Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 02-01-2022] Với việc Thế vận hội Mùa đông 2022 sẽ diễn ra tại Trung Quốc từ ngày 4 đến ngày 20 tháng 2, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại bắt đầu phát động loạt chiến dịch khác để “duy trì ổn định xã hội”. Vì mục tiêu đó, ĐCSTQ đã tăng cường bức hại các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt là ở ba khu vực thi đấu, Bắc Kinh, Duyên Khánh (một huyện nông thôn ở Bắc Kinh), và Trương Gia Khẩu ở tỉnh Hà Bắc.
Những chiến thuật tương tự đã được sử dụng khi Thế vận hội được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2008. ĐCSTQ thường tăng cường bức hại xung quanh khoảng thời gian được cho là “những ngày nhạy cảm”, chẳng hạn như ngày lễ hoặc các sự kiện đặc biệt như Thế vận hội, dưới danh nghĩa “duy trì ổn định xã hội”.
Các học viên bị sách nhiễu
Vào ngày 21 tháng 12 năm 2021, hai sỹ quan Quách và Ngạc từ Sở cảnh sát quận Hải Điến, Bắc Kinh, cùng với một số người không rõ danh tính đã đến nhà của học viên Tần Úy. Khi gia đình ông Tần ngăn họ lại, họ nói là đến để “duy trì ổn định” chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông.
Bà Hàn Phi ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, cũng trải qua sự việc tương tự. Các nhân viên từ Đồn cảnh sát Bình Phòng và Ủy ban Khu phố Nhã Thành Lý đã theo dõi và giám sát bà. Vào ngày 30 tháng 11, chồng bà cho biết đồn cảnh sát đã gọi điện cảnh báo bà Hàn không được ra ngoài vì Thế vận hội Mùa đông. Được biết khá nhiều học viên đã bị bắt.
Việc sách nhiễu và bắt giữ cũng xảy ra ở các khu vực khác của Bắc Kinh. Lúc 11 giờ tối ngày 15 tháng 12, các sỹ quan từ Đồn cảnh sát Đại Du Thụ, quận Duyên Khánh đã bắt giữ vợ chồng ông Vu Hoành Binh. Vào ngày 24 tháng 12, hai sỹ quan từ Đồn cảnh sát Khang Trang, quận Duyên Khánh đã sách nhiễu ông Hác Tú Phong tại nhà của ông ở thị trấn Tây Bát Tử.
Ngoài Bắc Kinh, các quan chức ở tỉnh Hà Bắc lân cận cũng tiến hành tương tự. Ví dụ như ở huyện Úy thuộc thành phố Trương Gia Khẩu, một lượng lớn cảnh sát mặc thường phục đã được điều động để tuần tra trên đường phố. Ngoài ra, từ ngày 1 tháng 12, Đồn cảnh sát huyện Úy đã tổ chức nhiều hoạt động tại huyện lỵ và các thị trấn khác. Trong những sự kiện này, cảnh sát đã công khai bôi nhọ Pháp Luân Công và phân phát một lượng lớn tờ rơi phỉ báng. Họ đề nghị treo thưởng cho người dân vì báo cáo các học viên cho cảnh sát.
Kết quả là một số học viên đã bị bắt. Vào ngày 10 tháng 12, học viên Chu Quế Hồng và chồng bà, ông Ngưu Kiến Thành (không phải là học viên) đã bị bắt khi đang vận chuyển tư liệu để sản xuất lịch năm mới có cụm từ Pháp Luân Công. Theo những người trong cuộc, cảnh sát đã lên kế hoạch tăng hình phạt đối với ông Ngưu. Ngoài ra, phòng an ninh nội địa của huyện Úy đã nhiều lần bắt giữ các học viên.
Bức hại dưới danh nghĩa “Ổn định xã hội”
Việc lấy Thế vận hội Mùa đông làm cớ để nhắm vào công dân Trung Quốc đã bắt đầu từ vài năm trước. Một tài liệu có tiêu đề “Ngân sách năm 2020 của Phòng Cảnh sát Trương Gia Khẩu” cho thấy chi tiêu ước tính năm 2020 là 481 triệu Nhân dân tệ (tương đương 76 triệu USD), cao hơn khoảng 5,1% so với năm trước. Tài liệu tiết lộ nguyên nhân chính của việc tăng chi tiêu dự kiến là để chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông năm 2022. Trong số các khoản tài trợ dành cho phòng an ninh nội địa, Pháp Luân Công được liệt vào nhóm mục tiêu chính.
Tài liệu giải thích thêm rằng việc tăng ngân sách sẽ bao gồm chi phí cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn, chi phí giám sát video an ninh công cộng và chi phí phụ trợ cho cảnh sát. Đặc biệt, 16 triệu Nhân dân tệ được phân bổ cho cơ sở hạ tầng dữ liệu lớn, trong khi 18 triệu nhân dân tệ được dành cho nền tảng thông tin video với các camera giám sát mới được lắp đặt tại 3.680 địa điểm.
Một cỗ máy đàn áp
Ông Caylan Ford, nhà làm phim tài liệu ở Canada, và ông David Matas, luật sư nhân quyền ở Canada, gần đây đã viết một bài báo có tiêu đề “Hãy để mắt tới bộ máy đàn áp của Trung Quốc”.
Bài báo được đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Macdonald-Laurier (WLI). Các tác giả viết: “Thế vận hội Mùa hè Bắc Kinh 2008 cũng diễn ra trong bối cảnh cuộc đàn áp tàn bạo diễn ra hàng loạt. Sự thành công của thế vận hội này và sự im lặng của cộng đồng quốc tế đối với những hành vi vi phạm nhân quyền xung quanh họ, lại được Bắc Kinh coi đó như một sự xác nhận cho cách tiếp cận của mình, và là một tiền lệ được phép tái diễn.“
Bài báo viết rằng Thế vận hội 2008 diễn ra vào năm thứ 10 kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công. Hơn 8.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt giữ trước thế vận hội năm đó và ít nhất 100 người được cho là đã qua đời do hậu quả của việc ngược đãi trong trại giam.
Các tác giả viết: “Điều này đôi khi xảy ra trong phạm vi khu vực đi bộ đến các địa điểm tổ chức Olympic và các thắng cảnh chính. Trong số đó có anh Vu Trụ, 42 tuổi, một nghệ sỹ dân gian nổi tiếng đã chết trong trại giam sau 11 ngày bị bắt giữ vì sở hữu giữ tài liệu tôn giáo bị cấm (vợ anh, nghệ sĩ Hứa Na, đã bị bắt trước Thế vận hội 2022, và hiện đang chờ xét xử).”
Anh Vu Trụ và vợ Hứa Na
Vào ngày 19 tháng 7 năm 2020, các cảnh sát từ Đồn cảnh sát Không Cảng, quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh đã bắt cô Hứa Na khi cô đang vẽ tranh tại nhà. Họ quay lại vào ngày hôm sau và tịch thu đồ đạc cá nhân của cô gồm một máy tính, một điện thoại di động và một máy quay phim. Họ cũng giữ cô tại Trại tạm giam quận Đông Thành và tại đó cô Hứa đã tuyệt thực để phản bức hại.
Vào ngày 15 tháng 10 năm 2021, khi cô Hứa và 10 học viên Bắc Kinh khác bị xét xử tại Tòa án Đông Thành, năm luật sư, trong đó có ông Lương Tiểu Quân, đã bào chữa vô tội cho họ. Tuy nhiên, vào ngày 16 tháng 12, chính quyền đã thu hồi giấy phép hành nghề luật sư của ông Lương.
Chồng cô Hứa, anh Vu Trụ tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh và là một nhạc sỹ. Anh cũng bị bức hại vì tu luyện Pháp Luân Công và qua đời vào ngày 6 tháng 2 năm 2008. Trước lần bắt giữ gần đây, cô Hứa đã hai lần bị tống giam.
Làm ngơ trước tội ác
Bài báo của ông Ford và ông Matas cũng chỉ ra: “Hầu hết người dân Canada đều gần như không biết gì về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo chính trị ở Canada chỉ hiếm người biết điều đó. Một số sự kiện trong lịch sử Trung Quốc gần đây có tác động rất sâu rộng đến cục diện chính trị, an ninh và tâm linh của đất nước, tuy nhiên một số sự kiện lại ít được nghiên cứu hoặc được nhận thức còn rất hạn chế.“
Trên thực tế, Pháp Luân Công là một nhóm thiền định ôn hòa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, thế nhưng ĐCSTQ lại coi họ như kẻ thù.
“… tuy rằng Pháp Luân Công không phải là mục tiêu duy nhất của đàn áp tôn giáo, nhưng chiến dịch chống lại Pháp Luân Công lại có phạm vi, thời gian và cường độ đặc biệt đáng chú ý,” các tác giả viết.
Khi cuộc đàn áp được phát động vào tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã tuyên bố một kế hoạch để triệt để tiêu diệt Pháp Luân Công thông qua một cơ quan ngoài vòng pháp luật của đảng, gọi là Phòng 610. Bài báo nêu: “Các phương tiện truyền thông, cơ quan tư pháp, lực lượng an ninh, và tất cả các tổ chức đảng và nhà nước đã được huy động để đấu tranh chống lại đức tin này. Trong vài năm đầu của chiến dịch, báo chí nhà nước của Trung Quốc tràn ngập các hoạt động chống Pháp Luân Công, trong đó miêu tả các học viên của môn này khác biệt như một căn bệnh ung thư hoặc một loài sâu bọ cần tiêu diệt.”
“Các hội nghị quy mô lớn và việc đốt sách công khai đã được tổ chức ở các thành phố trên khắp Trung Quốc, và một hệ thống kiểm duyệt Internet nghiêm ngặt đã được lập ra để ngăn chặn việc truyền bá các quan điểm bất đồng,” bài báo tiếp tục, “Trong trường học và nơi làm việc, người dân buộc phải tham gia “đấu tranh” chống lại và bôi nhọ môn tu luyện. Những người từ chối thực hiện phải đối mặt với việc bị mất việc làm hoặc bị đuổi học, và nhiều người đã bị bỏ tù.”
Trong 20 năm qua, học viên Pháp Luân Công là nhóm tù nhân lương tâm lớn nhất ở Trung Quốc, với hàng trăm nghìn, và có thể là hàng triệu nạn nhân. “Trong các nhà tù, trại lao động cưỡng bức và trung tâm cải tạo, họ phải chịu những thủ đoạn tàn bạo hòng cưỡng ép ‘chuyển hóa’ tư tưởng, bao gồm đánh đập, cấm ngủ, quấy rối tình dục và cưỡng hiếp, treo người trong tư thế căng thẳng, sốc điện bằng dùi cui điện, và tiêm các loại thuốc ảnh hưởng tâm thần không rõ nguồn gốc,“ bài báo nói thêm, “Các nguồn tin của Pháp Luân Công đã ghi nhận được danh tính của hơn 4.700 người đã qua đời do bị tra tấn và ngược đãi khi bị giam giữ, mặc dù con số thực tế có thể cao hơn nhiều.”
Tội ác phản nhân loại
Bài báo giải thích: “Những tội ác phản nhân loại chống lại Pháp Luân Công là điều không thể hoài nghi. Bằng chứng có tính áp đảo, vô cùng chi tiết, xác thực và với số lượng đáng kể. Một câu hỏi thực sự được đặt ra là tại sao rất nhiều người lại không biết nó đang diễn ra.”
Ví dụ, mặc dù các quan chức không quan tâm đến sức khỏe thể chất hay tinh thần của các tù nhân Pháp Luân Công, “thế nhưng các viên chức trại lao động lại bắt họ phải kiểm tra y tế một cách có mục tiêu, mà ở đó, các bác sỹ lấy một lượng lớn máu, thăm dò nội tạng của họ hoặc chụp X-quang ngực, nhưng lại từ chối điều trị bất kỳ thương tích thực tế nào mà họ có thể phải chịu đựng khi bị giam giữ.“ Ngoài ra, một số học viên đã biến mất sau các đợt kiểm tra này.
Vào năm 2006, các nhân chứng đã làm chứng rằng việc phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp ghép tạng béo bở của Trung Quốc là nhờ nguồn cung nội tạng được thu hoạch từ các tù nhân lương tâm Pháp Luân Công. Bài báo cho biết: “Nhiều cuộc điều tra sau đó – bao gồm cả những cuộc điều tra do luật sư David Matas thực hiện – dường như là để xác nhận các cáo buộc.”
Vào năm 2019, Tòa án Xét xử Trung Quốc ở London đã điều tra bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng và đưa ra kết luận rằng nguồn nội tạng chính trong ngành ghép tạng béo bở của Trung Quốc là từ những học viên Pháp Luân Công không đồng thuận hiến tạng. Bài báo viết: “Kể từ năm 2000, các bệnh viện quân sự và dân sự Trung Quốc đã tiến hành hàng trăm nghìn ca cấy ghép nội tạng – thường là theo yêu cầu, không có bất kỳ hệ thống tự nguyện hiến tạng hữu hiệu nào, và không có lời giải thích xác đáng về nguồn gốc của nội tạng. Trong tháng 6 năm 2021, các chuyên gia nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc một lần nữa lên tiếng báo động về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng tiếp tục diễn ra đối với các nhóm thiểu số tôn giáo.”
Bộ máy áp bức được dựng lên để tiêu diệt Pháp Luân Công đã di căn, nó đã trở thành một thuộc tính vĩnh cửu trong bộ máy thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bài báo kết luận: “Việc bức hại người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, và ở mức độ thấp hơn là những tín đồ Thiên Chúa giáo trung thành, cũng được thực hiện bởi cùng thủ phạm với cùng thủ đoạn, mà Pháp Luân Công đã phải chịu đựng trong nhiều thập kỷ như: bỏ tù hàng loạt, tra tấn, lao động cưỡng bức, cải tạo tôn giáo, và có thể là thu hoạch nội tạng. Những ai làm ngơ trước cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công trong nhiều thập kỷ qua hiện tại không thể nói đó là điều gì ngạc nhiên nữa.”
Bài viết liên quan:
Nghệ sĩ bị cầm tù: Tôi không thể giữ im lặng để bảo vệ lợi ích cá nhân của mình
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/1/2/436299.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/4/197968.html
Đăng ngày 11-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.