Bài viết của học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-01-2022] Ngày 14 tháng 12 năm 2021, một ngày sau Ngày Tưởng niệm Nạn nhân vụ Thảm sát Nam Kinh, cô Tống Canh Nhất, một giảng viên tại trường Cao đẳng nghề Thần Đán ở Thượng Hải, đã bày tỏ nghi ngờ của mình về thương vong thực tế của vụ thảm sát Nam Kinh trong một bài giảng. Các học sinh của cô đã ghi âm bài giảng của cô và lưu truyền rộng rãi trên mạng. Hai ngày sau, cô bị đuổi việc.

Ngày 17 tháng 12, cô Lý Điền Điền, một giáo viên ngôn ngữ ở huyện Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, đã đăng lên mạng xã hội để bày tỏ sự ủng hộ đối với cô Tống. Hai ngày sau, phòng giáo dục địa phương và gia đình đã đưa cô vào bệnh viện tâm thần.

Vụ việc của cô Tống và cô Lý đã được lan truyền và thu hút sự chú ý rộng rãi ở Trung Quốc. Cô Tống bị mất việc làm, và cô Lý đang mang thai bốn tháng phải vào bệnh viện tâm thần, chỉ vì nói ra suy nghĩ của họ.

Điều mà nhiều người Trung Quốc không biết là nhiều học viên Pháp Luân Công khỏe mạnh, trong đó có nhiều giáo viên, đã bị đưa vào bệnh viện tâm thần, cũng vì nói lên suy nghĩ và kêu gọi quyền tự do tín ngưỡng của họ.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Dưới đây là một số ví dụ về các học viên Pháp Luân Công làm việc trong hệ thống giáo dục bị bắt điều trị tâm thần trái với ý muốn của họ.

Giáo sư bị tra tấn đến rối loạn tâm thần

Bà Lý Huệ Vân, nhận bằng tiến sỹ tại Đại học Thiên Tân vào tháng 11 năm 1999, là phó giáo sư tại khoa Kỹ thuật Điện thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Bắc. Bằng sáng chế của bà đã nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc triển lãm ở Đức, Hồng Kông và những nơi khác vào năm 2003. Câu chuyện của bà cũng được đưa tin trên People’s Daily, Science and Technology Daily, Economic Informationvà China Daily.

057646cb5bd410e51eb4a9acdf8522a3.jpg

Tiến sỹ Lý Huệ Vân là phó giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Bắc

Tuy nhiên, vì đức tin của bà, các quan chức tại trường học của tiến sỹ Lý và Phòng 610 địa phương đã đưa bà đến trung tâm tẩy não vào năm 2004. Bà bị đánh đập tàn bạo, làm nhục, bị cấm ngủ và không được phép sử dụng nhà vệ sinh. Sau đó bà bị chuyển đến Trại lao động Thạch Gia Trang trong hai năm. Trong thời gian bị giam giữ ở trại lao động, bà đã hai lần bị đưa đến khoa tâm thần của Bệnh viện Liên kết Số 1 của Đại học Y Hà Bắc. Cả hai lần, bà đều bị ép uống quá liều thuốc an thần và ức chế miễn dịch, điều đó không chỉ khiến bà mệt mỏi mà còn khiến bà thường xuyên bị ngất.

Tháng 3 năm 2011, tiến sỹ Lý lại bị bắt và đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Hà Bắc với thời hạn 4 năm 10 tháng. Do bị ngược đãi, bà trở nên rất yếu với khuôn mặt bị biến dạng. Hơn nữa, bà còn bị rối loạn tâm thần do bị ngược đãi và không được điều trị y tế. Khi chồng bà đến thăm bà, bà đã không nhận ra ông. Mẹ của bà, vốn gần 80 tuổi, đã rất đau lòng khi chứng kiến đứa con thân thương nhất của mình bị ngược đãi đến như vậy.

Một giáo viên tiếng Anh từ chối “Phong bì đỏ”

Bà Cáp Tĩnh Ba là một giáo viên tiếng Anh tại trường Trung học Cơ sở Số 4 huyện Đông Phong, tỉnh Cát Lâm. Sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, tất cả bệnh tật của bà đều biến mất. Bà còn làm việc chăm chỉ và phụ đạo miễn phí cho học sinh của mình ngoài giờ học, trong khi nhiều giáo viên thu tiền học thêm của học sinh. Bà cũng từ chối nhận bất kỳ khoản tiền nào từ phụ huynh học sinh muốn cảm ơn bà.

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, bà Cáp đã hai lần bị giam tại Bệnh viện Tâm thần Tứ Bình vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Hàng ngày bà đều bị sốc điện ở hai bên thái dương, khiến bà bất tỉnh. Sau khi tỉnh lại, bà bị ép tiêm thuốc hủy hoại thần kinh.

18c875d68d4774d1fbf32bf1ec00f4db.jpg

Minh họa cảnh tra tấn: Cưỡng bức tiêm thuốc hủy hoại thần kinh

Khi việc này tiếp diễn, bà Cáp trở nên thất thần với đôi mắt vô hồn. Cổ của bà cứng đơ, bà không thể quay đầu được. Trông bà rất đáng sợ.

Ngược đãi và lạm dụng về tinh thần

Bà Cao Thục Anh, một giáo viên tiếng Anh ở huyện Tháp Hà, tỉnh Hắc Long Giang, tin rằng Pháp Luân Công đã chữa khỏi rất nhiều bệnh cho bà, bao gồm huyết áp thấp, thiếu máu, lượng đường trong máu thấp, bệnh phụ khoa, đau răng, nhức đầu, và nhiều bệnh khác. Với sức khỏe và tâm trí tốt hơn, hiệu quả công việc của bà đã được cải thiện rõ rệt, và nhiều năm liền bà được trao bằng khen giáo viên gương mẫu. Bài báo của bà cũng đã giành được một giải thưởng.

Tháng 1 năm 2001, Lý Trí Hoa từ Phòng 610 huyện Tháp Hà và các quan chức từ trường học của bà Cao đã bắt bà tại nhà và đưa bà đến thành phố Bắc An. Trên đường đi, họ đã tiêm cho bà một loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến bà lập tức bất tỉnh.

a6aece91a495b1334b8b4449fd982778.jpg

Tái hiện tra tấn: Bị trói vào giường trong tư thế đại bàng sải cánh

Khi tỉnh lại, bà Cao thấy mình bị trói vào một chiếc giường kim loại ở tư thế đại bàng sải cánh. Bà bị lột hết quần áo. Xung quanh bà là mấy người đàn ông và phụ nữ hỏi bà có tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công không. Bà cố gắng nói có, rồi lại ngất đi. Khi tỉnh lại, bà cảm thấy đầu nặng trịch và đau dữ dội. Bà rất khó mở mắt và đầu óc bà trống rỗng. Bà vẫn bị trói trong tư thế đó nhưng ở trong một căn phòng lớn hơn, nơi có hơn mười người đang hành xử kỳ quặc.

Mãi về sau bà Cao mới biết mình đang ở Bệnh viện Tâm thần Bắc An, và những người có hành vi kỳ quặc đó là bệnh nhân tâm thần. Bà nói với các bác sỹ và y tá rằng bà là một người khỏe mạnh bị bắt cóc và đưa đến đó vì tu luyện Pháp Luân Công. Nhưng họ không nghe. Khi bà Cao tiếp tục giải thích, các nhân viên y tế đã đổ một số loại thuốc không rõ nguồn gốc vào miệng bà và tiêm cho bà. Mỗi ngày, bà bị tiêm bảy lọ thuốc qua đường tĩnh mạch. Điều này khiến toàn thân bà vô cùng đau đớn.

Khi bà Cao rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh, các quan chức đã liên hệ với gia đình đến đón bà nhằm trốn tránh trách nhiệm. Gia đình bà buộc phải trả 10.000 Nhân dân tệ trước khi đưa bà rời khỏi bệnh viện Bắc An.

Thời điểm để lên tiếng

Trên đây chỉ là vài trường hợp được báo cáo về các học viên Pháp Luân Công bị giam trong bệnh viện tâm thần. Theo thống kê từ Minh Huệ Net, tính đến ngày 27 tháng 12 năm 2021, ít nhất 865 học viên Pháp Luân Công khỏe mạnh từ 29 tỉnh hoặc thành phố cấp tỉnh đã bị đưa đến bệnh viện tâm thần vì kiên định đức tin của họ.

Đôi khi những người nhà cũng bị liên lụy. Bà Trương Thái Hà, một nhân viên bệnh viện ở thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, bị bắt trên đường đi làm vào ngày 26 tháng 8 năm 2021. Sau khi bị đưa đến Trung tâm Phục hồi chức năng Vương Gia Nhai, một bệnh viện tâm thần, bà bị bắt phải viết tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Khi chồng bà đến yêu cầu thả bà, ông cũng bị đe dọa phải viết những tuyên bố chống lại Pháp Luân Công, nếu không ông sẽ bị bắt.

Do sự kiểm duyệt gắt gao của ĐCSTQ và phong tỏa internet, có thể còn nhiều trường hợp bị lạm dụng tâm thần chưa được báo cáo. Nhưng những gì đã xảy ra với cô Lý Điền Điền, người không tu luyện Pháp Luân Công, cho thấy ĐCSTQ đã ngược đãi tinh thần đối với các học viên cũng như không phải học viên.

Một cư dân mạng viết: “Chúng ta không thể im lặng về việc này. Nếu không, những gì xảy ra với Lý Điền Điền cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta“. Một người khác viết tiếp: “Nếu chúng ta không thể giải cứu Lý Điền Điền, nhiều người nữa trong đó có chúng ta hoặc người nhà chúng ta có thể phải đối mặt với hậu quả tương tự.”

Một người đăng: “Chúng tôi hy vọng nhiều người có thể học hỏi từ việc này và thức tỉnh. Chúng ta cần nói không với sự tàn bạo.”

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/3/435924.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/5/197992.html

Đăng ngày 11-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share