Bài viết của Hân Tịnh

[MINH HUỆ 18-02-2022] Ngày 23 tháng 12 năm 2021, Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã ký đạo luật lưỡng đảng, “Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ”, nhằm áp đặt các hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa được sản xuất từ lao động cưỡng bức ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Điều này cho thấy một thực tế rằng mặc dù hệ thống trại lao động đã chính thức bị bãi bỏ ở Trung Quốc vào năm 2013, nhưng tình trạng cưỡng bức lao động vẫn đang tiếp diễn.

Đối với tội ác chà đạp nhân quyền này, các học viên Pháp Luân Công là nhóm đặc biệt bị nhắm đến. Pháp Luân Công là một hệ thống tu luyện thiền định ôn hòa đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999. So với người Duy Ngô Nhĩ, cưỡng bức lao động đối với các học viên Pháp Luân Công thậm chí còn tồi tệ hơn, như được giải thích dưới đây.

“Chúng tôi bắt anh vì tiền”

Trên trang web Minh Huệ có rất nhiều báo cáo về lao động cưỡng bức và dưới đây là vài ví dụ.

Khối lượng công việc tăng lên trong thời gian đại dịch

Ngày 22 tháng 7 năm 2020, phân khu 11 của Nhà tù Tỉnh Sơn Đông tiếp tục cưỡng bức lao động trở lại sau một thời gian tạm dừng do đại dịch. Trưởng phân khu Vương Truyện Tùng đã ra lệnh tăng dần số giờ làm việc cũng như khối lượng công việc. Những người bị giam giữ phải dậy sớm hơn một giờ, vào 5 giờ sáng thay vì 6 giờ như trước, và làm việc đến 8 thậm chí 9 giờ tối. Khối lượng công việc cũng không ngừng tăng, từ 400 đơn vị sản phẩm một ngày lên 800, thậm chí 1.600 đơn vị một ngày.

Một tù nhân nói: “Ông Vương mới được bổ nhiệm vào vị trí này, chắc hẳn ông ấy đã tính đến việc lập thành tích bằng cách bắt chúng tôi làm việc nhiều hơn.’ Điều đó quả thực đã xảy ra. Khối lượng công việc nhanh chóng tăng gấp đôi và sau một thời gian, nó lại tăng gấp đôi lần nữa. Vì từ chối lao động cưỡng bức, học viên Trịnh Húc Phi đã bị biệt giam và bị buộc phải đứng trong một thời gian dài, đôi khi đến quá nửa đêm. Hai tù nhân Từ Siêu và Lưu Hoài Lượng được giao theo dõi ông Trịnh, họ đã dẫm mạnh vào các ngón chân của ông, khiến chúng bị sưng tấy nghiêm trọng.

Làm việc hơn 10 giờ mỗi ngày với bữa ăn nhỉnh hơn quả trứng

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Nhà tù Giao Châu ở thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Các học viên bị ở đó bị buộc phải lao động khổ sai không lương hơn 10 giờ mỗi ngày, nhưng mỗi bữa chỉ được ăn nhỉnh hơn một quả trứng. Trong khi khối lượng công việc hàng ngày lại tăng lên. Các sản phẩm điện tử mà họ bị ép phải sản xuất liên tục tăng, từ 50 chiếc lên 60, 70, hoặc 80 chiếc mỗi ngày.

Các quan chức nhà tù tuyên bố những người bị giam giữ làm việc 8 giờ mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần, với hai ngày nghỉ, trong khi thực tế thời gian nghỉ ngơi chỉ có nửa ngày mỗi tuần. Nếu học viên nào không hoàn thành khối lượng công việc được giao, chính trị viên Phân khu 6 Lý Văn Thanh sẽ ra lệnh cho các tù nhân trói học viên đó lại, nhét hai quả bóng cỡ quả trứng vào miệng anh/cô ấy rồi dùng dây thừng buộc chặt, sau đó xịt nước cay vào mặt, và che phủ toàn bộ đầu trong một tấm che mặt. Tiếp đó, người học viên này bị buộc phải đứng yên trong hơn 10 giờ mỗi ngày với hai tù nhân được chỉ định theo dõi anh/cô ấy. Những tù nhân được chỉ định này thường cởi bỏ áo khoác của học viên khiến anh/cô ấy lạnh cóng và không cho họ ngủ. Một học viên tên là Tiểu Tứ đã từng bị Lý Văn Thanh trừng phạt theo cách này từ ngày 2 tháng 8 năm 2020 đến ngày 5 tháng 1 năm 2021.

Tra tấn thể xác, ngược đãi tinh thần và qua đời

Tháng 10 năm 2015, bà Trần Vĩnh Xuân, một học viên ở thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh, bị bắt giữ và nhà của bà bị lục soát. Khi bà nói rằng bà vô tội, một sỹ quan đã bác bỏ điều đó, “Sao bà vẫn dám nói về điều đó? Chúng tôi bắt bà chúng tôi mới có tiền thưởng chứ.”

Sau khi bị kết án 5 năm tù, bà Trần bị đưa đến Nhà tù Nữ Thẩm Dương, ở đó bà bị cưỡng ép làm sản phẩm thủ công bằng giấy. Bà thường xuyên phải làm việc không nghỉ đến tận nửa đêm, và liên tục bị các tù nhân khác đánh đập. Do bị hành hạ thể xác và tinh thần suốt một thời gian dài, bà thường bị bất tỉnh. Không còn cảm giác thèm ăn, bà nhanh chóng trở nên tiều tụy.

Năm 2019, bà Trần bắt đầu có các biểu hiện của bệnh tiểu đường và tình trạng của bà nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Khi gia đình đón bà từ bệnh viện nhà tù vào tháng 10 năm 2020, bà không thể tự đi lại được. Bà nhìn không rõ và vô cùng tiều tụy. Vài tháng sau, vào ngày 4 tháng 3 năm 2021, bà Trần qua đời ở tuổi 50.

Gần 700 doanh nghiệp quốc doanh trong các nhà tù trên khắp Trung Quốc

Theo thống kê, hiện có ít nhất 681 doanh nghiệp nhà nước có trụ sở tại các nhà tù ở hầu hết các tỉnh trên khắp Trung Quốc. Ngoài ra, đại diện hợp pháp của 432 công ty này cũng đang giữ các chức vụ trong cơ quan chính phủ, từ giám đốc hoặc phó giám đốc cục quản lý trại giam đến giám đốc hoặc phó giám đốc nhà tù.

Các công ty trong nhà tù này được quản lý tập trung và hầu như chỉ sử dụng lao động miễn phí. Những tù nhân bị buộc phải làm việc quá tải cả về thể chất và tâm lý của họ, nếu không họ sẽ phải chịu sự tra tấn. Nguồn lao động không công khổng lồ tại các nhà tù, trại lao động và trung tâm tẩy não đã mang lại cho ĐCSTQ một lợi thế to lớn khi cạnh tranh với các quốc gia khác. Cho dù Hoa Kỳ áp đặt mức thuế quan bao nhiêu đi nữa đối với các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, cũng sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào đến nguồn lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy trong khi các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chính của lao động cưỡng bức, còn có các nhóm nạn nhân khác, bao gồm những người ủng hộ nhân quyền, luật sư, những người dân kiến nghị cho quyền lợi của họ, các thành viên trong nhà thờ ngầm, người Duy Ngô Nhĩ, và những người khác. Trên thực tế, sau khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào năm 1999, nguồn lao động cưỡng bức ở Trung Quốc đã tăng đột biến.

Nâng cao nhận thức

Cô Julie Keith, một bà mẹ ở Oregon, đã mở một gói đồ trang trí Halloween mua từ cửa hàng bán lẻ địa phương vào năm 2012. Bên trong gói hàng này là một bức thư kêu gọi giúp đỡ được gửi từ Trại lao động Mã Tam Gia, hiện đã không còn tồn tại.

Bức thư viết, “Xin vui lòng gửi lại bức thư cho Tổ chức Nhân quyền Thế giới. Hàng ngàn người nơi đây, những người đang bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại sẽ cảm kích và nhớ đến quý vị mãi mãi.” Bức thư giải thích rằng những người bị giam giữ ở đó phải làm việc 15 giờ mỗi ngày và không được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ khác; nếu không, họ sẽ bị trừng phạt bằng cách đánh đập, tra tấn hoặc các hình thức ngược đãi khác. Họ hầu như không được nhận đồng lương nào – chỉ 10 nhân dân tệ (1,6 đô la) mỗi tháng.

Người viết bức thư này là ông Tôn Nghị, một kỹ sư ở Bắc Kinh, bị giam giữ tại Trại lao động Mã Tam Gia vì tu luyện Pháp Luân Công. Năm 2018, câu chuyện này đã được chuyển thể thành phim tài liệu Bức thư từ Mã Tam Gia. Khi bộ phim được trình chiếu tại Tòa nhà Văn phòng Rayburn House ở Washington D.C. Vào tháng 9 năm 2019, hàng chục Nghị viên Hoa Kỳ đã xem bộ phim tài liệu này.

Cuốn sách có tên Sản xuất tại Trung Quốc: Một tù nhân, một lá thư SOS và cái giá phải trả cho hàng hóa giá rẻ tại Mỹ (Made in China: A Prisoner, an SOS Letter, and the Hidden Cost of America’s Cheap Goods) của nhà báo người Mỹ gốc Hoa Amelia Pang đã được xuất bản vào tháng 2 năm 2021.“ Ông Chris Hedges, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, đã viết về cuốn sách như sau “Một cái nhìn đầy xúc động và có tác động mạnh mẽ về các trại lao động khổ sai tàn bạo ở Trung Quốc đã sản xuất ra hàng loạt sản phẩm tiêu dùng.”

Mặc dù bức thư từ Mã Tam Gia và các vụ việc khác đã khiến hệ thống trại lao động ở Trung Quốc bị bãi bỏ vào năm 2013, nhưng tình trạng cưỡng bức lao động [tại Trung Quốc] vẫn tồn tại và người ta vẫn tìm thấy các bức thư cầu cứu khác.

Đầu năm 2017, một cô gái ở New York đã tìm thấy một thông điệp như thế từ một nhà tù ở Trung Quốc trên mặt sau của hộp bánh mà cô đã mua. Vào tháng 3 năm 2017, một phụ nữ ở Arizona đã tìm thấy một bức thư cầu cứu từ Nhà tù Anh Sơn ở tỉnh Sơn Tây trong một chiếc ví cô mua từ Walmart. Vào dịp Giáng sinh năm 2019, một bé gái 6 tuổi ở Anh đã tìm thấy lời cầu cứu từ Nhà tù Thanh Phố ở Thượng Hải trên một tấm thiệp Giáng sinh mua ở Tesco, nhà bán lẻ lớn nhất tại quốc gia này.

Cuộc bức hại vẫn tiếp diễn

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, sau khi ĐCSTQ tuyên bố đóng cửa các trại lao động vào năm 2013, nhiều cơ sở trong số này đã được đổi tên thành các trung tâm điều trị ma túy. Ngoài ra, năm 2014, ĐCSTQ thành lập “trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” ở Tân Cương, hiện được nhiều quốc gia phương Tây và các tổ chức nhân quyền coi là “trại cải tạo”. Khoảng một đến ba triệu người đang bị giam giữ ở đó.

Sau khi ĐCSTQ thu được những lợi ích to lớn từ các học viên Pháp Luân Công, nó đã áp dụng các thủ đoạn tương tự đối với những người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ, những người bất đồng chính kiến ​​và những người ủng hộ nhân quyền. Trên thực tế, sau khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân ra lệnh chống lại các học viên Pháp Luân Công bằng cách “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” của họ, các quan chức chính phủ đã điên cuồng bắt giữ, bỏ tù và tra tấn một số lượng lớn học viên. Nhiều học viên còn bị bạo hành tinh thần, lạm dụng tình dục hoặc thậm chí mất tích. Đa số các thủ đoạn đàn áp này hiện đã được sử dụng đối với người Duy Ngô Nhĩ và người Hồi giáo.

Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, các quan chức ĐCSTQ “đã phạm tội ác chống lại loài người như một phần của cuộc tấn công rộng rãi và có hệ thống nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo Turk khác ở Tân Cương, trong đó có giam giữ hàng loạt, tra tấn và bức hại văn hóa.” Đa số những phương pháp này trước đây đã được sử dụng để chống lại các học viên Pháp Luân Công.

Nghị viện Bỉ, Canada, Cộng hòa Séc, Lithuania, Hà Lan và Vương quốc Anh đã thông qua các nghị quyết nhằm lên án tội ác diệt chủng của ĐCSTQ đối với người Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, so với người Duy Ngô Nhĩ, sự đàn áp của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công nghiêm trọng hơn và diễn ra trong thời gian dài hơn nhiều.

“Những tội ác chống lại loài người của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Bằng chứng có rất nhiều, chi tiết, và đầy thuyết phục.” Tháng 12 năm 2021, nhà làm phim người Canada Caylan Ford và luật sư nhân quyền David Matas đã viết trong một bài báo có tiêu đề “Hãy mở rộng tầm mắt trước bộ máy đàn áp của Trung Quốc.”

Bài báo viết, “Thực tế có câu hỏi là tại sao nhiều người không hề biết cuộc bức hại này đang diễn ra. Gần đây, rất ít sự kiện trong lịch sử Trung Quốc có tác động sâu sắc đến chính trị, an ninh và tinh thần của đất nước này, cũng như có rất ít sự kiện được nghiên cứu hoặc ít được tìm hiểu. ”

“Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc được phép thực hiện tội ác diệt chủng và các tội ác phản nhân loại đối với chính người dân của mình, hãy hình dung những gì nó sẽ cả gan làm đối với thế giới tự do, trong một tương lai không xa,” cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo nhận định vào ngày 19 tháng 1 năm 2021, trước khi ông rời nhiệm sở.

Trước sự tàn bạo của ĐCSTQ, chúng ta cần cùng nhau lên tiếng chống lại chế độ độc tài này; nếu không, những người còn lại có thể không nghe thấy tiếng nói của chính chúng ta khi chúng ta đã trở thành nạn nhân của nó.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/18/437390.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/26/199675.html

Đăng ngày 28-03-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share