bởi trước đây tôi đã gửi đơn khiếu nại Giang Trạch Dân bằng tên thật của mình.

Tôi có thể tìm người khác để mua máy hộ tôi, nhưng tôi cảm thấy đó là trách nhiệm của mình. Tôi phải tự đi trên con đường của mình, và biết tôi không nên dựa dẫm vào người khác.

Tôi bắt taxi và phát chính niệm để thanh trừ mọi can nhiễu từ các không gian khác trên đường đi. Chuyến đi diễn ra suôn sẻ, và không ai kiểm tra giấy tờ tùy thân của tôi. Tôi tạ ơn Sư phụ và cầu Ngài giúp đỡ thêm. Khi tôi vào chợ, không ai kiểm tra tôi ngoại trừ việc đo nhiệt độ.

Vài ngày sau, tôi đã chia sẻ với đồng tu A về trải nghiệm của mình. Cô ấy nói những gì chúng ta làm là chân chính, chúng ta được các chính Thần ủng hộ và Sư phụ Lý bảo hộ. Thật vậy, có Sư phụ quản, tôi còn sợ điều gì? Sư phụ giảng:

“Do vậy đã là đệ tử Đại Pháp mà giảng, mọi người không được sợ hãi, việc gì thì cũng cần đường đường chính chính, chỉ tà ác mới phải sợ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Manhattan năm 2005, Giảng Pháp tại các nơi V)

Cuối cùng tôi cũng vượt qua được nỗi sợ hãi và bắt đầu đi xe buýt.

Sửa máy và tu tâm

Máy in của một đồng tu khác bị ngừng hoạt động. Tôi vẫn đang trong quá trình tìm hiểu về loại máy in đó, vì còn thiếu kinh nghiệm. Tôi đã từng hy vọng điều này không xảy ra khi đồng tu người nhà của tôi đi công tác. Nhưng nó đã xảy ra, và tôi nhận ra điều đó không phải ngẫu nhiên. Đã đến lúc tôi phải đề cao bản thân.

Tôi nghiên cứu kỹ hướng dẫn sửa chữa máy, rồi mang các dụng cụ và linh kiện cần thiết đến nhà đồng tu.

Tôi tự nhủ hãy bình tĩnh, không truy cầu kết quả và chỉ làm những gì mình nên làm. Sau hơn một giờ tháo dỡ rồi thay linh kiện bị hỏng, máy in vẫn không chạy. Tôi mở cuốn hướng dẫn sửa chữa, nghiên cứu kỹ và đảm bảo mình đã xác định đúng vấn đề. Tôi đọc thêm 30 phút và cảm thấy chắc chắn rằng mình đã xác định được vấn đề.

Tôi nghi ngờ mình đã không lắp thiết bị đúng cách. Tôi làm theo hình minh họa trong sách hướng dẫn từng bước, từng bước và từ từ lắp lại máy in. Tôi cũng điều chỉnh lại suy nghĩ của mình, và tự nhủ không được hấp tấp. Tôi không chỉ sửa máy mà còn tu tâm. Sau khi hoàn thành việc lắp ráp, tôi bật máy và nó chạy bình thường. Tôi cảm thấy thoải mái và vui vẻ nói: “Máy in sửa được rồi.”

Lúc đó đã hơn 10 giờ tối. Tôi và đồng tu chuyển máy in vào tủ và in mấy trang để kiểm tra, nhưng máy in lại báo lỗi. Tôi cảm thấy bối rối. Tôi không giữ được bình tĩnh nữa, và có chút lo lắng. Sau đó, máy in báo hết lỗi này đến lỗi khác và tôi không thể sửa được.

Sau khi chúng tôi phát chính niệm vào lúc nửa đêm, đồng tu đề nghị chúng tôi nên nghỉ ngơi trước khi thử bất cứ điều gì khác. Sáng hôm sau, sau khi phát chính niệm, đồng tu nói: “Đừng sửa máy in vội. Tất cả đều là giả tướng. Chúng ta hãy ngồi trao đổi một chút. Tối qua, tôi đã thấy vấn đề của chú nhưng tôi không nói gì để chú bình tâm. Tôi gợi ý chú nên hướng nội, nhưng có vẻ chú chưa hiểu ra điều đó.”

Khi nghe những gì đồng tu nói, tôi bắt đầu bình tĩnh lại và suy nghĩ về tình huống hôm qua. Khi máy in được sửa xong, tôi đã sinh tâm hoan hỉ khi lần đầu giải quyết được vấn đề như vậy.

Tôi cũng thấy mình có tâm chứng thực bản thân. Trước đây, khi sửa được máy in hoặc máy tính, tôi luôn tạ ơn Sư phụ, cảm thấy rằng tôi đã làm được điều đó với sự trợ giúp và khích lệ của Sư phụ. Lần này, niệm đầu của tôi là tôi đã sửa được máy in thông qua nỗ lực của chính mình. Tôi đã chứng thực bản thân và tranh công của Sư phụ.

Sau đó, tôi còn sinh tâm nóng vội. Tôi chỉ xem xét khía cạnh kỹ thuật, và cố gắng giải quyết vấn đề về mặt kỹ thuật. Tôi đã quên hướng nội và nhìn mọi thứ từ quan điểm của một người tu luyện.

Sau một số trao đổi, đồng tu nói chúng tôi thử bật máy in xem sao. Và máy in đã hoạt động bình thường.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/22/435082.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/2/19/199248.html

Đăng ngày 07-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share