Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 16-10-2021] Những năm gần đây, vẫn có rất nhiều đồng tu bị tà ác bức hại rất nghiêm trọng, rất nhiều đồng tu bị tuyên án phi pháp. Dưới đây tôi muốn chia sẻ góc nhìn cá nhân về việc làm thế nào để tu nhất tư nhất niệm khi gặp bức hại.

Tà đảng rất tà ác, điều này khỏi phải nói nhiều, thuốc độc chính là độc, trước mắt chúng ta không đề cập tới. Các đồng tu một khi gặp ma nạn kiểu như bị bắt giam phi pháp, trước hết không nên hoang mang, không nên sợ hãi. Sư phụ đã giảng:

“Nhĩ hữu phạ — Tha tựu trảo
Niệm nhất chính — Ác tựu khoa”

Diễn nghĩa

“Các vị mà sợ, nó sẽ bắt bớ
Niệm hễ chính, tà ác sẽ sụp”

(Phạ Xá – Hồng Ngâm II)

Nếu gặp sự việc này, cần dùng chính niệm của người tu luyện để đối đãi, đừng quên Sư phụ luôn luôn ở bên cạnh bảo hộ chúng ta. Trong toàn bộ quá trình này, mỗi niệm của chúng ta đều bị tà ác ở không gian khác chú ý gắt gao. Chỉ cần chúng ta đặt tư tưởng ở trong Pháp, trong tâm thản nhiên bất động, buông bỏ tự ngã, từ bi vị tha, Sư phụ sẽ giúp chúng ta hóa giải tất cả.

Một cặp vợ chồng đồng tu có hai kết quả khác nhau

Tôi từng gặp hai đồng tu như vậy. Sau khi bị bắt, họ bị tòa án phán quyết. Cuối cùng nhờ chính niệm chính hành và sự gia trì từ bi của Sư phụ, họ đã thoát khỏi ma nạn, biến nguy thành an.

Đồng tu A, hai vợ chồng đều là đệ tử Đại Pháp. Trong thời gian tà đảng bức hại rất nghiêm trọng, cả hai đều bị bắt giữ phi pháp. Tại trại tạm giam, họ đã bị tra tấn ngược đãi dã man, cuối cùng bị xử án phi pháp 10 năm tù. Cho tới lúc bị đưa vào nhà giam, họ vẫn không dao động, không sợ hãi, trước sau kiên định tin rằng những gì tà ác nói sẽ không được tính, hết thảy đều do Sư phụ định đoạt. Hai người họ bị đưa đến nhà tù nam và nhà tù nữ.

Khi hai người bị đưa đến nhà tù là giờ ăn cơm trưa. Khi đó, có người nói với đồng tu A: “Anh chờ ở đây, tôi đi lấy cơm cho anh.” Đồng tu A khua tay, lắc đầu nói: “Không cần lấy cơm cho tôi, tôi về nhà ăn, không ăn cơm ở nơi này.” Lúc ấy trong tâm anh nghĩ: Nơi này không dành cho đệ tử Đại Pháp, tới nơi này là để diệt tà ác. Nhà của mình cách hang ổ của tà ác mấy trăm km, bình thường muốn phát chính niệm cự ly gần để diệt chúng thì không với tới. Lần này có thể bắt được chúng rồi.

Thế là anh ấy liền xắn tay áo, ngồi xếp bằng trên giường, chuyên tâm bất loạn phát chính niệm. Sau một lúc, anh nhận được thông báo: Buổi chiều sẽ đưa anh A về nhà. Họ còn nói, lúc đưa anh đi cũng sẽ đón vợ anh ở bên nhà tù nữ cùng về. Đồng tu A khi nghe thấy, biết sự việc tất sẽ phải như vậy, cũng không sinh tâm hoan hỉ, tiếp tục phát chính niệm.

Buổi chiều lúc đưa anh đi, đáng lẽ sẽ đón vợ của anh cùng về, nhưng sự tình đột nhiên thay đổi, họ nói vợ anh ở bên kia chờ một chút, xem tình hình như thế nào. Cứ như vậy, đồng tu A thuận lợi trở về nhà, còn vợ anh vẫn bị giam trong tù, bị bức hại khoảng bảy, tám năm.

Nhiều năm sau, đồng tu nữ được thả về. Đồng tu A cùng vợ trao đổi chia sẻ, để cô nhớ lại điểm nào không ở trong Pháp, khiến tà ác dùi vào sơ hở. Cô nói, sau khi bị đưa vào nhà giam, cô liền cảm thấy tuyệt vọng và cam chịu, đã động nhân tâm, vô hình trung đã thừa nhận an bài của cựu thế lực, dẫn đến kết quả hoàn toàn khác.

Kỳ thực trong kinh văn “Nói về Pháp”, Sư phụ đã giảng về vấn đề vượt quan nạn như thế nào, Sư phụ giảng rất rõ ràng:

“Mỗi khi ma nạn tới, không dùng phía bản tính để nhận thức, mà hoàn toàn dùng phía con người để lý giải, như vậy tà ma sẽ lợi dụng điểm ấy để can nhiễu và phá hoại mãi không thôi, khiến học viên lâm trong ma nạn một thời gian lâu. Kỳ thực ấy là do sự nhận thức không đầy đủ về Pháp của phía con người dẫn đến như thế, vì phía con người mà ức chế phía Thần của chư vị, cũng chính là ức chế bộ phận đã tu thành của chư vị, cản trở họ Chính Pháp. Phía chưa có tu thành lẽ nào có thể ức chế chủ tư tưởng, ức chế phía đã đắc Pháp? Vì con người mà nuôi dưỡng tà ma, khiến nó dùi vào sơ hở của Pháp.” (Nói về Pháp – Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Người tu luyện chúng ta là tu thành Thần, gặp bất kể sự việc gì đều cần dùng chính niệm của Thần để suy xét vấn đề, chứ không thể theo thói quen của con người đã hình thành trăm ngàn năm qua để suy nghĩ vấn đề. Đối diện với quan nạn, một khi đã động niệm người thường, lẫn lộn với những thứ của người thường, thì nó sẽ ức chế phía đã tu thành Thần của chúng ta khởi tác dụng, vì thế sẽ bị yêu ma dùi vào sơ hở để bức hại.

Tà ác ở không gian khác đang nhìn chằm chằm vào từng ý từng niệm của đệ tử Đại Pháp, có sơ hở nó liền chui vào. Mặc dù chúng ta có Pháp thân của Sư phụ ở bên cạnh bảo hộ, thế nhưng khi đệ tử động niệm người thường, Sư phụ cũng không cách nào trợ giúp.

Sư phụ giảng:

“Khi ma nạn đến, nếu thật sự đạt được thản nhiên bất động hoặc có thể đặt tâm cho phù hợp với các yêu cầu khác nhau của các tầng thứ khác nhau đối với chư vị, thì đủ để vượt quan rồi. Còn nếu cứ mãi không thôi, nếu không phải tâm tính hoặc hành vi có tồn tại vấn đề nào khác, thì nhất định là những ma tà ác đang dùi vào sơ hở mà chư vị đang nuông chiều. Người tu luyện dù sao cũng không phải là người thường, phía bản tính lẽ nào không Chính Pháp?” (Nói về Pháp – Tinh Tấn Yếu Chỉ)

“một ‘bất động’ có thể [ức] chế vạn động” (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada 2005)

Đồng tu A đối diện trước quan nạn đã làm được bất động tâm, chính niệm chính hành, không chỉ trong lời nói mà hành vi cũng làm được tới, do đó Sư phụ có thể giúp anh biến nguy thành an.

Còn một điểm nữa là trước quan nạn, cần buông bỏ tự ngã (vị tư), nghĩ cho chúng sinh. Không nên chỉ nghĩ rằng bản thân là người bị hại, các vị bức hại ta, ta và các vị đối chọi nhau, từ đó sinh ra tâm tranh đấu, tâm oán hận, thái độ cao ngạo, v.v. Những chủng nhân tâm này rất dễ bị tà ác dùi vào sơ hở, từ đó gia tăng ma nạn.

Trường hợp khác nhau của ba đồng tu

Có ba đồng tu bị bắt khi ra ngoài giảng chân tướng. Đồng tu B nói: “Hãy buông bỏ hết các tâm, không phải sợ, chúng ta giao hết thảy cho Sư phụ, Sư phụ nói mới được tính. Nếu đệ tử Đại Pháp chịu ma nạn, những gì bị hủy chính là chúng sinh.” Cô nói: “Lúc mở phiên tòa, tôi không nghĩ cho bản thân, tôi coi vị ngồi trên ghế thẩm phán kia là chúng sinh không minh bạch chân tướng, nghĩ rằng mặc dù chúng tôi đang chịu ma nạn, nhưng bị hủy diệt lại là những người đó. Tôi vì họ mà đau khổ rơi lệ, trong tâm lặng lẽ cầu Sư phụ, chúng con chịu chút khổ cũng không sao, Sư phụ đừng để những chúng sinh này vì phạm tội với Đại Pháp mà bị hủy đi.”

Trong một niệm ấy, cô đã buông bỏ tự ngã, không có tư tâm, xuất ra hoàn toàn là tâm từ bi vị tha. Kết quả bản án một năm tù của hai đồng tu không được thi hành, được trả tự do tại tòa.

Còn đồng tu thứ ba, trước sau đều nói bản thân tuổi tác cao, sức khỏe không tốt, cuộc sống trong nhà gặp khó khăn, xin đừng kết án bà… hoàn toàn là tâm người thường. Kết quả bà bị tuyên án phi pháp ba năm, lập tức chấp hành án. Khi từ trại giam trở về nhà, đồng tu này đã bị chuyển hóa, không còn chính niệm. Cho đến nay, cũng không quay trở lại tu Đại Pháp, khiến mọi người cảm thấy rất đáng tiếc.

Các đồng tu trải qua cùng một dạng quan nạn, nhưng trạng thái tu luyện khác nhau, Thần niệm và nhân niệm, sai khác nhau ở một niệm này nhưng kết quả cách biệt một trời một vực.

Đệ tử Đại Pháp và chúng sinh, là quan hệ cứu độ và được cứu độ. Những gì bức hại chúng ta là nhân tố tà ác ở không gian khác, dĩ nhiên chúng ta cần có chính niệm để diệt trừ chúng. Còn với những nhân viên công an, kiểm sát, tư pháp bị thao túng, không minh bạch chân tướng, họ mới là những người đáng thương, bị cựu thế lực lợi dụng, đứng trước kết cục bị tiêu hủy. Là đệ tử Đại Pháp trợ Sư chính Pháp, cần xuất tâm từ bi cứu độ họ.

Trên đây là thể ngộ cá nhân. Nếu có điểm nào không ở trong Pháp, mong các đồng tu chỉ ra.

[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.]


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/16/神念和人念-一念之差却是天壤之别-431315.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/3/196840.html

Đăng ngày 05-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share