Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-11-2021] Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, dạy các học viên hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và hướng nội để cải thiện bản thân, chịu trách nhiệm về các quyết định và hành động của mình. Hầu hết các học viên đều có những câu chuyện của riêng mình trong việc đề cao đạo đức bản thân.

Trong cuộc sống gia đình: Lấy ân báo oán

Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu có lẽ là mối quan hệ cá nhân căng thẳng nhất ở Trung Quốc và thường dẫn đến sự bất hòa trong gia đình. Các học viên Pháp Luân Công ứng xử với mối quan hệ này theo cách khác.

Trong bài viết “Người luyện công lấy đức báo oán, gia đình bốn đời nhận được thụ ích”, tác giả, bà Mai, đã phải gánh khoản nợ 20.000 Nhân dân tệ của mẹ chồng ngay sau khi bà kết hôn. Vợ chồng bà đã mất mười năm để trả hết nợ. Chồng bà là người nóng tính và thô bạo, thường xuyên chơi cờ bạc và uống rượu quá độ. Có lần ông đã đánh bà thậm tệ đến mức bà phải nhập viện. Tệ hơn nữa, chồng và người nhà chồng đối xử tệ bạc với con cái họ. Bà Mai không thể chịu đựng được điều đó, và đã bí mật tiết kiệm tiền để ly hôn sau khi các con lớn.

Sau khi đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn bài giảng chính của Pháp Luân Đại Pháp, bà đã hiểu được tại sao mình phải chịu đựng những điều đó: đó là vì những nợ nghiệp của bà từ những kiếp trước. Ánh sáng Chân-Thiện-Nhẫn đã xua tan đám mây đen vốn bao trùm lấy bà suốt mười mấy năm qua. Bà đã mở lòng mình và ngừng khóc. Bà tuân theo những lời dạy, ngừng phàn nàn, đối xử tử tế với gia đình chồng và không còn để tâm nhiều đến việc họ đối xử với bà như thế nào. Bà đã chăm sóc mẹ chồng trong giai đoạn cuối đời tại bệnh viện. Không một người con nào khác của bà có thể làm được điều đó.

Chồng của bà Mai đã rất cảm động và biết ơn Pháp Luân Đại Pháp từ tận đáy lòng, đồng thời rất ủng hộ việc bà tu luyện.

Một học viên khác, bà Liên, đã chia sẻ một trải nghiệm tương tự trong bài viết: “Mối quan hệ của tôi được cải thiện sau khi tu bỏ tâm oán hận”. Bà Liên kết hôn vào một gia đình mà việc bố mẹ chồng đánh đập, mắng chửi con dâu là điều bình thường, do đó trong suốt 10 năm kể từ khi kết hôn, bà đã liên tục bị mẹ chồng mắng chửi. Có lần bố chồng hỏi vay tiền và hứa sẽ trả lại sau khi bán xong vụ thu hoạch vào mùa thu. Bà đã cho bố chồng vay gần như tất cả số tiền hồi môn của mình. Nhưng sau vụ thu hoạch mùa thu, mẹ chồng bà đã từ chối trả lại khoản vay, viện lý do rằng bà đã ăn chung với họ. Sau đó, mẹ chồng bà muốn vay hơn 10.000 Nhân dân tệ và bảo vợ chồng bà phải trả 600 Nhân dân tệ mà bà đã vay người khác từ vài năm trước. Khi bà Liên từ chối, mẹ chồng bà đã xui bố chồng dùng cuốc tấn công bà Liên. Bà Liên đã ngất đi vì quá sốc.

Cuộc hôn nhân 10 năm của bà Liên thật đau buồn và thất vọng. Bà thường khóc và đầy uất hận. Bà không chịu chào mẹ chồng và thề sẽ hận bà ấy mãi.

Nhưng khi bà Liên bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998, cuộc sống của bà đã thay đổi đáng kể. Những lời giảng đã xua tan đi những hận thù và uất hận trong tâm. Bà hiểu được có lẽ kiếp trước bà đã đối xử với mẹ chồng giống như vậy và bây giờ bà phải trả nợ – đó có thể là lý do tại sao mẹ chồng lại ác ý với bà. Người tu luyện cần đối xử tốt với mọi người. Bà bắt đầu làm theo yêu cầu của Sư phụ. Bà buông bỏ mọi oán hận và đối xử với mẹ chồng như chính mẹ đẻ của mình. Khi mẹ chồng đau ốm, bà đưa mẹ chồng đi khám, mua thuốc và túc trực bên giường bệnh. Không một người con nào của bà ở bên cạnh bà.

Bà Liên đã ghi nhớ trong tâm lời dạy của Sư phụ:

“Người Thiện thường trong tâm từ bi, không oán, không hận, lấy khổ làm vui.” (Cảnh giới, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Mẹ chồng bà thường cảm động đến rớt nước mắt, nói rằng bà Liên còn tốt hơn cả con gái ruột của bà nhiều.

Trong bài “Cuộc hôn nhân bên bờ tan vỡ bỗng trở nên hòa hợp”, bà Phương (hóa danh) đã từ bỏ cuộc sống nơi thành thị và một công việc tốt để theo chồng về quê. Vì không có việc làm nên mẹ chồng bà coi thường bà và thường gây khó khăn cho bà. Tám năm trước, mẹ chồng bà đã cố gắng ép chồng bà ly hôn vì bà bị lừa dối bởi những lời dối trá bôi nhọ Pháp Luân Đại Pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bà sợ việc con dâu tu luyện sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con trai bà do chính sách liên đới của Đảng. Kết quả là chồng bà thường xuyên chửi mắng và dọa ly hôn với bà. Bà Phương rất đau khổ.

Thông qua việc dành nhiều thời gian hơn để học các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp và chia sẻ với các học viên khác, bà Phương từng chút một đã học được cách tu luyện bản thân. Bà nhớ lời giảng của Sư phụ:

“Thế nên tôi từng giảng rằng, các đệ tử Đại Pháp đã là một người tu luyện, nhìn vấn đề nên là phản đảo [so với] người thường.”

“Khi gặp việc không vui, chính là lúc chư vị tu luyện bản thân mình, lúc tu tâm.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp, Giảng Pháp tại các nơi XI)

Cho dù chồng có đối xử tệ với bà như thế nào, bà vẫn tốt bụng và nhẫn nại với ông, chăm sóc ông và bao dung trước những lần say xỉn thường xuyên của ông. Dần dần chồng bà nhận ra mình có một người vợ tốt, và hứa sẽ đối xử tốt với bà trong tương lai.

Chồng bà đã học được từ bà Phương cách nhìn nhận những thiếu sót của mình, mặc dù ông không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Ông đã trở thành một con người khác. Ông chân thành, tốt bụng và yêu thương gia đình.

Về giáo dục con cái: Nuôi dạy những đứa trẻ ngoan

Ở Trung Quốc hiện nay, việc giáo dục con cái là vấn đề đau đầu của hầu hết các bậc cha mẹ. Các trường học chỉ nói về điểm kiểm tra, trong khi các học viên Pháp Luân Đại Pháp tập trung vào việc cải thiện tư cách đạo đức của con cái họ.

Trong bài viết chia sẻ kinh nghiệm của Tiểu Mai “Câu chuyện về tiểu Nha và người mẹ đơn thân”, cô vô cùng biết ơn Pháp Luân Đại Pháp đã chỉ dạy cho cô cách giáo dục và nuôi nấng con gái thật tốt. Cô nhận ra trẻ em giống như tấm gương phản ánh cha mẹ chúng. Cha mẹ bi quan khó có thể nuôi dạy con cái vui vẻ. Và những bậc cha mẹ ham danh lợi cũng khó có thể dạy được những đứa con có tấm lòng bao dung, rộng mở.

Cô Tiểu Mai ly hôn khi con gái 11 tuổi, và đó là khoảng thời gian đau khổ. Nhưng cô không bao giờ thể hiện nỗi đau khổ của mình với con gái hay thậm chí phàn nàn về chồng. Cô Tiểu Mai cho biết chính Đại Pháp và các bài giảng đã dẫn dắt cô vượt qua tình cảnh khó khăn và giúp cô ngộ được rằng chỉ bằng cách buông bỏ tâm oán hận, cô mới có thể mở lòng mình; chỉ bằng cách tha thứ cho người khác, cô mới có thể giải thoát khỏi mâu thuẫn và mở ra một con đường tươi sáng cho bản thân; và chỉ bằng cách đối xử tốt với người khác, cô mới có thể cảm nhận được sự vĩ đại của tâm từ bi. Cô đã trở thành một tấm gương tuyệt vời cho con gái mình. Cuộc sống của họ, nói một cách đơn giản, là vui vẻ. Họ cười đùa với nhau rất nhiều, và con gái cô thường nói với cô: “Mẹ ơi, mẹ thật tốt.”

Hòa hợp với một thiếu niên nổi loạn là một vấn đề đau đầu khác mà hầu hết các bậc cha mẹ đều trải qua. Trong bài viết “Hành xử chính trực của tôi khiến mẹ chồng tôi và các thành viên trong gia đình cảm động”, cô Tịnh đã kể về cách cô dạy dỗ con trai mình trở thành một người ngay chính bằng trí huệ mà cô có được từ việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Khi con trai của cô Tịnh còn nhỏ, cậu bé rất đáng yêu. Tuy nhiên trong thùng thuốc nhuộm lớn của xã hội ngày nay, cậu bé trở nên nổi loạn và không chịu nghe lời mẹ. Cậu không còn tập trung vào việc học ở trường nữa. Cô Tịnh lo lắng và không biết phải làm gì. Đã có lúc cô muốn bỏ cuộc. Cô tự nhìn lại bản thân, hướng nội và nhận ra cô cần phải thay đổi bản thân trước.

Cô không còn yêu cầu con trai mình phải làm tốt nữa mà thay vào đó cô thực tâm quan tâm đến con. Cô tha thứ cho những thiếu sót của con mình, và nhẹ nhàng, bình tĩnh chỉ bảo và dạy dỗ con. Sau đó cô bắt đầu thấy cậu bé thay đổi và ngoan ngoãn hơn. Điểm số của cậu được cải thiện, và cậu được nhận vào trường đại học mà cậu mong ước.

Nhiều tiểu đệ tử Đại Pháp đã chia sẻ kinh nghiệm bỏ trò chơi điện tử và những thói quen xấu sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Tại xã hội: Cán bộ chính phủ đáng kính, Doanh nhân chính trực, Giáo viên tận tụy

Ở Trung Quốc ngày nay, mục tiêu chính của con người trong cuộc sống là theo đuổi tiền bạc, do vậy nạn tham nhũng và hàng giả tràn lan khắp nơi. Nhưng các học viên Pháp Luân Công lại hành xử khác.

Học viên Vỹ (hóa danh) đã chia sẻ việc ông trở thành một doanh nhân chính trực sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong bài viết: “Đề cao tâm tính và nói với mọi người về Pháp Luân Công với tư cách là một doanh nhân”. Khi mới ngoài 30 tuổi, ông đã có một công việc kinh doanh thành công. Nhưng ông ít chú ý đến các tiêu chuẩn đạo đức, vì vậy ông tìm mọi cách để kiếm tiền, kể cả gian lận và bán hàng giả.

Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, ông đã quyết định sống theo các nguyên lý của môn tu luyện. Ông dừng việc tích trữ các sản phẩm giả mạo, và gọi cho các nhà sản xuất để nói: “Bây giờ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp [khi đó cuộc bức hại chưa bắt đầu]. Xin vui lòng đừng gửi cho tôi những sản phẩm [bị pha tạp chất hoặc hàng giả] này nữa vì tôi sẽ không bán chúng.” Điều thú vị là công việc kinh doanh của ông vẫn hoạt động tốt và lợi nhuận được duy trì ổn định. Ông cũng trung thực với các bạn hàng, và tốt với nhân viên của mình. Cách ông điều hành công việc kinh doanh hiện nay chính là thực sự quan tâm đến người khác.

Một giáo viên tiểu học đã viết bài “Chứng thực sự trân quý của Pháp Luân Đại Pháp thông qua lời nói và hành động”. Cô dạy dỗ và chăm sóc các học sinh rất chu đáo. Cô đun nước và chuẩn bị thuốc cho những học sinh bị cảm. Cô dùng túi sưởi để giữ ấm cho học sinh khi các em bị đau bụng. Cô cung cấp cho các học sinh nước nóng vào mùa đông để giữ ấm. Phụ huynh học sinh rất cảm động. Họ biết cô là một người tu luyện. Họ nhận ra chân tướng của Đại Pháp thông qua cô, và không còn hiểu sai về môn tu luyện nữa.

Trong bài viết “Lời thú nhận của một nhân viên thuế: Đại Pháp dạy tôi trung thực và đứng đắn”, bà Văn (hóa danh) đã chia sẻ câu chuyện của mình. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà nghĩ mình là một người tốt. Bà không bao giờ vòi tiền khách hàng của mình hoặc làm bất cứ điều gì trái với luật thuế. Chỉ sau khi học Pháp, bà mới nhận ra mình còn cách rất xa nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Đại Pháp. Là cán bộ thuế, chuyện nhận quà hoặc tiền hối lộ đã trở thành chuyện bình thường. Thông qua việc học Pháp, bà đã hiểu được mối quan hệ giữa mất và được, và quyết định thoát khỏi vũng bùn đó. Lần đầu tiên bà bình tĩnh từ chối nhận hối lộ, lần đầu tiên bà trả tiền cho bữa ăn của mình trong nhà hàng và lần đầu tiên bà thanh toán đầy đủ cho việc mua hàng mà không đòi hỏi giảm giá, v.v.

Trong thời gian sửa nhà, khi đang trên đường trở về nhà sau khi mua vật liệu xây dựng, bà tình cờ gặp một đồng nghiệp. Ông đã thấy sốc khi bà nói rằng bà cố ý tránh mua vật liệu từ khách hàng của mình. Ông ấy tự lẩm bẩm một mình: “Thật vậy, Pháp Luân Đại Pháp khác hẳn.” Ông ấy thậm chí còn nói với đồng nghiệp của mình: “Hãy nhìn cô ấy — bạn không thể không ngưỡng mộ cô ấy. Tôi không cần phải lo lắng về sự trung thực của cô ấy trong công việc.“

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/11/433507.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/11/198088.html

Đăng ngày 18-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share