Bài của phóng viên Minh Huệ ngoài Trung Quốc
[MINH HUỆ 26-12-2021] Gần đây, nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế 10 tháng 12 (năm 2021), học viên Pháp Luân Công tại 36 quốc gia đã đệ trình lên chính phủ nước sở tại danh sách mới về những thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc. Theo đó các học viên yêu cầu chính phủ cấm những thủ phạm và các thành viên gia đình họ nhập cảnh và đóng băng tài sản của họ ở nước sở tại.
Trong 36 quốc gia này có 5 nước thuộc Liên minh Ngũ Nhãn (Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Australia và New Zealand), 23 nước thuộc Liên minh Châu Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Ba Lan, Bỉ, Thụy Điển, Áo, Ireland, Đan Mạch, Phần Lan, Czechia, Romania, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Hungary, Slovakia, Luxembourg, Bulgaria, Croatia, Slovenia, Estonia và Malta) và 8 nước khác (Nhật Bản, Nam Hàn, Indonesia, Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein, Israel và Mexico).
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999. Trong cuộc bức hại này, nhiều học viên đã bị tra tấn đến chết và bị mổ cướp nội tạng. Gần đây, các học viên đã gửi nhiều danh sách những thủ phạm bức hại đến các quốc gia khác nhau, yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền này. Lần đệ trình này đánh dấu lần đầu tiên quốc gia Estonia tham gia vào nỗ lực này.
Lưu Khải, Phó Tỉnh trưởng kiêm Giám đốc Công an tỉnh Hà Bắc
Họ và tên: Lưu Khải (刘凯)
Giới tính: Nam
Quốc tịch: Trung Quốc
Dân tộc: Hán
Ngày tháng năm sinh: Tháng 8 năm 1969
Nơi sinh: Thành phố Sào Hồ, tỉnh An Huy
Các chức vụ Lưu Khải đã và đang nắm giữ
Tháng 9 năm 1999 – Tháng 2 năm 2005: Trợ lý Cục Trưởng Cục An ninh Nội địa, Trưởng Ban Chỉ huy, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Bộ Chỉ huy của Công an Thành phố Thượng Hải.
Tháng 4 năm 2005 – Tháng 7 năm 2008: Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy kiêm Phó Chủ tịch quận Thanh Phố của Thượng Hải, Trưởng Công an Quận Thanh Phố thuộc Công an Thành phố Thượng Hải, Bí thư đảng ủy.
Tháng 7 năm 2008 – Tháng 8 năm 2013: Phó Trưởng và Chủ nhiệm Ban Chỉ huy Công an Thành phố Thượng Hải.
Tháng 8 năm 2013 – Tháng 3 năm 2017: Ủy viên Ban thường vụ Thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp Luật, Trưởng Công an Thành phố Ninh Ba, Bí thư đảng ủy, và Chánh Thanh tra.
Tháng 3 năm 2017 – Tháng 1 năm 2018: Thành viên Ban lãnh đạo đảng của Chính quyền tỉnh Hà Bắc, Ủy viên của Ủy ban Chính trị và Pháp Luật Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Bí thư đảng ủy, và Chánh Thanh tra.
Tháng 1 năm 2018 – nay: Phó tỉnh trưởng Chính quyền tỉnh Hà Bắc, Thành viên Ban lãnh đạo đảng, Ủy viên Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy, Giám đốc Công an Tỉnh Hà Bắc, Bí thư đảng ủy, và Chánh Thanh tra.
Văn phòng An ninh Nội địa còn được gọi là Cục 1 Bộ Công an, tiền thân là Cục Bảo vệ Chính trị, một cơ quan chuyên thực thi các mệnh lệnh của Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Trong hai thập kỷ qua, cơ quan này trực tiếp hoặc gây sức ép xuống cảnh sát địa phương để bức hại học viên Pháp Luân Công, bao gồm sách nhiễu, bắt bớ, lục soát nhà cửa và tra tấn họ.
Các tội ác chủ yếu của Lưu Khải
Lưu Khải bắt đầu sự nghiệp trong hệ thống chính trị và pháp luật tại Thượng Hải. Ông ta được cựu bí thư Ngô Chí Minh của Ủy ban Chính trị và Pháp Luật Thượng Hải đề bạt vào hàng ngũ lãnh đạo của Đảng. Ngô Chí Minh là cháu trai của Giang Trạch Dân, và ông ta đã phụ trách cuộc bức hại Pháp Luân Công thông qua việc thao túng hệ thống công an Thượng Hải.
Trong thời gian nhậm chức tại Thượng Hải, Lưu Khải làm theo mệnh lệnh của Ngô Chí Minh và là đồng phạm tích cực của ông ta trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu năm 1999 đến năm 2005, Lưu giữ chức Trợ lý Cục trưởng Cục An ninh Nội địa, Trưởng Ban Chỉ huy, Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Bộ Chỉ huy của Công an Thành phố Thượng Hải.
Theo thông tin Minh Huệ Net thu thập, ít nhất 12 học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết trong nhiệm kỳ của Lưu, họ gồm: Lục Hạnh Quốc, Lý Vĩ Hồng, Dương Học Cần, Mã Tân Tinh, Lý Kiến Bân, Lý Bạch Phân, Lý Lệ Mậu, Tào Kim Tiên, Hoàng Xảo Lan, Cát Văn Tân, Trần Quân, Đinh Do Mục.
Học viên Pháp Luân Công ông Mã Tân Tinh, khoảng 40 tuổi, đã bị cảnh sát của quận Từ Hối nhốt trong một bệnh viện tâm thần hơn 3 tháng và tiêm thuốc hủy hại thần kinh. Đến cuối năm 2000, ông Mã bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Số 3 Thanh Phố. Tháng 11 năm 2003, ông bị tra tấn đến thập tử nhất sinh. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm nên cảnh sát đã yêu cầu gia đình đến đón ông về nhà. Ông Mã đã qua đời vào ngày 14 tháng 12 năm 2003.
Tháng 8 năm 2016, trong nhiệm kỳ Lưu làm Phó Trưởng Công an Thành phố Ninh Ba, Phòng 610 Ninh Ba đã lợi dụng Hội nghị Thượng đỉnh G20 làm cái cớ để phát động một chiến dịch phối hợp cùng với hệ thống công an và Phòng 610 trực thuộc quận Ngân Châu mở lớp tẩy não trong biệt thự Núi Hùng Phong tại huyện Ninh Hải. Ngày 26 tháng 8, tám học viên Pháp Luân Công đã bị bắt đến đó, trong đó có các học viên Hồng Cát Tĩnh, Ứng Quốc Phương, Tương Xuân Á, Nữu Tử Hà.
Kể từ tháng 3 năm 2017, Lưu Khải nhậm chức Giám đốc kiêm Bí thư đảng ủy của Công an Tỉnh Hà Bắc, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hà Bắc và ủy viên của Ủy ban Chính trị và Pháp Luật tỉnh Hà Bắc. Ông ta tiếp tục thực thi các chính sách bức hại của Giang Trạch Dân, chỉ huy và giám sát hệ thống công an, kiểm sát, tòa án bức hại tàn khốc các học viên Pháp Luân Công ở địa phương.
Nhiều vụ bắt bớ quy mô lớn nhắm vào học viên Pháp Luân Công được thực hiện tại nhiều khu vực của tỉnh Hà Bắc trong những năm gần đây đều có liên quan trực tiếp đến Lưu Khải. Chẳng hạn, vào nửa cuối năm 2017, đã có 2.092 học viên Pháp Luân Công tại tỉnh Hà Bắc bị sách nhiễu, cao nhất so với các khu vực khác. Kể từ đó, Hà Bắc là tỉnh đứng nhất nhì trên cả nước trong việc bắt giữ các học viên Pháp Luân Công.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2018, học viên Pháp Luân Công bị bức hại phân bố tại 11 khu vực của tỉnh Hà Bắc, trong số đó có 2 người bị bức hại đến chết, 326 bị bắt giữ, 180 bị giam, 1.075 trường hợp bị sách nhiễu và 41 trường hợp bị lục soát nhà cửa.
Năm 2019, ít nhất 10 học viên Pháp Luân Công tại tỉnh Hà Bắc qua đời vì cuộc bức hại, 544 người bị bắt, 234 trường hợp bị sách nhiễu và 289 trường hợp bị lục soát nhà cửa.
Năm 2020, 10 học viên Pháp Luân Công tại tỉnh Hà Bắc qua đời vì cuộc bức hại, ít nhất 683 người bị bắt giữ và 1.690 trường hợp bị sách nhiễu.
Sách nhiễu quy mô lớn
Cảnh sát ở tỉnh Hà Bắc đã lấy danh nghĩa thực hiện nhiệm vụ của chính quyền trong việc “quét sạch băng đảng tội phạm” để bắt giữ vô số học viên Pháp Luân Công.
Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2018, dưới sự chỉ đạo của Chính quyền Lai Thủy, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, Văn phòng Duy trì ổn định và Công an Huyện Lai Thủy của tỉnh Hà Bắc, cảnh sát đã tiến hành lục soát nhà của 550 học viên Pháp Luân Công thuộc 284 thôn làng ở 15 thị trấn. Họ chụp ảnh, quay video và thu thập thông tin cá nhân của các học viên.
Theo thông tin do Minh Huệ Net tổng hợp, giới chức tỉnh Hà Bắc đã phát động một chiến dịch kéo dài 100 ngày nhắm vào các học viên không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Từ ngày 5 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7 năm 2019, Công an tỉnh Hà Bắc đã lập ra một lực lượng đặc nhiệm để thực hiện chiến dịch. Trụ sở chỉ huy của đội đặc nhiệm này được đặt tại một khách sạn ở huyện Lai Thủy. Lý Hoành Vũ, cựu lãnh đạo Phòng 610 huyện Lai Thủy, là người phục trách lực lượng đặc nhiệm này.
Khoảng 3 giờ sáng ngày 6 tháng 7 năm 2019, hơn 300 cảnh sát được huy động để vây bắt các học viên. Một cảnh sát trưởng tiết lộ rằng họ đã theo dõi điện thoại di động của các học viên trong hai tháng trước khi hành động, và họ phải bắt giữ hơn 30 người theo chỉ tiêu.
Ngày 13 tháng 7 năm 2019, 34 học viên Pháp Luân Công tại huyện Vi Trường bị Văn phòng An ninh Nội địa Thừa Đức bắt giữ. Ngày hôm sau, cảnh sát lục soát nhà của họ và tịch thu máy in, máy tính xách tay, sách Pháp Luân Công, và các tài liệu như tờ rơi và đĩa CD.
Ngày 28 tháng 9 năm 2020, 13 người trong số họ bị Tòa án huyện Loan Bình xét xử. Trong đó, học viên Lưu Chí Phong bị kết án 6 năm tù giam và bị phạt 10.000 nhân dân tệ; Vương Quảng Học bị kết án 5 năm tù giam và bị phạt 10.000 nhân dân tệ; Vương Vĩnh Hưng và Vương Hải Cần bị kết án 4 năm tù giam và phạt mỗi người 10.000 nhân dân tệ; Trần Hải Đông, Vương Tố Phương, Đỗ Quế Lan, mỗi người bị kết án 20 tháng tù giam và bị phạt 5.000 nhân dân tệ; Cát Tố Phân bị kết án 18 tháng tù giam và bị phạt 5.000 nhân dân tệ; Lý Diễm Hoa bị kết án 15 tháng tù giam và 2 năm quản chế cùng khoản tiền phạt 5.000 nhân dân tệ; Lưu Phượng Hiệp, Thang Phượng Hiệp, Lưu Lệ Na và Vương Hải Băng, mỗi người bị kết án 14 tháng tù giam với 2 năm quản chế và bị phạt 5.000 nhân dân tệ.
Chiến dịch ‘Xóa sổ’ quy mô lớn
Từ giữa tháng 6 năm 2020, Công an tỉnh Hà Bắc, các đồn công an, Phòng 610, văn phòng khu phố, ủy ban khu dân cư cộng đồng và lãnh đạo đơn vị công tác của học viên Pháp Luân Công đã tiến hành “Chiến dịch sách nhiễu ‘Xóa sổ’”, một hành động phối hợp nhằm buộc các học viên có tên trong danh sách đen của chính quyền phải từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 18 tháng 6 năm 2020, Công an Quận Phong Nhuận (thuộc thành phố Đường Sơn) và các đồn công an trên địa bàn quận đã phái một lực lượng lớn cảnh sát đột nhập vào nhà của 38 học viên Pháp Luân Công để sách nhiễu, đe dọa và bắt giữ họ. Bà Hàn Ngọc Cần, 68 tuổi, đã chết trong đồn công an sau vài giờ bị bắt giữ. Ngày 15 tháng 10 năm 2021, năm học viên khác bị kết án từ 17 tháng đến 8 năm tù giam.
Bắt đầu từ tháng 6 năm 2020, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Huyện Thiên Tây đã lập danh sách hơn 150 học viên, gồm cả những người trên 80 tuổi và đưa ra thời hạn để những nhà chức trách địa phương phải buộc họ từ bỏ tín ngưỡng của mình. Cảnh sát lục soát nhà của các học viên và đe dọa sẽ khiến họ mất việc làm, tiền lương hưu và con cái cũng sẽ bị mất việc, thậm chí ảnh hưởng đến cả việc học hành của họ, hòng ép các học viên phải ký vào bản tuyên bố từ bỏ đức tin của họ.
Vào trung tuần tháng 9, ít nhất 150 học viên ở thành phố Bảo Định gần đó đã bị sách nhiễu. Hơn 40 học viên ở quận Đào Thành, thành phố Hành Thủy bị sách nhiễu. Quận này đã thiết lập quy tắc “một người, một hồ sơ” cho mỗi học viên Pháp Luân Công và xây dựng một kế hoạch chuyển hóa. Những học viên không đồng ý “chuyển hóa” bị đe dọa giam giữ và giáo dục cải tạo (thông qua các lớp tẩy não).
Sáng sớm ngày 12 tháng 8, khoảng 100 cảnh sát đã được điều động đến quận Phong Nam, thành phố Đường Sơn để bắt giữ hơn 10 học viên Pháp Luân Công và lục soát nhà của họ. Trong số đó, ông Đổng Kiến Toàn đã bị bức hại đến chết vào ngày 25 tháng 10 năm 2020, và sáu học viên khác bị kết án từ 6 tháng đến 10 năm tù.
Lưu Khải, Phó Tỉnh trưởng kiêm Giám đốc Công an Tỉnh Hà Bắc, phải chịu trách nhiệm trực tiếp và không thể trốn tránh về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hà Bắc.
Những trường hợp bị bức hại điển hình
Bà Mã Quế Lan bị bức thực đến chết tại Trại tạm giam Tần Hoàng Đảo
Ngày 4 tháng 7 năm 2018, bà Mã Quế Lan bị bắt và bị giam tại một trại giam trong hai tuần trước khi bị đưa vào trại tạm giam thành phố Tần Hoàng Đảo. Trại đã tìm cách buộc bà từ bỏ Pháp Luân Công. Khi bà từ chối thỏa hiệp, họ đã đổ nước tiêu nóng lên mặt bà. Ngày 11 tháng 9, bà Mã bắt đầu tuyệt thực để phản đối việc giam giữ. Ba ngày sau, lính canh tiến hành bức thực bà. Những người cùng phòng giam nghe thấy tiếng la hét thất thanh một cách thống khổ của bà trong quá trình bức thực.
Ngày 16 tháng 9, lính canh bức thực bà lần thứ ba. Vào lúc 7 giờ sáng ngày 17 tháng 9, bà Mã gần như đã gần như hôn mê và không thể rời khỏi giường. Hai tù nhân cùng buồng giam đã giúp bà ngồi dậy. Họ thấy tay chân của bà lạnh ngắt nên đưa bà trở lại giường. Sau đó, mắt bà mở trừng trừng và miệng bà há hốc, bà đã bất tỉnh nhân sự.
Bà Mã được đưa đến Bệnh viện Công an Tần Hoàng Đảo và một tiếng sau bà qua đời. Nhiều viêc chức từ một cơ quan chính quyền tỉnh đã đến và lấy nội tạng của bà và nói là để khám nghiệm [tìm nguyên nhân tử vong]. Không rõ đó là những cơ quan tạng gì và đã được mang đi đâu.
Bà Khổng Hồng Vân bị tra tấn đến chết tại trại tạm giam Bảo Định
Ngày 2 tháng 1 năm 2019, bà Khổng Hồng Vân, 47 tuổi, bị Đồn Công an Hòa Bình Lý bắt và giam tại trại tạm giam Thành phố Bảo Định. Ngày 8 tháng 3, một nhân viên trại tạm giam đã đưa bà vào bệnh viện. Bác sĩ đề nghị cho bà nhập viện nhưng trại giam đã từ chối.
Tối ngày 10 tháng 8 năm 2019, bà Khổng bị hôn mê. Nhân viên trại đưa bà vào bệnh viện. Một chuyên gia đã viết thông báo về bệnh tình nguy kịch và tiến hành phẫu thuật mở khí quản cho bà. Sau ca phẫu thuật, bà phải nhờ vào máy thở để duy trì sự sống. Sau đó, bác sĩ thúc giục cảnh sát thông báo tình trạng của bà tới gia đình bà. Khoảng 8 giờ sáng ngày 12 tháng 6, người nhà bà vội vã đến bệnh viện và nhận được tin bà đã tử vong.
Ông Ngụy Khởi Sơn bị tra tấn đến chết tại trại tạm giam Tần Hoàng Đảo
Ngày 12 tháng 6 năm 2018, ông Ngụy Khởi Sơn và vợ là bà Vu Thục Vinh bị bắt giữ. Sau hơn một năm bị giam giữ, ông Ngụy bị kết án 4 năm tù, bà Vu 3,5 tù.
Tối ngày 23 tháng 11 năm 2019, ông Ngụy bị tra tấn đến chết tại trại tạm giam Tần Hoàng Đảo. Gia đình vội vã đến Bệnh viện Nhân dân Thành phố Tần Hoàng Đảo. Khi đó, mắt ông đã khép hờ, cánh tay phải có những vết bầm tím và thâm đen.
Bà Hàn Ngọc Cần, 68 tuổi, tử vong sau vài giờ bị bắt giữ
Ngày 18 tháng 6 năm 2020, một nhóm cảnh sát từ Đồn Công an đường Đoan Minh thuộc quận Phong Nhuận đột nhập vào nhà bà Hàn Ngọc Cần. Họ bắt bà về đồn và cưỡng chế bà ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và ra lệnh cho bà điền thông tin vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Bà từ chối thỏa hiệp với yêu cầu của cảnh sát.
Sau hàng giờ ngồi ghế nhỏ, chân bà Hàn bị sưng tấy. Khoảng 4 giờ chiều, bà đi vệ sinh trong khi các cảnh sát đợi ở bên ngoài. Khi không thấy bà trở ra, họ đã xông vào và phát hiện bà ngã gục xuống sàn. Bà được đưa đến bệnh viện và không lâu sau được xác nhận là đã tử vong, khi đó bà 68 tuổi.
Khoảng 6 giờ chiều cùng ngày, gia đình nhận được thông báo về cái chết của bà. Khi đến bệnh viện, họ thấy tóc bà rối bù và có máu ở mũi.
Tính mạng của bà Mã Hội Hân trong tình trạng nguy kịch
Ngày 13 tháng 6 năm 2020, bà Mã Hội Hân bị Đồn Công an Nghiêu Thành, thành phố An Quốc bắt giữ. Chiều hôm sau, Trần Ngạn Thanh, Phó Đội trưởng Đại đội An ninh Nội địa đã đưa bà đến trại tạm giam Bảo Định. Khi đó, sức khỏe bà rất tốt.
Ngày 7 tháng 11, trại tạm giam thông báo cho gia đình bà Mã rằng bà đang trong tình trạng nguy kịch sau khi bị đột quỵ. Ngày 10 tháng 11, bà được phẫu thuật cắt mở xương sọ và được điều trị trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) trong 2 tuần. Ngày 30 tháng 11, bà được đưa từ bệnh viện đến một cơ sở dưỡng lão mà không có sự đồng ý của gia đình.
Ông Lý Duyên Xuân và vợ là bà Bùi Ngọc Hiền bị kết án tù dài hạn
Ngày 25 tháng 11 năm 2018, ông Lý Duyên Xuân và bà Bùi Ngọc Hiền bị bắt giữ sau khi bị tố giác tặng lịch có thông tin về Pháp Luân Công cho mọi người. Họ bị còng tay và cùm chân trong khi bị thẩm vấn. Sau đó, cảnh sát đã đưa họ về nhà để lục soát. Khi ông Lý phản đối, cảnh sát đã tát vào mặt ông khiến ông chảy máu miệng. Họ bắt ông quỳ gối với hai tay bị còng ngoặt ra sau.
Sau 20 giờ bị giam giữ, ông Lý được tại ngoại do bị cao huyết áp. Vợ ông bị đưa đến trại tạm giam thành phố Tần Hoàng Đảo.
Ông Lý Duyên Xuân bị kết án 7,5 năm tù giam cùng với khoản tiền phạt 20.000 nhân dân tệ.
Ngày 31 tháng 5 năm 2019, bà Bùi Ngọc Hiền bị Tòa án Huyện Xương Lê kết án 4 năm tù giam.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/26/435300.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/5/197981.html
Đăng ngày 12-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.