Bài viết của Thanh Phong

[MINH HUỆ 16-10-2021] Ngày 3 tháng 9 năm 2021, cô Phan Tinh ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, đang tổ chức tiệc sinh nhật cho mẹ già 89 tuổi thì cảnh sát ập vào bắt giữ cô cùng bốn vị khách.

Sau đó, cảnh sát tiết lộ với gia đình cô Phan rằng một tháng trước cô bị tố giác vì đã nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ngoài cáo buộc cô đặt mã QR cho một đường dẫn trang web chưa được kiểm duyệt trên xe của một giám đốc Sở Cảnh sát, cảnh sát đã đệ trình vụ việc của cô Phan lên Viện Kiểm sát Quận Chấn An. Ngày 16 tháng 9, khi công tố viên đến gặp cô tại trại tạm giam địa phương, cô Phan nói cô không vi phạm bất kỳ luật nào khi tu luyện Pháp Luân Công và nhấn mạnh rằng không có luật nào ở Trung Quốc quy định Pháp Luân Công là phạm tội.

“Tôi hy vọng anh có thể xử lý trường hợp của tôi theo pháp luật. Theo luật công vụ mới, ai cũng phải chịu trách nhiệm suốt đời về hành động của mình”, cô Phan nói với anh.

“Tôi biết”, anh trả lời.

Ngày hôm sau, công tố viên trả hồ sơ của cô Phan cho cảnh sát, với lý do không đủ bằng chứng. Cô Phan đã được tại ngoại vào tối cùng ngày.

Trong những năm gần đây, nhờ những nỗ lực ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công nhằm nâng cao nhận thức về cuộc bức hại trong 22 năm qua, ngày càng có nhiều công tố viên và thẩm phán bắt đầu tránh né các vụ án Pháp Luân Công, ví dụ như viện kiểm sát trả lại hồ sơ cho cảnh sát, tòa án trả lại hồ sơ cho viện kiểm sát hoặc tòa án cấp trên trả lại hồ sơ cho tòa án cấp dưới. Một số thẩm phán và công tố viên đã công khai thừa nhận các học viên là người tốt và không có cơ sở pháp lý nào cho cuộc bức hại.

Theo thông tin đăng tải trên Minh Huệ, hơn 420 trường hợp học viên Pháp Luân Công đã được trả về ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình truy tố và hàng chục trường hợp đã được rút đơn tố tụng — theo đó, các học viên được trả tự do. Cụ thể, năm 2017 có 76 học viên đã được trả tự do hoặc được rút hồ sơ, năm 2018 có 156 trường hợp đã được trả lại và 10 học viên đã được trả tự do, năm 2019 có 186 trường hợp đã được trả lại và 16 học viên được trả tự do với kết luận không phạm tội hoặc được rút hồ sơ, và năm 2020 có 8 học viên đã trở về nhà sau khi viện kiểm sát rút hồ sơ.

Trong một trường hợp khác ở thành phố Tức Mặc, tỉnh Sơn Đông, sau khi cảnh sát đệ trình trường hợp của bà Khâu Thanh Hoa lên Viện Kiểm sát Thành phố Tức Mặc sau khi bắt bà vào năm 2016, công tố viên đã trả lại hồ sơ cho cảnh sát nhiều lần với lý do không đủ bằng chứng. Mặc dù cảnh sát đã gây sức ép thành công với công tố viên để buộc tội bà Khâu, nhưng tất cả các thẩm phán của Tòa án Thành phố Tức Mặc đều rút lui khỏi phiên tòa xét xử bà, và cảnh sát đã phải chuyển hồ sơ của bà sang một tòa án khác.

Hệ thống bức hại thất bại

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là người đứng đầu ĐCSTQ, đã ra lệnh cho toàn bộ hệ thống pháp luật sử dụng các biện pháp cực đoan với các học viên Pháp Luân Công.

Nhiều thẩm phán và công tố viên thường tuyên bố thẳng thừng trong các phiên điều trần, “Đừng nói luật với tôi”, “Không cần thiết phải tuân theo thủ tục pháp lý trong các vụ án Pháp Luân Công”, và “Các vụ án Pháp Luân Công là do Ủy ban Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ quyết định, chứ không phải theo luật.” Điều họ không nhận ra là chưa bao giờ có luật nào ở Trung Quốc quy kết Pháp Luân Công là phạm tội hay tà giáo.

Vào đầu cuộc bức hại, nhiều cán bộ tư pháp đã tích cực tham gia kết án các học viên Pháp Luân Công để có vị thế chính trị và thăng tiến trong sự nghiệp. Nhưng thời gian trôi qua, họ đã trở nên tàn tạ khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư hoặc các bệnh nan y khác, một số bị điều tra về tội tham nhũng, ngay cả nhiều năm sau khi được thăng chức.

Mặc dù đau bệnh hay bị cách chức dường như là những sự việc ngẫu nhiên, nhưng nhiều người biết các thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công tin rằng đó là quả báo trời giáng khi họ nhúng tay vào việc bức hại người tốt.

Vào năm 2015, Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên bố luật pháp Trung Quốc sẽ cho phép công dân trở thành nguyên đơn trong các vụ án hình sự. Do đó, nhiều học viên đã coi đây là cơ hội để thực hiện các quyền hợp pháp của mình. Chỉ trong vài tháng, hàng trăm nghìn học viên đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân vì tội ra lệnh bức hại. Mặc dù Giang chưa bị đưa ra công lý, nhưng làn sóng kiện tụng này được cho là cơ hội hiếm có để những người trong hệ thống tư pháp hiểu được những chân tướng căn bản về Pháp Luân Công.

Ngày 1 tháng 3 năm 2016, ĐCSTQ đã xuất bản “Quy định về truy cứu trách nhiệm với trường hợp phạm lỗi khi chấp pháp”, trong đó quy định rằng “một người phải chịu trách nhiệm suốt đời đối với các lỗi hành pháp do cố ý hoặc tắc trách, cho dù đã chuyển công tác, chức vụ, cấp bậc, hay nghỉ hưu.”

Năm 2020, ĐCSTQ đã tiến hành công cuộc “Truy cứu ngược lại 20 năm” để điều tra các vụ án tham nhũng trong hệ thống Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC). Đến tháng 6 năm 2021, hơn 70.000 cảnh sát đã bị thẩm tra.

Trong một chiến dịch “Truy cứu nội bộ” khác nhằm xóa sổ hệ thống Ủy ban Chính trị và Pháp luật, bắt đầu từ năm 2021, ít nhất 17 quan chức trong ngành tư pháp ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, đã bị hạ bệ, kể cả bí thư Đảng ủy, ủy ban chính trị và pháp luật thành phố, cảnh sát trưởng, chủ tịch tòa án, viện trưởng viện kiểm sát và trưởng đồn cảnh sát.

Bên ngoài Trung Quốc, các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ đang ngày càng thu hút nhiều sự giám sát quốc tế từ các nước phương Tây. Năm 2021, Hoa Kỳ đã xử phạt một cảnh sát trưởng ở thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến và giám đốc Phòng 610 ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, qua đó, phát đi một thông điệp rằng cộng đồng quốc tế sẽ không dung thứ cho cuộc bức hại.

Ngày 7 tháng 10 năm 2021, Josef S, một lính canh trại tập trung 100 tuổi của Đức Quốc xã đã phải hầu tòa vì tội tiếp tay cho vụ sát hại 3.518 tù nhân gần 80 năm trước. Điều này cũng tương đồng với luật của ĐCSTQ về việc chịu trách nhiệm suốt đời của những người tham gia cuộc bức hại. Trước khi con lắc của cán cân công lý khởi đầy đủ tác dụng trở lại, các thẩm phán và công tố viên vẫn còn cơ hội đưa ra lựa chọn theo lương tâm của họ.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác phát hành trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/10/16/432584.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/6/197997.html

Đăng ngày 08-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share