[MINH HUỆ 13-07-2019] Tôn Tư Mạc là người Tây Diệu, Thiểm Tây, sống vào trước thời nhà Tùy đến đầu thời nhà Đường (581 – 682), thọ 102 tuổi. Bảy tuổi ông bắt đầu đi học, mỗi ngày có thể đọc hơn ngàn chữ. Khoảng năm 20 tuổi, ông thích học thuyết Lão Trang và Bách gia, ông cũng thích đọc kinh Phật. Tổng quản Lạc Dương đương thời là Cô Độc Tín sau khi gặp ông đã cảm thán nói rằng: “Đây là một Thánh đồng, chỉ e cậu ta tài lớn quen biết ít, rất khó được trọng dụng”.
Tôn Tư Mạc cám cảnh phong khí xã hội tụt dốc hàng ngày, người thế tục truy cầu danh lợi, tranh giành chiếm đoạt, tham lam vô đáy, cuối cùng phóng túng mà chết. Ông nói, chỉ có tu dưỡng “đạo đức”, không cầu thiện báo mà tự có phúc báo, không cầu trường thọ mà thọ mệnh tự kéo dài.
Thời Tuyên Đế nhà Hậu Chu, Tôn Tư Mạc với nguyên do vương thất nhiều biến cố nên đã đến núi Chung Nam ẩn cư. Thời kỳ Tùy Văn Đế phụ chính, Văn Đế đã truyền lệnh cho ông làm Quốc tử Bác sỹ, nhưng ông xưng có bệnh nên không nhận. Ông còn nói với những người thân cận xung quanh rằng: “50 năm nữa sẽ có một Thánh nhân xuất hiện, lúc đó ta sẽ trợ giúp ông tế thế cứu người.”
50 năm sau, Đường Thái Tông Lý Thế Dân lên ngôi Hoàng Đế, cho vời Tôn Tư Mạc đến kinh thành. Thái Tông vô cùng kinh ngạc và ca ngợi dung mạo trẻ trung của ông và nói với ông rằng: “Gặp khanh, trẫm nhờ vậy mà biết được rằng người tu Đạo thực sự đáng được tôn trọng, ngưỡng mộ. Các vị Thần Tiên như Quảng Thành Tử quả thực là không phải truyền thuyết hư cấu.” Thái Tông nhiều lần muốn trao tước vị cho Tôn Tư Mạc, ông đều kiên quyết từ chối.
Năm Hiển Khánh thứ tư đời Đường, Đường Cao Tông cho vời Tôn Tư Mạc đến, mời ông làm Giám nghị Đại phu. Ông thác bệnh xin về quê. Cao Tông ban cho ông ngựa tốt, đồng thời ban cho ông thành ấp Bà Dương Công Chúa (địa danh đặt theo tên công chúa nhà Tấn) để ông cư trú.
Tôn Tư Mạc cả đời vừa hành nghề y vừa hái thuốc, ông đã đến núi Thái Bạch, Chung Nam ở Thiểm Tây, núi Thái Hành ở Sơn Tây, núi Tung Sơn ở Hà Nam và núi Nga My ở Tứ Xuyên. Ông đã thu thập rộng rãi những tri thức sử dụng dược liệu và các phương thuốc đơn phương, nghiệm phương. Về phương diện nghiên cứu dược học ông đã để lại hai bộ trước tác lớn là Thiên Kim Yếu Phương và Thiên Kim Dực Phương cho hậu thế. Hai bộ trước tác này được ca ngợi là Bách khoa Toàn thư Y học Cổ đại Trung Quốc, có tác dụng lịch sử kế thừa từ đời Hán Ngụy tiếp nối đến thời thời Tống Nguyên. Ở Nhật Bản vào những năm Thiên Bảo, Vạn Trị, Thiên Minh, Gia Vĩnh và Khoan Chính đã từng nhiều lần xuất bản sách Thiên Kim Yếu Phương. Tôn Tư Mạc sau khi ông quy Tiên, mọi người đổi tên núi Ngũ Đài Sơn nơi ông ẩn cư thành Dược Vương Sơn, đồng thời xây miếu dựng tượng ông trên núi, dựng bia lưu truyền. Hàng năm vào ngày mồng 03 tháng 02 Hoàng Lịch (âm lịch), người dân địa phương đều tổ chức lễ hội kỷ niệm ông, thời gian lễ hội kéo dài nửa tháng.
Giày cỏ tám cân rưỡi
Tôn Tư Mạc ở trên núi cao theo sư phụ học y thuật nhiều năm. Bởi ông học rất chuyên cần khắc khổ, cộng thêm nhân phẩm y đức nên được sư phụ khen ngợi tán thưởng, do đó đã được sư phụ truyền thụ hết chân truyền. Lúc từ biệt sư phụ để xuống núi, sư phụ đã ân cần căn dặn ông rằng: “Chuyện nhân gian đều có định số, không được vì khó khăn nhất thời mà mất đi nguyện vọng tế thế cứu người. Ta tin con sẽ không làm những việc bại đức hại nhân, làm nhục sư môn. Cái tâm thuở ban đầu không thay đổi, ắt sẽ có thành tựu lớn”.
Tôn Tư Mạc rơi lệ bái biệt sư phụ rồi xuống núi, cẩn trọng tuân theo lời dạy bảo của sư phụ, toàn tâm toàn ý chữa bệnh cứu người. Nhưng sự việc không được như ý muốn, cho dù ông đi đến đâu, không những chữa không khỏi bệnh mà còn xảy ra cứ ra tay chữa bệnh là bệnh nhân chết. Mọi người chỉ trích, nhục mạ ông, sau đó đuổi ông như tránh dịch bệnh. Ông không chỉ phải chịu khổ nạn màn trời chiếu đất, mà còn chịu nhục mạ như dao như kiếm của mọi người.
Một hôm, cuối cùng không chịu nổi nữa, ông rớt lệ trở về núi thổ lộ nỗi khổ tâm với sư phụ. Sư phụ không trách mắng ông, chỉ hiền từ nhìn ông và nói chân thành tình cảm rằng: “Những nỗi khổ con phải chịu ta đều biết, nhưng đây là một quá trình, đến khi thời vận của con thay đổi thì hết thảy đều tốt đẹp. Chớ nản lòng, khi chiếc giày cỏ của con nặng tám cân rưỡi (khoảng 4.25 kg) thì tốt đẹp.”
Tôn Tư Mạc lại bái biệt sư phụ rồi xuống núi. Ông lại trải qua những cảnh ngộ như trước, nhưng ông không nản lòng, không nhụt chí, trong khổ nạn vẫn tự khích lệ mình. Một hôm ông đi xuyên một đầm lầy khiến đôi giày cỏ hỏng. Khó khăn lắm mới đi qua được khu đầm, ông dựa vào một gốc cây đại thụ, dùng những sợi cỏ dai khâu buộc giày cỏ. Sau khi sửa xong, nhìn đôi giày cỏ vừa to vừa nặng, nhưng không còn cách nào khác đành phải xỏ chân vào.
Một lát sau bỗng nhiên một đám tang với tiếng khóc lóc đi qua nơi này, Trong quan tài đang khiêng kia còn nhỏ máu ra ngoài. Tôn Tư Mạc chạy đến quan sát tỉ mỉ vết máu, trong lòng bỗng thấy rõ người này vẫn còn có thể cứu được. Thế là ông đuổi theo gọi lớn: “Đứng lại, đứng lại! Người này còn cứu được, người này còn cứu được…”
Mọi người ban đầu còn cho rằng ông là kẻ điên đang nói luyên thuyên. Ông bảo mọi người bỏ quan tài xuống, mọi người càng không nghe, bởi vì người địa phương này cho rằng trên đường đưa tang mà bỏ quan tài xuống là không lành. Không còn cách nào khác, ông đành vừa đi theo vừa nói: “Người này là do khó sinh mà chết đúng không? Không những đứa trẻ vẫn chưa sinh ra, bà mẹ cũng chảy máu không ngừng, đau đớn mà chết, cho đến lúc đưa vào quan tài đưa đám vẫn chảy máu. Người này vẫn còn cứu được, mau bỏ quan tài xuống, nếu không thì sẽ không kịp.”
Mọi người thấy ông nói tất cả đều đúng, chính xác giống như đích thân nhìn thấy, do đó bèn đặt quan tài xuống, mở quan tài ra cho ông chữa. Tôn Tư Mạc lấy ra một cây kim bạc, tìm đúng huyệt vị cắm kim vào. Chỉ một lát sau đã nghe thấy một tiếng “a”, sản phụ tỉnh lại. Mọi người dường như đồng thanh kêu lên kinh ngạc. Đúng lúc đó lại vang lên tiếng khóc rõ ràng của đứa trẻ, cả bà mẹ và đứa trẻ đã được cứu sống. Mọi người vui mừng reo hò nhảy nhót.
Từ đó trở đi, kỳ tích một cây kim bạc cứu hai mạng người được mọi người lan truyền thành giai thoại.
Mọi người mời Tôn Tư Mạc về nhà như đón rước Thần linh, cả nhà cảm ơn rối rít, bái lạy mãi, không biết dùng thịnh tình khoản đãi thế nào mới báo đáp được ân cứu mạng này.
Hôm sau, Tôn Tư Mạc nhất quyết ra đi, cả nhà lưu giữ không nổi, tặng ông một ít tiền bạc để làm lễ tạ ơn nhưng ông cũng kiên quyết không nhận. Ông chỉ nhận một đôi giày cỏ. Người chồng của sản phụ muốn vứt đôi giày cỏ cũ đi nhưng Tôn Tư Mạc không nỡ vứt bỏ, ông tìm cái cân để cân thì đôi giày vừa đúng tám cân rưỡi.
Từ đó ông càng tin lời sư phụ, cứu người đời đang khổ đau bởi bệnh tật. Cũng thật kỳ diệu, từ đó trở đi, ông chữa bệnh cứ tay động đến là bệnh khỏi. Đương nhiên Thần tích của “Thần y giày cỏ” cũng càng ngày lan truyền càng rộng khắp.
(Còn nữa)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/13/孙思邈-修炼之道-以德为本(1)-389938.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/6/179208.html
Đăng ngày 17-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.