Bài viết của Âu Dương Phi

[MINH HUỆ 09-12-2021] Trong khi nhiều người tin vào nghiệp lực luân báo thì một số người lại tỏ ra nghi ngờ rằng liệu điều đó có thật hay không, bởi có một quy luật vô hình đang khống chế cõi người thường này.

Nhiều sự việc trở nên không rõ ràng khi quả báo đến vào một thời điểm khá muộn sau đó hoặc theo một cách không trực tiếp liên quan tới hành động ban đầu.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, sau khi trí huệ đả khai, họ có thể thấy được mối tương quan giữa hậu quả sau này với hành động trước đó của một ai đó.

Trong bài này, chúng tôi sẽ chia sẻ những câu chuyện và kết cục của ba quan chức cấp cao của ĐCSTQ, những người đã dàn dựng vụ bắt giữ các học viên Pháp Luân Công tại Thiên Tân vào tháng 4 năm 1999, vốn là vụ việc châm ngòi cho cuộc bức hại Pháp Luân Công ba tháng sau đó.

Sự việc ở Thiên Tân

Pháp Luân Công, môn tu luyện được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc vào cuối những năm 1990. Pháp môn này đã chỉ dẫn cho nhiều học viên đạt tới cảnh giới đạo đức cao hơn bằng cách chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Thời kỳ đầu khi Pháp Luân Công được giới thiệu ra công chúng, chính quyền cộng sản từng có thái độ tích cực đối với pháp môn này. Nhưng khi Pháp Luân Công ngày càng trở nên phổ biến, chính quyền đã dần thay đổi lập trường, đặc biệt là trong các đảng viên và quan chức quân đội.

Vào năm 1999, Hà Tộ Hưu, một “khoa học gia” trung thành với ĐCSTQ, đã bắt đầu công kích Pháp Luân Công. Ông ta là một nhà vật lý hạt nhân, một thành viên của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc và cũng là một người theo chủ nghĩa Mác.

Ông Hà viết một bài báo có nhan đề “Tôi không ủng hộ thanh niên tập luyện Pháp Luân Công”, được đăng trên Tạp chí Thanh niên vào ngày 11 tháng 4 năm 1999. Bài viết này có nhiều phát biểu sai sự thật nhằm phỉ báng Pháp Luân Công.

Các học viên ở Thiên Tân đã viết thư làm rõ sự thật về Pháp Luân Công gửi tới Tổng biên tập của Học viện Giáo dục Thiên Tân, vốn là cơ quan quản lý của tạp chí này. Vào ngày 22 tháng 4 năm 1999, nhiều học viên đã tới học viện với ý định giải thích rõ ràng hơn về những hiểu lầm trong bài báo.

Tống Bình Thuận, Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật kiêm Giám đốc Sở Công an Thiên Tân khi đó, đã tới Học viện Giáo dục Thiên Tân để thị sát tình hình.

Sau khi Tống rời đi, cảnh sát Thiên Tân, nhận lệnh của Tống và Ngô Trường Thuận, phó giám đốc Sở Công an Thiên Tân, đã ập vào khuôn viên của học viện, dùng dùi cui dồn các học viên ra khỏi đó. 45 học viên đã bị bắt với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.

Các học viên đã tới Thành ủy Thiên Tân để tố cáo vụ bắt bớ này. Nhiều quan chức dưới sự chỉ đạo của Trương Lập Xương, Bí thư Thành ủy Thiên Tân, cho biết họ không thể làm khác và đề nghị các học viên tới Bắc Kinh kiến nghị lên chính quyền trung ương.

Theo đó, ngày 25 tháng 4 năm 1999, hàng chục ngàn học viên Pháp Luân Công từ khắp Trung Quốc đã tới Bắc Kinh. Thủ tướng chính phủ hồi đó đã gặp và tiếp chuyện ba học viên đại diện, ông hứa sẽ tạo môi trường tự do để họ thực hành đức tin, đồng thời chỉ thị chính quyền Thiên Tân thả những học viên đã bị bắt giữ.

Tuy nhiên, chính điều này đã tạo ra cho Giang Trạch Dân, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ khi đó, một cái cớ để bức hại Pháp Luân Công. Ông ta tuyên bố rằng các học viên bao vây trụ sở chính quyền trung ương và cố gắng lật đổ chính quyền. Và vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Giang đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công.

Kết cục của ba quan chức

Tống Bình Thuận, Ngô Trường Thuận và Trương Lập Xương, ba quan chức chủ chốt liên quan tới sự việc tại Thiên Tân, cũng đã tham gia tích cực vào cuộc bức hại diễn ra sau đó. Cả ba quan chức Thiên Tân này đều có chung kết cục bi thảm giống như những quan chức khác đã tích cực tham gia vào cuộc bức hại vốn đã bị hạ bệ hoặc gặp nhiều điều bất hạnh, mặc dù vai trò của họ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công không bao giờ được nhắc tới trong cáo trạng, bởi đó vẫn là điều tối kị dưới chế độ cộng sản.

Tống Bình Thuận tự tử

Tống Bình Thuận đã nắm giữ lực lượng cảnh sát và hệ thống pháp luật Thiên Tân trong gần 20 năm. Ông ta là nhân vật chủ chốt đã dàn dựng sự việc ở Thiên Tân. Mấy tháng sau đó, sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông ta đã trực tiếp ra lệnh cho cảnh sát bắt giữ và tra tấn nhiều học viên Pháp Luân Công trong những năm tiếp theo. Ông ta cũng tham dự nhiều hội thảo và hoạt động tại địa phương để bôi nhọ Pháp Luân Công.

Vào ngày 3 tháng 6 năm 2007, Tống được phát hiện đã chết tại văn phòng trong Thành ủy Thiên Tân. Tuyên bố chính thức của ĐCSTQ nói rằng Tống “tự tử vì lo sợ tội ác của mình” và liệt kê nhiều tội ác của ông ta như băng hoại đạo đức, nuôi nhân tình, lạm dụng quyền lực và kiếm lời bất chính cho tình nhân.

Trương Lập Xương chết vì bạo bệnh ngay sau khi nghỉ hưu

Trong sự việc ở Thiên Tân vào năm 1999, Thành ủy Thiên Tân dưới sự chỉ đạo của Trương Lập Xương, đã quả quyết rằng họ sẽ không xin lỗi các học viên Pháp Luân Công vì bài báo bôi nhọ đức tin. Thay vào đó, Trương đã tiến hành “biện pháp kiên quyết” bắt giữ hàng chục học viên Pháp Luân Công, và sự việc này đã dẫn tới cuộc kháng nghị sau đó của các học viên tại Bắc Kinh.

Sau hơn hai thập kỷ tại vị trong chính quyền Thiên Tân, Trương đã gây ra nhiều tai tiếng tại địa phương và có biệt danh là “Trương nói dối”.

Sau cái chết của Tống Bình Thuận vào năm 2007, Trương nghỉ hưu và ông ta chết vì bạo bệnh sau đó không lâu, vào ngày 10 tháng 1 năm 2008. Khi tin tức này được công bố, người dân đã bắn pháo hoa trên phố để ăn mừng.

Ngô Trường Thuận bị tống giam

Ngô Trường Thuận là người thi hành chính trong vụ việc ở Thiên Tân. Ông ta đã chỉ đạo cuộc bức hại Pháp Luân Công trong nhiều năm.

Sau cái chết của Tống Bình Thuận, tin đồn Ngô bị bắt giữ đã lan rộng ở Thiên Tân, nhưng ông ta không những tìm cách thoát khỏi mà thậm chí còn tiếp quản vị trí của Tống, bởi vì những kẻ trung thành với Giang Trạch Dân vẫn tiếp tục ủng hộ ông ta.

Báo ứng đối với Ngô đã đến sau hơn bảy năm. Vào ngày 20 tháng 7 năm 2014, ngày đánh dấu bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông ta đã bị điều tra. Những tội ác của ông ta bao gồm băng hoại đạo đức, ngoại tình, tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực.

Ngày 27 tháng 5 năm 2017, Ngô nhận án tử vì tham nhũng cùng hai năm án treo. Sau hai năm thụ án trong tù, ông phải nhận bản án tù chung thân mà không được giảm hay ân xá.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/9/434540.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/12/15/197004.html

Đăng ngày 25-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share